Chương 2. NẾU ANH EM KHÔNG TIN, ANH EM SẼ KHÔNG HIỂU
(x. Is 7:9)
Đức tin và chân lý
23. Nếu ngài không tin, thì ngài không hiểu
(x. Is 7: 9). Bản Hy Lạp của Thánh Kinh Do Thái, bản Bảy Mươi phát hành ở
Alexandria Ai Cập, dịch những lời của ngôn sứ Isaia nói cùng vua Aha. Bằng cách
này vấn đề hiểu biết về chân lý chiếm vị thế trung tâm của đức tin. Tuy nhiên,
trong văn bản tiếng Do Thái, chúng ta đọc khác. Ở đó, ngôn sứ nói với nhà vua:
“Nếu ngài không tin, ngài không thể đứng vững.” Ở đây có một cách chơi chữ, dựa
trên hai hình thức của động từ 'amàn: “ngài tin” (ta'aminu), và “ngài có thể đứng
vững” (ta'amenu). Sợ hãi vì sức mạnh của quân thù, nhà vua tìm an toàn mà việc
liên minh với đại đế quốc Assyria có thể cung
cấp cho vua. Khi ấy, ngôn sứ yêu cầu nhà vua nên chỉ dựa vào đá tảng thực sự,
đá tảng không ai có thể lay chuyển nổi, là Thiên Chúa của dân Israel. Vì Thiên Chúa đáng tin cậy,
thật là hợp lý để tin vào Ngài, để xây dựng sự an toàn thích đáng của vua dựa
trên Lời Ngài. Chính Ngài là Thiên Chúa mà chằng bao lâu nữa ngôn sứ Isaia sẽ gọi
hai lần, “Thiên Chúa của Amen” (x. Is 65:16), nền tảng bền vững của lòng trung
thành với Giao Ước. Người ta có thể nghĩ rằng bản Hy Lạp của Thánh Kinh, khi dịch
“đứng vững” thay vì “hiểu”, đã tạo ra một thay đổi sâu xa trong văn bản, vì việc
đổi từ khái niệm tin tưởng vào Thiên Chúa trong Thánh Kinh sang khái niệm hiểu
biết của Hy Lạp. Bản dịch này, tuy chắc chắn là chấp nhận đối thoại với nền văn
hóa Hy Lạp, nhưng đă không bỏ qua động lực cơ bản sâu xa của văn bản Do Thái. Thật
ra, lời hứa chắc chắn của ngôn sứ Isaia cho nhà vua, là do sự hiểu biết về hoạt
động của Thiên Chúa cùng sự hiệp nhất mà Ngài ban cho đời sống con người và lịch
sử của dân Ngài. Ngôn sứ khuyến khích nhà vua hiểu đường lối của Chúa, bằng
cách tìm kiếm trong sự thành tín của Thiên Chúa chương trình khôn ngoan đang điều
khiển nhiều kỷ nguyên. Thánh Augustinô đã trình bày sự tổng hợp của “hiểu biết”
và “đứng vững” trong sách Tự Thú của ngài khi ngài nói về chân lý, mà dựa vào
đó chúng ta có thể đứng vững “trong Ngài [Chúa], trong chân lý của Ngài, con sẽ
được kiên định và vững vàng” [17]. Từ bối cảnh này, chúng ta biết rằng Thánh
Augustinô muốn vạch ra cách chân lý đáng tin cậy này của Thiên Chúa trung thành
hiện diện trong lịch sử như thế nào, khả năng giữ thời gian cùa nó, qua việc kết
hợp những ngày bị phân tán của con người, như thấy rõ trong Thánh Kinh [18].
24. Khi đọc dưới ánh sáng này, đoạn văn của
ngôn sứ Isaia đưa đến một kết luận: con người cần sự hiểu biết, cần chân lý, bởi
vì không có nó, con người không thể đứng vững được. Đức tin, nếu không có chân
lý, thì không có khả năng cứu độ, không đảm bảo được bước đi của chúng ta. Nó vẫn
còn là một câu chuyện đẹp, phóng chiếu những ao ước hạnh phúc của chúng ta, một
cái gì đó mà chỉ thỏa mãn chúng ta vì chúng ta muốn lừa dối chính mình. Hoặc nó
bị giảm xuống thành một cảm giác tốt đẹp, có thể an ủi và sưởi ấm, nhưng vẫn
còn liên quan đến tâm trạng của chúng ta, theo sự thay đổi của thời gian, không
có khả năng nâng đỡ một cuộc hành trình liên tục trong đời sống chúng ta. Nếu đức
tin là như thế, thì vua Aha đã làm đúng vì đã không đánh cá cuộc sống và sự an
toàn của vương quốc của ông trên một cảm giác. Bằng sự nối kết nội tại của nó với
chân lý, đức tin có thể cung cấp một ánh sáng mới trên các tính toán của nhà
vua, bởi vì nó thấy xa hơn, bởi vì nó bao gồm các hoạt động của Thiên Chúa,
trung thành với Giao Ước và những lời hứa của Ngài.
