Lời Chúa cntn 23c _ sự khôn ngoan của thập giá

SỰ KHÔN NGOAN CỦA THẬP GIÁ
Đời sống người môn đệ Chúa Kitô là vác thập giá trong an vui: “Ôi! Con phải cảm tạ ơn Chúa chừng nào vì đã thương chỉ cho con và các tín hữu đường thẳng và vững chắc để lên nước đời đời.” (Imit III, XVIII, 8)
Lm. HK
Một trong những cuốn tự điển có uy tín xuất bản năm 1944 đã định nghĩa về Uranium như sau: “Uranium là một nguyên tố kim loại trắng, nặng và hiếm có,… chưa bao giờ thấy được ở dạng tự nhiên, và không có công dụng quan trọng nào cả, dù một vài loại muối của nó được dùng làm thuốc nhuộm, nhất là trong việc sản xuất thủy tinh và đồ sứ.”
“Không có công dụng nào quan trọng” là những gì đã từng được viết về Uranium, một nguyên tố mà chỉ một năm sau đó đã làm cho cả thế giới phải sợ hãi khi hai quả bom nguyên tử được thả xuống nước Nhật.
Câu định nghĩa về Uranium có kèm theo một nhận định mới nghe có vẻ uyên bác như thế mà chỉ có giá trị tương đối và dễ thay đổi!
Ngay trong kiến thức tự nhiên mà con người còn có nhiều giới hạn, thì ai dám nói về sự hiểu biết đời đời: “Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời nào ai khám phá ra được” (Kn 9,16).
Con người với tâm trí hèn mọn, “chết mà chẳng hiểu tại sao mình chết” (G 4,21), thì biết dựa vào đâu để có được sự khôn ngoan mà cầm lái đời mình đến được hạnh phúc thật, mà nhìn được mọi sự việc đúng như nó là, nếu không dựa vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và đặt để trong lòng họ sự khôn ngoan.“Ai hiểu thấu thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan?”.
Sự khôn ngoan của Chúa giúp người ta khỏi làm nô lệ cho cái nhìn trần tục mà lý giải mọi sự theo sự tự-do-bởi-tình-yêu của người con. Philêmôn có một người nô lệ mà thánh Phaolô đã khéo léo gợi ý để ông trả tự do cho anh ta, hầu chính ông cũng được tự do bởi tình yêu, và lại có thêm một người anh em: “Con hãy tiếp nhận nó không phải như là một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến” (Plm c.6).
Lắng nghe và sống theo lời Chúa là để cho tình yêu Chúa chiếu một luồng sáng mới vào mọi ngõ ngách của cuộc đời. Ánh sáng đó làm cho tất cả bừng sáng lên như một vườn hoa, xoá tan mọi bóng tối đau khổ trong đời: “Ai theo Ta, sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”. Ánh sáng đó toả xuống thân phận con người phù du một niềm hy vọng lớn lao, và đem đến an vui trong mọi tình huống: “Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia”.
Cây thập giá, sự khôn ngoan của tình yêu Chúa, khác xa với những suy tính tự nhiên của con người nhưng lại có giá trị trổi vượt, như xác tín của thánh Phaolô: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,1-2)
Trong Phúc âm Luca, đi lên Giêrusalem là hành trình tiến đến thập giá của Đức Kitô. Vì thế, khi thấy nhiều người đi theo, Ngài phải hé mở ngay cho họ thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong sự từ bỏ đến cùng vì yêu nơi mầu nhiệm thập giá. Trong khi Phúc âm Matthêu viết ‘Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy …thì không xứng với Thầy’, thì Phúc âm Luca, dù vẫn được gọi là Phúc âm của lòng nhân từ, lại đòi hỏi thật nghiêm khắc: ‘Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, …, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta’.
Theo Đức Kitô là một quyết định tối quan trọng, chìa khóa cho hạnh phúc sau cùng. Thế nên Đức Kitô mới đưa ra những đòi hỏi gắt gao cho ai muốn theo Chúa, là phải theo đến cùng: “có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết?”, là phải sẵn lòng từ tỏ tất cả cho chọn lựa đó: “ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.
Đức Cha Von Ketteler, Giám mục thành Mayence ở nước Đức, là một người rất cương trực. Khi còn là sinh viên đại học, có lần ngài đi săn được vịt mà con chó săn lại ăn mất, thế là ngài bắn luôn con chó. Lúc còn trẻ tính tình hùng hổ như thế mà khi lớn lên, ngài đã dầy công tập luyện để nên một người rất hiền lành và thương người.
Năm 1848, chính quyền Đức chống đối Giáo hội rất mạnh, lúc đó Von Ketteler đã là một giám mục. Một hôm lúc ngài đi dạo thì có một em bé chạy lại gần. Tưởng là nó muốn hôn nhẫn, ngài đưa tay ra. Đứa bé khinh bỉ nhổ nước bọt vào tay ngài. Ngài bình tĩnh và ôn tồn hỏi:
-                Họ thuê con mấy xu để nhổ nước miếng vào tay cha?
-                Hai xu.
Biết đứa bé bị xúi giục, ngài không một lời trách móc mà còn bảo:
-                Còn cha, cha cho con mười xu đây.
Đời sống người môn đệ Chúa là vác thánh giá trong an vui: “Ôi! Con phải cảm tạ ơn Chúa chừng nào vì đã thương chỉ cho con và các tín hữu đường thẳng và vững chắc để lên nước đời đời.” (Imit III, XVIII, 8)
Lm. HK