NĂM C
St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42
BÀI ĐỌC I: St 18,1-10a
1 Đức Chúa hiện ra với ông
Áp-ra-ham tại cụm soài Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực
nhất trong ngày.2 Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần
ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy 3
và nói: "Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua
mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.4 Để tôi cho lấy chút nước, mời các
ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây.5 Tôi xin đi lấy ít bánh, để
các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi
tớ các ngài đây! " Khách trả lời: "Xin cứ làm như ông vừa nói! "
6 Ông Áp-ra-ham vội vã vào
lều tìm bà Xa-ra mà bảo: "Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi
làm bánh."7 Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon,
giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt.8 Ông lấy sữa
chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây,
đang khi khách dùng bữa.
9 Khách nói với ông:
"Bà Xa-ra vợ ông đâu? " Ông đáp: "Thưa nhà tôi ở trong
lều."10 Người nói: "Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và
khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai."
ĐÁP CA: Tv 14
Đ. Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa.
(c.1a)
2 Kẻ nào sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ
sao nói vậy, 3a miệng lưỡi chẳng vu oan.
3bc Không làm hại người nào, chẳng làm ai
nhục nhã. 4ab Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời.
5 Cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà
hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này không hề nao núng
chuyển lay bao giờ.
BÀI ĐỌC II: Cl 1,24-28
24 Thưa anh em, giờ đây,
tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô
còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể
Người là Hội Thánh.25 Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo
kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải
rao giảng lời của Người cho trọn vẹn,26 rao giảng mầu nhiệm đã được
giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân
thánh của Thiên Chúa.27 Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này
phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Ki-tô đang
ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.28
Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi
người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức
Ki-tô.
TUNG HÔ
TIN MỪNG: x. Lc 8,15
Hall-Hall: Hạnh phúc
thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà
sinh hoa kết qủa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 10,38-42
38 Một hôm, Đức Giê-su vào
làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.39 Cô
có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người
dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà
nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?
Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "41 Chúa đáp: "Mác-ta!
Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một
chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai giựt
mất."
BA
CÁCH ĐÁP LẠI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Giáo huấn
Chúa nhật trước (CN 15 C), Đức Giêsu đã diễn tả tình yêu của Ngài qua hình ảnh
người Samari nhân hậu, đưa người bị kẻ cướp đánh vào quán trọ để chăm sóc (x. Lc
10, 25-37).
Giáo
huấn Chúa nhật này nêu lên ba mẫu người đáp lại tình yêu của Đức Giêsu:
-
Chị Matta: Một người phục vụ kiểu người đời
-
Chị Maria: Một giáo dân sống đạo gương mẫu.
-
Ông Phaolô: Một giáo sĩ nhiệt thành việc Tông Đồ.
I. CHỊ MATTA: MỘT NGƯỜI PHỤC
VỤ KIỂU NGƯỜI ĐỜI.
Nếu
chị Matta phục vụ bữa ăn cách vui vẻ, tạo điều kiện cho cô em Maria được đón
nhận Lời, như cách tiếp đón ba người khách của vợ chồng Abraham và Sara, thì
đáng được Đức Giêsu chúc lành cho chị em, như ba người khách đã chúc phúc cho
vợ chồng Abraham và Sara sinh con trong tuổi già! (x. Lc 10, 38-42 so với St
18, 1-10a: Bài đọc I).
Nhưng
tiếc rằng tâm tư phục vụ của chị Matta làm Đức Giêsu phải lên tiếng trách. Vì
những lý do:
1/
Chị không hiểu sứ mệnh Đức Giêsu đi vào trần gian “không phải để người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống mình
làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mt 20,28). Đối với Đức Giêsu, Ngài lấy
việc phục vụ theo ý Cha trên trời làm của ăn, cần thiết hơn của vật chất, kể cả
lúc Ngài đang đói khát (x. Ga 4,34). Bởi vì, Ngài là Thiên Chúa đã nói: “Ta mà đói, Ta đâu thèm nói cho ngươi hay, vì
trái đất với muôn loài chính Ta dựng nên.Thịt bò há là thức Ta ăn? Máu chiên há
là đồ Ta uống? Nhưng chính ngươi lại ghét điều Ta sửa dạy. Lời Ta truyền, ngươi đem vất sau lưng” (Tv
50/49,12.13-17: Bản văn NTT). Vì “tất cả
những vật ấy, chính tay Ta đã làm. Tất cả những vật ấy đều là của Ta. Kẻ được
Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe Lời
Ta mà run sợ” (Is 66,2).
2/
Chị Matta tự cho việc dọn bữa của mình là quan trọng nhất, thì càng nghịch với
mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Bởi vì “Nước
Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là công chính, bình an và hoan
lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Người nào chỉ chú ý tìm lương thực nuôi
thân xác, thì Đức Giêsu khuyến cáo: “Hãy
ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn
đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Bởi vì “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời Thiên Chúa phán
ra” (Mt 4,4).
Nhất là đối với Đức Giêsu,“Ngài muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,
thích được người ta nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6).