25. Ngày nay, chính vì cuộc khủng hoảng
chân lý mà trong đó chúng ta đang sống, nên hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải
nhắc lại mối liên hệ giữa đức tin và chân lý. Trong văn hóa đương thời, người
ta thường có khuynh hướng chỉ chấp nhận như chân lý những sự thật của kỹ thuật:
chân lý là những gì con người có thể xây dựng và đo lường dựa vào kiến thức của
họ. Một điều là chân lý vì nó hiệu quả, do đó làm cho cuộc sống được thoải mái
và dễ dàng hơn. Ngày nay chân lý ấy dường như là chân lý chắc chắn duy nhất,
duy nhất mà chúng ta có thể chia sẻ với những người khác, duy nhất mà chúng ta
có thể thảo luận và trong đó người ta có thể cùng nhau tham gia. Hơn nữa còn có
những chân lý của mỗi người, bao gồm tình trạng đích thực mà mọi người đều cảm
thấy trong lòng, những chân lý chỉ có giá trị cho cá nhân và không có thể đề nghị
cho những người khác với ý định phục vụ công ích. Chân lý cao cả, chân lý giải
thích tất cả mọi sự của cuộc sống cá nhân và xã hội, bị người ta nhìn với đôi mắt
nghi ngờ. Người ta tự hỏi rằng nó chẳng phải là chân lý mà những chế độ chuyên
chế lớn của những thế kỷ trước đã mong muốn, một chân lý áp đặt vũ trụ quan của
nó để nghiền nát lịch sử cụ thể của từng cá nhân sao? Chung cuộc, chỉ còn lại một
thuyết tương đối, trong đó câu hỏi về chân lý phổ quát, mà cơ bản cũng là một
câu hỏi về Thiên Chúa, không còn được quan tâm nữa. Trong bối cảnh này, việc
người ta muốn loại bỏ sự kết nối giữa tôn giáo với chân lý là điều hợp lý, bởi
vì sự kết nối ấy sẽ là căn nguyên của cuồng tín, tìm cách để đàn áp những người
không chia sẻ cùng một niềm tin. Chúng ta có thể nói, về đề tài này, về một sự
mất trí nhớ lớn trong thế giới hiện đại của chúng ta. Thực ra, câu hỏi về chân
lý là một vấn đề của ký ức, của ký ức sâu xa, bởi vì nó đề cập đến những người
đi trước chúng ta, và nó có thể thành công trong việc kết hợp chúng ta một cách
vượt trên “cái tôi” nhỏ bé và giới hạn của mình. Đây là một câu hỏi về nguồn gốc
của tất cả, trong ánh sáng của nó người ta có thể nhìn thấy mục đích và cũng là
ý nghĩa của con đường chung của chúng ta.
Sự hiểu biết về chân lý và tình yêu
26. Trong trường hợp này, đức tin Kitô giáo
có thể cung cấp một phục vụ cho công ích về một cách thế đúng đắn để hiểu chân
lý không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải suy nghĩ về loại kiến thức phù
hợp với đức tin. Một cách diễn tả của Thánh Phaolô có thể giúp cho điều này,
khi ngài nói, “tin trong trái tim” (x. Rm 10:10). Theo Thánh Kinh thì trái tim
là trung tâm của con người, là nơi giao nhau của tất cả các chiều kích khác
nhau của nó: thân thể và tinh thần; nội tâm của con người và sự cởi mở của người
ấy với thế giới và với những người khác; trí tuệ , ý chí và tình cảm. Vâng, nếu
trái tim có khả năng kết hợp các chiều kích này, vì nó là nơi mà chúng ta mở
lòng ra cho chân lý và tình yêu, và là nơi chúng ta để cho mình được chạm đến
và biến đổi sâu xa bởi chúng. Đức tin biến đổi toàn thể con người, theo mức độ
mà nó mở ra cho tình yêu. Chính ở nơi gặp gỡ giữa đức tin với tình yêu này mà
chúng ta biết được loại hiểu biết thích hợp với đức tin, sức thuyết phục và khả
năng soi sáng những bước đi của chúng ta của nó. Đức tin biết theo mức độ mà nó
gắn liền với tình yêu, theo mức độ mà tình yêu tự nó mang một ánh sáng. Sự hiểu
biết về đức tin là điều phát sinh khi chúng ta nhận được tình yêu cao cả của
Thiên Chúa là Đấng biến đổi chúng ta từ bên trong và ban cho chúng ta đôi mắt mới
để nhìn thực tại.
27. Cách thế mà triết gia Ludwig
Wittgenstein giải thích về mối liên hệ giữa đức tin và sự chắc chắn được rất
nhiều người biết đến. Theo ông thì tin tương tự như kinh nghiệm về yêu đương, một
kinh nghiệm được hiểu như chủ quan, mà người ta không thể đề nghị như một chân
lý thích hợp cho tất cả mọi người [19]. Thực ra, đối với con người hiện đại câu
hỏi về tình yêu dường như không có liên quan gì đến chân lý. Tình yêu ngày nay
được hiểu như một kinh nghiệm liên quan đến thế giới cảm xúc hay thay đổi, chứ
không còn là chân lý.
Đây có thực sự là một mô tả đầy đủ về tình
yêu không? Thực ra, tình yêu không thể bị thu gọn thành một cảm xúc nay đến mai
đi. Đương nhiên nó ảnh hưởng đến yếu tố tình cảm của chúng ta, nhưng để mở ra
cho người mình yêu và để bắt đầu một cuộc hành trình, thì phải từ bỏ việc đóng
cái “tôi” riêng lại để đi về phía người khác, để xây dựng một mối liên hệ lâu
dài; tình yêu là sự hiệp thông với người mình yêu. Do đó, rõ ràng theo một
nghĩa nào đó, tình yêu cần chân lý. Chỉ khi nào tình yêu dựa trên chân lý thì
nó mới có thể đứng vững với thời gian, vượt trên những giây phút thoáng qua và
vững vàng để nâng đỡ một cuộc hành trình chung. Nếu tình yêu không liên kết với
chân lý, nó lệ thuộc vào sự bất ổn của tình cảm và không thể vượt qua được sự
thử thách của thời gian. Tuy nhiên, tình yêu đích thực, kết hợp tất cả các yếu
tố của con người chúng ta, và trở thành một ánh sáng mới hướng đến một cuộc sống
cao cả và sung mãn. Nếu không có chân lý thì tình yêu không thể cung cấp mối
dây liên hệ vững chắc, nó không thành công trong việc đem cái “tôi” ra khỏi sự
cô lập, cũng không giải phóng nó khỏi những giây phút thoáng qua để xây dựng đời
sống và sinh hoa kết quả.
