LINH MỤC CHÁNH XỨ LÀ AI?
Linh mục Chánh xứ (parochus) là mục tử
chính của giáo xứ đã được Đức Giám mục địa phận cắt cử coi một hay nhiều giáo xứ
để chu toàn công việc mục vụ cho cộng đoàn dưới quyền Đức Giám mục địa phận tức
là thông phần tác vụ của Chúa Kitô đã trao cho Đức Giám mục để thực hiện các
nhiệm vụ: giáo huấn, thánh hóa, hướng dẫn cộng đoàn với sự cộng tác của các
Linh mục hay phó tế và giáo dân trợ giúp chiếu theo luật (Can 519).
Lm.
FX. Nguyễn Hùng Oánh
Định nghĩa mô tả rõ ràng Linh mục Chánh xứ là cộng tác
viên của Đức Giám mục. Nói mạnh như Hiến chế Lumen gentium: Linh mục là dụng cụ
của Đức Giám mục trong việc phục vụ dân Chúa (số 28). Vì rằng Đức Giám mục (Đức
Cha Chính) là mục tử, là chủ chiên toàn địa phận, giáo xứ là phần của địa phận
do Ngài phân chia và trao cho Linh mục Chánh xứ phụ giúp Ngài. Do đó, một
nguyên tắc rất hợp lý: chỉ có Đức Giám mục địa phận (Đức Cha Chính) là chủ của
Giáo xứ và có quyền tự do bổ nhiệm Linh mục phục vụ tại giáo xứ (Linh mục Chánh
xứ, Can 157, 523; Linh mục quản xứ, Can 539; Linh mục phụ tá xứ, Can 547).
Theo truyền thống trong Giáo Hội và Giáo luật cũ nói tới:
- Giáo xứ bất khả chuyển dịch (paroeciae inamovibiles) thì cũng nói tới Linh mục bất khả chuyển dịch
(parochos inamovibiles) tức là tại chức ở Giáo xứ đó mãn đời.
- Giáo xứ khả chuyển dịch (paroeciae amovibiles) thì cũng nói tới Linh mục khả chuyển dịch (parochos
amovibiles) nghĩa là tại chức Linh mục Chánh xứ trong một thời gian.
- Công đồng Vatican II đã dạy: bãi bỏ việc phân biệt các Linh mục Chánh xứ cố định (parochos
inamovibiles) và Linh mục Chánh xứ khả dịch (parochos amovibiles) (Sắc lệnh
Christus Dominus số 31).
Thay vào
đó, Công đồng Vatican II dạy: “Trong Giáo xứ của mình, Linh mục Chánh xứ còn được
quyền tại chức lâu bền như ích lợi của các linh hồn đòi hỏi (idem số 31) như vậy
là duy trì được sự công bằng tự nhiên.
Điều 522 Bộ Giáo luật hiện hành quy định: Linh mục Chánh
xứ phải hưởng quyền lợi bền vững và vì vậy phải được bổ nhiệm cho một thời gian
vô hạn định (parochus stabilitate gaudeat oportet ideoque ad tempus indefinitum
nominetur) tức là khi vị Linh mục đã được lên chức Linh mục Chánh xứ thì chức
danh Chánh xứ là vô hạn định. Thí dụ: Ở xứ A, làm Chánh xứ, đi xứ B, xứ X vẫn
làm Chánh xứ.
Tuy nhiên, chức danh Chánh xứ được miễn chức
do:
- Chính Linh mục Chánh xứ đó xin từ chức.
- Đến 75 tuổi, Giáo luật đề nghị Linh mục Chánh xứ làm đơn từ chức.
- Trong địa phận mà Đức Giám mục bổ nhiệm Linh mục Chánh xứ trong một thời
gian và được Hội đồng Giám mục chấp nhận bằng một sắc lệnh (Can 522).
- Hoặc bị bãi chức khi có lý do quan trọng và phải giữ đúng thể thức luật định
(Can 193,1).
Giáo luật dành cho Đức Giám mục địa phận tự do bổ nhiệm Linh mục Chánh xứ
(Can 523), nhưng Giáo luật “cầm tay” Đức Giám mục địa phận một
phần đối với Linh mục Chánh xứ: Tính bền vững của Linh mục Chánh xứ, 75 tuổi mới
hưu, muốn bãi chức Linh mục Chánh xứ phải theo đúng thể thức luật định (Can
193, 194).
