Đặt Mình
Thánh (mời quì)
(Hát một bài
tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Ai cũng thích
những chế độ dân chủ vì các thể chế dân chủ tôn trọng quyền chọn lựa của dân.
Dân chủ là người dân được làm chủ, được làm chủ là có quyền tự do chọn lựa theo
ý mình.
Làm chủ thì được
chọn lựa, nhưng chọn lựa thì phải biết từ bỏ, có người vì không biết từ bỏ mà lại
sống đời nô lệ.
Muốn được
hạnh phúc thật, các tín hữu Kitô tin vào Chúa Giêsu và đi theo Ngài. Chúa hứa,
ai theo Chúa sẽ “được gấp bội ở đời này và
sự sống vĩnh cửu ở đời sau." (Lc 18,30) Thế nhưng hạnh phúc Nước Trời lại
đặt ra trước mặt mỗi người những đòi hỏi rất quyết liệt phải trả lời có hay
không, gồm cả mạng sống mình trong đó.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 14,25-33)
Khi ấy, có
rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:
"Ai đến
với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình
nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo
tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
"Quả
thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống
tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi
mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà
bảo: 'Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.' Hoặc có vua
nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính
xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân
tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua
đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì
mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được."
Đó là Lời
Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con,
anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được...”
Đây thực là
một đòi hỏi quá lớn chẳng ai dám nghĩ đến. Đòi hỏi đó lớn hơn cuộc sống, vì nếu
phải bỏ cả mạng sống để tìm một điều gì thì điều đó phải lớn hơn mạng sống chúng
ta đang có đây.
Người xưa có
câu, “một con se sẻ trong tay, hơn hai
con phượng đang bay ngoài đồng”. Chẳng ai trả giá cả mạng sống mình để nhận
được một kết quả “5 ăn, 5 thua”, dù có tốt đến đâu.
Thế nhưng
cung cách của Chúa khi đưa ra những đòi hỏi này là rất tự tin. Chúa chẳng bắt
ai phải làm môn đệ Chúa, nhưng từ bỏ mọi sự là điều kiện mà ai muốn theo Chúa
thì phải chấp nhận.
Từ bỏ mọi sự là
từ bỏ triệt để, được Chúa gọi là “vác thập giá” mà theo Chúa. Đó phải
là con đường chắc chắn đúng và duy nhất đúng, không có con đường thứ hai, nên
Chúa đặt cả mạng sống người ta vào điều kiện đó.
Vậy thì đâu
là điều hay, đâu là vẻ đẹp, và đâu là lý do của sự từ bỏ này? Tóm lại, đâu là
điều chúng ta tìm kiếm khi theo Chúa?
Khi một ai
phạm lỗi, họ thường phải chịu hình phạt là bị tước đi một quyền lợi; ngồi tù chẳng
hạn, là bị tước quyền tự do đi lại, quyền tự do gặp gỡ thân nhân, quyền cư trú,
quyền bầu cử... hình phạt lớn nhất ở một số nước là tử hình, bị tước quyền
sống.
Vậy thì vì sao mà điều
kiện để làm môn đệ Chúa lại giống như phải chịu những hình phạt dành cho tội
nhân, nào là “dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh
em, chị em, và cả mạng sống mình nữa”?
Thập giá là
câu trả lời của Chúa, Chúa dùng hình ảnh thập giá để diễn tả điều Chúa đòi hỏi
nơi người môn đệ: “Ai không vác thập giá
mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Thập giá là
hình phạt nặng nhất trong hình pháp La Mã ngày xưa, chỉ dùng để xử phạt nô lệ và
dân bị trị. Thế nhưng chính nơi hình phạt nặng nhất này mà Chúa tỏ ra tình yêu của
Chúa dành cho chúng ta: “Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình.” (Ga 15,13)
Chúa xuống
thế làm người không vì mình một chút nào, mà hoàn toàn vì hạnh phúc của
nhân loại, “để mở mắt cho những ai mù
loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi
trong chốn tối tăm." (Is 42,7)
Làm môn đệ
Chúa, theo Chúa, là phải lấy tình yêu quên mình làm tiêu chí duy nhất cho cuộc
đời, yêu như Chúa yêu, với phần thưởng là được nên một với Chúa trong tình yêu: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.
Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”
(Ga 14,23)
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa
Giêsu Thánh Thể,
Chúng con đang
sống trong một thế giới mà quyền lợi cá nhân được đề cao đến mức vị kỷ. Chúng
con mải miết đi tìm mình để rồi đến lúc mở mắt ra mới thấy mình trắng tay:
“Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một
trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều
về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 89,5-6)
Lạy Chúa, tuy là Vua cả
trời đất nhưng Chúa lại không đến trần gian với phẩm phục huy hoàng, đầy uy phong
vũ lực, mà chỉ đơn giản xuất hiện như một rabbi nhân hậu, dưới vóc dáng một bác thợ mộc, “không kêu to, không nói lớn, không để ai
nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, không đành bẻ gẫy, tim đèn leo
lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.” (Is 42,2-3)
Chính trong
vẻ bề ngoài hèn mọn đó, với tình yêu
bao la, âm thầm phục vụ, mà Chúa tỏ mình ra và thu hút cả thế giới. Chúng con đến đây để chiêm ngắm và tôn thờ
Chúa là Tình Yêu - Âm Thầm Phục Vụ - đang ở đây với chúng con và cho chúng con!
Chính nơi tình yêu Chúa mà giữa bao trắc
trở, khắc nghiệt của cuộc sống hôm nay, chúng con tìm được nguồn mạch an ủi vô tận lúc phải cô đơn, gặp được sức mạnh khi yếu nhược, và thấy được ánh
sáng trong đêm tối.
Tình yêu Chúa thật là đẹp, được nên một với Chúa trong tình yêu thần linh thật là một lý tưởng tuyệt vời. Nhưng lạy
Chúa, chúng con biết phải làm gì để đáp lại tình yêu Chúa, để nên một
với Chúa trong tình yêu, khi mà “thân xác dễ hư nát này khiến linh
hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.”
( Kn 9,13-15)?
Vì
thế mà, lạy Chúa, xin đổ tràn đầy Thần Khí yêu thương của Chúa vào tâm hồn chúng
con, để chúng con có thể nói với Chúa tự đáy lòng mình điều ao ước của thi hào
Tagore, người đã được thu hút bởi tình yêu Chúa và khao khát hạnh phúc Nước
Trời, để chúng con cũng có thể gặp được sự bình an và niềm vui của người thật
sự tự do bởi tình yêu, của người sẵn lòng từ bỏ mọi sự vì yêu và chỉ vì yêu:
“Chỉ mong Ngài lấy đi;
Mong chẳng còn gì thuộc về con,
Mong chẳng còn gì là của con;
Để con được trắng tay,
Con chỉ còn Ngài để giữ lấy,
Con được chọn Chúa mãi là của con.”,
Mong chẳng còn gì thuộc về con,
Mong chẳng còn gì là của con;
Để con được trắng tay,
Con chỉ còn Ngài để giữ lấy,
Con được chọn Chúa mãi là của con.”,
Chỉ
mong Ngài xóa đi,
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu,
Mong chẳng còn gì ràng buộc con,
Để con được ngước lên,
Con tìm được Ngài là chân lý,
Con
được cùng với Chúa đồng hành luôn.
Chỉ mong Ngài cất đi,
Mong chẳng còn gì để nắm giữ,
Mong chẳng còn gì mà tự tôn,
Để con chỉ biết yêu,
Yêu một mình Ngài trọn đời con,
Con
nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.”
Hát: “Xin chỉ
cho con đường đi của Chúa…”
Hoặc hát "mong chẳng còn gì" (thay cho bài thơ trên)
Lm. HK