Giáo Lý
Phúc Âm Chúa Nhật XX Quanh Năm C
(Gr 38.4-6.8-10; Dt 12.1-4; Lc 12.49-53)
I. Giáo Huấn P.Â.:
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy
đã bùng cháy lên” Lửa là biểu tưởng cho sức mạnh của Thiên Chúa. Lửa có khả
năng soi sáng, sưởi ấm, nung nấu và thiêu hủy.
Lửa cũng chính là tình yêu Thiên Chúa. Môn đệ là người đón nhận lấy
chính Thiên Chúa, ôm ấp lửa tình yêu Thiên Chúa và tiếp sức làm cho lửa bùng
cháy lên khắp nơi, tức mang Chúa đến cho muôn người.
Vũ trụ nầy phải được soi sáng và hướng dẫn bằng lửa tình yêu Thiên Chúa.
Nếu nhân loại có lửa tình yêu Thiên Chúa sẽ không đi trong bóng tối tội lỗi
băng giá, nhưng có sức sống và ánh sáng.
II. Vấn nạn P.Â.
1. Lửa trong Kinh Thánh
Công trình sáng tạo đầu tiên là ánh sáng. Trong Sáng Thế Ký Chương 1.3,
Chúa phán: Hãy có ánh sáng! Ánh sáng liền xuất hiện! (dixitque Deus fiat lux et
facta est lux!) Điều đó cho thấy: Ánh sáng rất quan trọng: Ánh sáng soi sáng,
mang sức nóng và ánh sáng mang sức sống cho mọi sinh linh. Ở Canada người ta
hay nói đến winterdeath, mùa đông chết. Người Việt Nam chúng ta cũng hay nói:
chết cóng! Tất cả nói đến sự lạnh lẽo, không hơi ấm, không có nhiệt, không có
ánh sáng. Vạn vật sống nhờ ánh sáng, nhờ sức nóng mặt trời. Nói cách khác Chúa
là lửa mang sức sống là ánh sáng soi đường. Nên khi bắt đầu một việc gì, phải cầu
xin sự soi dẫn của Thiên Chúa và cầu xin Chúa dẫn đường.
Trong Sáng thế Ký chương 19.24, Chúa cho ngọn lửa từ trời xuống thiêu hủy
thành Sôđôma và Gômôra tội lỗi. Lửa là chính Thiên Chúa. Chúa tiêu diệt tội lỗi.
Trong sách Xuất Hành chương 3 tường thuật việc Chúa chọn gọi Ông Môsê
đưa dân Chúa ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Môsê thấy lửa trong bụi gai, Ông tò mò đến
xem thì Chúa phán: "Mô-sê! Mô-sê!" Ông thưa:"Dạ tôi đây!"
Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất
thánh".
Trong sách Xuất Hành chương 13.21-22 tường thuật rằng: Từ khi họ ra khỏi
xứ Ai Cập bước vào sa mạc cho tới khi vào Đất Hứa, Chúa đã dùng cột mây che nắng
họ ban ngày và cột lửa soi sáng họ ban đêm. Cột mây và ngọn lửa ấy luôn luôn hướng
dẫn toàn dân, họ cứ việc vâng theo hoàn toàn: dừng lại khi cột ấy dừng lại, ra
đi khi cột ấy lên đường. Họ không đi trước nhưng luôn luôn theo sau và không
lìa xa bao giờ.
Trong sách các Vua quyển I chương 18 có nói đến sự tranh tài giữa tiên
tri Elia và 400 tư tế thần Baal. Chúa cho lửa từ trời xuống đố cháy lễ vật do
tiên tri Elia dâng tiến. Chúa là lửa bênh vực cho Elia, người của Thiên Chúa và
đánh bại tà thần Baal.
Trong sách tiên tri Isaia 6.6: Ngọn lửa tiên tri Isaia nhìn thấy trong đền
thờ đã thanh tẩy môi miệng ông trở nên thanh khiết để ngài loan báo sứ điệp cho
dân chúng.
Trong Tân Ước, Phúc Âm Gioan chương 18.12, Chúa Giêsu nói: Ngài là ánh
sáng cho trần gian. Đêm vọng Phúc Sinh, chúng ta cũng mang lửa làm phép ở cuối
nhà thờ, thắp vào nến Phục Sinh và kiệu vào bên trong lòng nhà thờ đang bao
trùm bóng tối và xướng ba lần: Ánh sáng Chúa Kitô.
Trong sách Tông Đồ Công Vụ 2.3 Ngọn lửa của Thần Khí đậu trên các Tông đồ
vào ngày lễ Ngũ tuần. Ngọn lửa nầy nung đúc tình yêu Thiên Chúa trong tâm hồn
các tồng đồ. Ngọn lửa nầy đã hoán cải các ông toàn diện. Các ông đã tiếp tục sứ
mạng Chúa giao là rao truyền tin mừng và rao truyền tình yêu Thiên Chúa cho
toàn thế giới. Ước mong của Chúa đã thực hiện: Ta mang lửa vào trần gian và ước
gì lửa ấy bùng cháy!
