Thời sự GH _ sáu tháng đầu của Đức Phanxicô

Sáu tháng đầu của Đức Phanxicô
”Nhân cách của Đức Phanxicô phong phú và phức tạp xiết bao... Ngài có khả năng tự xác định mình mà không cần phải so sánh với các vị tiền nhiệm. Phanxicô tự xác định ngài là Phanxicô”.
Vũ Văn An
Ngày 13 tháng Chín vừa qua là ngày Đức Phanxicô thi hành thừa tác vụ Phêrô được đúng 6 tháng. Nhân dịp này, một số nhận định sau đây đã được viết về ngài.
Một nhân cách phong phú và phức tạp
Elise Harris của CNA/EWTN News cho rằng phong cách đặc biệt của Đức Phanxicô mỗi ngày mỗi rõ nét hơn và phần đông đồng ý rằng phong cách ấy nhấn mạnh nhiều tới bản chất mẫu thân và từ ái của Giáo Hội.
Ít nhất đó cũng là nhận định của nhà phân tích Châu Mỹ La Tinh Alejandro Bermudez: “Tôi nghĩ ngài muốn chứng tỏ một cách đầy ý thức khía cạnh mẫu thân và từ ái của Giáo Hội, một khía cạnh vừa hết sức thực... vừa hay bị lãng quên. Tôi nghĩ đó là một trong các đặc điểm định tính của triều đại ngài”.
Bermudez hiện là giám đốc điều hành của CNA và phụ trách một số chương trình truyền hình bằng tiếng Tây Ban Nha cho EWTN. Ông từng là bình luận gia khách về các vấn đề tôn giáo cho tờ New York Times và là phóng viên Châu Mỹ La Tinh cho tờ National Catholic Register. Ông cũng là tác giả cuốn sách mới xuất bản tựa là “Đức GH Phanxicô: Người anh em ta, Người bạn của ta” gồm các bài phỏng vấn, suy tư của người cùng trang lứa, của các giáo sư và bằng hữu thân thiết với Đức Giáo Hoàng trước khi ngài được bầu.
Là người vốn quen biết với Đức Phanxicô lúc ngài còn là TGM Buenos Aires, Bermudez cho biết: sáu tháng đầu tiên trong ngôi vị giáo hoàng “cho thấy nhân cách của Đức Phanxicô phong phú và phức tạp xiết bao... Ngài có khả năng tự xác định mình mà không cần phải so sánh với các vị tiền nhiệm. Phanxicô tự xác định ngài là Phanxicô”.
Tuy nhiên, dù nhân cách này vẫn “liên tục một cách đáng kể với con người chúng tôi từng biết trong tư cách Hồng Y Bergoglio” như đích thân gọi điện thoại cho những người không quen biết để an ủi, chào thăm hay khuyến khích họ, theo Bermudez, nó cũng đã có nhiều thay đổi từ ngày ngài ngồi vào Tòa Phêrô.
Một trong những thay đổi có ý nghĩa nhất là “năng lực và niềm phấn khởi của ngài khi gặp gỡ người ta. Trước đây, ngài là người không được thoải mái mấy với đám đông”. Sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro đầu mùa hè này, ngài “là một người hoàn toàn khác, một cách tốt đẹp, theo nghĩa: ngài hết sức thoải mái với đám đông, không giống như trong quá khứ”.
Không những thế, ngài còn làm gương cho nhiều người cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Theo Bermudez, ngài là tu sĩ Dòng Tên “từ đầu đến chân, trăm phần trăm Inhã, nghĩa là trung thành với truyền thống linh đạo của Thánh Inhã thành Loyola”. Chính Dòng này đã phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, từng được mạc khải cho Thánh Nữ Margaret-Mary Alocoque đầu thập niên 1600.
Theo Bermudez, Dòng Tên “coi trái tim như trung tâm con người nhân bản, một trái tim cần được biến đổi và cần được canh tân hoàn toàn”.
“Việc biến đổi trái tim này làm Kitô hữu trở thành trái tim của Giáo Hội, và khi trái tim Giáo Hội được biến đổi, Giáo Hội trở thành trái tim của thế giới, có khả năng biến đổi thế giới”.
