Bày Tỏ
Lòng Biết Ơn
Khi
sống những tâm tình tạ ơn vừa nói trên, chúng ta sẽ biến lời tạ ơn
Thiên Chúa thành cơ hội để nên hoàn thiện, đáng lãnh nhận thêm muôn
vàn ơn phúc của Người và đem lại nhiều thiện ích cho tha nhân.
Vị linh mục mới đến
nhận giáo xứ được vài tuần, một cụ già vào xin lễ:
-
Thưa Cha, cho con xin lễ tạ ơn.
-
Bà mới trúng số hay vừa xây nhà xong? Cha
xứ hỏi đùa.
-
Từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ con mua vé số. Nhà con thì đã xây cả
chục năm nay rồi! Nhưng tháng nào con cũng xin một thánh lễ để tạ ơn
Chúa, vì Người đã thương ban cho con và con cháu muôn ơn lành hồn xác.
Bà cụ trả lời.
Tháng nào bà cụ
cũng xin lễ tạ ơn vì nhận biết tất cả những gì bà và con cháu đang
có đều là hồng ân Chúa ban. Việc làm ấy thể hiện lòng tin yêu và
biết ơn của bà với Thiên Chúa, nhưng đây có phải là phương cách duy nhất
để thể hiện lòng tri ân?
Tạ ơn là cách thức thể hiện lòng
biết ơn, và thánh lễ là hiến lễ cao quý nhất mà chúng ta có thể
cùng Giáo Hội hợp với Đức Giêsu dâng lên, để tạ ơn Chúa Cha, nhưng đây
không phải là cách duy nhất. Chúng ta có thể kể ra một số cách thức
mà mỗi người có thể thực hiện để bày tỏ lòng tri ân Thiên Chúa ở
mọi nơi, mọi lúc.
Suy phục quyền năng và ca ngợi tình
thương của Thiên Chúa bằng thái độ và lời nói, như người Samaria đã
làm sau khi được khỏi bệnh phong cùi, mà chúng ta vừa nghe: “Một người trong bọn họ thấy mình
được sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi
đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người.” (Lc 17, 15-16)
Một khi nhận ra quyền năng và ân
huệ Chúa ban, mỗi người trong chúng ta cần quyết tâm: chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa, như Naaman, vị
tướng của Syria, sau khi được khỏi bệnh đã thành tâm hứa trước mặt người
của Thiên Chúa: “Từ nay ngoài Chúa,
tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh
nào khác.” (1V 5, 17)
Kể
lại những điều tốt lành Chúa đã ban, để nhiều người có cơ hội nhận biết và
tin vào Thiên Chúa, Đấng quyền năng, luôn yêu thương và muốn cứu độ
tất cả mọi người, như Đức Giêsu đã nói với chàng thanh niên được
Người trừ khỏi quỷ ám đang xin đi theo làm môn đệ: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và loan tin cho họ biết mọi điều
Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” (Mc 5,
20)
Cố
gắng từ bỏ tội lỗi cũng là cách thức bày tỏ lời cảm tạ tình thương tha
thứ của Thiên Chúa. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình,
Đức Giêsu đã cứu chị khỏi bị ném đá theo luật Maisen, Người còn tha
thứ và căn dặn chị: “Tôi không lên
án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga
8, 11)
Lời tạ ơn phải chân thành và phát xuất từ tận sâu thẳm
của cõi lòng như Đức Maria: “Linh
hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên
Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1, 46-47) Và phải luôn cộng tác với ơn Chúa, để những ơn đó không ngừng sinh hoa kết
quả trong đời sống. Đức Maria và các Thánh là những mẫu gương sống
động cho chúng ta về điều này.
Chúng ta còn phải biết dùng ơn đã
lãnh nhận từ Thiên Chúa để phục
vụ tha nhân,
như lời Thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà
phục vụ kẻ khác.” (1Pr 4, 10)
Chẳng những tạ ơn Thiên Chúa trong
khi gặp điều may lành, mà còn cần tạ ơn
Người trong mọi hoàn cảnh: “Trong mọi hoàn
cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm
tạ Thiên Chuá là Cha.” (Ep 5, 20) Thực hành lời Thánh Phaolô dạy,
trong mỗi thánh lễ, với kinh tiền tụng, hợp cùng vị chủ tế chúng ta
đã thưa với Chúa: “Chúng con tạ ơn
Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ
cho chúng con.”
Cùng với việc dâng lời tạ ơn Thiên
Chúa, hoặc xin lễ tri ơn Người, chúng ta còn phải bày tỏ lòng biết ơn những người xung quanh, vì họ là hình
ảnh của Chúa và qua họ, Thiên Chúa thi ân cho chúng ta. Không thể hiện
lòng biết ơn với tha nhân, nhất là những người chúng ta chịu ơn họ
mỗi ngày là không biết ơn Đấng đã yêu thương hết mọi người, vì khi
làm hay không làm điều tốt đẹp cho tha nhân là chúng ta làm cho Chúa
hoặc đang từ chối Người. (Mt 25, 31-46)
Khi sống những tâm tình tạ ơn vừa
nói trên, chúng ta sẽ biến lời tạ ơn Thiên Chúa thành cơ hội để nên
hoàn thiện, đáng lãnh nhận thêm muôn vàn ơn phúc của Người và đem
lại nhiều thiện ích cho tha nhân.
Thành tâm xét lại cuộc sống, lắm
lúc chúng ta thấy mình cũng giống như chín người được chữa khỏi
phong cùi đã không trở lại cám ơn Đức Giêsu. Thật vậy, trước bao ân
huệ Chúa ban, nhiều khi chúng ta vẫn vô tình không nhận biết, chẳng
dâng lời tạ ơn và cũng không cố gắng cộng tác với ân huệ của Người,
nên đành để mất bao điều tốt lành mà đúng ra chúng ta có thể lãnh nhận.
Với tha nhân cũng thế, hằng ngày
gặp gỡ nhau trong một mái gia đình, một khu xóm, một xứ đạo hoặc
cùng chung một công sở, đã bao lần chúng ta nhận được sự giúp đỡ
của tha nhân nhưng đã làm ngơ như chưa bao giờ đón nhận, hoặc rất hà
tiện nói lời cám ơn, nên đời sống chung trở nên nặng nề và xảy ra
bao hiểu lầm, bất hòa trong cuộc sống.
Thể hiện tấm lòng tạ ơn Thiên Chúa
không quá khó. Diễn tả lời cảm ơn với một ai đó cũng thật dễ. Nếu
muốn, mỗi người chúng ta đều có thể dâng lời tạ ơn Chúa với cả tấm
lòng và cả cuộc sống; chúng ta cũng có thể bày tỏ lời cảm ơn với
tha nhân mỗi khi có dịp, nhưng tất cả còn tùy thuộc vào ý muốn, tấm
lòng và cách bày tỏ của mỗi người trong chúng ta.
Lm. Mt