Chầu Thánh Thể cntn 20c _ Lửa tình yêu

LỬA TÌNH YÊU
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Lửa sưởi ấm, Lửa soi sáng... Nhưng không chỉ có thế, khả năng đặc biệt của Lửa là biến đổi, là thanh tẩy. Thanh sắt cứng đến đâu cũng trở nên mềm khi được nung đỏ lên, một bãi rác khổng lồ sẽ được dọn sạch trong chốc lát chỉ với một ngọn lửa... ngay cả một tòa nhà khổng lồ cũng có thể biến thành  đống hoang tàn sau một trận hỏa hoạn.
Nền văn minh của nhân loại đã lật sang một trang mới khi người ta biết cách làm ra và giữ được lửa. Trong đời sống tâm linh, Chúa dùng lửa tình yêu để thực hiện một cuộc canh tân, lật lịch sử nhân loại sang một trang mới, cho cả nhân loại được hạnh phúc. Chúa không ao ước điều gì hơn là thấy tình yêu Chúa gieo vào thế gian được thắp lên trong tâm hồn mỗi người, và lan rộng ra cho đến tận cùng thế giới.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 12,49-53)
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
"Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Người trẻ đặt nhiều mong ước cho tương lai, với nhiều hy vọng, người cao niên thích nhìn ngắm lại quá khứ với cả tự hào lẫn tiếc nuối. Khác nhau, rất khác nhau, nhưng lại có một điểm chung là cả hai đều muốn đổi mới hiện tại, đều không hài lòng với hiện tại.
Phải đổi mới để được hài lòng? Vâng, nhưng vấn đề là phải đổi mới cái gì và như thế nào? Đặt ra câu hỏi rồi mới thấy điểm khó của vấn đề là nhiều khi người ta chẳng biết mình muốn cái gì.
Tình yêu là một trong những đề tài được ưa thích, được tìm kiếm, và được đề cập đến nhiều nhất trên sách báo, internet... qua đó ai cũng có thể thấy được tình yêu là khao khát tự đáy lòng mỗi người. Hạnh phúc đích thực là yêu và được yêu. Thế nhưng ai cũng thường thích vế sau hơn vế trước, thích được yêu hơn là yêu, thích được chăm sóc, được chiều chuộng, hơn là phục vụ, hy sinh cho người mình yêu.
Đúng vậy, ta thường nói rất mạnh về tình yêu, nhưng lại rất ngại khi nhắc đến phục vụ, hy sinh, nhất là tha thứ. Đó là dấu hiệu của chủ nghĩa hưởng thụ, vị kỷ, căn bệnh nan y của thế giới hôm nay.
Căn bệnh đó mang theo nhiều nguy hại ẩn tàng: Cả nhà có một tấm bánh, nếu mọi người sống yêu thương, nhường nhịn nhau, thì mọi chuyện đều tốt, “no cùng hưởng, đói cùng chịu”, không cần xét đến bánh to hay nhỏ; ngược lại, nếu có tranh giành, đấu đá, thì lại có kẻ đói người no, tiền thuốc men băng bó có khi còn tốn hơn tiền mua bánh, chưa kể đến những tật nguyền và mối hận thù mà có khi cả hai bên phải chịu suốt đời.
Thuốc đắng mới dã tật, đứng trước một thế giới vị kỷ, ĐHY Thuận đã theo sát Chúa Giêsu trên con đường tình yêu, làm hết mình để thắp sáng lửa tình yêu: “Chúa Giêsu đem lửa đến thế gian và muốn cho quả đất rực cháy. Con phải là ngọn lửa sáng với chí khí tông đồ, con đốt sáng ngọn đuốc khác, để chuyển lửa sáng lan rộng cho đến lúc thế giới thành một biển ánh sáng.” (ĐHV 836)
Mahatma Gandhi, người đã lãnh đạo dân Ấn Độ giành lại độc lập tự do bằng con đường Phúc Âm, con đường hòa bình, rất xác tín vào sức mạnh của tình yêu: “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh.”
ĐTC Phanxicô đang làm chứng cho sức mạnh của lửa tình yêu: Ngài được cả thế giới yêu mến không phải vì ngài có ngoại hình bắt mắt, hay vì ngài dễ tính, mau mắn chiều chuộng và ủng hộ ý thích của mọi người, nhưng vì nơi ngài người ta gặp thấy một con người “yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, theo ĐHY Gioan Thang Hán, giám mục Hong Kong cho biết, đã tường thuật về Đức giáo hoàng Phanxicô “một cách trung thực, khách quan” trong bốn tháng đầu triều đại giáo hoàng của ngài, và theo ĐHY, các bài tường thuật mang tính “trung lập”. Điều đó có nghĩa là nó không mang ý “chỉ trích” vị giáo hoàng mới... “Đó là điều hiếm thấy.”
Vâng, làm sao có thể chỉ trích một ai khi người đó luôn bắt đầu mọi vấn đề từ điều tốt cho người khác, kể cả cho kẻ đối nghịch.
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa dạy chúng con sống yêu thương bằng một công thức rất thực tiễn: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7,12)
Chính Chúa đã dành cả đời để thực hiện điều Chúa dạy, bằng cách chia sẻ cho đến cùng những gì là bình thường nhất trong đời sống của những con người tầm thường nhất: Chúa đã đi học như mọi trẻ em, làm một bác thợ mộc bình thường. Dù là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng Chúa “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,7)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, sự hiện diện của Chúa nơi đây trong hình bánh bình thường đã nói với chúng con rất nhiều về tình yêu Chúa. Trước hết đó là một sự hiện diện, hiện diện thực sự, và âm thầm phục vụ, hoàn toàn quên mình vì người mình yêu. Xin cho chúng con cũng thật sự hiện diện với anh em, nhất là những ai cơ cực, và âm thầm phục vụ không điều kiện, không loại trừ ai.
Để rao giảng Tin Mừng, Chúa sẵn lòng đón nhận mọi phản ứng bất lợi từ những người thấy lời Chúa dạy lên án lối sống vị kỷ, đạo đức giả của họ. Chúa đón nhận tất cả trong tình yêu thương: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,43-44) Đây chính là vẻ đẹp trong cái chết của Chúa, vẻ đẹp của một tình yêu sẵn lòng hiến mạng sống mình vì người mình yêu.
Tha thứ là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa của Chúa, lời đầu tiên Chúa thốt ra trên cây thập giá là lời cầu xin ơn tha thứ cho người đóng đinh Chúa. Xin cho chúng con nghiệm thấy vẻ đẹp của tình yêu Chúa, để lòng chúng con nên mềm mại nhờ ngọn lửa tình yêu của Chúa mà không loại trừ một ai, lại biết sống tốt với mọi người, làm ơn và cầu nguyện cho cả những ai lên án chúng con. Đó là phép rửa bởi lòng mến, phép rửa Chúa đã mong thực hiện cho nhiệm thể Chúa, bắt đầu từ chính Chúa, và không thôi khắc khoải cho đến khi nó được hoàn tất! (x. Lc 12,50)
Hát: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu…”

Lm. HK