Bermudez giải thích rằng việc biến đổi này không phát triển “theo một tuyến thời gian cứng ngắc”. Nghĩa là một khi người Công Giáo biến đổi, thì Giáo Hội sẽ biến đổi và chỉ sau đó, thế giới mới biến đổi. Đúng hơn, Dòng Tên coi diễn trình biến đổi này là một diễn trình đồng thời, trong đó, “mọi thay đổi trong trái tim con người đều được phản ảnh trong các thay đổi của Giáo Hội, và các thay đổi trong Giáo Hội được phản ảnh trong các thay đổi của thế giới”.
Phương thức đó đã được thấy rõ trong cả tư duy lẫn thực hành mục vụ của Đức HY Bergoglio và là điều mỗi ngày mỗi được thấy rõ hơn nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. “Ngài là người hoàn toàn xác tín rằng bất cứ cuộc cải tổ Giáo Hội nào cũng bắt đầu bằng việc biến đổi trái tim”.
Hai điều mới mẻ lớn lao
Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, nhân dịp này, nói tới 2 điều mới lạ lớn lao của Đức Phanxicô: chọn tên Phanxicô và việc chấm dứt chính sách qui Âu Châu của Giáo Hội.
Chính Đức Tân Giáo Hoàng đã giải thích lý do của việc chọn tên Phanxicô: để tập chú vào người nghèo. Còn về sự kiện không-Âu Châu, cha Lombardi cho hay: “Điều này được nhìn một cách tích cực như là việc mở rộng chân trời. Ta thấy điều này cách đặc biệt trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới” trong đó, phong cách của Đức Phanxicô là phong cách “mục vụ, phương thức giao tiếp với con người là phương thức trực tiếp và ngôn ngữ của ngài là ngôn ngữ đơn giản”.
Mọi vị giáo hoàng đều có tính phổ quát, “dù việc bầu một giáo hoàng xuất thân từ một lục địa khác, trên thực tế, vẫn mang tới một điều gì đó đặc biệt trong phong cách, trong viễn tượng nhìn, và đó là điều toàn thể Giáo Hội mong muốn”.
Phát ngôn viên Tòa Thánh cũng nói tới cung cách Đức Phanxicô vươn tay ra với những ai “đã ra xa lạ” với Giáo Hội. Cha cho hay: “Phong thái, ngôn ngữ trực tiếp của Đức Giáo Hoàng, các thái độ của ngài, cả nét mới mẻ trong lối sống của ngài nữa, đã khiến người ta xúc động sâu xa và tạo nên chú ý và hứng khởi lớn lao”.
Cha Lombardi cũng nhấn mạnh rằng phía đàng sau sự tò mò, còn có một yếu tố sâu xa lôi cuốn mọi người, đó là “Sự kiện Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới một Thiên Chúa tình yêu, một Thiên Chúa xót thương, một Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, Đấng mà ngài đề cập tới với một dạ khiêm cung”.
Về cuộc cải tổ giáo triều, Cha Lombardi cảnh giác ta không nên quá chú trọng tới những cải tổ về cơ cấu. “Điều quan yếu là cuộc cải tổ muôn thuở về sinh hoạt Giáo Hội và về phương diện này, Đức GH Phanxicô, qua gương sáng của ngài, qua nền linh đạo của ngài, thái độ khiêm nhường và sự gần gũi của ngài, chắc chắn muốn đem ta gần lại Chúa Giêsu, ngài muốn biến ta thành một Giáo Hội lữ hành, gần gũi với nhân loại ngày nay, nhất là nhân loại đau khổ, đang cần biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa”.
Sức mạnh thiên nhiên
John L. Allen Jr của tờ National Catholic Reporter, sau khi kể hàng loạt các điều “nhất” và thành tích của Đức Phanxicô trong suốt 6 tháng qua, đã đi đến nhận định sau: “Không thể lầm lẫn nữa: Đức Phanxicô là một hiện tượng, một sức mạnh thiên nhiên nâng cao hoài mong, đảo lộn tiên đoán, tạo ra chiều hướng khả thể mới, khiến người ta cứng lưỡi, và trong một số giới, gia tăng lo lắng, tất cả chỉ trong vòng nửa năm trời ngắn ngủi”.
Allen đồng ý với Bermudez khi cho rằng những ai từng quen biết với Đức HY Bergoglio hồi ngài còn ở Buenos Aires, hẳn phải ngạc nhiên lúc gặp lại ngài trong tư cách Giáo Hoàng. Vì theo họ, nay ngài thật thoải mái trên diễn đàn công.