II. CHỊ MARIA, MỘT GIÁO DÂN
SỐNG ĐẠO XUẤT SẮC, VÌ
1/ Học trò gương mẫu của Thầy Giêsu:
Hình ảnh chị Maria cứ ngồi dưới chân
Đức Giêsu mà nghe giảng dạy, gợi cho ta nhớ đến ông Phaolô là học trò xuất sắc
của tôn sư Gamaliel, ông Phaolô cũng ngồi dưới chân thầy Gamaliel mà thụ giáo (x.
Cv 22,3).
2/ Là con chiên ngoan đạo.
Đức Giêsu đã xác định: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng
và chúng theo tôi, tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không phải qua tòa phán
xét, nhưng bước qua sự chết mà vào cõi sống” (Ga 10,27a; 5,24).
3/ Là Hiền Thê của Đức Kitô.
Như Đức Giêsu đã nói về chị Maria: “Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị ai
giựt mất” (Lc 10,42b).
“Maria không bị giựt mất”: Đức
Giêsu có ý muốn xác nhận Ngài là Hôsê mới, “đã
kết duyên” với chị Maria là Gômơ mới: Xưa kia ngôn sứ Hôsê quyết tâm không
rẫy từ cô Gômơ, một gái điếm bất trung với chồng để lấy vợ khác, dù ông biết
người vợ luôn ruổi theo tình lang, thế mà ông nói: “Bây giờ ta sẽ lột trần cái đĩ già của nó trước mặt các gã tình lang, và
sẽ không đứa nào giựt nó khỏi tay ta được” (Hs 2,12:
Bản dịch NTT).
4/ Chị Maria là người khôn ngoan.
Như Lời Kinh Thánh đã nói: “Khởi điểm đích thực nhất của khôn ngoan là
thực lòng ham muốn học hỏi, còn lo lắng học hỏi là mến chuộng khôn ngoan”
(Kn 6,17).
5/ Chị Maria diễn tả người trong Nước Trời .
Thánh Phaolô được Chúa nhấc lên tới tầng trời
thứ ba, khi trở lại trần gian, ông nói: “Vào
Thiên Đàng tôi được nghe những Lời khôn tả, người phàm không được phép nói lại”
(2 Cr 12,4). Như thế chị Maria được nghe những Lời khôn tả xuất phát từ miệng
Đức Giêsu, chị đã không nói lại một lời, dù người chị phản đối em cứ ngồi dưới
chân Thầy, mà không xuống bếp giúp chị (x. Lc 10,40: Tin Mừng).
III. ÔNG PHAOLÔ, MỘT GIÁO SĨ NHIỆT
THÀNH VIỆC TÔNG ĐỒ.
Phaolô ý thức ơn gọi của ông là tham
gia vào việc phục vụ Tin Mừng, dù gặp phải muôn vàn gian khổ, nhưng đó là kế
hoạch của Thiên Chúa đã ủy thác cho ông liên quan đến mọi người. Ông nói: “Tôi phải rao giảng Lời của Người cho trọn
vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại, và qua bao thế hệ,
nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được
biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là
chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới
vinh quang. Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khuyên bảo mỗi người và
dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện
trong Đức Kitô. Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ vì anh em, và trong thân
xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải
chịu, vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh” (x. Cl 1, 24-28: Bài đọc II).
Vậy Chúa muốn tình yêu của chúng ta đáp
trả tình yêu của Ngài
C Bất cứ làm việc gì, hãy đem cả tâm hồn mà
làm như làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời (Cl 3,23), nên dù làm việc
tay chân như chị Matta, hãy làm vui vẻ như vợ chồng Abraham dọn bữa tiếp ba
người khách ghé thăm nhà (x. St 18, 1-10: Bài đọc I).
C Phải để hết tâm hồn nghe Lời Chúa như chị Maria,
hầu được Lời Chúa hướng dẫn tâm tư và hành động. Vì tư tưởng tốt (Lời Chúa)
hướng ra hành động tốt; tư tưởng xấu (như chị Matta), hướng ra hành động xấu, cụ
thể chị Matta đã sấn đến trách Đức Giêsu không biết quan tâm đến sự vất vả của chị,
và không biết dạy cô em phụ giúp chị! (x. Lc 10, 40: Tin Mừng).
C Noi gương đời sống Tông Đồ của thánh Phaolô
là nhiệt tình rao giảng Tin Mừng, dù gặp nhiều gian truân, để cộng tác với Chúa
Giêsu hoàn tất chương trình cứu độ loài người. Đây là lý tưởng sống của thánh
Tông Đồ, như lời ông nói: “Sống để được
giảng Tin Mừng thì hạnh phúc như được lên trời nghe Lời khôn tả. Đối với tôi,
sống là Đức Kitô (giảng Tin Mừng) và chết là một mối lợi (nghe Lời khôn tả).
Nhưng nếu tôi sống trong xác phàm lại là hoạt động rao giảng Tin Mừng có hiệu
quả, thì tôi không biết phải chọn gì” (x. Pl 1,21-22).
Sống được những điểm giáo lý trên đây
mới thực là người “được cư ngụ trong Nhà
Chúa” (Tv 15/14, 1a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu dạy: Đừng lo lắng nhiều chuyện, chỉ có một điều
cần, hãy bắt chước Maria để tâm nghe Lời Chúa là điều tốt nhất, vì không bị ai
giựt mất! (x. Lc 10,42)
http://phaolomoi.net
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh