Sống đức tin _ xin cảm tạ Chúa

XIN CẢM TẠ CHÚA
Chính trong những hoàn cảnh bi đát, tôi càng thấy rõ ơn Chúa ban cho tôi thực là bao la, thực là cao quý.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. “Xin cảm tạ Chúa” đó là lời tôi nói lên, mà cảm thấy tâm tình tôn phục và thờ phượng Chúa trào lên trong lòng tôi.
Dù có lúc không nói rõ bằng miệng, mà chỉ nói âm thầm bằng tâm trí, lời biết ơn Chúa trong tôi vẫn dạt dào tâm tình cầu nguyện và sám hối.
Thánh Phaolô dạy tôi: “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5,17). Tôi làm như vậy, cả trong những hoàn cảnh khó khăn.
Có thể nói, chính trong những hoàn cảnh tối tăm, tâm tình cảm tạ Chúa trong tôi càng thêm sâu sắc. Bởi vì chính trong những hoàn cảnh bi đát, tôi càng thấy rõ ơn Chúa ban cho tôi thực là bao la, thực là cao quý. Đặc biệt là ba ơn sau này:
2.
Ơn thứ nhất là ơn đức tin. Đức tin là món quà vô giá Chúa ban cho tôi, nhờ đó, theo kiểu nói của thánh Phaolô, tôi được nên công chính.
Đức tin trong tôi thường bị thử thách bởi nhiều cơn bão táp. Bão táp do thế gian, do xác thịt và do ma quỷ. Ma quỷ là thứ thù địch hung ác, mà thánh Phêrô ví như “Sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8). Nó rất lừa dối. Tôi chỉ có thể đối phó với nó bằng một đức tin tỉnh thức nhờ ơn Chúa.
Vì thế, trong mọi thử thách, tôi cảm tạ Chúa luôn ban cho tôi ơn biết đón  nhận một đức tin tỉnh thức.
3.
Ơn thứ hai là ơn đức cậy. Với ơn đức cậy, tôi chờ đợi giờ Chúa đến. Người sẽ đưa tôi qua cõi đời này, để về với Chúa trên cõi phúc trường sinh.
Sự cậy trông này trong tôi luôn bị thử thách. Thử thách quen thuộc nhất là không mặn mà trông chờ hạnh phúc đời sau, không tỉnh thức trông chờ Chúa đến, không khiêm tốn cậy nhờ ơn Chúa, mà cứ trông chờ những sự không là phần rỗi đời đời. Những thử thách như thế xảy ra hằng ngày. Nếu trong các thử thách tôi vẫn cố gắng giữ được đức cậy một cách vững vàng, thì đó là một ơn đặc biệt Chúa ban. Tôi hết lòng cảm tạ Chúa.
4.
Ơn thứ ba là ơn đức ái. Đức ái là dấu chỉ tôi được trở nên tạo vật mới, được qua sự chết để vào sự sống mới của Thiên Chúa tình yêu.
Đức ái trong tôi cũng luôn bị thử thách. Thử thách về đức ái là rất ghê gớm. Do lòng người độc ác hơn là do lòng người ích kỷ. Thế mà tôi vẫn được Chúa khuyên là hãy thứ tha, hãy đền tội cho họ, hãy cứu họ. Ít ra hãy cố gắng cứu những nạn nhân của sự độc ác loài người. Nếu mặc dầu bị thử thách ác nghiệt, tôi vẫn cố gắng yêu thương như Chúa yêu thương, thì rõ ràng đó là ơn đặc biệt Chúa ban. Đức ái trong tôi lúc đó phải được coi như một phép lạ.
5.
Khi nhìn đức tin, đức cậy, đức ái trong tôi vượt qua được những thử thách, để bám vào Chúa, tôi xác tín điều đó là ơn nhưng không Chúa ban, do lòng thương xót Chúa, chứ không do công phúc nào của tôi. Do vậy, sự tôi cảm tạ Chúa mang theo một sự khó nghèo sâu thẳm. Sự khó nghèo này càng được cảm nghiệm thấm thía, khi tôi thấy mình rất yếu đuối, đã có nhiều lúc chao đảo, nhưng rồi lại được Chúa cầm tay dắt đi.
6.
Khi tôi cảm tạ Chúa vì ba ơn trọng đại, tôi đã không chỉ nhìn vào mình, mà còn nhìn vào nhiều người khác. Bởi vì nhiều người khác cũng được ơn như tôi, và hơn tôi.
