Bài giảng của thánh Vianney _ ghen tị

Các bài giảng của thánh Vianney
GHEN TỊ
Mọi tội ác đều đáng ghê tởm; thế nhưng không tội ác nào trong chúng đáng cho mọi người kinh tởm cho bằng tội ghen tị. Những tội khác ít ra cũng có một lý do nào đó để bào chữa cho mình; nhưng các con tìm đâu ra lý do để bào chữa cho tội ghen tị?
Thánh Jn. M. Vianney
“Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15)
Tại sao các nhân công, những người đi làm vườn nho trước nhất, lại lầm bầm với những người đi làm trễ nhận được tiền công như họ? Họ không có quyền đòi hỏi hơn số tiền lương công nhật như họ đã thỏa thuận với ông chủ vườn nho từ trước, mà họ đã nhận được. Họ có bị thiệt thòi hay đau khổ gì khi những người kia được lãnh số tiền giống như họ không? Giả như những người đến sau bị trả ít đi liệu họ có được trả thêm đồng nào không? Thế thì tại sao họ lại cằn nhằn với ông chủ, và tỏ vẻ bất bình trước thái độ của ông? Các con có thể đoán được lý do tại sao, và trả lời rằng bởi vì họ ghen tị. Nếu họ không ghen tị, họ sẽ khen ngợi ông chủ là người tốt bụng và rộng lượng, và chúc mừng với những người bạn đồng nghiệp. Ghen tị quả là một điều đáng ghét và ghê tởm! Ai chưa mất đi tất cả những cảm nhận về đạo đức đều nghĩ ghen tị là một thói xấu đáng khinh nhất, và thói xấu này không hiếm như người ta nghĩ. Không nơi nào trên thế giới mà không có ghen tị. Thậm chí ở giữa chúng ta, ghen tị không phải là một điều lạ lẫm. Thật vậy, không một ai trên thế giới không phải giữ mình để thoát khỏi thói xấu ghen tị, canh giữ từng cảm xúc ghen tị trong lòng mình. Vì thế, hôm nay cha muốn cảnh giác cho các con phải chống lại thói xấu ghen tị, và nói cho các con biết ghen tị đáng kinh tởm và gây thiệt hại thế nào. Nếu chúng ta nhận ra nó xấu xa và nguy hại như thế nào, thì chúng ta sẽ ghét nó và xa tránh nó.
1) Để bày tỏ vẻ ghê tởm của ghen tị thì chẳng có gì khó cả. Chúng ta chỉ phải giải thích ghen tị là gì, để hiểu được sự ghê tởm của nó. Ghen tị là gì? Thưa, không gì khác hơn là sự buồn bực và khó chịu nào đó trước hạnh phúc và thành công của người khác, là vui mừng và khoái chí nào đó trước nỗi đau khổ và bất hạnh của người khác. Ghen tị với người hàng xóm là khó chịu vì họ có nhiều của cải, và mong muốn cho họ gặp điều dữ. Ở Đông phương có câu chuyện nói về một con chim khi thời tiết ấm áp và lúc mặt trời chiếu sáng thì ở trong tổ buồn bực, nhưng khi trời gió bão thì nó vui vẻ bay nhảy khắp nơi. Con chim bất thường này là hình ảnh của ghen tị. Nó giống y như những người ghen tị có cùng cảm giác buồn bực khi mặt trời của cải chiếu sáng trên người khác, nhưng lại vui mừng khi mưa bão của sự bất hạnh xảy đến với người khác. Vậy, có cần thiết một điều gì khác để chứng minh thêm về sự xấu xa của ghen tị không? Đó chẳng phải là một điều đáng xấu hổ để bực tức trước sự may mắn tốt lành của người khác, mà lý ra chúng ta phải vui mừng, và cảm thấy vui sướng khi người khác gặp điều bất hạnh chẳng lành, mà lý ra chúng ta phải cảm thông sao? Mọi tội ác đều đáng ghê tởm; thế nhưng không tội ác nào trong chúng đáng cho mọi người kinh tởm cho bằng tội ghen tị. Những tội khác ít ra cũng có một lý do nào đó để bào chữa cho mình; nhưng các con tìm đâu ra lý do để bào chữa cho tội ghen tị?
Người mê dâm dục có thể vì bị cám dỗ nặng quá, tính xác thịt làm cho họ ra mù quáng, dịp tội nguy hiểm đã khiến họ sa ngã; người trộm cắp có thể nói rằng lòng ham muốn và cơn đói đã làm họ mất lý trí; người trả thù có thể bào chữa vì họ bị cơn nóng giận lấn át; thế nhưng người ghen tị, điều gì có thể biện minh cho họ? Chẳng có gì cả; không gì khác ngoài sự ác ý đáng kinh tởm của họ. Ghen tị là một tính hiểm độc thuần túy, là đứa con thật sự của Hỏa ngục. Thật vậy, ghen tị là tội ác của ma quỷ. Nếu có người ghen tị, đó là một bằng chứng đáng buồn vì ma quỷ đã gây ảnh hưởng, sức mạnh, và uy quyền trên họ, nếu không thì làm gì có chuyện ghen tị ở giữa họ. Khi người ta đến từ Thiên Chúa, họ không biết ghen tị là gì. Thật là điều tự nhiên khi người ta vui với người vui, và buồn với người buồn. Trong trái tim con người, vì nó được Thiên Chúa tạo nên, người ta thấy có sự cảm thông và bác ái, một mối liên đới huynh đệ về niềm vui hay nỗi buồn của người đồng loại. Nếu có người đi ngược lại bản tính tự nhiên của họ, vui trước những đau khổ của người khác, đó là bằng chứng họ đang ở dưới sự điều khiển của ma quỷ, mối quan tâm của họ là làm sai lệch những gì Thiên Chúa đã qui định, và phá hoại những gì Thiên Chúa đã dựng nên.
Cha thậm chí còn dám nói rằng người ghen tị thì độc ác hơn và hành xử độc ác hơn cả ma quỷ ghen tị. Tại sao vậy? Vì người ghen tị xì ra nọc độc từ trong chính lòng họ, còn ma quỷ thì không làm như vậy. Ma quỷ chỉ ghen tị với con người. Hạnh phúc của con người làm chúng đau khổ, đau khổ của con người khiến chúng vui mừng, nhưng ma quỷ lại không ghen tị với nhau. Thế nhưng con người thì lại ghen tị với nhau; người ghen tị nổi giận với đồng loại của chính mình. Mọi người không phải là anh em của chúng ta, và kẻ thù chúng ta chẳng phải thuộc về cùng một gia đình của Chúa sao? Làm thế nào hạnh phúc của người anh em lại có thể gây đau khổ cho người anh em khác, hay lẽ nào nỗi đau buồn của người anh em lại có thể tạo niềm vui cho người anh em khác được?
Cha sẽ chỉ cho các con thấy ghen tị dưới một góc cạnh khác, cũng không kém phần ghê tởm đâu. Ghen tị không chỉ giới hạn trong sự ác ý thâm hiểm đối với người khác, mà còn là một tội vô cùng độc ác chống lại Thiên Chúa. Ghen tị với hạnh phúc của người khác nghĩa là kêu trách về sự quan phòng và cai quản của Thiên Chúa về thế giới. Những người làm vườn nho mà Tin mừng nói tới, đã kêu trách ông chủ, cũng giống như thái độ của tất cả những người ghen tị khác. Thậm chí cho dù họ không cằn nhằn bằng lời nói, nhưng ghen tị thực tế chính là một lời phản kháng chống lại Thiên Chúa. Người ghen tị phẫn uất với người khác về những phúc lành họ nhận được. Nhưng chẳng phải Thiên Chúa là Đấng đã ban phát những phúc lành cho họ đó sao? Đó là một vấn đề đau khổ đối với người ghen tị, là công việc của người khác được thành công, làm ăn buôn bán được phát đạt, hay những biến cố vui mừng xảy đến với họ. Nhưng chẳng phải mọi điều tốt lành đều đến bởi Thiên Chúa, Đấng cho mọi công việc được thành công, cho việc làm ăn buôn bán được phát đạt, và đem đến những biến cố vui mừng đó sao? Do đó, ghen tị là một lời phê phán, là một lời chống lại Đấng tạo hóa. Cặp mắt của người ghen tị là xấu xa, vì Thiên Chúa là tốt lành. Dựa trên lý do này, Thiên Chúa không phải thống trị thế giới theo giới luật yêu thương và công bình, nhưng theo ước muốn độc ác của người ghen tị, không cần đến những ơn huệ và sự trừng phạt. Tội ác ghen tị thật thâm độc thay! Vì thế, tội này không chỉ đáng xấu hổ, nhưng còn nhục nhã nữa, không chỉ ác độc, mà còn gây tai hại nữa, như chúng ta sẽ nói trong phần hai này.
