CĂN BỆNH
NGUY HIỂM
Lương tâm nhẹ hơn lương lậu, lương
thiện nhỏ hơn lương tiền và lương tri phải nhường cho lương bổng lên ngôi.
Thiên Chúa ư? Ngài đi chỗ khác chơi, để yên cho tôi làm giàu!
Tháng 10 năm 1990, ông Nhêbôisa Bôtrêvích, nhà tiên tri nổi
tiếng gốc Nam Tư, người đã tiên báo bức tường Bá Linh sụp đổ và nước Đức thống
nhất, trong cuộc gặp mặt tại nhà văn hóa Liên Xô, đã buồn rầu thông báo: chẳng
bao lâu nữa, trên thế giới sẽ xuất hiện một căn bệnh nguy hiểm được truyền qua
những tờ giấy bạc (x. Sáng Tạo số 44, tháng 10 năm 1990).
Nghe lời thông báo ấy, thú thật ban đầu tôi không tin. Ba
láp! Nhưng khi tổng hợp những sự kiện nước ngoài: Tỷ phú Max Well chết đột ngột
trên du thuyền để lại món nợ bất minh hàng triệu đô la; hàng loạt chính khách
Nhật Bản rớt đài vì dính líu làm ăn với những công ty đa quốc gia; quan tòa Ý
Falcon bị sát hại, tôi nghĩ có thể có một căn bệnh nguy hiểm truyền qua tiền bạc.
Rồi nối kết với một vài sự kiện gần đây trong nước: đường giây sextour Bambi bị
đem ra ánh sáng và băng cướp “quý tử” bị hầu tòa, tôi nghiệm ra ra thật có một
căn bệnh như thế. Để rồi hôm nay tiếp cận với Phúc Âm, khi Thiên Chúa không chấp
nhận cho kẻ tin đặt Ngài đứng chung liên danh với tiền bạc, xin được chia sẻ về
dấu vết của căn bệnh ấy. Phần gọi tên xin nhường cho cộng đoàn. Chỉ biết rằng một
khi mắc phải căn bệnh ấy người ta khinh thường tất cả: phá đổ đạo đức, khai trừ
Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và đó là căn bệnh nguy hiểm cho lòng tin tín hữu.
Có ba dấu vết:
1. Dấu vết thứ
nhất được nhận ra trong thái độ cần tiền.
Tiền bạc vốn lạnh lùng, “lạnh như tiền”. Tiền chẳng quen
ai, nhưng ai cũng quen tiền: trẻ khóc đòi dòng sữa mẹ, nhưng được người lớn dỗ
dành dúi vào tay một tờ giấy bạc, lâu ngày thành quen, để sau này mỗi lần khóc
lại thích nhận lấy tờ giấy bạc thay cho nỗi sầu nhớ mẹ. Một người nhà quê chẳng
biết chữ nhưng trong sinh hoạt hằng ngày đố ai thấy bác tính toán sai một đồng.
Tiền chẳng có tình cảm, nhưng không thiếu những tình cảm
với tiền: được tiền thì vui cười hỉ hả, mất tiền thì rầu rĩ xót xa. Ngày tết lì
xì tiền thay cho phước thọ và ngày cưới, mừng tiền thế cho tình thân. Dù Tết
hay Cưới, người ta đều chúc: “Tiền vô như
nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”.
Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền: chưa sinh ra
đã cần tiền để mẹ tròn con vuông và chết rồi vẫn cần tiền để ma chay tốt đời đẹp
đạo. Trẻ cần tiền ăn học, lớn cần tiền để gầy dựng sự nghiệp và già cần tiền để
dưỡng thân. Đời cần tiền để phát triển nhưng đạo cũng cần tiền để xây dựng mở
mang.
Tiền cần nên tiền quý. Người làm ra tiền là người giỏi,
nghề hái ra tiền là nghề trọng, người có nhiều tiền được nể vì. Cứ như thế đồng
tiền ung dung đi vào tư tưởng lời nói và việc làm của con người. Tình trạng cần
tiền lâu ngày ủ mầm có thể dẫn đến nguy cơ lệch lạc trong cách nhìn con người
và sự việc, nhất là lẫn lộn giữa sở hữu và hiện hữu, giữa tài sản và con người.
Người ta tay không có thể bình đẳng, nhưng đồng tiền đặt lên ai thì cán cân
nghiêng về người ấy. Đáng giá trị rốt cuộc là đấu giá cả. Và nguy hiểm là ở chỗ
đó.
Sáng nay quan sát thiếu nhi sinh hoạt, thấy có một đội
không chơi, hỏi ra mới biết đội đó không chơi chỉ vì thiếu vắng một em đóng tiền
nhiều nhất.
2. Dấu vết thứ
hai được nhận ra trong thái độ kiếm tiền.
Đối với nhiều người, kiếm tiền là một trách nhiệm thuộc bậc
sống, bởi lẽ có tiền mới trang trải được những nhu cầu cơm ăn áo mặc hằng ngày.
Nhưng vấn đề không phải là kiếm tiền mà là cách kiếm tiền.
Kiếm tiền bằng lao động chân tay trí óc, đó là điều chính
đáng, nhưng quá lo lắng đến kiếm tiền để rồi quên đi những trách vụ khác trong
đạo làm người và làm con Chúa thì ở đó căn bệnh đã xuất hiện ở dạng cấp tính có
nguy cơ gây thiệt hại cho chính bản thân và cho những người lân cận.