Nếu tình yêu cần chân lý, thì chân lý cũng
cần tình yêu. Tình yêu và chân lý không thể tách rời nhau được. Nếu không có
tình yêu, chân lý trở nên lạnh lẽo, trở thành vô cảm và đàn áp cuộc sống cụ thể
của con người. Chân lý mà chúng ta tìm kiếm đem lại ý nghĩa cho bước đường của
chúng ta, soi sáng chúng ta khi chúng ta được tình yêu chạm đến. Ai yêu thì hiểu
rằng tình yêu là một kinh nghiệm về chân lý, chính nó mở mắt chúng ta để thấy
toàn thể thực tại một cách mới mẻ, trong sự kết hợp với người mình yêu. Theo
nghĩa này, Thánh Grêgôriô Cả đã viết rằng “amor ipse notitia est” - tình yêu tự
nó là kiến thức,
mang trong nó một luận lý mới [20]. Nó là một cách nhìn về thế giới với sự liên
hệ, trở thành sự hiểu biết được chia sẻ, một cái nhìn theo nhãn quan của người
khác và cái nhìn chung về tất cả mọi sự. Guillaume de Saint Thierry, thời Trung
cổ, theo truyền thống này khi ông chú giải về một câu Nhã Ca mà ở đó tình quân
nói với tình lang: Đôi mắt của em là mắt bồ câu (x. Nc 1:15) [ 21]. Guillaume
giải thích rằng đôi mắt của người yêu, là lý trí có đức tin và tình yêu, sẽ trở
thành một mắt duy nhất để chiêm ngắm Thiên Chúa, khi trí tuệ là “một trí tuệ của
tình yêu được giác ngộ” [22].
28. Việc khám phá này về tình yêu, như nguồn
mạch của sự hiểu biết, là một phần của kinh nghiệm ban đầu của mọi người, được
diễn tả bằng một quan niệm về đức tin trong Thánh Kinh. Nhờ nếm thử tình yêu mà
qua đó Thiên Chúa đã chọn họ và thiết lập họ thành một dân tộc, dân Israel cảm
nhận được sự thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa, từ khởi thủy của nó cho đến
hoàn thành. Sự hiểu biết về đức tin, vì được phát sinh từ tình yêu của Thiên
Chúa, là Đấng thực hiện Giao Ước, nên là sự hiểu biết soi sáng cuộc hành trình
trong lịch sử. Đây cũng là lý do tại sao trong Thánh Kinh, chân lý và lòng
trung thành đi đôi với nhau, và Thiên Chúa thật là Thiên Chúa trung tín, Đấng
giữ những lời hứa của Ngài, và cho phép người ta hiểu được kế hoạch của Ngài
trong thời gian. Qua kinh nghiệm của các ngôn sứ, trong đau khổ của cuộc lưu đầy
và hy vọng về việc dứt khoát trở lại thành thánh, dân Israel có cảm giác rằng
chân lý này của Thiên Chúa trải ra ngoài lịch sử họ của nó để bao trùm lịch sử
của toàn thế giới, kể từ lúc tạo dựng. Sự hiểu biết về đức tin soi sáng không
những chỉ cuộc hành trình đặc biệt của một dân tộc, nhưng toàn thể cuộc hành
trình của thế giới tạo vật, từ nguyên thủy của nó để ngày viên mãn.
Đức tin như thính giác và thị giác
29. Bởi vì sự nhiểu biết về đức tin nối liền
với Giao Ước của một Thiên Chúa thành tín, Đấng thiết lập một liên hệ tình yêu
với con người và nói với họ bằng Lời, được trình bày trong Thánh Kinh như một sự
lắng nghe và liên hệ với thính giác. Thánh Phaolô sử dụng một công thức đã trở
thành cổ điển: fides ex auditu, “đức tin đến bởi nghe” (Rm 10:17). Liên hệ với lời
nói, sự hiểu biết luôn luôn là sự hiểu biết cá nhân, một sự hiểu biết nhận ra
giọng nói, tự nguyện mở ra cho giọng nói ấy và làm theo nó trong sự vâng phục. Đó
là lý do tại sao Thánh Phaolô đã nói về “sự vâng phục của đức tin” (x. Rm 1: 5,
16, 26) [23]. Hơn nữa, đức tin là sự hiểu biết liên quan đến quá trình thời
gian, mà lời cần phải có để nói: đó là một kiến thức chỉ có thể học được bằng
cách đi theo [Thầy] trong cuộc hành trình (sequela). Việc nghe giúp ta trình
bày lại cách rõ ràng hơn mối liên hệ giữa kiến thức và
tình yêu.
Đối với kiến thức về chân lý, đôi khi thính
giác lại trái ngược với thị giác, và đó là sự đặc thù của nền văn hóa Hy Lạp. Nếu,
một đàng, ánh sáng giúp chúng ta chiêm ngắm toàn diện những gì mà con người vẫn
luôn luôn mơ ước, thì đàng khác, dường như nó không còn dành một chỗ nào cho tự
do, vì nó xuống từ trời và đi thẳng vào mắt mà không đòi mắt trả lời. Ngoài ra,
nó có vẻ mời một chiêm niệm tĩnh, tách biệt khỏi điều kiện cụ thể trong đó con
người vui mừng và đau khổ. Theo quan niệm này, tiếp cận Thánh Kinh về hiểu biết
trái ngược với tiếp cận của Hy Lạp, vì người Hy Lạp nối kết kiến thức với thị
giác trong khi theo đuổi sự hiểu biết toàn diện về thực tại.
