AI
ĐẾN VỚI TA SẼ KHÔNG HỀ ĐÓI
Tính tham lam làm cho người ta trở nên nghèo cùng cực, vì không gì có thể
làm cho người tham lam no đủ được.
Lm. HK
Sách ‘Cổ học tinh hoa’ thuật chuyện Điền Văn là con Điền Anh, ít tuổi mà cực kỳ khôn ngoan, thấy cha làm quan mà hay vụ lợi riêng,
nên một hôm mới vờ hỏi cha cách gọi tên con, cháu, chắt, chút, chít... Điền Anh giảng giải: con của con thì gọi là
cháu, cháu của cháu gọi là chút, nhưng ông không
trả lời được khi Điền Văn hỏi phải gọi chút của chút là gì.
Khi đó Điền Văn mới nói: “Cha
làm tướng nước Tề đến nay trải đã ba
đời vua, giầu có hàng ức vạn mà môn hạ không
thấy có một người nào là
hiền tài cả … Cha quên hết việc công
ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm súc tích của cải muốn để dành
cho những kẻ sau này không biết gọi nó là
gì! Con trộm nghĩ như thế là quái lạ lắm”.
Không chỉ Điền Anh mà
ai cũng bị cám dỗ lo tìm
kiếm, thu gom và tích trữ tài sản cho mình. Lời anh thanh niên hỏi xin Chúa: “xin Thầy bảo anh
tôi chia gia tài cho tôi” là tiếng nói
thầm kín nằm sâu trong lòng mọi người. Mong
muốn chiếm hữu tài sản là dư âm của cuộc cám dỗ đầu tiên
khi Ađam và Eva muốn bằng Thiên Chúa, vì tài sản làm cho người ta thấy mình
có sức mạnh: nếu Chúa
là Đấng làm được mọi điều Ngài muốn (Tv
115,3), thì người có tiền “mua tiên cũng được”.
Sức mạnh của tài sản làm cho họ tưởng mình được tự do: trong khi người nghèo phải nương tựa và bị bỏ rơi thì người giầu sang được yêu
quí: “Kẻ nghèo khó,
láng giềng cũng ghét bỏ, người giầu sang
có vô số bạn bè” (Cn 14,20). Tiền của làm
cho người ta thấy mình không phải chịu lệ thuộc ai,
ngay cả Chúa: “nó đích
thị là người chẳng lấy Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng chỉ tin cậy vào đống tiền đống của” (Tv
52,9).
Nhưng có điều chẳng ai ngờ là chính người tham lam lại phải chịu nô lệ cho một ông chủ thật ác nghiệt. Cả đời họ là một cái
vòng luẩn quẩn mà tác giả câu
truyện ngắn ‘Cuộc phỏng vấn Chúa’
đã khéo léo trình bày qua điều mà
Chúa thấy ngạc nhiên nhất nơi con
người: “... Họ chịu mất sức khoẻ để kiếm tiền rồi lại chịu mất tiền để phục hồi sức khoẻ; họ lo âu về tương
lai đến nỗi quên mất hiện tại, rốt cuộc là
không được sống trong cả hiện tại lẫn tương lai...”
Đúng thế! Khi chưa có của thì mất ăn mất ngủ để tìm cho
có, nhưng khi có rồi thì lại lo giữ của, ăn ngủ không yên: “Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian
truân, và ban đêm lại không
được yên lòng”. Còn ông chủ nào tàn ác hơn kẻ bắt người ta làm đến kiệt sức để kiếm tài sản cho người khác: “Kìa
thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác.” (Tv 49,11)
Đức Kitô, Đấng Cứu thế, đã đến đem lại cho người ta sự tự do thật sự: tự do của người nghèo. Nghèo ở đây không phải là không có tiền bạc, hay
phủ nhận giá trị của tài sản tự nhiên, mà là trong mọi sự “hãy
tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa”, là chỉ có một ông chủ: “trong mọi sự có Đức Kitô”,
là đặt trọn niềm tin vào
Chúa.
Người giầu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là
người tài sản chỉ đủ dùng nhưng biết lo tìm kiếm Nước Trời: “chúng
ta đã không mang gì vào trần gian,
thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8).
Có thể nói được là không ai giầu có, tự do, và
mạnh mẽ hơn ‘người giầu trước mặt Chúa’,
người mà niềm tin vào Chúa giúp họ vượt lên
trên mọi tài sản trần gian,
vì đã có “Chúa là nơi họ ẩn náu” (Tv 13,6). Vì thế, mối phúc đầu tiên được dành cho
người nghèo, người “đặt niềm tin vào Đức Chúa,
và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7).
Hoàng tử bé,
trong tác phẩm cùng tên của Antoine de Saint Exupéry, đã đến thăm hành
tinh của một nhà doanh nghiệp. Ông ta mải tính
toán tài sản đến độ không ngẩng đầu lên được khi hoàng tử đến. Khi
hoàng tử hỏi ông làm gì với các ngôi sao, tài sản của ông,
thì ông trả lời:
-
Nó giúp ta làm giầu.
-
Giầu giúp ông được gì?
-
Mua những ngôi sao khác.
Và công việc sau đó
là “Ta quản lý chúng. Ta
đếm đi rồi đếm lại ...” rồi “ta bỏ chúng vào ngân hàng ... ta viết trên một mảnh giấy con số ngôi sao của ta, rồi ta khoá chặt mẩu giấy ấy trong
một ngăn kéo”.
Tính tham lam làm cho người ta trở nên
nghèo cùng cực, vì không gì
có thể làm cho người tham lam no đủ được. Món lợi lớn nhất Chúa đã làm cho anh thanh niên xin Chúa chia
gia tài không phải là giúp anh
có phần gia tài lớn hơn, nhưng là dạy cho anh biết: “chẳng phải đời sống được của cải bảo đảm cho
đâu”. Sự bảo đảm lớn nhất mà con
người có thể có được là niềm tin
vào Chúa: “Ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào ta sẽ không hề khát”
(Ga 6,35)
Lm. HK