Nhìn lại những năm dài đời tôi, tôi đã gặp nhiều người như sống trong cảnh địa ngục. Nếu địa ngục có nhiều tàng, thì một số người trong họ kể như ở những tầng sâu nhất, do bị khinh chê, ngược đãi, hành hạ. Thế mà nhờ ơn Chúa, họ đã có một đức tin sâu, một đức cậy vững, một đức ái quảng đại.
Có thể là họ đã nhận được những ơn đó không phải một lúc, nhưng từ từ, giữa những vấp ngã vì yếu đuối. Nhưng họ đã trở lại. Sự sám hối của họ được Chúa coi là một niềm vui lớn cho tất cả thiên đàng. Như lời Chúa Giêsu quả quyết: “Tôi nói cho các ông hay, trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).
7.
Những ơn đó được Chúa ban cho họ trong Đức Giêsu. Như lời thánh Phaolô viết: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa vì anh chị em, về ân huệ Người đã ban cho anh chị em nơi Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1,4).
Nhìn thấy nhiều người được Chúa Giêsu thương ban ơn sám hối trở về, tôi rất tạ ơn Chúa, bằng cách cũng sám hối trở về như họ và với họ.
8.
Cảm tạ của tôi lúc ấy hướng về phần rỗi một cách rõ rệt. Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Nếu người ta được cả thế gian, mà phải mất linh hồn, thì nào có lợi gì” (Mt 16,26).
Phần rỗi của riêng mình và phần rỗi người khác, đó là điều tôi luôn nhớ tới khi cảm tạ Chúa. Phần rỗi ấy là một ân Chúa ban, nhưng cũng đòi một sự chiến đấu cam go. Trong chiến đấu này, tôi đã nhận được nhiều giúp đỡ phù trợ của Hội Thánh và của nhiều người tốt. Vì thế, trong cảm tạ Chúa, tôi rất nhớ ơn Hội Thánh và các ân nhân xa gần.
9.
Cảm tạ Chúa là việc đạo đức hằng ngày. Nhiều ngày, khi tôi cảm tạ Chúa, tôi được nghe tiếng Chúa dạy tôi là hãy làm mới lại việc cảm tạ.
Tôi hiểu Chúa không hài lòng với việc cảm tạ làm theo thói quen một cách hình thức. Tôi làm mới lại việc cảm tạ Chúa bằng những sáng kiến được nẩy sinh do thời sự. Sáng kiến nào của tôi cũng nhắm vào việc giải cứu con người khỏi tội lỗi và ác thần, đưa họ vào con đường dẫn tới phần rỗi.
10.
Hiện giờ, một thời sự khiến tôi rất lo lắng, đó là nhiều thứ khốn khổ đang đe doạ xảy ra cho đồng bào, cả Đạo cả Đời. Thứ khốn khổ đáng lo nhất là sự mất đạo đức và mất niềm tin.
Trước hiểm nguy đó, Chúa dạy tôi hãy làm mới lại sự cảm tạ Chúa hiện nay bằng tăng cường cầu nguyện, hy sinh, và quảng đại một cách cụ thể. Một sáng kiến nữa, mà Chúa muốn, là hãy báo động cho Hội Thánh Việt Nam. Xin hãy tỉnh thức nhiều hơn trong việc giáo dục và đào tạo, kể cả trong các hình thức mang tên tạ ơn Chúa, bởi vì, gian ác và gian dối đang cố gắng lẻn vào khắp nơi, để phá vỡ chương trình phục vụ phần rỗi.
11.
Tới đây, tôi thấy việc cảm tạ Chúa chính là một hồng ân Chúa ban. Khi không là hồng ân Chúa ban, mọi việc cảm tạ Chúa dễ trở thành đạo đức giả. “Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa, vì con không như bao kẻ khác...”. Đó là lời cảm tạ của người Pharisêu trước bàn thờ được Chúa nói tới trong dụ ngôn “hai người cầu nguyện” (Lc 18,9-14). Lời cảm tạ đó bị Chúa từ chối như một thứ ghê tởm đầy gian dối.
Chỉnh đốn lại việc cảm tạ Chúa, thiết tưởng đó là một trong nhiều điều cần thiết, để đổi mới Hội Thánh và đổi mới chính bản thân mỗi người.
Tôi xin phép được kính gởi tư tưởng hèn mọn trên đây lên Đức Thánh Cha Phanxicô, một vị lãnh đạo Hội Thánh đang rất thao thức về việc đổi mới Hội Thánh, trong một thời điểm rất ồn ào với những tạ ơn Chúa vì nhiều thứ công trình, chức quyền và thành công.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã được lên Trời, xin Mẹ thương giúp con biết cảm tạ Chúa theo gương khiêm nhường của Mẹ.
Long xuyên, ngày 10 tháng 8 năm 2013.
+ GB Bùi Tuần