Tuy nhiên, rõ ràng là sự đối chọi giả tạo
này không phù hợp với tường thuật trong Thánh Kinh. Cựu Ước, đã dung hòa hai loại
hiểu biết này, bởi vì việc lắng nghe Lời Thiên Chúa gắn liền với ước muốn được
nhìn thấy Thánh Nhan Ngài. Bằng cách này, có thể khai triển một cuộc đối thoại
với nền văn hóa Hy Lạp, đối thoại là trung tâm của Thánh Kinh. Thính giác minh
chứng cho ơn gọi cá nhân và sự vâng phục, cùng sự thật là chân lý được mặc khải
trong thời gian; thị giác cung cấp một viễn tượng đầy đủ về toàn thể cuộc hành
trình và cho phép nó nằm trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa; không có cái
nhìn này, chúng ta sẽ chỉ có những mảnh vụn riêng rẽ của một tổng thể hoàn toàn
không ai biết đến.
30. Sự kết nối giữa thị giác và thính giác,
như các cơ quan của sự hiểu biết về đức tin, hiển hiện rõ ràng hơn trong Tin Mừng
Thánh Gioan. Theo Tin Mừng thứ tư thì tin chính là lắng nghe và đồng thời nhìn
thấy. Sự lắng nghe của đức tin xảy ra trong hình thức hiểu biết đặc trưng cho
tình yêu: đó là một sự lắng nghe cá nhân, phân biệt được và nhận ra giọng của
Chúa Chiên Lành (x. Ga 10:3-5); một sự lắng nghe đòi hỏi nơi các môn đệ, như đã
xảy ra với các môn đệ đầu tiên, những người “nghe những lời ấy và đi theo Chúa
Giêsu” (Ga 1:37). Đằng khác, đức tin cũng liên quan đến thị giác. Đôi khi việc
nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa Giêsu đi trước đức tin, như với người những Do
Thái, sau khi ông Ladarô sống lại, “nhìn thấy những gì Người đã làm và tin vào
Người” (Ga 11:45). Lần khác, chính đức tin dẫn đến một cái nhìn sâu sắc hơn: “Nếu
con tin, con sẽ nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 11:40). Cuối cùng, tin
và nhìn thấy gắn bó với nhau: “Ai tin Tôi (...) là tin Đấng đã sai tôi; và ai
thấy Tôi là thấy Đấng đã sai Tôi” (Ga 12:44-45). Nhờ sự liên kết với việc nghe
này, cái nhìn trở thành một quyết tâm đi theo Đức Kitô, và đức tin xuất hiện
như một tiến trình chăm chú nhìn, trong đó đôi mắt học được thói quen nhìn theo
chiều sâu. Và như thế, vào buổi sáng Phục Sinh, chúng ta chuyển từ Gioan, người
vẫn còn trong bóng tối trước ngôi mộ trống, “đã thấy và đã tin” (Ga 20:8) sang
Maria Magdalena là người từ khi “nhìn thấy Chúa Giêsu” (x. Ga 20:14) và muốn ôm
chặt lấy Người, nhưng được mời chiêm ngắm việc Người lên cùng Chúa Cha; cho đến
lời thú nhận trọn vẹn của cũng Maria Magdalena này với các môn đệ: “Tôi đã thấy
Chúa!” (Ga 20:18).
Làm thế nào mà chúng ta đạt được sự tổng hợp
này giữa việc nghe và việc nhìn thấy? Điều này có thể được qua chính con người
Chúa Giêsu, là Đấng chúng ta có thể thấy và nghe. Người là Ngôi Lời Nhập Thể,
mà chúng ta đã chiêm ngắm vinh quang của Người (x. Ga 1:14). Ánh sáng đức tin
là ánh sáng của một Dung Nhan mà trên đó chúng ta thấy Chúa Cha. Thật vậy,
trong Tin Mừng thứ tư, chân lý mà đức tin cảm nhận được, là việc tỏ lộ Chúa Cha
trong Chúa Con, trong thân xác của Người và trong các việc làm của Người khi
còn tại thế, chúng ta có thể định nghĩa chân lý là “cuộc đời đầy ánh sáng” của
Chúa Giêsu [24 ]. Điều này có nghĩa là sự hiểu biết về đức tin không mời gọi
chúng ta nhìn vào một chân lý hoàn toàn nội tâm. Chân lý mà đức tin mở ra cho
chúng ta là một chân lý đặt trọng tâm vào cuộc gặp gỡ Đức Kitô, vào việc chiêm
ngắm cuộc đời của Người, vào ý thức về sự hiện diện của Người. Theo ý nghĩa
này, Thánh Thôma Aquinô nói về oculata fides của các Tông Đồ - một đức tin nhìn
thấy! – trước việc nhìn thấy thân thể của Đấng Phục Sinh [25]. Các ông đã nhìn
thấy Chúa Giêsu Phục Sinh với đôi mắt của các ông và các ông đã tin, nghĩa là
các ông đã có thể thấu suốt chiều sâu của những gì các ông thấy để tuyên xưng
Con Thiên Chúa, Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha.
31. Chỉ bằng cách này, qua việc Nhập Thể,
qua việc chia sẻ bản tính của nhân loại chúng ta, mà sự hiểu biết đúng về tình
yêu có thể hoàn toàn thể hiện. Thực ra, ánh sáng tình yêu nảy sinh khi con tim
chúng ta được chạm đến, và chúng ta đón nhận sự hiện diện nội tâm của Đấng mình
yêu, là Đấng cho phép chúng ta nhận ra mầu nhiệm của Người. Như vậy, chúng ta
hiểu lý do tại sao, với thính giác và thị giác, đức tin, theo Thánh Gioan, là một
“sự chạm đến”, như ngài nói trong thư thứ nhất: “(...) điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt (...) điều tay chúng tôi đã chạm đến là Lời ban
sự sống” (1 Ga 1: 1). Qua việc Nhập Thể của Người, qua việc đến giữa chúng ta,
Chúa Giêsu đã chạm vào chúng ta, và qua các Bí Tích Người cũng chạm vào chúng
ta hôm nay; bằng cách này, qua việc biến đổi tâm hồn chúng ta, Người đã và đang
cho phép chúng ta nhận ra và tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Nhờ đức tin,
chúng ta có thể chạm đến Người và nhận được sức mạnh của ân sủng Người. Thánh
Augustinô, khi chú giải về đoạn nói
về người phụ nữ bị băng huyết chạm vào Chúa Giêsu để được chữa lành (Lc
8:45-46) xác quyết rằng: “Chạm đến bằng con tim, đó chính là tin” [26]. Đám
đông vây quanh Người, nhưng họ không đến được với Người bằng việc chạm đến cách
cá nhân của đức tin, là điều nhận ra mầu nhiệm của Người, bản chất Chúa Con của
Người là Đấng mặc khải Chúa Cha. Chỉ khi nào chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng
với Đức Kitô, thì chúng ta mới nhận được đôi mắt đầy đủ để nhìn thấy.
Cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí
32. Vì rao giảng chân lý về tình yêu trọn vẹn
của Thiên Chúa và mở lòng ra với quyền năng của tình yêu này, mà đức tin Kitô
giáo đi thật sâu vào trung tâm của kinh nghiệm của mỗi người, là những kẻ đến
cùng ánh sáng nhờ tình yêu và được mời gọi yêu thương để ở lại trong ánh sáng. Được
thúc đẩy bởi ước ao soi sáng tất cả thực tại bằng tình yêu của Thiên Chúa trong
Chúa Giêsu và tìm cách yêu thương với tình yêu này, các Kitô hữu tiên khởi tìm
thấy trong thế giới Hy Lạp, trong sự đói khát chân lý của nó, một đối tác thích
hợp cho cuộc đối thoại. Cuộc gặp gỡ giữa sứ điệp Tin Mừng và các tư tưởng triết
học của thế giới cổ đại là một bước quyết định để Tin Mửng đến với mọi dân tộc.
Nó thuận lợi cho một sự tương tác hiệu quả giữa đức tin và lý trí, một tương
tác luôn luôn phát triển qua nhiều kỷ nguyên cho đến thời đại chúng ta. Chân
Phước Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Fides et Ration (Đức tin và Lý trí), đã
cho thấy đức tin và lý trí củng cố lẫn nhau thế nào [27]. Khi chúng ta tìm thấy
ánh sáng trọn vẹn của tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng, trong tất
cả tình yêu của chúng ta, đã có một tia của ánh sáng ấy và chúng ta hiểu được mục
tiêu cuối cùng của nó gì. Và, đồng thời, sự thể là tình yêu của chúng ta chứa đựng
một ánh sáng trong nó, giúp chúng ta nhìn thấy con đường tình yêu hướng đến sự
viên mãn của món quà tự hiến hoàn toàn của Con Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trong
chuyển động vòng tròn này, ánh sáng đức tin soi sáng tất cả các mối liên hệ
nhân loại của chúng ta, để chúng ta có thể sống trong sự hiệp thông với tình
yêu và sự ân cần của Đức Kitô.
33. Trong cuộc đời của Thánh Augustinô,
chúng ta thấy một ví dụ quan trọng về cuộc hành trình này, trong đó việc tìm kiếm
của lý trí, với ước ao của ngài về chân lý và sự rõ ràng, đã hòa nhập vào chân
trời đức tin, từ đó nó đã nhận được một sự hiểu biết mới. Một mặt, Thánh
Augustinô chấp nhận triết lý Hy Lạp về ánh sáng với việc nhấn mạnh đến thị
giác. Cuộc gặp gỡ với chủ nghĩa Tân Platon giới thiệu ngài với mô thức ánh
sáng, là ánh sáng chiếu từ trên xuống để soi sáng mọi sự, và do đó cũng là một
biểu tượng của Thiên Chúa. Bằng cách này, Thánh Augustinô đã hiểu sự siêu việt
của Thiên Chúa và đã khám phá ra rằng tất cả mọi sự đều có trong chính mình một
sự trong sáng nào đó, và có thể nói rằng chúng có thể phản ảnh sự tốt lành của
Thiên Chúa, là Đấng Nhân Lành. Ngài được giải thoát khỏi học thuyết của Mani
giáo mà ngài sống trước đó, là thuyết làm cho ngài tin rằng lành và dữ liên tục
đối chọi nhau, pha trộn và kết hợp với nhau, mà không có đường nét rõ ràng. Việc
hiểu rằng Thiên Chúa là ánh sáng cho ngài một hướng đi mới trong cuộc đời, cho
ngài khả năng nhận ra sự dữ và tình trạng tội lỗi của ngài, và trở về với điều
lành.