2. Hòa bình và chia rẽ.
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để
ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu,
nhưng là đem sự chia rẽ!”
Chúa là Đấng hiền lành và khiệm nhượng trong lòng. Chúa mang tên Hòa
Bình, làm sao Đức Giêsu đã đến trần gian để gây chia rẽ và xáo trộn? Thực tế
là: nhiều khi vì Ngài mà xáo trộn và chia rẽ xẩy ra.
Ai cũng hiểu rằng: Hòa bình là hòa thuận và sống bình an. Chia rẽ là
phân bì, tỵ hiềm và xung khắc nhiều khi thù nghịc với nhau. Đương nhiên Chúa là
tình yêu, Chúa mang đến hòa thuận và an bình. Tuy nhiên chia rẽ nhiều khi xảy
ra vị sự chọn lựa Chúa và Tin Mừng của Ngài. Nên chia rẽ không do Chúa Giêsu
gây ra, nhưng vì con người bất đồng trong sự chọn lựa theo Chúa hay không theo
Chúa mà Chúa thành nguyên nhân chia rẽ.
Nhìn trong cuộc sống thực tế, chúng ta thấy có những chia rẽ nầy. Thánh
Đôminicô xuất thân từ gia đình doanh thương khá giả, nhưng Ngài từ bỏ và sống
khó nghèo như kẻ ăn xin, làm cho Cha của Ngài và gia đình phải xấu hỗ và từ bỏ
Ngài. Nhiều người Việt Nam bị gia đình hiểu lầm và lạnh nhạt vì bỏ việc thờ
cúng Ông bà theo truyền thống mà theo đạo Công Giáo.
Nên chúng ta có thể nói rằng: Người ta chia rẽ vì Thiên Chúa hòa bình.
Thứ hòa bình của Thiên Chúa khác với thế gian. Hòa bình của Ngài đòi phải từ bỏ
và chiến đấu sống theo Tin Mừng của Ngài.
3. Sách Ngôn Sứ Giêrêmia có liên hệ gì với bài Phúc Âm
Thánh Luca hôm nay?
Ngôn Sứ Giêrêmia là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu.
Tiên tri Giêrêmia trong bài đọc I bị bách hại vì thi hành sứ mạng tiên
tri. Tiên tri Giêrêmia sống vào thời kỳ Israel đang bị băng hoại từ bên trong.
Và bị quân đội ngoại bang hùng mạnh đe doạ từ bên ngoài. Tình hình như thế làm
cho Giêrêmia hết sức đau sót vì Ngài yêu mến tổ quốc và đồng bào mình. Chúa đã
kêu gọi Giêrêmia làm ngôn sứ cho bạn hữu và láng giềng của ông. Nhưng lần nào
được Chúa kêu gọi, Giêrêmia cũng đáp lại một cách hết sức miễn cưỡng, vì ông biết
rằng làm tiên tri nơi quê hương mình rất là khó khăn. Nhưng rồi Giêrêmia cũng
phải thuyết giảng, ông tuyên bố thẳng thắn với dân chúng con đường sống còn duy
nhất của họ là phải canh tân đời sống hướng về Chúa và kêu cầu Ngài cứu giúp.
Nghe ông giảng thuyết như thế, đám dân liền nổi giận. Họ lầm bầm kêu:
"Ông nội Giêrêmia này dám nghĩ mình là ai mà bày đặt phê phán chúng ta, vì
dầu sao chúng ta cũng là đồng bào của ông ấy?" Tình trạng căm ghét này
càng dâng cao đến nỗi có lần nhà cầm quyền đã công khai đánh đòn ông, lần khác
thì cột ông vào trong bao, lần khác nữa thì xô ông vào một đống phân.
Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm được những khó khăn và đau đớn ấy khi lãnh
nhận sứ mệnh làm tiên tri ngay trong xứ sở của Ngài. Ngài đã từng bị bạn bè
láng giềng ruồng rẫy. Nhiều đoạn Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu bị từ chối ngay lần
đầu thuyết giảng nơi quê nhà Ngài. Khi Chúa đứng lên tuyên bố rằng: "Thần
Khí Chúa ngự xuống trên Ngài và chính Ngài làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh",
thì lập tức họ cảm thấy khó chịu ngay. Khắp hội đường đều nghi hoặc và dân
chúng xầm xì bàn tán với nhau: "Anh ta không phải là con ông Giuse sao?