Còn Đức Giám quản địa phận (Administrator)
Linh mục Giám quản địa phận hoặc Giám mục Giám quản địa phận hoặc Giám quản
Tông tòa cũng phải theo luật quy định sau đây:
“Nếu địa phận trống ngôi hoặc bị cản trở được một năm thì
Giám quản địa phận mới có quyền bổ nhiệm Linh mục Chánh xứ” (Can 525,2).
a) Việc bổ nhiệm
Linh mục Chánh xứ
Để bổ nhiệm thành sự (valide): phải là người có chức Linh
mục (Can 521,1).
Để bổ nhiệm hợp pháp (licite), Linh mục phải có:
- Kiến thức giáo thuyết lành mạnh vượt trội.
- Chín chắn, trưởng thành.
- Nhiệt thành với các linh hồn và các nhân đức.
- Có các đức tính mà luật chung, luật riêng đòi phải có để phục vụ giáo xứ
(Can 521,2).
- Hội đủ một số khả năng cần thiết (do Đức Giám mục đưa ra và có thể khảo hạch)
(Can 521,3).
b) Cách thức nhập xứ
Linh mục được bổ nhiệm Chánh xứ chỉ được quyền và phải
thi hành quyền từ giây phút sau khi nhận xứ (Can 527,1). Trước đó, Ngài không
được nhúng tay vào các việc trong xứ. Xen mình vào trước khi nhận xứ là bất hợp
pháp (tham chiếu Can 382,1), và có thể bị phạt (Can 1384).
Đấng bản quyền địa phương hoặc Linh mục được ủy làm đại
diện sẽ chủ tọa lễ nhận xứ theo cách thức của Luật riêng và thói quen hợp pháp.
Đấng bản quyền địa phương có thể chuẩn lễ nghi nhận xứ khi có lý do chính đáng,
và thay vào bằng một thông báo cho giáo xứ biết ơn chuẩn đó (Can 527,2).
Đấng bản quyền địa phương ấn định thời gian nhận xứ. Linh
mục không đi nhận xứ trong thời gian đó khi không có lý do chính đáng, Ngài có
thể công bố giáo xứ trống ngôi (Can 527,3) và bổ nhiệm người khác.
Lễ nghi tựu chức theo luật và thói quen như sau:
- Tập họp trước nhà thờ giáo xứ.
- Một Linh mục đọc sắc bổ nhiệm.
- Đấng bản quyền địa phương hoặc đại diện và Linh mục chính xứ đi vào nhà
thờ, mọi người cùng chào.
- Đứng trước bàn thờ chính, Linh mục chính xứ tuyên xưng Đức Tin chiếu theo
luật (Can 833,5).
- Cả hai cùng lên bàn thờ chính trong khi ban hát hát Antiphon về Thánh bổn
mạng nhà thờ, rồi Cha xứ đọc lời nguyện.
- Linh mục Chánh xứ nhận chìa khóa nhà tạm (mở và đóng).
- Hát “Deus adjutorium”, Linh mục chính xứ đi tới ngồi tòa giải tội, lên
tòa giảng, chào giáo dân.
- Đấng bản quyền địa phương hoặc vị đại diện tuyên bố: Linh mục Chính xứ đã
tựu chức.
- Vào nhà mặc áo, Linh mục Chính xứ nhận các sổ sách.
c) Chức vụ Linh mục
Chính xứ
Rao giảng Lời
Chúa:
- Giảng lễ Chúa nhật, lễ buộc…
- Dạy giáo lý cho thiếu nhi, thanh niên, người lớn, tân tòng, hôn nhân… để
giúp giáo dân hiểu và sống Lời Chúa.
Thánh hóa (các lễ nghi dành riêng cho Linh mục Chính xứ):
- Rửa tội
- Thêm sức cho người lâm cơn nguy tử (luật cũng mở rộng cho tất cả những
Linh mục khác gặp trường hợp này, Can 883,3).