Thực vậy, lúc còn ở Buenos Aires, Đức HY Bergolio nổi tiếng là người không thân thiện với giới truyền thông, càng tránh được truyền thông bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Người ái mộ ngài thì gọi đó là khiêm nhường. Người phê phán thì bảo ngài “đáng nản” hay “xám ngắt”. Nói gì thì nói, khía cạnh đó đã trở thành “phong cách”.
Thành thử thấy ngài chiếm được lòng người một cách “vũ bão”, đến độ khiến đám đông ở Ba Tây “loạn cuồng” gần như muốn cưỡng đoạt đoàn xe hộ tống ngài, muốn “săn đuổi” ngài như các thiếu nữ săn đuổi Justin Bieber trong buổi hòa nhạc, làm cho bằng hữu cũ và thân nhân của ngài ngỡ ngàng như được “mạc khải” điều gì hoàn toàn mới lạ!
Em gái duy nhất còn sống là Maria Elena Bergoglio, trong một cuộc phỏng vấn của tờ National Catholic Reporter hồi giữa tháng Tư, cho rằng “Anh tôi gần gũi với dân chúng Á Căn Đình ở đây, nhưng hôm nay hình như anh ấy còn gần gũi hơn nữa và có khả năng diễn tả tâm tình một cách hay ho hơn nhiều, điều mà tôi cho là nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp”.
Giải thích thế nào thì giải thích, các chính khách và những người tăm tiếng đều ước mong có được sức lôi cuốn của Đức Phanxicô. Nguyên việc ngài lôi cuốn hơn 3 triệu người tới bãi biển Copacabana của Ba Tây hồi tháng Bẩy cũng đã phá tan các kỷ lục của Rolling Stones rồi.
Và cũng như Bermudez và cha Lombardi, Allen cho rằng Đức Phanxicô là người của trái tim. Từ được ngài dùng nhiều nhất trong sáu tháng qua là “hân hoan” (hơn 100 lần), tiếp theo là từ “thương xót” (gần 100 lần). Ngài lấy lòng thương xót làm tâm điểm cho bài giảng lễ đầu tiên tại nhà thờ giáo xứ Thánh Anna tại Vatican (17 tháng Ba) và đã lặp lại nó trong buổi đọc kinh Truyền tin cùng ngày. Ngài bảo: “Đối với tôi, và tôi xin khiêm cung nói điều này, sứ điệp mạnh mẽ nhất của Chúa là lòng thương xót”. Lòng thương xót này phản ảnh trong chính huy hiệu của ngài Miserando atque eligendo (xót thương và tuyển chọn). Huy hiệu này khiến ngài rất mộ mến và thực hành bí tích giải tội.
Người ta tin rằng cuộc cải tổ của Đức Phanxicô mà ai cũng mong chờ sẽ biến Giáo Hội Chúa Kitô thành một Giáo Hội biết xót thương và cảm thông.
Không bị nuốt trửng bởi chức vụ
Người điểm sách của tờ Catholic Herald ở London là Francis Phillips, sau khi kể ra một số cử chỉ ngoại thường của Đức Phanxicô, đã có nhận định sau: ngài là “người không bị nuốt trửng bởi chức vụ và là người có cách riêng để thổi sinh khí mới vào chức vụ cổ kính, nạm đầy truyền thống này. Các đặc điểm này khiến Đức Giáo Hoàng dễ đến với tâm trí người bình thường... chúng đem lại cho thế giới và cho hàng ngũ giáo dân Công Giáo một cái nhìn mới mẻ về người đứng đầu cộng đồng tôn giáo lớn nhất thế giới”.
Phillips thích lối nói ứng khẩu của Đức Phanxicô dù có vì thế mà ngài hay bị báo chí thế tục giải thích sai. Bài xã luận của tờ Telegraph ở London chẳng hạn, khi nhận xét về lá thư ngài gửi cho tờ La Republica trong đó, ngài nói rằng lòng xót thương của Thiên Chúa áp dụng cho cả người vô thần nếu họ chịu theo tiếng lương tâm của họ, đã cho rằng chủ trương này quả là Tin Mừng biết điều (Gospel of niceness). Hình như họ không chịu đọc câu sau chữ “nếu”.
Vũ Văn An
Nguồn VCN

Thời sự Giáo Hội