2) Sự tàn phá của ghen tị thậm chí còn dễ chứng minh và nhận ra hơn tính hèn hạ của nó. Không phải tự dưng chúng ta thấy ghen tị được xếp trong bảy mối tội đầu. Nó là nguồn gốc của vô số những tội lỗi khác. Sự dữ thì không giới hạn, đều có cội nguồn từ ghen tị. Thật ra ghen tị ở trong gốc rễ của mọi tội lỗi, vì sự ghen tị của ma quỷ mà tội lỗi đã đến trong thế gian. Kinh thánh, lịch sử loài người, và kinh nghiệm hằng ngày chứng minh rằng không có thói xấu nào gây ra nhiều sự dữ và tác hại hơn ghen tị. Đây là nguyên nhân của tội giết người lần đầu tiên? Chẳng phải Cain độc ác đã giết em mình vì quá ghen tị sao? Chẳng phải những người con của Giacóp đã phạm tội hãm hại chống lại người em của mình là Giuse vì quá ghen tị sao? Chẳng phải vì ghen tị mà vua Saolê đã ném mạnh cây giáo muốn giết Đavít sao? Chẳng phải vì ghen tị đã khiến các thù địch của Đanien ném vị tiên tri vào hang sư tử sao? Chẳng phải những người Pharisêu và kỳ lão thỏa hiệp âm mưu giết Con Thiên Chúa sao? Chẳn phải họ đã đóng đinh Đấng Cứu Thế vì ghen tị sao? Có biết bao nhiêu tội ác xảy ra trong lịch sử thế giới có nguồn gốc từ ghen tị! Ghen tị đã có lần gây sự phân ly trong Giáo hội, phát sinh các dị giáo, những cuộc chiến tranh nảy sinh, anh em chống đối nhau, làm cho nhiều quốc gia bị tàn phá, những thành phố bị cướp bóc, chia rẽ nhiều gia đình, và đem chúng đến chỗ hủy hoại. Ghen tị không có biên giới. Nó không kể gì đến tình bạn bè hay ruột thịt. Nó xúi giục con cái chống lại cha mẹ, như trường hợp của Absalom chống lạ vua cha Đavít, anh em giết hại nhau, như Cain; bạn bè hãm hại nhau, như vua Saolê; nó khiến cho người ta quên hết những ơn huệ lớn nhất, và ghen ghét những người làm ơn trọng đại nhất cho mình, như trường hợp những người Pharisêu đối với Đấng Cứu Thế. Ghen tị là nguyên nhân của nhiều tội lỗi; vô ơn với Thiên Chúa, thậm chí nói phạm thượng; ghen ghét và thù hận tha nhân, rất thường có sự ghen ghét sâu đậm và những mối thù truyền kiếp không thể hóa giải được; vu khống, nói xấu, ước muốn trả thù, và tra tấn: tất cả những điều này đều là con cái của ghen tị, đúng thật là một bè lũ của Hỏa ngục, xứng hợp với quỷ vương, người cầm đầu Hỏa ngục. Thật không cần thiết phải dựa vào Kinh thánh hay lịch sử để chứng minh những ảnh hưởng tai hại của ghen tị. Kinh nghiệm hằng ngày đủ cho các con biết, những điều đang xảy ra xung quanh các con, nơi mà sự tàn phá của ghen tị đang làm việc một cách rõ ràng. Chẳng phải những hoa quả xấu xa của ghen tị sẽ là động lực cho chúng ta cố gắng xua đuổi thói xấu tai hại này ra khỏi lòng chúng ta sao? Tóm lại, để khích lệ các con hơn nữa trong quyết tâm này, cha sẽ nói cho các con biết, thói xấu ghen tị gây thiệt hại cho chính bản thân người ghen tị thế nào. Chắc chắn ghen tị gây cho thế giới nỗi khổ tâm lớn, nhưng nó tàn phá nhiều nhất nơi những người nuôi dưỡng nó, và những ai bị nó điều khiển. Không có thói xấu nào tự phạt mình như ghen tị.
Vì lý do này nên các Giáo phụ gọi ghen tị là một thói xấu công bình, không phải vì nó đem lại công bình, nhưng vì tự nó trừng phạt chính nó; bởi đau khổ của riêng nó trừng phạt nó, và một cách nào đó thể hiện sự công bình nơi bản thân nó. Như con mối đục khoét cây gỗ, nơi đã cưu mang nó, ghen tị cũng cắn rứt lương tâm của người nào đón nhận nó. Khi nó chiếm cứ được linh hồn làm chỗ ở, không bao lâu nó sẽ lộ mình ra trong cử chỉ bên ngoài của chúng ta, vì từ cái má của người ghen tị đỏ tía lên, nó bộc lộ ra ngoài cái nội tâm của chúng ta, với cặp má xanh xao và đôi mắt lõm vào. Ghen tị gặm nhắm tâm hồn giống hệt như sắt bị rỉ sét ăn mòn, nó làm cho thân thể suy nhược như một cơn sốt kéo dài, hành hạ linh hồn, tàn phá bình an nội tâm, lấp đầy người ta những sự thất vọng và buồn chán, xà xua đuổi tất cả sự bình an lẫn vui mừng trong tâm hồn.
“Tâm hồn bình an là nguồn sống cho thể xác, nhưng lòng ghen ghét tựa chứng bệnh mục xương.” (Cn 14,30) “Ghen tị và nóng giận làm giảm thọ những ngày sống.” (Hc 30,24) Bên cạnh sự đau đớn ghê gớm mà người ghen tị chuẩn bị cho mình ở đời này, còn có một nỗi khổ còn lớn hơn nữa đang đợi họ ở đời sau. Có lẽ các con tin rằng người ghen tị có thể được cứu rỗi phải không? Thánh Phaolô đã liệt kê ghen tị giữa những việc do tính xác thịt gây ra khiến ta không được vào Thiên đàng. (Gal 5,21) Chúng ta đừng ngạc nhiên về điều này. Phần thưởng hạnh phúc vĩnh cửu là yêu thương, là hy vọng, và là số phận của những ai biết mến Chúa và yêu người. Còn người ghen tị thì không biết mến Chúa, cũng không biết yêu người. Thánh John Chrysostom nói, nếu một người có thể làm được phép lạ, hay thậm chí họ giữ được lòng trong sạch, hay ăn chay, ngủ trên đất, và có các nhân đức như các thiên thần, mà để lòng bị ô uế bởi thói xấu ghen tị, thì họ vẫn là một người bị hư mất. Chúng ta thật khó mà thoát khỏi ngọn lửa đã chuẩn bị sẵn cho những người có lòng ghen tị độc ác, nếu chúng ta không thoát mình ra khỏi tật xấu này.
Vì vậy, đừng để mình phải mang lấy những đau khổ ở đời này, và những hình phạt đời sau dành cho những người ghen tị. Hãy xua đuổi ra khỏi lòng các con thói xấu đáng khinh bỉ và độc hại này. Hãy để tình mến ngự trị giữa các con, và đừng ghen tị nhau nữa. Hãy vui mừng với người vui, đau buồn với người đau khổ. Hãy quan tâm đến niềm vui và nỗi khổ của tha nhân. Hãy hân hoan với những người được sự lành, vốn thuộc về họ, thậm chí đó là kẻ thù của các con; và đừng quên chia sẻ sự cảm thông với những người bất hạnh, kể cả người đối nghịch với các con. Và như thế, các con sẽ giữ trọn giới luật của Chúa: “Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình.” (Mc 12,31) Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa gìn giữ chúng ta khỏi thói xấu ghen tị này, và lấp đầy trái tim chúng ta tình yêu của Người. Amen.