- Ban của ăn đàng, xức dầu bệnh nhân và ban phép lành Tòa Thánh.
- Chứng hôn và làm phép Hôn phối.
- Cử hành lễ nghi an táng.
- Làm phép giếng Rửa tội trong mùa Phục sinh.
- Chủ sự rước kiệu ngoài nhà thờ và ban phép lành trọng thể ngoài nhà thờ.
- Cử hành Thánh lễ trọng thể các Chúa nhật và các lễ buộc (Can 530).
GHI CHÚ: Giáo luật dành cho Linh mục Chánh xứ có vẻ “béo
bở” trong khi Linh mục Phụ tá chỉ có “xương xẩu” dễ dàng thấy rõ và dễ bị dư luận
phán đoán. Nên có sự dung hòa để dân thấy có sự hài hòa giữa Cha xứ và Cha phó.
Hướng dẫn dân
Chúa:
- Như mục tử, biết và chăm sóc từng “con chiên” (tín hữu và người lương trong xứ).
- Quản lý
tài sản của nhà thờ, nhà xứ…
- Gìn giữ
nơi Thánh (nhà thờ, nhà nguyện, nghĩa trang) chỉ được cử hành những gì liên
quan tới thờ phượng, đạo đức.
- Cấm bất
cứ điều gì không phù hợp với sự thánh hiến của nơi Thánh. Nhưng Đấng bản quyền
có thể cho phép từng lần một dùng vào việc khác, miễn là không nghịch với sự
thánh thiện của nơi ấy (Can 1210). Ai dám phạm đến của Thánh, động sản hay bất
động sản, thì bị vạ thích đáng (Can 1376). Không có phép mà dám bán, nhượng tài
sản của Giáo Hội thì bị vạ phạt tương xứng (Can 1377).
(Xem
thêm Đời sống cộng đồng; Can 275,1; 280. Can 542; 543. Y phục Giáo
sỹ: Can 284;Can cũ 138, 1)
d) Quyền của Linh mục
Chính xứ
Đức Cha Chánh quản trị Địa phận với quyền lập pháp, hành
pháp và tư pháp chiếu theo luật (Can 391,1), Linh mục chính xứ là cộng tác viên
của Ngài, không thể lập luật riêng cho giáo xứ mình, không thể ra án phạt và khấu
trừ tội.
Linh mục Chính xứ tự
ý ra vạ phạt, không thành sự vì không có quyền. Người
bị vạ phạt không mắc vạ, coi chừng người ra vạ lại mắc vì “bất cứ ai lạm dụng
chức vụ trong Giáo Hội thì bị vạ tương xứng” (Can 1381,1).
Linh mục Chính xứ lãnh quyền do luật chung, luật riêng
(Can 89) và những nố Đức Giám mục Địa phận ủy cho:
Quyền miễn chuẩn
1. Miễn chuẩn từng trường hợp một khỏi ăn chay, kiêng thịt, dự lễ Chúa nhật
và lễ buộc, kiêng việc xác khi có lý do chính đáng do luật chung ban cho và quy
luật của Đức Giám mục Địa phận hướng dẫn (Can 1245).
Ban phép
chuẩn chung kiêng việc xác… là thuộc quyền Đức Giám mục Địa phận (Can 87,1).
Năng quyền thập niên 70 ban phép cho tất cả Linh mục nào đã nhận Giáo phận hoặc
giáo vụ được tha làm việc xác cho giáo hữu (tha cách chung và thường xuyên,
nhưng không vĩnh viễn) trừ các lễ Phục sinh, Hiện xuống, Giáng Sinh (số 18) còn
giá trị.
2. Miễn chuẩn lời khấn tư (lời khấn không có Bề trên hợp pháp nhân danh
Giáo Hội chấp nhận) miễn là không phạm đến quyền lợi của người khác (Can
1196,1).
3. Miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân trong trường hợp nguy tử và trường hợp hôn
lễ đã sẵn sàng mà không dễ dàng chạy đến Đấng bản quyền địa phương (Can
1079,2).
Quyền giảng và
Giải tội
- Có quyền ưng thuận hoặc từ chối Linh mục hoặc phó tế giảng
tại nhà thờ mình coi sóc (xem Can 764: Linh mục thủ từ, Quản đường cũng có quyền
như vậy).
