KHOAN DUNG
Lòng quảng đại và khoan dung của chúng
ta là thước đo mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Chúng ta cần tập lòng
khoan dung để có thể đón nhận người anh chị em lầm đường lạc lối với lòng
thương xót, như lòng từ bi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Bạn thân mến,
Có bao giờ bạn bị lạc mất một món đồ mà phải vất vả đi
tìm không? Lúc chưa kiếm được thì tâm trạng bạn ra sao? Có bồn chồn nóng nảy, bực
mình cay cú không? Còn khi tìm được rồi thì bạn cảm thấy thế nào nhỉ? Có thấy
vui và nhẹ nhõm không?
Tuần trước tôi để cái thẻ nhớ của máy chụp hình trong chiếc
áo khoác ngoài mà quên bẵng đi. Rồi cứ loay hoay cả buổi đi tìm. Moi móc từng góc
cạnh của căn phòng nhỏ để tìm cho bằng được. Tìm mãi không ra, cứ ngỡ rằng đã mất,
mãi cho đến khi tình cờ đem quần áo đi giặt, lục túi áo mới bắt gặp nó. Tôi thở
phào nhẹ nhõm!
Mất cái thẻ nhớ của máy hình thì tôi có thể mua mấy cái
khác thay thế. Nhưng tôi quyết tâm kiếm cho được vì trong đó có chứa một vài tấm
hình phong cảnh tôi chụp ở VN. Những tấm hình đó có đầy ở trên internet, có khi
còn đẹp hơn là hình tôi chụp nữa. Nhưng đây là những tấm hình quan trọng, có
giá trị với tôi nên tôi đã vất vả đi tìm.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói lên một tâm tình tương tự
như thế. Ba dụ ngôn của Tin Mừng Luca chương 15 nói về con chiên lạc, đồng bạc
bị mất, và người con đi hoang. Cả ba dụ ngôn đều nói lên trọn vẹn tâm tình của
một Thiên Chúa yêu thương và nhẫn nại. Cả ba đều diễn tả niềm vui khi tìm được
cái đã mất. Cả ba dụ ngôn đều nhấn mạnh vào hai cụm từ được lập đi lập lại: “mất”
(Hy lạp: apollymi) và “tìm đuợc” (heuriskô) và sự vui mừng khi tìm thấy điều
đã thất lạc.
Này nhé, trong dụ ngôn con chiên lạc, ta nghe thấy: "Người nào trong các ông có một trăm
con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng
hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ
vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung
vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó!’”
Cũng tương tự như thế trong dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất,
ta lại nghe: "Hoặc người phụ nữ nào
có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét
nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và
nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất."
Và trong dụ ngôn người cha và hai đứa con, ta cũng nghe: "Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,
đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng... Nhưng chúng ta phải ăn mừng,
phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."
Trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, điểm nhấn là hai dụ ngôn
đầu chứ không phải là dụ ngôn thứ ba vốn đã được đọc trong Chúa nhật thứ IV Mùa
Chay năm nay. Ở đây nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa cho từng cá nhân. Lòng
khoan dung của Thiên Chúa, chứ không phải thái độ ăn năn thống hối của tội
nhân, là đề tài Hội Thánh mời chúng ta cùng suy tư.
Con chiên, đồng bạc và người con thứ bị thất lạc trong những
hoàn cảnh khác nhau. Con chiên đi lạc vì nó không định hướng được với đàn. Có
thể vì nó u mê đi lạc, có thể vì nó ham ăn quên cả đường về, hay có thể vì nó vấp
ngã đâu đó, bị cả đàn bỏ lại đằng sau. Còn đồng bạc không tự mình đi, nhưng có
thể nó bị mất vì rơi rớt đâu đó. Có khi nó bị lẫn lộn trong hàng trăm thứ vật dụng
cỏn con. Nhưng đồng bạc lại không thể kêu lên như con chiên để người chủ đi kiếm.
Nó phải an phận trong bóng tối cho đến khi ai đó tìm thấy được. Còn người con
thứ thì có đủ tự do chọn lựa, nhưng anh ta đã chọn lầm và đã phải trả một giá đắt
cho sự sai lầm của mình. Thông thường chúng ta nghĩ rằng anh ta ra đi vì ham
chơi đua đòi, muốn độc lập, hoặc bất mãn với cha mình. Nhưng biết đâu đó là vì
hoàn cảnh mà anh ta phải ra đi. Có thể vì cuộc sống ở gia đình quá ngột ngạt buồn
tẻ, có khi vì người anh ganh tị chèn ép. Dù sao anh ta cũng đã bỏ nhà ra đi, và
đối với gia đình làng xóm, anh ta đã thất lạc.