Anh ta nghĩ mình là ai mà dám tự nhận mình là tiên tri? Đâu là bằng chứng cho
thấy anh ta là Đấng Thiên Sai chứ không phải là tên mạo nhận?". Lời xầm xì
càng lúc càng lớn và chẳng bao lâu đám dân chúng bắt đầu la lên. Rồi tình hình
đột nhiên không thể kiềm chế được nữa. Thánh Luca kể lại trong Phúc Âm như sau:
"Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi
trong thành phố dự tính xô Ngài lộn đầu xuống dưới. Nhưng Ngài bước qua giữa họ
và bỏ đi chỗ khác" (Lc 4: 29-30)
III. Thực Hành P.Â.
1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự Đại Hội giới trẻ thế
giới lần thứ 12 ở Rio, Batây.
Ngài chọn Thiên Chúa và mang lửa tình yêu Thiên Chúa đến Ba Tây, xứ sở
nhiều bất công và bất an.
Tin tức thế giới cho biết: Trước hết Giáo Hoàng quyết định không dùng
chiếc xe popemobile có kính chắn đạn như hai vị tiền nhiệm vẫn sử dụng mặc dầu
đề nghị của bộ trưởng tư pháp, bộ trưởng quốc phòng và các chỉ huy cao cấp quân
đội Brazil. Tướng Jose Abreu, người phụ trách vai trò của quân đội trong kế hoạch
bảo vệ an ninh, nói: “Chiếc xe có kình chống đạn làm nhẹ mối lo ngại của chúng
tôi rất nhiều. Giáo Hoàng nên dùng phương tiện ấy. Tuy nhiên đó là ý muốn của
Ngài và chúng tôi tôn trọng dù rằng không phải là điều an tâm đối với các lực
lượng an ninh” Tòa Thánh Vatican giải thích rằng Đức Giáo Hoàng muốn đi bằng
chiếc xe mui trần và có thể dễ dàng lên xuống nhiều lần để tiếp cận với các tín
hữu và sự mong mỏi ấy không thể làm được nếu dùng popemobile.
Nhiều người nghĩ rằng: “Đức Giáo Hoàng nầy liều mạng, không sợ chết!"
Tôi nghĩ rằng: Đức Giáo Hoàng đã can đảm chọn tình yêu Thiên Chúa và tình yêu
dành người nghèo. Khi Ngài chọn tình yêu Thiên Chúa và người nghèo, Ngài đã chọn
hòa bình. Người đối kháng với Giáo Hội Công Giáo hay với Giáo Hoàng Công Giáo sẽ
không nhìn thấy cần thiết phải tiêu diệt hay giết chết một người gần gũi và
thương yêu mọi người. Nếu họ giết chết Ngài, họ sẽ mất gần hết nhân loại, vì đa
số là người nghèo.
Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người nghèo là ngọn lửa mà chúng ta cần
tung ném khắp nơi và mong rằng lửa ấy sẽ bùng cháy. Tình yêu bùng cháy, cảnh khổ
sẽ tan biến dần.
2. Nhóm lửa sưởi ấm đời.
Một trong những sinh hoạt hướng đạo mang ý nghĩa nhớ đời là đốt lửa trại.
Thật không có gì ấm bằng hay tình nghĩa cho bằng nhảy lửa hay quay quần vui hát
chung quanh đống lửa bập bùng. Không có gì đi sâu vào lòng người cho bằng những
tâm sự, những nhắn nhủ gửi trao dưới ánh lửa thiêng.
Thường nhà nào ở Bắc Mỹ cũng có lò đốt lửa phía sau nhà. Những tháng mùa
hè nắng ấm, gia đình, bạn bè quay quần nướng thịt và đốt lửa vui chơi chuyện
trò. Tuổi trẻ bên nầy lớn mau và rời gia đình sớm. Tuy nhiên họ vẫn nhớ ngày
nào đó, ngồi nướng thịt hay nói chuyện bên Cha Mẹ hay gia đình bạn bè…
Cuộc sống mỗi ngày xem chừng càng bận bịu hơn. Nên những lò lửa gia đình
nầy cũng không còn được xử dụng. Lửa tình cảm gia đình lạnh dần, nhiều khi băng
giá. Sinh hoạt gia đình thưa dần, những bữa cơm hay những lần vui chơi gia đình
cũng khan hiếm…. Kết quả: Lòng người thành băng giá và có nhiều mâu thuẩn. Mâu
thuẩn gây im lặng và cô đơn.
Lửa bao giờ cũng có để nhóm. Xin bỏ dần những toan tính hay công việc
nhiều khi giết lửa tình yêu gia đình hay lửa nhiệt tâm với công việc chung. Nếu
mỗi người tạo một thế giới riêng lẽ. Đó là thứ chia rẽ không phải vì Chúa mà vì
tính ích kỷ cá nhân. Ích lỷ mang ganh tỵ, lạnh lẽo và mang mùa đông chết chóc.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên