Như Chúa Giêsu luôn
sống cho Chúa Cha, trong sự tuân phục Đức Mẹ và Thánh Giuse, linh mục được mời
gọi tận hiến hoàn toàn cho Chúa và công việc của Ngài, nhưng không quên bổn phận
với những người thân trong gia đình huyết tộc cũng như linh tông.
Micae-Phaolô Trần Minh Huy
Những gì linh mục nên làm và không nên làm
cho gia đình, nhất là ông bà cố, cũng như con cái bảo trợ và linh tông.
Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài phú bẩm
cho họ con tim để yêu thương chia sẻ với tha nhân. Vì thế, cuộc sống của con
người không thể không có các mối tương quan, đặc biệt nơi người linh mục, các mối
tương quan đó càng đòi hỏi sâu đậm hơn: Tương quan mật thiết với Thiên Chúa là
Cha, Đấng tuyển chọn và mời gọi cha làm chứng cho Ngài; tương quan với tha nhân
để cùng nhau sống lời mời gọi nên thánh. Linh mục cần phải thăng hoa các mối
tương quan này. Chúng ta sẽ trình bày những điều linh mục nên làm và không nên
làm cho những người thân trong gia đình huyết tộc cũng như gia đình linh
tông.
V.1. Đối với gia đình bà con, đặc biệt
là ông bà cố
V.1a. Những điều nên
làm
• Là thành viên của gia đình, linh mục
cũng có nghĩa vụ quan tâm đến anh chị em, bà con và đặc biệt là ông bà cố, người
đã sinh thành dưỡng dục mình. Đây là những người đã giúp đỡ, động viên và dưỡng
nuôi ơn gọi linh mục của mình, nên linh mục cần có lòng biết ơn, trân trọng và
giữ tình giao hảo, dâng lời cầu nguyện cho mọi người trong gia đình, qua kinh
nguyện và nhất là trong thánh lễ hàng ngày.
• Linh mục phải là người con hiếu thảo đối
với cha mẹ bằng việc quan tâm chăm sóc các ngài cả về tinh thần lẫn vật chất
trong phạm vi có thể: Linh mục kiên định theo đuổi ơn gọi bằng đời sống đạo đức,
thánh thiện để trở nên món quà tinh thần cho cha mẹ.
• Về vật chất: Linh mục là một người con
trong gia đình nên có bổn phận như các người con khác, cũng phải chăm lo cho
cha mẹ khi cha mẹ bệnh tật, già yếu hoặc những nhu cầu cần thiết, trong điều kiện
có thể của mình.
• Nên thu xếp công việc về thăm viếng, động
viên mọi người trong gia đình vào các dịp đặc biệt.
• Cầu nguyện cho ông bà cố và mọi người
trong gia đình. Khi trong gia đình có người thân qua đời, linh mục về yên ủi
chia buồn cùng gia đình, cũng như dâng thánh lễ cầu nguyện cho người mới qua đời,
cách riêng ông bà cố.
• Có thể phụ cấp nuôi dưỡng và chăm sóc
ông bà cố khi cần thiết: thăm hỏi và tặng quà vào những dịp lễ tết hay những
ngày đặc biệt.
• Vâng phục các ngài với tất cả lòng yêu
thương, kính trọng và hiếu thảo. Giữ tôn ti trật tự trong gia quyến, kính trên
nhường dưới, xưng hô đúng vai vế đối với những người trong gia đình và họ hàng.
Thông cảm với ông bà cố, vì các ngài có thể là những người xưa và không được học
hành nhiều.
• Thăm hỏi những vị tiền bối và xin ý kiến
của các ngài. Có thế lắng nghe các ngài nhận định phê bình, đánh giá với niềm
kính trọng sâu xa, tuy các vị đó không được học nhiều như mình, nhưng kinh nghiệm
đời thì chắc chắn các vị đó hơn mình.
• Nếu nhà con một, có thể nuôi dưỡng ông
bà cố ở giáo xứ của mình. Tuy nhiên, việc này rất tế nhị, thực sự cần thiết thì
hãy làm cách đó, và đừng để các ngài can thiệp vào công việc của giáo xứ.
• Khuyên dạy, chia sẻ, động viên một cách
có trách nhiệm với người thân và gia đình về đời sống đức tin và luân lý.
• Làm gương cho mọi người, nhất là con
cháu trong gia đình về lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Khi có dịp thuận tiện,
nên về thăm cha mẹ và những người thân.
• Nâng đỡ và giúp đỡ không những về mặt
tinh thần mà về cả vật chất nữa, nhất là những lúc khó khăn, đau yếu. Linh mục
cũng phải trân trọng sự giúp đỡ từ phía gia đình về vật chất lẫn tinh thần.
