Sống đức tin _ đời tôi như của lễ

ĐỜI TÔI NHƯ CỦA LỄ
Tôi biết đời tôi chẳng là gì. Nhưng nó sẽ có giá trị nhờ kết hợp với của lễ tình yêu của Chúa Giêsu.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1.
Nếu ai hỏi tôi lý tưởng đời tôi là gì, tôi sẽ trả lời một cách vắn gọn: “Đời tôi như của lễ”.
Nếu ai hỏi về của lễ mà tôi dâng là gì, tôi cũng sẽ trả lời một cách vắn gọn: “Của lễ tình yêu”.
2.
Chọn lựa của tôi được dựa trên Kinh Thánh.
Thánh Phaolô quả quyết: Đức ái là cao quý nhất, hơn nữa, là quan trọng hơn cả. Ngài viết:
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.
“Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng có ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).
3.
Như vậy, tình yêu là con đường tuyệt hảo hơn hết. Tình yêu là ân huệ hoàn hảo hơn hết.
Nhiều vị thánh đã triển khai tư tưởng đó bằng những lời khác nhau. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có lợi ích hơn tất cả các công trình khác hợp lại với nhau” (Ca thiêng thánh Gioan Thánh Giá).
4.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: “Tình yêu gồm hết mọi địa vị trong thân thể Chúa, tình yêu là tất cả, tình yêu bao gồm mọi thời gian và không gian... Tắt một lời tình yêu là bất diệt” (Thư gởi chị Marie du Sacré Coeur).
Ý thức được như vậy, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chọn cho mình con đường tình ái, chỉ vì Ngài biết mình quá yếu đuối và bé nhỏ. Ngài viết: “Con chỉ là một đứa trẻ nít bất lực và yếu đuối. Chính sự yếu đuối của con đã khiến con táo bạo tận hiến làm của lễ toàn thiêu cho tình yêu Chúa” (Thư gởi chị Marie du Sacré Coeur).
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhận thấy rõ ràng Chúa đã yêu thương con người đến nỗi hạ mình xuống một cách tột độ. Vậy thì tình yêu chỉ có thể đáp lại bằng tình yêu. “... Con không có phương pháp nào khác để minh chứng tình yêu của con đối với Chúa ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ bé nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào. Con sẽ lợi dụng tất cả những việc nhỏ nhặt nhất và làm chứng với tất cả một tình yêu mến. Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến. Như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa, hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con nhấc cánh dâng lên Chúa... Rồi tay thì dâng hoa miệng thì ca hát. Và con ca hát ngay cả khi hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau đớn bao nhiêu thì tiếng hát tình yêu của con càng du dương bấy nhiêu” (Thư gởi chị Marie du Sacré Coeur).
5.
Những lời trên đây của thánh nữ Têrêsa làm tôi nhớ tới giá trị của đau khổ trong tình yêu, mà Chúa Giêsu đã nói tới trong Phúc Âm: “Thật, Ta bảo thật, nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không mục nát đi thì nó vẫn cứ trơ trọi như thế, nhưng nếu nó mục nát nó sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12,24-25).
6.
Đối với thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, khi cuộc đời trở thành của lễ tình yêu, thì không phải chỉ chấp nhận đau khổ vì yêu, mà còn phải đối xử với người khác cũng bằng tình yêu. Về điểm này thánh nữ Têrêsa đã đưa ra kinh nghiệm của bản thân mình: “Bản tính của con là bản tính mà sự sợ hãi có thể làm con lùi bước, nhưng với tình thương không những con tiến mà còn bay nữa” (Tự Thuật).
7.
Tình thương đối với người khác còn phải được trong sáng trong những việc từ thiện xã hội. Thánh Phaolô viết: “Tôi không cần tặng vật mà cần cho anh em được sinh hoa kết quả dồi dào” (Pl 4,17).
Thánh Augustinô cắt nghĩa lời của thánh Phaolô trên đây như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã dạy con cho biết phân biệt giữa tặng vật và hoa lợi. Tặng vật là của cải mà người ta giúp đỡ chúng con trong lúc cần thiết như tiền bạc, của ăn, của uống, áo quần, nhà ở và mọi cứu trợ khác. Còn hoa lợi là ý chí tốt lành và ngay thẳng của kẻ cho” (Tự Thuật, Giá trị thật của việc bác ái, 41). Tôi hiểu ý chí tốt lành và ngay thẳng là tình thương vô vị lợi, hơn nữa là vì mến Chúa mà bác ái quên mình. Gương sáng gần tôi nhất là thánh Têrêsa Calcutta.
Tới đây tôi hiểu thế nào đời tôi là của lễ thực sự.
8.
Thực hiện được như vậy cũng là đã khó. Tôi rất cần phải có ơn Chúa. Cái khó hơn nữa chính là của lễ không ngừng. Nghĩa là phải thực hiện từng ngày, từng giờ, từng phút, không nản lòng, không thối chí. Về điểm này, tôi rất biết ơn Hội thánh của tôi. Hội thánh mà tôi nói đây là Hội thánh mở ra về phía Nước Trời. Một Hội thánh thực sự là thánh nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thương giải cứu con người bằng một tình yêu không mỏi mệt, một tình yêu hy sinh đến cùng, để đền tội thay cho nhân loại. Tình yêu này rất khiêm nhường, rất quảng đại.
Đời tôi như của lễ không hề ngưng. Tôi mượn lời trên đây từ bài nhạc của Ngọc Kôn, người học trò cũ yêu mến của tôi. Xin cảm ơn Anh.
Tôi thiết nghĩ nhiều người trong Hội thánh Việt Nam cũng đang sống đời mình như của lễ tình yêu.
9.
Khi tôi nói “Đời con như của lễ không hề ngưng”, tôi nhìn lên Chúa là Cha giàu tình yêu thương xót. Tôi xin Chúa Cha nhìn của lễ đời tôi, trong và cùng với của lễ Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Tôi biết đời tôi chẳng là gì. Nhưng nó sẽ có giá trị nhờ kết hợp với của lễ tình yêu của Chúa Giêsu.
Tôi cũng tha thiết xin Đức Mẹ luôn ở bên tôi. Mẹ phủ trên tôi tình yêu “Xin vâng” của Mẹ, để rồi Mẹ dâng tôi như đứa con bé nhỏ lên Chúa là Tình yêu thương xót.
Sống như của lễ tình yêu, chết cũng như của lễ tình yêu. Đó chính là ân huệ cao quý Chúa thương ban. Tôi tin như vậy với tất cả tấm lòng khiêm tốn cảm tạ Chúa nhân lành.
Đó cũng là điều linh thiêng cao quý, mà tôi xin thân ái và thành thực cầu chúc cho mọi người trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu, nhân ngày LỄ QUỐC KHÁNH 2013.
Long Xuyên, ngày 25 tháng 8 năm 2013.
+ GB Bùi Tuần