- Có quyền giải tội trong Giáo xứ của mình (Can 968,1) (ở đây nói tới quyền
do chức vụ, có tính đương nhiên, khác với ủy quyền, cho phép). Không có quyền từ chối Linh mục khác đã
lãnh quyền giải tội ngồi tòa trên phần đất của mình vì chỉ có Đấng
bản quyền địa phương mới có quyền từ chối (Can 967,2) (tới nhà dòng thì theo luật
chung của Giáo Hội và hiến pháp nhà dòng).
Quyền ân bổng
- Hưởng trợ cấp của Tòa Giám mục (Can 281,1274).
- Được xin hưởng trợ cấp xã hội (Quỹ an ninh xã hội, nếu có) (Can 281,2). Bổng
lễ và các bổng của tác vụ thánh khác theo mức độ của Tòa Giám mục ấn định (Can
952, 1 và 2).
- Của dâng cúng các dịp lễ. Dù Linh mục khác chu toàn nhiệm vụ nào trong
giáo xứ thì các của dâng cúng nhận được trong dịp đó cũng phải bỏ vào quỹ nhà xứ
trừ khi ý muốn người dâng tự ý tặng chủ lễ. Vấn đề này, sẽ theo qui luật Địa phận
như một phần thù lao cho chủ lễ, một phần bỏ vào quỹ nhà xứ (Can 531).
e) Các nhiệm vụ của
Linh mục Chính xứ
Các nhiệm vụ này phát xuất từ 3 chức vụ:
- Rao giảng Lời Chúa.
- Cử hành các Bí tích, Á bí tích (thánh hóa).
- Hướng dẫn dân Chúa.
Xin kể ra đây mấy điểm:
1/ Không được từ
chối ban Bí tích:
Thừa tác viên thánh không được khước từ ban Bí tích cho thụ nhận xin chịu
trong lúc thuận tiện khi họ đã sẵn sàng và không bị luật cấm chịu (Can 843,1).
2/ Chọn giờ thuận
tiện:
Phải liệu giải tội cho tín hữu khi họ xin một cách hợp lý và phải định giờ
giấc thuận lợi cho họ (Can 986,2).
Thuận lợi cho giáo dân hay Linh mục? Giáo luật trả lời: thuận lợi cho giáo
dân.
3/ Thánh lễ và
rước lễ:
Linh mục Chính xứ phải liệu để phép Thánh Thể rất Thánh trở thành trung tâm
của cộng đoàn tín hữu giáo xứ. Cố gắng cử hành các bí tích nhất là bí tích
Thánh Thể và giải tội thật sốt sắng để nuôi lòng đạo đức giáo dân. Làm sao cho
giáo dân siêng năng cầu nguyện ở gia đình và ở nhà thờ, biết tham dự phụng vụ một
cách có ý thức, linh động và hiệu quả (xem Can 528,2).
Về việc rước lễ, luật dạy: bất cứ ai đã rửa tội mà không bị luật cấm đều có
thể và phải rước lễ (Can 912).
Luật cấm người chưa chịu phép rửa tội, trẻ con dưới 7 tuổi, người bị bệnh
tâm thần nặng, người bị vạ tuyệt thông và cấm chế mà án đã công bố và người cố
tình sống công khai trong tình trạng tội nặng (trọng) (Can 97, 99, 914, 915).
Rước lễ là quyền của tín hữu, Linh mục chủ lễ hoặc cha sở không có quyền định cho rước lễ trong Thánh lễ
nào tùy ý. Khi thời giờ không cho phép, chủ lễ phải trình bày lý do “không cho
tín hữu rước lễ” để mọi người vui vẻ, thông cảm. Chủ lễ hoặc cha sở chỉ có quyền từ chối những người bị lề
luật cấm mà thôi.