• Linh mục phải trở nên dấu chỉ, trung
gian hòa giải các mối bất hòa trong gia đình; đồng thời hướng dẫn mọi người sống
các giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội.
• Linh mục động viên, khuyến khích con
cháu trong việc học hỏi giáo lý và văn hóa; trân trọng những giá trị truyền thống
tốt đẹp của gia đình. Nên mời gia đình, họ hàng và cha mẹ tới thăm giáo xứ
trong những dịp thuận tiện.
• Cần cân nhắc lựa chọn mức thang giá trị
mỗi khi có chuyện liên can đến giáo xứ và gia đình. Linh mục giữ thế trung lập
giữa gia đình, họ hàng với cha xứ và giáo xứ quê hương.
V.1b. Những điều
không nên làm
• Linh mục không nên để cha mẹ quá thiếu
thốn khi có điều kiện chăm lo, nhưng không nên dùng của cải vật chất của nhà xứ
nơi mình được ủy thác trông coi để làm giàu cho gia đình.
• Không áp đặt ý kiến của mình cho ông bà
cố và gia đình, nên nhớ bổn phận làm con và là một thành viên trong gia đình.
• Không thường xuyên về nhà hay quá lo lắng
cho gia đình, vì như thế dễ làm cho người khác nói mình chỉ chăm lo cho gia
đình mà bỏ bê công việc của Giáo Hội. Nhưng không vì thế mà thờ ơ không màng gì
đến gia đình và người thân.
• Không nên sống cách trưởng giả, coi thường
người thân và những người ít học trong gia đình và họ hàng, tự phụ mình là linh
mục học rộng biết nhiều để lên lớp, dạy đời... Nếu có muốn khuyên răn hay chỉ bảo
thì cũng cần khéo léo, tôn trọng cách đúng mực.
• Không nên vội vàng phê bình, chỉ trích
hoặc can thiệp quá sâu vào những vấn đề nội bộ của gia đình và họ hàng, nhưng
cũng không nên thờ ơ với những việc đại sự của gia đình.
• Không nên thu cóp những thứ người ta
giúp đỡ cho việc mục vụ mang về nhà làm của riêng. Tránh tình trạng “một người
làm quan cả họ được nhờ” mà phụ cấp quá nhiều cho ông bà cố cũng như mọi người
trong gia đình.
• Không nên lo lắng quan tâm đến gia đình
cách thái quá mà bê trễ việc mục vụ giáo xứ, cũng như không được để gia đình của
mình can dự vào những công việc của giáo xứ mình coi sóc.
• Không nên cho người thân vay tiền của
giáo xứ và cẩn trọng trong việc cho vay tiền của cá nhân mình.
V.2. Đối với con cái bảo trợ
V.2a. Những điều nên
làm
• Linh mục có bổn phận giúp đỡ các mầm
non ơn gọi nam cũng như nữ, ít là trong nhiệm sở mình coi sóc. Noi gương Chúa
Giêsu trong việc tuyển chọn và huấn luyện các mầm non ơn gọi.
• Làm cho gia đình linh tông có những mối
dây liên hệ và hiệp thông tốt lành giúp ích cho sự thăng tiến ơn gọi.
• Cư xử đúng vai trò một người cha để con
cái tin tưởng bày tỏ xu hướng, tâm tình cách chân thành và cởi mở. Tận tình hướng
dẫn con cái để họ có thể chọn đúng con đường mà Thiên Chúa muốn họ đi.
• Tìm hiểu hoàn cảnh và môi trường giáo dục
để ngăn chặn những nguy hại và phát triển những ưu điểm cho con cái về ơn gọi.
• Tạo sự gần gũi với gia đình của con cái
và dạy họ biết quí trọng bố mẹ và gia đình của họ. Nên thăm gia đình họ trong
những dịp cần thiết để khích lệ động viên gia đình cùng chăm lo ơn gọi cho con
cái.
• Đối xử bình đẳng và trong sáng trong lời
nói và việc làm với những con cái đã tin tưởng nhận mình, nhất là đối với các
con gái.
• Vì là chỗ dựa tinh thần cho con cái nên
linh mục cần sống gương mẫu, có đức tin vững vàng, nhiệt tâm với các linh hồn,
vui vẻ lạc quan, nỗ lực trau dồi kiến thức, thể hiện lòng can đảm và trung
thành với Chúa và Giáo hội.
• Có thể góp phần vào việc chu cấp một phần
vật chất cho con cái bảo trợ để chúng có đủ điều kiện được học hành và tu tập:
nhiều con em giáo dân nghèo bị thất học, mà càng thất học càng nghèo đói và bị thua
thiệt đủ điều. Có nhiều con em có đủ trí khôn và rất hiếu học, lại có những em
muốn dâng mình cho Chúa để phục vụ các linh hồn sau này, nhưng vì nhà nghèo
không đi học nổi nên đành chịu.