Dù đến từ nguyên nhân nào, sự thất lạc cũng đều gây cho
người bị mất mát một nỗi xót xa nuối tiếc. Một con chiên, có thể là một con
chiên nhỏ trong đàn, có đáng giá là bao mà người chăn phải vất vả đi tìm cho kỳ
được? Một đồng bạc, chỉ là một đồng trong chuỗi tiền dùng làm đồ trang sức, có
giá trị thế nào để người đàn bà phải đốt đèn quét nhà tìm cho kỳ được? Phải
chăng hai dụ ngôn này cho thấy hình ảnh của mỗi người chúng ta trong ánh mắt
yêu thương của Thiên Chúa?
Từ cấp số 100 đến cấp số 10, Thiên Chúa luôn quan tâm đến
từng cá nhân và quý trọng từng người một, như họ là những người duy nhất. Không
phải bởi vì 99 con chiên không lạc mà Ngài bỏ qua một con nhỏ nhoi. Không phải
vì 9 đồng bạc còn đó mà Ngài bỏ mặc một đồng bị rơi vào xó xỉnh nào đó. Càng
tha thiết gắn bó với của bị mất bao nhiêu, thì càng thôi thúc kiếm tìm bấy
nhiêu. Càng quý trọng vật bị mất bao nhiêu, thì càng làm cho nỗi vui mừng thêm
chất ngất khi tìm gặp lại bấy nhiêu.
Đó cũng là tâm tình của người cha. Ông vui mừng khôn tả
khi thấy bóng con thất thểu từ đằng xa. Ông quên hết những ưu phiền sầu muộn,
những sỉ nhục dằn vặt mà đứa con thứ đã để lại cho ông khi nó đòi chia của rồi
ra đi. Ông quên hết tất cả. Ông tha thứ tất cả. Bây giờ chỉ còn lại trong ông
là nỗi vui mừng hoan hỉ vì “con ta đã chết
mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Niềm hân hoan sung sướng là
tiếng cười dòn dã, là lời khoe báo tin vui cho mọi người.
Thiên Chúa của chúng ta là thế đó. Như lời thánh vịnh mô
tả “Ngài chậm giận và chan chứa tình
thương. Ngài không xử với ta như ta đáng tội. Và không trả cho ta theo giá của
ta” (TV 103).
Như người chăn chiên tìm lại được con chiên bị lạc, như
người phụ nữ kiếm được đồng bạc bị mất, như người cha mở tiệc, giết bê béo ăn mừng,
Thiên Chúa hân hoan vui mừng khi một người con của Ngài ăn năn trở về hơn là
bao người lành thánh. Và Ngài mong ước chúng ta chia sẻ niềm vui này với nhau. Trong
dụ ngôn thứ ba người cha kiên nhẫn mời người anh cả bước vào bàn tiệc để cùng
chung vui với cha, với em.
Ba dụ ngôn của Tin Mừng Luca chương 15 là câu trả lời của
Đức Yêsu cho những lời phàn nàn và ganh tị của người Biệt Phái. Nhưng đó cũng
là những lời cảnh tỉnh cho chúng ta hôm nay. Thông thường mỗi khi phạm tội,
chúng ta có khuynh hướng khoan hồng nhân nhượng với chính mình, nhưng lại ít
khoan dung với kẻ khác. Qua ba dụ ngôn này Đức Yêsu nhắc nhở chúng ta về lòng
thương xót vô lượng của Thiên Chúa, cho chúng ta và ngay cả cho những người
chúng ta không chấp nhận trong cuộc sống của mình - những người mà chúng ta coi
là con chiên lạc hay người con hoang đàng.
Trong cuộc sống chúng ta hôm nay có biết bao người sa đọa,
lầm đường lạc lối. Như người con thứ, họ cũng đã phải trả một giá khá đắt cho
những sai lầm của họ. Nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận họ trở về? Liệu
chúng ta có là những chướng ngại vật ngăn cản họ đến với Chúa Cha? Liệu thái độ
xét đoán và óc phê bình của chúng ta có làm họ chùn bước để trở về với Thiên
Chúa qua Hội Thánh? Liệu chúng ta có tập mở rộng lòng thương xót, đồng cảm để
đón nhận họ như người anh chị em cùng một Cha trên trời?
Lòng quảng đại và khoan dung của chúng ta là thước đo mối
tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Chúng ta cần tập lòng khoan dung để có thể
đón nhận người anh chị em lầm đường lạc lối với lòng thương xót, như lòng từ bi
Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Và như thế, chúng ta tiếp tay với Thiên Chúa để
chia sẻ sự tha thứ và hoà giải trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho con biết
mở lòng khoan dung với anh em con như Chúa đã khoan dung nhân hậu với con.
Antôn
Bảo Lộc