Tuy nhiên, mặt khác, trong kinh nghiệm thực
tế của Thánh Augustinô, như ngài kể trong Tự Thú của ngài, giây phút quyết định
trong cuộc hành trình đức tin của ngài không phải là một thị kiến về Thiên Chúa
ở trên cao và vượt ra ngoài thế gian này, mà là giây phút lắng nghe, trong vườn
khi ngài nghe có tiếng nói với mình: “Hãy cầm lấy và đọc”; và ngài cầm quyển
sách có các Thư của Thánh Phaolô lên và ngừng lại ở chương thứ mười ba của Thư
gửi tín hữu Rôma [28]. Bằng cách này Thiên Chúa cá nhân của Thánh Kinh tỏ mình
ra với ngài, có thể nói chuyện với con người, xuống để sống với họ và đồng hành
với họ trong hành trình qua lịch sử, qua việc xuất hiện trong giây phút lắng
nghe và đáp trả.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của Lời
đã không đưa Thánh Augustinô đến việc chối bỏ ánh sáng và thị giác. Luôn được
hướng dẫn bởi mặc khải về tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, ngài dung hợp
hai quan điểm. Và do đó ngài đã khai triển một triết lý về ánh sáng có thể đón
nhận vào mình sự hỗ tương thích hợp với lời và mở ra một không gian tự do nhìn
về phía ánh sáng. Cũng như lời là một đáp trả tự do, thì ánh sáng cũng tìm thấy
một hình ảnh phản chiếu nó như một sự đáp trả. Như thế, Thánh Augustinô có thể
nói về “lời chiếu sáng nội tâm con người” nhờ kết hợp thính giác và và thị giác
[29]. Bằng cách này, chúng ta có thể nói rằng, ánh sáng trở thành ánh sáng của
một lời, bởi vì nó là ánh sáng của một Dung Nhan cá nhân, một ánh sáng chiếu
soi trong chúng ta, mời gọi chúng ta và muốn phản ảnh trên khuôn mặt chúng ta
ngõ hầu cũng tỏa sáng từ bên trong chính chúng ta. Hơn nữa, ao ước được nhìn thấy
toàn thể, chứ không chỉ những mảnh vụn của lịch sử, vẫn còn đó và chung cuộc sẽ
được thỏa mãn, khi con người, như Giám Mục thành Hippo nói, sẽ thấy và sẽ yêu
[30]. Và điều này, không phải vì người ấy sẽ có tất cả ánh sáng, là điều không
bao giờ thiếu, nhưng bởi vì người ấy sẽ hoàn toàn bước vào trong ánh sáng.
34. Ánh sáng của tình yêu, thích hợp với đức
tin, có thể soi sáng những câu hỏi của thời đại chúng ta về chân lý. Ngày nay
chân lý thường bị giảm xuống thành sự xác thực chủ quan của mỗi người, chỉ có
giá trị cho cuộc sống cá nhân. Một chân lý chung làm cho chúng ta sợ hãi bởi vì
chúng ta đồng hóa nó với việc áp đặt không nhượng bộ của chủ nghĩa chuyên chế. Nhưng
nếu chân lý là chân lý của tình yêu, nếu nó là chân lý được tìm thấy trong việc
gặp gỡ Đấng Khác và những người khác, như thế nó được giải phóng khỏi việc bị
đóng kín trong cá nhân và có thể trở thành một phần của công ích. Bởi vì chân
lý của tình yêu không phải là một chân lý cần phải được áp đặt bằng bạo lực,
không phải là một chân lý đè bẹp cá nhân. Vì được sinh ra từ tình yêu, nó có thể
đến tận con tim, đến trung tâm của mỗi người. Như thế rõ ràng là đức tin không
cố chấp, nhưng lớn lên trong sự chung sống và tôn trọng người khác. Các tín hữu
không kiêu căng, trái lại, chân lý làm cho họ khiêm tốn, vì biết rằng mình
không phải là người sở hữu chân lý, nhưng chính chân lý bao trùm và sở hữu
mình. Thay vì làm cho họ thành cứng ngắt, sự an toàn của đức tin đặt họ trên một
cuộc hành trình, làm cho họ có thể thành chứng nhân và có thể
đối thoại với mọi người.
Mặt khác, ánh sáng đức tin, trong việc kết
hợp với chân lý của tình yêu, không xa lạ gì với thế giới vật chất, bởi vì tình
yêu luôn luôn sống trong thân xác và linh hồn; ánh sáng Đức tin là một ánh sáng
nhập thể tỏa ra từ cuộc đời đầy ánh sáng của Chúa Giêsu. Nó cũng chiếu soi vật
chất, tùy thuộc vào trật tự của có, biết rằng tự nó sẽ mở ra một con đường hòa
hợp và hiểu biết rộng lớn hơn bao giờ hết. Cái nhìn về khoa học như thế có lợi
cho đức tin: điều này mời gọi các nhà nghiên cứu tiếp tục đón nhận thực tại,
trong tất cả sự phong phú vô tận của nó. Đức tin đánh thức tinh thần phê phán bằng
cách tránh cho việc nghiên cứu hài lòng với những công thức của mình và giúp nó
hiểu rằng thiên nhiên luôn luôn rộng lớn hơn. Bằng cách mời gọi nó kinh ngạc
trước mầu nhiệm của việc tạo dựng, đức tin mở rộng chân trời của lý trí để làm
sáng tỏ hơn về thế giới là điều tự mở ra cho nghiên cứu khoa học.
