Lời Chúa cntn 14c _ chiên ở giữa sói rừng


CHIÊN Ở GIỮA SÓI RỪNG
Cũng chịu đau thương, nhưng nơi Đức Cha Cassaigne, tình yêu hoá giải và biến tất cả thành niềm hạnh phúc, “bị” đau khổ thành “được” hy sinh. Tình yêu đã làm cho ngài nên chiên vững vàng ở giữa sói rừng.  
Lm. HK
Trần Hằng, quyền thần thời Xuân thu, giết vua Giản Công nước Tề, lập vua Bình Công. Lúc giết vua xong, Trần Hằng sai sáu dũng sĩ đến bắt Tử Uyên Thê phải theo mình.
Tử Uyên Thê nói: “Nhà ngươi muốn cho ta vào đảng, ý hẳn cho ta là “trí” chăng, nhưng bầy tôi giết vua mà không cản được, ta chẳng phải là trí; cho ta là “nhân” chăng, nếu thấy lợi mà phản nước, ta chẳng phải là nhân; cho ta là “dũng” chăng, nhưng đem binh đến ăn hiếp ta, ta sợ mà theo ngươi, ta cũng chẳng phải là dũng.
“Vì bằng ta không có ba điều ấy, ta về phe với ngươi thì có bổ ích gì cho ngươi. Ví bằng ta có ba điều ấy, thì đời nào ta theo ngươi ma ngươi dỗ.”
Trần Hằng bèn tha Tử Uyên Thê. (Cổ học tinh hoa)
Qua câu trả lời đơn giản, Tử Uyên Thê đã phô bày ba chữ nhân, trí, và dũng của ông: Không sợ Trần Hằng mà từ chối, đó là dũng; không vì tham lợi mà phản vua, đó là nhân; và khéo léo dùng ngay ba chữ nhân, trí, dũng, để từ chối hợp tác và tố cáo điều sai lỗi của Trần Hằng.
Khi sai các môn đệ đi trước chuẩn bị cho Người, Chúa Giêsu báo trước: “Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng.” (Lc 10,3)
Lời tiên báo đó phô bày sự tương phản giữa Nước Trời và thế gian, sự khôn ngoan của Chúa và sự khôn ngoan thế gian: “Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian.” (Gl 6,14).
Khôn ngoan của thế gian là mạnh được yếu thua, được làm vua thua làm giặc... Còn các môn đệ Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời thì được trang bị với vũ khí là tình yêu, với luật sống là tha thứ! 
Thế nhưng, để được vững vàng trước sự khôn ngoan thế gian, Chúa phải là chỗ cậy dựa duy nhất cho các ông: “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị và giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10,4)
Con người vốn yếu đuối, nhưng với ai cậy dựa vào Chúa, thua thiệt sẽ trở thành chiến thắng, buồn sầu sẽ biến nên tiếng cười hân hoan: “Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quí nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan với nó.” (Is 66,10)
Vâng, ai trung thành tuân giữ lời Chúa dạy thì sức mạnh của Chúa trở nên của người ấy, và sự khôn ngoan của Chúa trở nên đường cho họ đi: “Ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Gl 6,14)
Thập giá là con đường của yêu thương, tha thứ, của lời đáp trả tốt lành cho cả người đã gây hại cho mình. Mới nghe thật khó hiểu, nhưng đó mới là sự khôn ngoan của Nước Trời, “vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cr 1,25)
Đức Cha Jean Cassaigne đã sống và chết cho sự khôn ngoan đó. Năm 1926, khi đến Việt Nam, ngài được cử làm cha sở Di Linh. Lúc đi săn kiếm thức ăn, ngài gặp một phụ nữ cùi bị gia đình bỏ mặc, nằm chờ chết trên một chòi lá cao. Bà rên la vì đói và đau. 
Cha lên thăm. Hôm sau mang thuốc và thức ăn cho bà, rồi sau đó lại tiếp tục chăm sóc và rửa tội cho bà. Từ đó, cha bắt đầu tụ họp những người cùi bị bỏ rơi trong rừng lại mà chăm sóc.
Có lần, trong một lá thư cho bạn ở bên Pháp, cha viết: “Trong 12 tháng, tôi bị sốt hết 10 tháng. Nhưng tôi không thể nằm nghỉ, vì không chút yên lòng và không có một ai thay thế tôi lo cho bệnh nhân.”
Đúng thế, ngài nghỉ thì lấy ai đi lấy thuốc và chăm sóc sức khoẻ cho họ, lấy ai mua gạo và nấu cơm, giặt giũ quần áo cho những người không còn tay chân lành lặn.
Năm 1973, Đức Cha Cassaigne đã chết vì bệnh cùi trong trại phong Di Linh. Trong tâm tình bình tĩnh, an vui, ngài nói: "Đời tôi có 3 ước nguyện: Tôi ao ước được đau khổ vì Chúa và vì người anh em. Tôi ao ước được đau khổ như vậy lâu dài, suốt đời và được vững lòng chịu đựng. Tôi ao ước được an nghỉ giữa con cái người cùi của tôi.”
Cũng chịu đau thương, nhưng nơi Đức Cha Cassaigne, tình yêu hoá giải và biến tất cả thành niềm hạnh phúc, “bị” đau khổ thành “được” hy sinh. Tình yêu đã làm cho ngài nên chiên vững vàng ở giữa sói rừng.
Bình an là hoa trái của tình yêu: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ.” (Is 66,12)
Bình an là chiến thắng của tình yêu, của thập giá Chúa Kitô: “Vào nhà nào trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này.” (Lc 10,5)
Bình an có phải là dấu hiệu cho sự hiện diện của tôi?