4/ Chỉ lễ cho
giáo dân
Sau khi nhận chức Linh mục Chánh xứ phải chỉ lễ cho dân của
ngài trong các Chúa nhật và các lễ buộc của địa phận. Khi bị ngăn trở hợp pháp,
ngài phải nhờ Linh mục khác chỉ lễ thay hoặc sẽ chỉ vào ngày khác. Buộc chỉ một
lễ dầu làm nhiều lễ trong ngày đó. Coi sóc nhiều xứ cũng chỉ buộc chỉ một lễ
cho tất cả các dân các xứ của ngài (Can 534). Chưa chu toàn thì phải làm sớm hết
sức đủ số lễ phải chỉ cho dân (Can 534,3).
Tại nước ta, Thánh bộ Phúc âm hóa (rao giảng Tin Mừng) dạy
Linh mục Chánh xứ chỉ lễ cho dân trong các ngày lễ: Hiển Linh, Thánh cả Giuse,
Phục sinh, Thăng Thiên, Hiện Xuống, Mình Máu Chúa Kitô, Thánh Phêrô và Phaolô,
Đức Mẹ hồn xác lên trời, các Thánh nam nữ, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và Giáng
Sinh.
5. Cư trú tại
Giáo xứ
Linh mục Chánh xứ phải cư trú tại nhà xứ gần nhà thờ.
Nhưng trong trường hợp riêng, vì lý do chính đáng, Đấng bản quyền địa phương có
thể cho phép Ngài cư ngụ nơi khác, nhất là trong nhà tập thể Linh mục, miễn là
có thể chu toàn nhiệm vụ đối với giáo xứ cách đúng luật và thích hợp (Can
543,1).
6/ Được vắng mặt
trong các trường hợp
- Nghỉ hè (nghỉ phép thường niên) 1 tháng.
- Đi tĩnh tâm thường niên.
- Vắng mặt vì lý do quan trọng khác.
Trong bất cứ trường hợp nào, vắng mặt trên một tuần, phải
báo cho Đấng bản quyền địa phương biết (Can 533,2) để Đức Giám mục địa phận cắt
cử Linh mục tạm quản, nếu chưa có quy định của địa phận về vấn đề này (xem Can
533,3) (có thể nhờ một Linh mục quen biết, hoặc Linh mục Phụ tá xứ tạm quản và
trình Đấng bản quyền địa phương biết).
7/ Giữ sổ sách
nhà xứ
Mỗi giáo xứ phải có sổ sách riêng, gồm có sổ rửa tội, hôn
phối, sổ tử và các sổ khác chiếu theo quy định của Hội đồng Giám mục hoặc của Đức
Giám mục địa phận. Linh mục Chính xứ ghi sổ kỹ lưỡng và cất giữ cẩn thận (Can
535,1).
Luật lưu ý ghi thêm vào sổ rửa tội:
- Thêm sức
- Hôn nhân với các tình trạng…
- Dưỡng tử (nếu có)
- Chức thánh đã lãnh nhận (Can 535,2).
8/ Giữ ấn tín và
văn khố
Mỗi giáo xứ phải có “con dấu”. Các giấy chứng nhận được cấp
chiếu theo luật Giáo Hội và tất cả văn kiện có tầm quan trọng theo luật định,
phải được Linh mục Chánh xứ hoặc vị thừa ủy ký tên và đóng dấu (Can 535,3).
Theo luật nước ta “con dấu tròn” dành cho các cơ quan nhà
nước, các giáo xứ không thể sử dụng con dấu tròn như trước nữa. Vấn đề này cần
có chỉ thị của Hội đồng Giám mục hoặc Đức Giám mục địa phận để có hình thức con
dấu chung và hợp pháp.
9/ Mỗi giáo xứ cần
có văn khố
để lưu trữ các sổ sách của giáo xứ và công văn của Địa phận,
và các văn kiện khác, đừng để lọt vào tay người “vô phận sự” các giấy tờ trên.
Đức Giám mục địa phận có quyền đòi xem xét văn khố xem có tổ chức cẩn thận, chu
đáo không (Can 535,4). Cũng phải giữ sách vở, sổ sách khác của giáo xứ cẩn thận
(Can 535,5).
“Văn khố” của giáo xứ có thể là một vài tủ sách làm bằng
gỗ rất bền vững, kín đáo, tránh được dán xâm nhập, mối mọt đục khoét, tránh mưa
gió làm ẩm ướt, có khóa cẩn thận.
LM. Fx. Nguyễn Hùng Oánh