Đức tin và việc tìm kiếm Thiên Chúa
35. Ánh sáng của đức tin vào Chúa Giêsu
cũng là con đường của tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa, và cung cấp sự đóng
góp cụ thể của Kitô giáo trong cuộc đối thoại với những người theo các tôn giáo
khác nhau. Thư gửi tín hữu Do Thái nói cho chúng ta về chứng từ của những người
công chính, là những người đã tìm kiếm Thiên Chúa bằng đức tin, trước khi có
Giao Ước với ông Abraham. Về ông Enoch, Thư nói rằng “ông đã được chứng giám là
đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11:5), là điều không thể được nếu không có đức tin, bởi
vì “ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là Ngài hiện hữu và Ngài thưởng công những
ai tìm kiếm Ngài” (Dt 11: 6). Chúng ta cũng có thể hiểu rằng con đường của con
người tôn giáo đi qua lời tuyên xưng về một Thiên Chúa, là Đấng chăm sóc họ và
là Đấng họ có thể tìm thấy được. Còn phần thưởng nào khác mà Thiên Chúa có thể
ban cho những kẻ tìm kiếm Ngài, nếu không phải là để cho họ gặp Ngài? Trước nữa,
chúng ta tìm thấy nhân vật Abel, mà người ta cũng ca ngợi đức tin vì Thiên Chúa
chấp nhận những của lễ của ông dâng lên Ngài, những con chiên đầu lòng của đàn
chiên của ông (x. Dt 11:4). Con người tôn giáo tìm cách nhận ra các dấu chỉ của
Thiên Chúa trong những kinh nghiệm hàng ngày của cuộc đời họ, trong chu kỳ các
mùa, trong hoa mầu ruộng đất và tất cả chuyển động của vũ trụ. Thiên Chúa là
ánh sáng, và Ngài cũng có thể được tìm thấy bởi những kẻ tìm kiếm Ngài với một
tấm lòng thành.
Hình ảnh của cuộc tìm kiếm này có thể được
tìm thấy nơi các nhà đạo sĩ, được hướng dẫn bởi ngôi sao đến tận Bethlehem (x. Mt 2:1-12). Đối
với họ, ánh sáng của Thiên Chúa tỏ lộ như con đường, như ngôi sao hướng dẫn họ
trên một con đường khám phá dài. Ngôi sao cũng nói lên sự kiên nhẫn của Thiên
Chúa với đôi mắt của chúng ta, cần phải trở nên quen thuộc với sự rạng ngời của
Ngài. Con người tôn giáo đang trên đường đi và sẵn sàng để cho mình được hướng
dẫn, ra khỏi nhà để tìm thấy Thiên Chúa, Đấng luôn luôn bất ngờ. Đối với đôi mắt
của con người thì khía cạnh này của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng, khi con
người tiến lại gần Ngài, ánh sáng của con người không bị hòa tan trong ánh sáng
bao la của Thiên Chúa, như một ngôi sao bị tràn ngập bởi bình minh, nhưng sẽ trở
nên rực rỡ hơn khi nó đến gần ngọn lửa nguyên thủy, như tấm gương phản ánh huy
hoàng. Lời tuyên xưng của Kitô giáo về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất,
xác nhận rằng tất cả ánh sáng của Thiên Chúa được tập trung vào Người, vào “cuộc
đời đầy ánh sáng” của Người, trong đó tỏ lộ khởi thủy và cùng đích của lịch sử
[31]. Không có kinh nghiệm nào của con người, không có con đường nào của con
người hướng về Thiên Chúa, mà không thể được đón nhận, thanh lọc và soi sáng bởi
ánh sáng này. Một Kitô hữu càng đắm chìm trong vòng được mở ra bởi ánh sáng của
Đức Kitô, thì càng có khả năng hiểu và đi cùng con đường của tất cả mọi người
người về phía Thiên Chúa.
Vì đức tin được hình thành như một con đường,
nó cũng liên quan đến cuộc sống của con người, ngay cả trong những kẻ không
tin, những kẻ ước muốn tin và những kẻ không ngừng tìm kiếm. Theo mức độ mở
lòng ra với tình yêu từ một con tim chân thành và bắt đầu lên đường với ánh
sáng này mà họ có thể nắm bắt được, họ đã sống trên đường hướng về đức tin mà
không biết. Họ cố gắng hành động như thể Thiên Chúa hiện hữu, đôi khi vì họ nhận
ra tầm quan trọng của Ngài trong việc tìm hướng đi vững chắc trong cuộc sống
bình thường hay vì họ cảm nghiệm một ao ước ánh sáng giữa bóng tối, nhưng cũng
vì ý thức được rằng cuộc sống cao quý và đẹp đẽ như thế nào, họ thấy trước rằng
sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ làm cho nó thậm chí cao cả hơn. Thánh Irênê kể lại
rằng ông Abraham, trước khi lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, đã tìm Ngài bằng
“một ao ước mãnh liệt của linh hồn” và “ông chạy khắp trái đất tìm xem Thiên
Chúa ở đâu” cho đến khi “Thiên Chúa thương xót ông, là người một mình đã tìm
Ngài trong thinh lặng” [32]. Bất cứ ai bắt đầu con đường làm việc lành cho tha
nhân thì đã được gần Thiên Chúa rồi, đã được nâng đỡ bởi sự giúp đỡ của Ngài, bởi
vì nó là đặc trưng của sự năng động của ánh sáng thần linh để thắp sáng đôi mắt
của chúng ta khi chúng ta bước đi về phía sự viên mãn của tình yêu.
