Ơn thiên triệu _ tổ ấm hoàng hôn

TỔ ẤM HOÀNG HÔN  
Các giáo phận (nên chăng) đặc biệt quan tâm, học hỏi lẫn nhau và giúp nhau tổ chức những nhà hưu dưỡng thật hẳn hoi, để chăm lo tốt cho các cha sau thời gian phục vụ đầy công lao vất vả, không những phần vật chất, mà nhất là phần tinh thần.  
Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss
Nhiều Giáo phận có nhà hưu dưỡng tại Giáo phận, ngay trong khu vực Tòa Giám mục hoặc một nơi riêng biệt, cho các linh mục lớn tuổi hoặc bệnh hoạn không còn làm việc được nữa sống những ngày cuối đời, chờ đợi Chúa gọi về. Nhưng cũng có những Giáo phận chưa có nhà hưu dưỡng dành riêng cho linh mục và để các linh mục tự lo liệu lấy. Có những Giáo phận có nhà hưu dưỡng, nhưng để các linh mục được tự do hưu ở nhà hưu của giáo phận hay ở đâu có thể tiếp nhận họ, hoặc ở với bà con cháu chắt.
Phần đông nhà hưu dưỡng giáo phận yêu cầu các cha hưu phải đóng góp bằng cách dâng lễ, nhưng chế độ chăm sóc không rõ ràng và chu đáo, tiêu chuẩn cấp dưỡng thấp và quá chặt chẽ. Các cha già và bệnh tật thường phải theo chế độ ăn kiêng, hoặc do thời tiết và bệnh hoạn không ăn được những thứ dọn ra, nhưng người phục vụ không có điều kiện để thay thế, khiến các ngài phải chịu thiếu thốn, đói khát, tủi thân, đâm ra tiếc nuối, hụt hẫng…, nhất là các vị lúc đương làm việc có những điều kiện sống cao và thoải mái hơn: cực trước sướng sau thì sướng hơn, nhưng sướng trước cực sau thì cái cực càng nặng nề! Đây cũng là một lý do khiến các cha già ngại hưu ở nhà hưu chung.
Tại một số giáo phận, khi một cha hưu chết, giáo phận sẽ cho hòm chôn, còn các chi phí dịp an táng thì gia đình phải chịu. Do đó, nếu không còn gia đình hoặc gia đình quá nghèo, cha già phải dè sẻn dành dụm trước cho khoản này, không dám cả ăn uống thuốc men khi còn thấy chịu đựng được. Ngược lại, có một ít cha để dành và di chúc lại cả tiền xe cộ và ăn uống cho các bổn đạo cũ đi đưa đám mình!
Ngoài ra, do điều kiện tuổi tác và sức khỏe, có những vị cần được chăm sóc đặc biệt (dìu dắt, bợ đỡ, lau chùi, đấm bóp và vệ sinh thân thể), mà nhân viên nhà hưu dưỡng không thể đảm đang nổi. Các vị có bà con cháu chắt có điều kiện kinh tế và thời gian thì đến ở với để chăm sóc. Các vị không có bà con cháu chắt thì phải bỏ tiền ra thuê người đến ở phục vụ. Nhưng gặp vị nghèo khó chẳng có gì để bồi dưỡng hay thuê người giúp, chỉ trông vào “người đi qua kẻ đi lại” thì thật đáng thương. Nhân viên phục vụ ít, lại nhiều công việc, nên chỉ dành cho các vị hưu dưỡng sự phục vụ theo tiêu chuẩn chung và theo lượt. Từ hoàn cảnh này, nhiều vị rất tội nghiệp là từ thân thể và phòng ở của các vị xông mùi hôi hám. Có vị vì phải nằm lâu một bề nên bị lở loét đau đớn lắm. Đó cũng là một lý do nữa khiến các cha ngại về nhà hưu chung. Và đã có vị chết ở trong phòng chẳng ai hay, và cũng chẳng biết chúc thư để ở đâu. Vì thế Giáo Hội khôn ngoan yêu cầu mỗi linh mục phải viết và để một bản chúc thư ở Tòa Giám Mục.
Nhưng trường hợp những vị có con cháu hay thuê người tới ở lại chăm sóc lại nảy sinh vấn đề khác: thường nhà hưu chỉ dành cho mỗi cha hưu một phòng khép kín với các công trình phụ cần thiết. Nay người giúp cũng ở và làm mọi sự trong đó, suốt ngày đêm; và nếu đó lại là người nữ thì rất bất tiện, khó coi và có khi nguy hiểm nữa. Linh mục đi tu, tận hiến đời mình cho Chúa, cho Giáo Hội và các linh hồn, nhưng linh mục vẫn không thôi là con người. Nhiều người trêu nhau: “trâu già mà sừng không già” hay “già chưa đều.”
Do những hoàn cảnh ấy, có một số linh mục không đủ tinh thần từ bỏ và phó thác như thân phận Chúa Giêsu “con chim có tổ, con chồn có hang, Con Người không nơi tựa đầu”, mà lại có đôi chút phương tiện nên phòng xa thủ lại một số tiền hay xây dựng nhà cửa để hưu sau này. Từ đó sinh ra keo kiệt và quá đòi hỏi giáo dân trong vấn đề lễ lạy, bí tích và phân biệt đối xử, trọng giàu khinh nghèo! Chủ chăn mà làm khó dễ quá cho giáo dân trong vấn đề lãnh nhận các bí tích sẽ gây nên một hậu quả ngược lại rất tai hại, là đẩy họ ra khỏi Giáo Hội... Những người làm như thế phải nghĩ đến lúc phải trả lẽ nặng với lương tâm thức tỉnh của mình và với Chúa. Có những vị “dại” xây nhà tại nơi mình phục vụ, gây nhiều phiền phức cho người kế nhiệm và giáo dân, và cuối cùng cũng chẳng được ở! Những vị “khôn hơn” đầu tư xây nhà cửa cho ông bà cố và dành những căn phòng tiện nghi cho mình hưu sau này.
Qua những bất tiện đó, có những Giáo phận đưa ra các biện pháp: Không cho hưu tại giáo xứ đã làm việc; ai hưu  tại nhà hưu dưỡng giáo phận thì giáo phận đài thọ phần lớn và cha hưu dâng một số ý lễ; còn ai hưu tại nhà riêng thì phải tự túc hoàn toàn. Có một giáo phận kia xin được Tòa Thánh và vận động giáo dân trong và ngoài nước lập nên một quỹ hưu khá lớn do một Ủy ban đặc trách làm lợi thêm. Giáo phận ấy đã đài thọ trọn gói cho các cha hưu tại nhà hưu của giáo phận, và đài thọ hai triệu đồng cho các cha hưu tại trụ sở của giáo phận gốc, còn tất cả các cha đang làm mục vụ được giúp khám sức khỏe tổng quát hằng năm, và ai bị bệnh được giúp tới mức tối đa ba mươi triệu.
Nếu tất cả các giáo phận đặc biệt quan tâm, học hỏi lẫn nhau và giúp nhau tổ chức những nhà hưu dưỡng thật hẳn hoi, để chăm lo tốt cho các cha sau thời gian phục vụ đầy công lao vất vả, không những phần vật chất, mà nhất là phần tinh thần. Các cha hưu sống thành cộng đồng huynh đệ trong vui tươi, an bình, hạnh phúc, tin yêu, tín thác cho Chúa và Giáo Hội, nêu gương cho đàn em, và cũng là hậu phương cầu nguyện cho đàn em trên cánh đồng truyền giáo và dưỡng giáo. Còn các linh mục đang làm mục vụ cũng được an tâm về tương lai tuổi già của mình, chẳng cần suy tính phòng xa tích trữ gì cả, một mực hết lòng cống hiến cho đoàn chiên, và có thể góp phần với giáo phận trong việc xây dựng, trang bị và bảo trì nhà hưu dưỡng chung. Được vậy thì siêu nhiên và tốt đẹp biết bao!
Nhưng đối với các nhà hưu dưỡng chung cho các cha như thế, xin đề nghị các vị hữu trách liệu làm sao có đủ nhân viên phục vụ được huấn luyện thích hợp và cũng có phương tiện cần thiết để đáp ứng kịp thời cho các vị đau yếu cần chăm sóc đặc biệt. Có như thế, các cha sắp hưu được an tâm và vui vẻ đi hưu, nêu gương sáng cho đàn em đi sau. Ngoài ra, trong trường hợp không thể có đủ nhân viên phục vụ như thế, mà có những cha thực sự cần thiết được phục vụ đặc biệt riêng, xin thiết kế thế nào để kế cận phòng cha hưu có một phòng nhỏ với những công trình phụ tối thiểu cho người giúp ở và sinh hoạt, chứ không ở chung và dùng chung phòng với cha hưu.
Nhưng trong tất cả những trạng huống tế nhị này, chớ gì chúng ta hướng về Mẹ Maria. Mẹ đã hiến dâng Con Mẹ bằng lòng ưng thuận đầu tiên với mầu nhiệm Nhập Thể. Và trong suốt cuộc sống, Mẹ vẫn tiếp tục hiến dâng Chúa Giêsu. Mẹ đã trao phó Ngài trong tay ông Simêon ngày dâng Chúa vào Đền Thánh. Mẹ đã hiến dâng khi Ngài rời bỏ gia đình để bắt đầu sứ vụ công khai. Và trên tất cả, Mẹ đã hiến dâng Ngài trên thập giá vì phần rỗi nhân loại. Trong khoảnh khắc đáng sợ ấy, Chúa Kitô cũng trao ban và đặt Mẹ Ngài trong sự chăm sóc của Giáo Hội, qua con người của người môn đệ yêu dấu.
Sau cùng, chớ gì lòng nhân hậu của Giáo Hội còn quan tâm đặc biệt đến những người này nữa trong các viện dưỡng lão của Giáo Hội. Đó là cha mẹ của một số linh mục gặp hoàn cảnh già cả neo đơn, không ai chăm sóc. Các anh em linh mục ấy có thể gửi gắm cha mẹ hầu được yên tâm phục vụ các linh hồn, trở nên linh mục nhiệt thành hơn, hoàn toàn sống vì đoàn chiên. Nếu được vậy thì tốt đẹp biết bao, vì bao nhiêu năm trước cha mẹ họ đã trao họ cho Giáo Hội, và bây giờ họ lại được đặt cha mẹ mình trong vòng tay chăm sóc của Giáo Hội. Trong lãnh vực này, Giáo Hội cũng nên lưu tâm đến hoàn cảnh, tình cảm và những trăn trở không thể tránh được của các linh mục là con một hay con trai duy nhất trong gia đình. Cầu mong cho họ “một lần đã quảng đại thì được quảng đại cho đến cùng”.
Nữ Vương ban sự bình an, xin cầu cho chúng con. Amen.
(còn tiếp)