Kiếm tiền bằng thù lao phù hợp với công sức bỏ ra thì đó
là lương thiện. Nhưng kiếm tiền bằng cách chỉ đuổi theo tiền mà không biết đến
giá trị đạo đức nào khác, hoặc tự động chấp nhận “thủ tục đầu tiên”, hay “quà
biếu trên mức tình cảm” của một thứ lương đồng nghĩa với sự đút lót hoặc chủ
động vi phạm lẽ công bình như làm hàng giả thuốc giả “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” của một thứ kinh tế mánh mung,
thì ở đó căn bệnh đã phát triển ở dạng mãn tính chẳng những gây thiệt hại mà
còn chà đạp lên tiếng nói lương tâm khi ăn trên mồ hôi nước mắt kẻ khác. Lúc đó
lương tâm nhẹ hơn lương lậu, lương thiện nhỏ hơn lương tiền và lương tri phải
nhường cho lương bổng lên ngôi. Thiên Chúa ư? Ngài đi chỗ khác chơi, để yên cho
tôi làm giàu!
Kiếm tiền để sống là đẹp, nhưng thật thảm hại khi sống chỉ
để kiếm tiền. Đồng tiền ở đấy đã xuất hiện là một căn bệnh nguy hiểm. Thảo nào
người ta vẫn bảo “tiền bạc” là đồng tiền đi liền với bạc bẽo.
Ở đây xin nhường lời cho cụ ông trước kia giàu nứt đố đổ
vách, giờ gặp cảnh khố rách áo ôm quyền chia sẻ kinh nghiệm: “Khi còn trẻ người ta sẵn sàng phí sức khỏe
để kiếm tiền, nhưng khi về già người ta lại sẵn sàng phí tiền để tìm lại sức khỏe”.
Mà nào có được đâu! Mời suy nghĩ.
3. Dấu vết thứ
ba được nhận ra trong thái độ xài tiền.
Cần tiền – kiếm tiền – xài tiền. Không có gì đáng nói nếu
chỉ có thế. Nhưng một khi xem tiền như một phương tiện vạn năng “có tiền mua tiên cũng được” lâu ngày sẽ
trở thành di căn. Hoặc trong lối sống ghẻ lạnh với những giá trị đạo đức để rồi
hóa giá tất cả: phẩm giá, lẽ phải, tình thương, nhân tính… Lối sống ấy chỉ có
câu hỏi “bao nhiêu?”. Ngoài ra chấm hết. Không lạ gì đồng tiền gây nên tệ hại
theo kiểu nói “tiền tệ”. Hoặc trong niềm tin dẫn tới hậu quả xem thường đạo
giáo buôn thần bán thánh và hạ bệ Thiên Chúa, để tôn sùng tiền bạc làm thượng đế
của mình như một câu vè truyền miệng đó đây: “Tiền là tiên là Phật, tiền là sức bật con người, tiền là nụ cười tuổi
trẻ, tiền là sức khỏe người già, tiền là cái đà danh vọng, tiền là chiếc lọng
che thân, tiền là cán cân công lý. Hết ý!”
Vẫn biết “đồng tiền
đi liền khúc ruột” theo kinh nghiệm của các bậc tiền bối là một lời dạy
khôn ngoan rất gần với sự tiết kiệm vốn phải có cho mọi kẻ giữ tiền. Nhưng khi
cẩn trọng quá hóa keo kiệt trong những tiêu pha, đến nỗi không dám bỏ ra một đồng
cho nhu cầu vật chất hay tinh thần thì xem ra đồng tiền lúc ấy đã “làm phiền”
khúc ruột không ít. Hoặc khi cẩn trọng quá hóa bịn rịn trong thái độ đối với tiền
như “ra đường chắt bóp tiêu pha, về nhà
ngây ngất lăn ra đếm tiền” thì chừng như đã để đồng tiền “xích xiềng” khúc
ruột mà không ai biết.
Ngược với thái độ cẩn trọng là một sự hoang phí tiêu xài
vung vít. Khi vung vít nhẹ là khi “vung
tay quá trán”, con nhà lính tính nhà quan, làm một xài hai. Khi vung vít nặng
là khi “vung tiền qua cửa sổ” dấu hiệu
của sự vô độ tiêu xài. Rồi khi để cho đồng tiền len lỏi vào trong tính toán hằng
ngày và giấc ngủ hằng đêm theo kiểu lên sàn thị trường chứng khoán ngợp choáng
thời giờ thì lúc ấy khúc ruột đã nuốt trửng đồng tiền và hậu quả duy nhất chính
là đồng tiền “xay nghiền” khúc ruột.
Làm sao tín hữu có thể dung
hòa lòng tin với những sinh hoạt vốn liên hệ đến tiền? Thưa dựa trên Phúc Âm chỉ
cần một chữ Tín. Nếu giàu, hãy tín trung với Thiên Chúa để biết xài tiền phù hợp
với bác ái, vì tiền là một đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ xấu. Nếu nghèo,
hãy tín thác nơi Thiên Chúa để từng ngày kiếm tiền mà không vi phạm công bình,
vì chỉ để một đồng xu trên mắt thôi cũng đủ bị che chắn hết tầm nhìn hướng thượng.
Và dẫu giàu hoặc nghèo, hãy tín nghĩa để gần tiền mà chẳng hôi hám mùi tiền. Tiền
bạc như dòng nước, nếu không cẩn thận người ta có thể bị cuốn trôi.
Chữ TÍN ấy là thuốc chủng
ngừa căn bệnh nguy hiểm mà Bôtrêvích đã tiên báo.
ĐGM.
Giuse Vũ Duy Thống