Đức tin và thần học
36. Vì đức tin là một ánh sáng, nó thúc đẩy
chúng ta bước vào chính nó, để khám phá rộng rãi hơn nữa chân trời mà nó soi
sáng, để hiểu rõ hơn những gì mà chúng ta yêu thích. Thần học Kitô giáo được
sinh ra từ ước muốn này. Như vậy rõ ràng là thần học không thể không có đức
tin, và nó là thành phần của chính tiến trình đức tin, tìm kiếm sự hiểu biết
sâu xa hơn nữa của việc tự mặc khải của Thiên Chúa, đạt đến tột đỉnh trong Mầu
Nhiệm Đức Kitô. Kết quả đầu tiên là thần học không chỉ cung cấp, như trong các
ngành khoa học thực nghiệm, một nỗ lực của lý trí để nghiên cứu kỹ lưỡng và hiểu
biết. Không thể thu gọn Thiên Chúa thành một đối tượng. Ngài là một chủ thể, Đấng
mặc khải chính mình và tỏ mình ra trong mối liên hệ giữa người với người. Đức
tin đúng hướng dẫn lý trí để mở ra cho ánh sáng đến từ Thiên Chúa, do đó, được
hướng dẫn bởi tình yêu của chân lý, nó có thể nhận biết Thiên Chúa cách sâu xa
hơn. Các tiến sỹ Hội Thánh và các thần học gia vĩ đại thời Trung Cổ đã quả quyết
rằng thần học, như một khoa học của đức tin, là việc thông phần vào sự hiểu biết
của chính Thiên Chúa. Do đó, thần học không chỉ là một lời về Thiên Chúa, nhưng
trước hết là chấp nhận và tìm kiếm một sự hiểu biết sâu xa hơn về những lời mà
Thiên Chúa nói với chúng ta, lời mà Thiên Chúa nói về chính Ngài, bởi vì Ngài
là một cuộc đối thoại vĩnh cửu về sự hiệp thông, và Ngài đón nhận con người vào
cuộc cuộc đối thoại này [33]. Như thế, sự khiêm nhường tham dự vào thần học bằng
cách cho phép nó được Thiên Chúa “chạm đến”, nhìn nhận những giới hạn của nó
trước những Mầu nhiệm và cố gắng tìm hiểu sự phong phú khôn lường của Mầu Nhiệm
này với kỷ luật lý thích hợp cho lý trí.
Thần học cũng chia sẻ hình thức Hội Thánh của
đức tin; ánh sáng của nó là ánh sáng về chủ đề đức tin là Hội Thánh. Một mặt,
điều này có nghĩa là thần học được dùng để phục vụ đức tin Kitô giáo, nó phải
khiêm tốn gìn giữ và đào sâu niềm tin của mọi người, đặc biệt là những người
đơn sơ nhất. Mặt khác, thần học, vì sống nhờ đức tin, không được coi Huấn Quyền
của Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với ngài như một điều gì bên ngoài, một
điều giới hạn sự tự do của mình, nhưng trái lại, phải như một trong những yếu tố
nội tại và cấu thành của nó, bởi vì Huấn Quyền tiếp xúc với suối nguồn nguyên
thủy, do đó cung cấp sự chắc chắn cho điều được rút ra từ Lời của Đức Kitô
trong sự toàn vẹn của nó.
-------------------------
CHÚ THÍCH
[17] XI, 30, 40: PL 32, 825.
[18] X. như trên., 825-826.
[19] X. Vermischte Bemerkungen / Văn hóa và
Giá trị, ed. G.H. von Wright, Oxford,
1991, 32-33, 61-64.
[20] Homiliae in Evangelia, II, 27, 4: PL
76, 1207.
[21] X. Expositio sur Cantica Canticorum,
XVIII, 88: CCL, Continuatio Mediaevalis 87, 67.
[22] Như trên, XIX, 90:. CCL, Continuatio
Mediaevalis 87, 69.
[23] “Sự vâng phục của đức tin (Rm 16:26;
so với Rm 1:5, 2; Cor 10:5-6) phải là sự đáp trả của chúng ta với Thiên Chúa là
Đấng mạc khải. Nhờ đức tin mà một người tự nguyện dâng hiến toàn tâm trí và ý
chí cho Thiên Chúa là Đấng mạc khải, và sẵn sàng chấp nhận sự mặc khải mà Thiên
Chúa ban. Để có đức tin này, chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa tiền liệu và giúp
đỡ, cũng như sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng chạm đến tâm hồn
và hoán cải nó để trở về với Thiên Chúa, cùng mở đôi mắt của tâm trí và làm cho
‘mọi người dễ dàng đón nhận và tin vào chân lý’. Cùng một Chúa Thánh Thần liên tục hoàn thiện
đức tin bằng những hồng ân của Ngài, ngõ hầu mặc khải càng ngày càng được hiểu
biết sâu xa hơn” (Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên
Chúa, Dei Verbum, 5).
[24] X. H. Schlier, Meditationen über den
Johanneischen Begriff der Wahrheit, in: Besinnung auf das Neue Testament.
Exegetische Aufsätze und Vorträge 2, Freiburg, Basel, Wien 1959, 272.
[25] X. S. Th. III, q. 55, a. 2, ad 1.
[26] Sermo 229/L, 2 : PLS 2, 576 : “Tangere
autem corde, hoc est credere”.
[27] X. Thông Điệp Fides et Ratio (14 tháng
9 năm 1998), 73: AAS (1999), 61-62.
[28] X. Confessiones, VIII, 12, 29: PL 32,
762.
[29] De
Trinitate, XV, 11, 20: PL 42, 1071: “verbum quod intus lucet”.
[30] X. De
Civitate Dei, XXII, 30, 5: PL 41, 804.
[31] X. Thánh Bộ
Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus (6 tháng 8 năm 2000), 15: AAS 92
(2000), 756.
[32] Demonstratio Apostolicae
Predicationis, 24: SC 406, 117.
[33] X. S. Bonaventura, Breviloquium,
Prol.: Opera omnia, V, Quaracchi 1891, 201; In I Sent., prooem., q. 1, resp.: Opera
Omnia, I, Quaracchi 1891, 7; S. Thomas Aquinas, S. Th. I, q. 1.