Chầu Thánh Thể cntn 15c _ lý lẽ của tình yêu


LÝ LẼ CỦA TÌNH YÊU

Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Hữu sinh hữu tử, người ta sinh vào đời có sống thì có chết. Thế nhưng cứ xem một thầy thông luật mà còn phải hỏi về luật cho sự sống đời đời mới biết điều khao khát thực sự từ đáy lòng người, là khao khát về một sự sống vượt trên cái chết, sự sống đời đời.
Không ai mà không phải đối diện với sự chết như một thực tế hiển nhiên của cuộc sống, nhưng chính ở đây mà phẩm giá của con người được tôn vinh: Con người vốn hữu hạn nhưng lại không hài lòng với những điều hữu hạn, trái lại, tâm hồn con người luôn hướng về và tìm kiếm những giá trị vô hạn và vĩnh viễn, là chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được sống đời đời.
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 10,25-37)
Một hôm, có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" Đức Giêsu đáp: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Sự sống của Thiên Chúa là tình yêu, sống yêu thương là chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã khéo léo trả lời ông luật sĩ bằng một câu hỏi, hỏi về luật đã ghi trong Sách Thánh.
Ông luật sĩ đã trả lời đúng. Luật về sự sống đời đời được viết rõ ràng trong Sách Thánh. Đó là luật về tình yêu, sự sống đời đời là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn, và yêu mến người thân cận như chính mình.
Người ta thường định nghĩa hạnh phúc là yêu và được yêu. Chẳng ai phản đối, nhưng thế nào là yêu và thế nào là được yêu mới là điều gây nhiều tranh cãi.
Có người khổ vì yêu mà không được yêu, có người khác lại khổ vì được yêu mà không muốn yêu. Mọi chuyện rắc rối xảy ra vì người ta quen với một tình yêu có điều kiện mà phần lợi “được yêu” phải hướng về mình.
Ngay trong bài giảng đầu tiên về giáo lý cứu độ, khi dạy các môn đệ phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi họ, Chúa Giêsu đã nói một cách rõ ràng và mạnh mẽ về điều này: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,46-47)
Phải yêu mọi người với một tình yêu tinh tuyền và không điều kiện. Trong ý nghĩa đó thì yêu kẻ thù là điều đương nhiên, tất yếu.
Lời dạy đó thoạt tiên thật khó nghe vì con người ngày nay đã quá quen suy nghĩ theo cơ chế thị trường, sao cho phần lợi là về mình,… mà quên rằng luật yêu thương đã được khắc sâu trong lòng mọi người. Luật đó “ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” (Đnl 30,14)
Sống yêu thương, do đó, là tìm kiếm sự toàn hảo có được nơi mình, là trở về với chính mình, và gặp được Thiên Chúa ngay trong cuộc sống mình. Đó là bí quyết sống hạnh phúc mà không lệ thuộc vào một điều kiện nào hết: “Hỡi những ai nghèo hèn, hãy kiếm tìm Thiên Chúa, là tâm hồn phấn khởi vui tươi.” (Tv 68,33)
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Đang khi chúng con mải miết đi tìm hạnh phúc thì Chúa đến loan báo Tin Mừng cứu độ, bắt đầu bằng bài giảng về tám mối phúc thật. Tất cả giáo lý Chúa dạy đều qui về giới luật yêu thương.
Tình yêu là bản tính và sự sống của Chúa nên tình yêu cũng là đặc tính và sự sống đời đời của chúng con: “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy”. (1Ga 3,10)
Lạy Chúa, vâng lời Chúa dạy, chúng con sẵn lòng yêu thương anh em, nhưng y như nhà thông luật kia, chúng con cũng chỉ băn khoăn muốn hỏi Chúa, ai là người thân cận của chúng con. Nói cách khác, chúng con muốn đặt một biên giới cho tình yêu của mình.
Chúa không muốn giới hạn sự sống và hạnh phúc đời đời của chúng con nên Chúa dùng dụ ngôn người Samari mà dạy chúng con biết biên giới của tình yêu là yêu không biên giới, điều kiện của tình yêu là yêu không điều kiện: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,12-13).
Chướng ngại vật cho tình yêu được Chúa nhấn mạnh trong dụ ngôn người Samari: Trước người đồng hương bị nạn thập tử nhất sinh là một tư tế đi qua, rồi đến một thầy Lêvi, cả hai đều “trông thấy”, và đều “tránh qua một bên mà đi”. Tại sao vậy?
Lúc đo, con đường giữa Giêrusalem và Giêrikhô nổi tiếng là con đường vắng vẻ và nguy hiểm vì có nhiều trộm cướp. Vì thế, vị tư tế và thầy Lêvi thấy người bị nạn nhưng lại thấy các nguy hiểm còn rõ hơn bội phần, chưa kể đến bao khó nhọc vất vả phải chịu cho việc cứu nạn. Sự mù lòa trong tâm hồn làm cho họ thấy mà không thấy: Đôi mắt họ mất khả năng nhìn ra một người đồng loại khốn cực mà chỉ nhạy bén với chuyện lợi hay hại cho mình.
Người Samari thì ngược lại, không để ý đến chuyện người bị nạn thuộc về một dân tộc vốn coi thường người Samari, chẳng cần biết người đó giàu nghèo thế nào. Trước mắt ông, chỉ đơn giản là một con người cần được giúp đỡ. Ông chạnh lòng thương. Tình yêu làm cho ông không còn thấy nữa những nguy hiểm có thể xảy đến với bao vất vả phải chịu, ông “lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10,34)
Lạy Chúa, khi tự đặt mình vào trong câu truyện dụ ngôn, chúng con chợt nhận ra mình chính là người bị nạn, còn Chúa là người Samari tốt lành đã cứu sống chúng con. Chúa không quản ngại hy sinh, trả giá chăm sóc bằng chính sự sống của Chúa: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1,20)
Chúng con là người bị nạn đã được cứu sống, và giờ đây, vẫn được Chúa đích thân chăm sóc trong bí tích Thánh Thể. Mỗi thánh lễ chúng con tham dự là một lần chúng con được nhắc nhờ về tình yêu của Chúa: “Này là Mình Thầy, bị nộp vì anh em.”
Chúa sẵn lòng chịu mọi thiệt thòi để chúng con được sống, xin cho sự sống thần linh quí báu ngày càng tăng triển trong chúng con, qua những hy sinh, âm thầm phục vụ không đòi đền đáp.
“Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…”
Hát: “Vì con chưa yêu Ngài nên thập giá còn nặng vai …”

Lm. HK