AI YÊU MẾN
THẦY THÌ GIỮ LỜI THẦY
Con đường rộng ai cũng thích đi là
chiều theo các đam mê dục vọng của con người, là sống vị kỷ và tự cao tự đại. “Bỏ đường
tà để được sống” là tìm kiếm, lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa.
Một hôm Alexandre Đại Đế bắt gặp Diogène đang chú ý xem xét một đống
xương người. Hoàng đế hỏi:
-
Khanh tìm kiếm cái gì thế?
-
Một thứ mà thần chưa tìm ra được, triết
gia trả lời.
-
Cái gì vậy?
-
Thần đang cố nhìn cho ra sự khác biệt giữa xương của cha thần và xương các
nô lệ.
Chỉ với một câu đơn giản mà Diogène đã vạch ra cho mọi người thấy cái
phi lý trong các tranh chấp giữa nhân loại. Xương người chết chẳng có gì khác
biệt với nhau giữa quí tộc và thường dân, Công giáo và Tin lành, Ả rập, Do thái
và Hồi giáo. Vậy sao người sống lại tranh chấp với nhau? Họ muốn điều gì, Chúa
muốn điều gì?
Trước mặt Chúa mọi người đều là thụ tạo như nhau, nhưng cuộc thanh lọc đầu
tiên đã cho thấy sự công chính là tiêu chí duy nhất mà Chúa tìm kiếm nơi con
người: “Đức Chúa phán bảo ông Nô-ê:
"Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người
công chính trước nhan Ta trong thế hệ này.” (Stk 7,1).
Người công chính mới được cứu độ nên khi được hỏi, “phải chăng chỉ có một
số ít được cứu độ?” thì Đức Kitô trả lời bằng cách vạch ra con đường thực sự
làm cho người ta nên công chính, cùng với lời cảnh báo về sự lầm lạc nguy hiểm
cho ai tưởng lầm là danh xưng cũng đủ làm cho người ta nên công chính: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì
Ta cho các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được.” (Lc
13,23.24)
Chúa dạy phải cố gắng vào qua cửa hẹp vì có người chiều theo đam mê dục
vọng của mình nhưng vẫn cúng bái Thiên Chúa, tin thờ Chúa bên ngoài, trên môi
miệng mà thôi: “Với kẻ gian ác, Thiên
Chúa phán bảo rằng: "Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở, mở miệng
ra là chữ thánh ước trên môi? Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy, lời Ta
truyền, đem vất bỏ sau lưng? gặp tên trộm đạo, ngươi hùa theo nó, với bọn gian
dâm, cũng lại thông đồng. Miệng tha hồ nói năng ác độc, ba tấc lưỡi đặt điều xảo
trá; hễ ngồi lê là bới xấu anh em và bêu diếu cả người ruột thịt.” (Tv
50,16-20)
Thiên Chúa là Tình yêu, luật Chúa đặt ra không phải để đày đọa con người,
Chúa có sửa dạy cũng là vì yêu thương: “Chúa
phán: ‘Ta lấy mạng sống Ta mà thề: Ta đâu có muốn cho kẻ dữ phải diệt vong
nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống.”
Con đường rộng ai cũng thích đi là chiều theo các đam mê dục vọng của
con người, là vị kỷ và tự cao tự đại. “Bỏ
đường tà để được sống” là tìm kiếm, lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và
Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy.” (Ga
14,23)
Vì thế mà “chớ khinh thường việc
Chúa sửa dạy và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ
Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con.”
Thi hành thánh ý Chúa là con đường hẹp vì nó đòi người ta phải bỏ mình.
Bỏ mình có cực khổ đến đâu cũng chẳng đáng gì sánh với sự sống: “Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi
buồn khổ hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công
chính cho những ai được sửa dạy” (Dt 12,5-6.11)
Khuất Nguyên làm quan đại phu cho đời Hoài Vương nước Sở, bị kẻ sàm báng
mà bị đuổi đi nơi khác, bỏ không dùng nữa (phóng khí). Ông dùng câu chuyện với
ông lão đánh cá mà tỏ bày tâm sự:
Mặt mũi tiều tuỵ, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát trên bờ
đầm. Có lão đánh cá trông thấy hỏi rằng:
-
Ông có phải là Tam Lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?
Khuất Nguyên nói:
-
Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy
cho nên ta phải phóng khí.
Ông lão đánh cá nói:
-
Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải cả đời đục cả,
sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao
ông không ăn cả men húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu,
để cho đến nỗi phải phóng khí?
Khuất Nguyên nói:
-
Tôi nghe mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu
lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng
thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào trong bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp,
lại chịu để dây bụi dơ.
Đâu là chọn lựa của tôi giữa dòng đời
khúc đục khúc trong, lúc tỉnh lúc say?
“Sự
khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 3,18). Chính tôi cũng có lúc không
hiểu được tôi, nên con đường duy nhất đúng cho tôi là để sự khôn ngoan của Chúa hướng dẫn tôi, là lắng nghe và thi hành ý
Chúa - Đấng dựng nên tôi.
Lm. HK