• Hướng dẫn, động viên để giúp họ tiến
lên trên con đường nhân đức. Tạo sự gần gũi, tin tưởng, nhất là tạo môi trường
thuận lợi cho con cái học tập và thăng tiến trên con đường thiêng liêng. Phân
tích đời sống ơn gọi cách chân thực và đa diện để các em hiểu biết và sống đời
sống ơn gọi cách tốt hơn.
• Sống đời sống trong sáng với các con
cái mình. Luôn đồng hành và động viên con cái, nhất là trong những lúc khó
khăn, khủng hoảng, đặc biệt là cảm thông và tập đi vào suy nghĩ của họ để hiểu
họ và định hướng cho họ cách đúng đắn hơn.
• Trợ cấp vật chất vừa đủ để khích lệ con
cái thăng tiến tri thức và đời tu. Tập cho các em có ý thức trách nhiệm lương
tâm: mình đã được giúp đỡ mà nên người nên việc, thì sau này khi đến lượt mình
cũng phải cố gắng giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Người này giúp người
khác, rồi người khác lại giúp người khác nữa, cứ như thế mà nhân rộng mãi ra,
biết đâu chừng sẽ có một hiệu quả lớn lao.
• Cầu nguyện và có những chỉ dẫn kịp thời
để giúp con cái tìm ra thánh ý Chúa để tiếp tục dấn thân. Nếu có những dấu hiệu
đi lạc xa mục đích thì cần có những ngăn chặn, hướng dẫn kịp thời.
• Nên làm gương sáng cho những người mà
mình nhận bảo trợ ơn gọi. Ý thức rằng đời sống của mình ảnh hưởng rất lớn tới đời
sống ơn gọi của con cái.
V.1b. Những điều
không nên làm
• Không để tình cảm làm ảnh hưởng đến ơn
gọi và bổn phận mục vụ của mình; cũng đừng để tình cảm của mình bị thiên lệch
khiến có sự so bì ảnh hưởng đến mối hiệp nhất trong gia đình.
• Không nên dùng tiền để chiêu mộ ơn gọi
hoặc chiều chuộng con cái bằng cách cho tiền thoải mái, so bì với con cái cha
khác.
• Không nên nhận quá nhiều con khi không
thể chu toàn bổn phận. Cũng không nên lợi dụng gia đình của con cái bảo trợ để
mưu cầu lợi ích riêng: để con nuôi cha thay vì cha nuôi con!
• Không nên chỉ nuôi con nhằm mục đích
giúp mình mà không tính đến việc đào tạo họ để họ có cơ hội tiến lên. Không nên
giao quá nhiều việc cho con cái trong khi chúng cần thời gian để học riêng.
• Không nên tạo tinh thần cục bộ cho con
cái, hoặc kỳ vọng, đòi hỏi quá để gây áp lực nặng nề cho con cái.
• Không nên giúp đỡ quá mức cần thiết những
người mình bảo trợ, khiến họ lầm tưởng đi tu là để được hưởng thụ giàu sang.
• Không nên ép họ phải đi tu hay tuyệt đối
phải vâng lời đi đúng con đường mình vạch ra. Không nên buồn phiền thất vọng và
coi thường những người mình bảo trợ nếu họ không tiếp tục con đường tu trì.
• Không nên lợi dụng lòng tốt và thiện
chí của họ để biến họ thành những người giúp việc, sai khiến họ làm một số công
việc cho lợi ích cá nhân mình.
• Không nên có những quan tâm thái quá,
những thái độ, tiếp xúc quá thân mật, nhất là đối với các con gái; nhớ rằng mọi
mối tương quan khác giới đều có tính cách phái tính.
• Không nên phân tích đời sống tu trì một
cách phiến diện và cho các em biết những điều tiêu cực, những khoảng tối trong
Giáo Hội kẻo các em nản chí dấn thân.
• Không nên làm gương xấu hay có những lời
nói và hành động không có tính cách làm gương sáng. Tránh kiểu nói lưỡng nghĩa,
gây hiểu lầm và ảnh hưởng không tốt sau này.
• Không nên coi việc giáo dục con cái bảo
trợ là của Chủng việnh hay của Nhà dòng, mà cha đỡ đầu phải có trách nhiệm và bổn
phận cộng tác với các nhà đào tạo.
V.3. Đối với anh chị em linh tông
V.3a. Những điều nên
làm
• Cầu nguyện chung cho nhau trong bước đường
thánh hiến và chia sẻ nâng đỡ nhau với một tình cảm trong sáng. Chúc mừng và tặng
quà nhau trong những dịp đặc biệt.
