CHA - LỜI NGUYỆN ÊM DỊU
Người
kia đưa hai bàn tay trắng ra và trả lời: “Tôi
đi tìm Chúa, và cuối cùng tôi khám phá ra là chính Ngài mới luôn tìm tôi, như
một người cha”
Hôm đó, tại
Nhà Hấp hối, với lòng ưu ái và dịu hiền, Mẹ Têrêxa Calcutta chăm sóc một người
đàn bà bị bỏ rơi và sắp chết. Người đàn bà mở tròn đôi mắt đẫm lệ, thì thào:
-
Thưa bà,
tại sao bà lại chăm sóc tôi như thế?
Với tất cả lòng yêu thương, Mẹ trả lời:
-
Vì tôi
muốn chị được hạnh phúc
Một niềm
vui khôn tả chợt bừng sáng lên làm mờ đi hình bóng của tử thần đang thấp thoáng
trên khuôn mặt bà. Bà nắm tay Mẹ Têrêxa, nài nỉ:
-
Xin bà
lập lại câu nói đó một lần nữa đi.
-
Tôi muốn
chị được hạnh phúc, Mẹ Têrêxa mỉm
cười nói.
Người
đàn bà cứ nài nỉ để được nghe lại chỉ một câu nói đó, và Mẹ Têrêxa ngồi xuống,
lặp lại câu nói đó cho đến khi bà ta lịm đi:
-
Tôi muốn
chị được hạnh phúc.
Con
người được dựng nên để sống hạnh phúc, nhưng mấy chữ sinh-lão-bệnh-tử - những
người bạn đồng hành khó ưa - không lúc nào vắng mặt trên đường đời mỗi người,
như luôn nhắc họ nhớ đến thân phận yếu hèn và bất tất của mình; và chỉ nơi Chúa
người ta mới tìm thấy được câu trả lời cuối cùng cho mọi thao thức của họ: “Tay
hữu Chúa khiến tôi được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho tôi những điều đã
khởi sự.” (Tv 137,7)
Nhưng
làm sao một hạt bụi lại mong được trời cao ngó đến? Và làm thế nào mà không sợ
phạm đến thiên uy khi cậy dựa vào Đấng mình đã xúc phạm? Nếu Chúa không mở lối
thì nào ai dám hỏi xin.
Ôi! Thật
là một hồng ân khi chính Chúa đã ngỏ lời, qua lịch sử cứu độ cũng như toàn bộ
Sách Thánh, rằng lòng nhân hậu của Chúa tồn tại muôn đời. Chúa là tình yêu, mà
tình yêu thì cứu sống chứ không giết chết.
Tình yêu
chẳng biết đến trả thù: “bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau
khổ mà chẳng ngăm đe… Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà
đưa lên cây thập giá.” (1Pr 2,23-24); tình yêu cũng không từ bỏ ai: “Nếu
ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối
bỏ chính mình” (2Tm 2,13).
Sôđôma
không bị phạt theo thước đo của Đấng chí thánh, mà chỉ đơn giản là tội ác của
nó đã vượt quá cái giới hạn sau cùng mà Abraham, một con người, nghĩ rằng có
thể chấp nhận được. Sôđôma đang nằm đâu đó trong thế giới hôm nay với những đau
khổ đến từ sự lìa bỏ Thiên Chúa - Tình Yêu, còn trong nhà Chúa không có chỗ cho
người thất vọng. “Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta”, còn
ai trông cậy Chúa thì luôn an tâm.
Thân
phận con người thật túng cực như người phải vay bánh vào giữa đêm: “xin cho
tôi vay ba chiếc bánh, tôi không có gì thiết đãi anh ấy”, và tấm lòng nhân
hậu của Chúa là sự bảo đảm duy nhất cho con người. Khi quả quyết: “hãy xin…
hãy tìm… hãy gõ…”, Đức Kitô muốn ta vừa ý thức sự yếu hèn của mình, vừa
phải tuyệt đối tin vào tình thương của Chúa.
Ngay cả
một người quên mất tình bạn khi dám nói “Xin đừng quấy rầy tôi vì cửa đã
đóng” mà còn phải chỗi dậy trước sự nài nẵng của người khác để “cho anh
ta tất cả những gì anh ta cần”, thì lẽ nào Thiên Chúa, Đấng nhân hậu đến
nỗi đã sẵn lòng “ân xá mọi tội lỗi chúng ta”, đã hủy bỏ văn tự kết án
con người “bằng cách đóng đinh nó vào thập giá”(Cl 2,13-14) lại có thể
ngoảnh mặt làm ngơ trước sự cùng khổ của con người?
Chúa yêu
ta không chỉ như một người cha, mà đích thực là một người cha. Trong Đức Kitô,
và cùng với Đức Kitô, ta được gọi Chúa là Abba – Cha, và được ban Thánh Thần,
hoa trái tốt nhất của ơn cứu độ, phương thuốc tình yêu hoá giải hết mọi đau khổ
và biến tất cả thành niềm vui.
Có hai
người bạn thân rủ nhau đi tìm cho được điều quí giá nhất trên trần gian này.
Người thứ nhất lặn lội đi tìm viên ngọc quí, tìm đến mọi nơi có bán ngọc quí,
không ngại băng rừng vượt biển, không từ gian nan khổ cực. Có được một viên
ngọc quí, ông mãn nguyện trở về và chờ bạn.
Người
kia vẫn biệt âm vô tín, ông không tìm bạc vàng châu báu. Điều quí giá mà ông
tìm là chính Chúa. Ông đi khắp nơi học hỏi, tìm hiểu nơi các bậc thánh hiền,
nghiên cứu sách vở, nhưng vẫn không gặp được Chúa.
Ngày nọ,
im lặng ngồi bên bờ sông nhìn ngắm dòng nước lững lờ trôi, ông bỗng thấy một
con vịt mẹ và đàn con đang bơi lội. Lũ con tinh nghịch cứ thích bơi lang thang,
rời xa mẹ. Còn vịt mẹ cứ phải ngụp lặn liên tục hết chỗ này đến chỗ khác để lùa
chúng trở về mà không hề có một dấu hiệu gì là gắt gỏng hay giận dữ; và ông mỉm
cười, đứng dậy trở về quê.
Khi vừa
gặp lại nhau, người bạn tìm được viên ngọc quí đã buột miệng hỏi trước: “Hãy
cho tôi xem điều quí giá mà anh tìm được. Thấy mặt anh bừng sáng, tôi nghĩ là
nó phải rất tuyệt diệu.”
Người kia đưa hai bàn tay trắng ra và trả
lời: “Tôi đi tìm Chúa, và cuối cùng tôi khám phá ra là chính Ngài mới luôn
tìm tôi, như một người cha”
“Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Còn lời nguyện nào êm dịu hơn!
Lm. HK