• Khi có việc của gia đình, mọi người nên
có trách nhiệm chung. Tìm dịp để cộng tác, làm việc chung với nhau, nối kết với
anh chị em của mình, nhưng tránh tinh thần cục bộ và phe cánh.
• Thăm gia đình nhau vào dịp đặc biệt,
hay thỉnh thoảng tổ chức cùng nhau đi tham quan hay hành hương để tạo sự hiệp
thông sâu xa giữa các thành viên.
• Nêu gương sáng bằng đời sống linh mục
đích thực ngày càng trở nên giống Chúa Kitô để cùng nhau thăng tiến và phát triển
Giáo Hội.
• Đoàn kết yêu thương nhau, cộng tác với
nhau trong việc chu toàn sứ vụ. Học hỏi kiến thức và kinh nghiệm sống của các
anh chị đi trước. Hướng dẫn, chia sẻ và đồng hành với các em đi sau. Góp ý xây
dựng cho nhau mỗi khi có dịp thuận tiện, đặc biệt là qua cha cố.
• Đối với người lớn tuổi, người đi trước
cần kính trọng, vì họ là những người có kinh nghiệm trong đời sống tu trì. Với
những người lớp sau cần có thái độ tôn trọng và bảo ban như người anh người chị
đi trước, như người hướng dẫn có kinh nghiệm và trách nhiệm.
• Sống khiêm nhường, cởi mở, cảm thông và
giúp đỡ. Cần thăm viếng nhau khi đau yếu bệnh tật và khó khăn về mặt tinh thần
cũng như vật chất.
• Chia sẻ cho nhau những khó khăn thường
gặp trong việc mục vụ để động viên khích lệ nhau thực thi tốt sứ vụ Chúa và
Giáo hội trao phó.
• Cầu nguyện, chia sẻ và trợ lực nhau
trong bước đường ơn gọi. Coi nhau như những người anh chị em ruột.
V.3b. Những điều
không nên làm
• Không nên để những tình cảm cá nhân, đặc
biệt tình cảm khác giới làm ảnh hưởng đến ơn gọi của mỗi người.
• Không vì anh chị em linh tông mà bè
cánh làm ảnh hưởng, gây chia rẽ, gây gương mù gương xấu trong giáo phận, giáo xứ
và dòng tu.
• Không nên bàn tán quá đến đời tư và gia
đình của nhau, hoặc ghen tị nói xấu nhau
hay có thái độ coi thường và khích bác nhau.
• Không nên tặng quà vật chất quá thường
xuyên với những món quà có giá trị lớn, hoặc tổ chức hội họp, tiệc tùng quá nhiều
gây tốn kém và gương xấu cho người khác.
• Đối với chị em trẻ tuổi không nên suồng
sã trong cách ăn nói cũng như cư xử. Không nên tiếp xúc riêng tư quá nhiều và
chia sẻ những chuyện có hại cho ơn gọi.
• Không nên có tinh thần cục bộ, chỉ lo
cho anh chị em của mình mà không có trách nhiệm chung.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có kinh nghiệm
về các mối tương quan. Chúa Giêsu, con người hoàn hảo, là mẫu mực trong các mối
tương quan. Là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu tại trần gian, linh mục hãy
theo sát Ngài trên mọi nẻo đường, trong mọi hành động và lời nói. Như Chúa
Giêsu luôn sống cho Chúa Cha, trong sự tuân phục Đức Mẹ và Thánh Giuse, linh mục
được mời gọi tận hiến hoàn toàn cho Chúa và công việc của Ngài, nhưng không
quên bổn phận với những người thân trong gia đình huyết tộc cũng như linh
tông.
Thật vậy, tương quan hai chiều: hàng dọc với
Thiên Chúa và hàng ngang với con người, đặc biệt với cha mẹ, anh chị em thân
thuộc là một đòi hỏi của Tin Mừng (x. Mt 15,4-6). Dự phóng và ước mơ bao giờ
cũng nhiều và đẹp. Chớ gì mỗi người theo đuổi cho đến cùng những ước mơ và dự
phóng tương lai của mình. Xin Chúa tiếp tục cho đến hoàn thành tốt đẹp những gì
Ngài đã khởi sự với chúng ta và cho chúng ta.
Tạ ơn và kính dâng Đức Mẹ Lavang
Micae-Phaolô Trần Minh Huy pss
________________________________________
[443] Mc 14,38.
[444] x. MP. Trần Minh Huy, Đào tạo và
Tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh Việt Nam ngày nay,
tr.168-187.
[445] Optatam totius số 2.
[446] Mc 6,4