TẠ ƠN HỒNG
ÂN ĐỨC TIN CAO QUÍ -
NGÂN KHÁNH TUYÊN THÁNH VIỆT NAM
NGÂN KHÁNH TUYÊN THÁNH VIỆT NAM
Mừng 25
năm Tuyên Thánh Tử Đạo Việt Nam
đúng vào năm Đức Tin, phải chăng Chúa muốn nhắc nhở ta biết ơn cao trọng nhất
là ơn đức tin. Và điều quan trong nhất trong đời là thực hành đức tin.
Càng
nhìn lại biến cố phong thánh Việt nam, tâm tình ta càng dâng lên ngập tràn niềm
tri ân cảm tạ.
Trước
hết tạ ơn vì những ơn lành lớn lao Chúa ban. Nếu khi thưởng công các thánh Chúa thưởng công
chính những ân huệ Chúa ban thì các thánh Việt nam chính là công trình của
Chúa. Với người Việt nam thì công trình này quá lớn lao.
Lớn lao vì vượt quá sức
loài người. Chúa đã ban cho
các thánh ơn cao trọng vượt qua những tầm thường của con người. Thánh Hồ đình
Hy dám bỏ cả công danh phú quí trong triều đình. Thánh Tôma Thiện dám bỏ tuổi
xanh đầy tương lai hứa hẹn. Thánh nữ Lê thị Thành dám bỏ cả gia đình hạnh phúc.
Thánh Ven dám bỏ quê hương xứ sở giầu sang xinh đẹp để đến nơi nghèo nàn khổ cực.
Còn hơn nữa Chúa ban cho các ngài sức mạnh chịu được những cực hình ghê sợ.
Thánh Marchand Du chịu xẻo 100 miếng thịt. Khi chết rồi còn bị thiêu xác ném
tro xuống biển. Thánh Thọ và thánh Cỏn chịu đánh đòn tan nát rồi bị ném xuống hầm
phân cho nước tiểu ngấm vào xót xa và phá hoại cơ thể. Thánh Đổng dám dùng sắt
nung đỏ xóa chữ “Gia tô tả đạo” sửa lại thành “chính đạo” khắc trên má. Thánh nữ
Lê thị Thành vẫn tươi cười khi chịu khổ hình. Bị đòn vọt đến tóe máu, thấm vào
áo. Ngài nói với con rằng: Đây là mẹ mặc áo thêu hoa hồng đấy. Phải có ơn Chúa
thật lớn lao mới có thể chịu những cực hình khủng khiếp mà vẫn vui tươi bình an
như thế.
Lớn lao vì số lượng đông đảo các chứng nhân. Xưa nay trên đời anh hùng hiếm hoi như những vì sao
băng. Thế mà tại Việt nam anh hùng tử đạo đông đảo như những đám mây che rợp cả
bầu trời quê hương. Ước tính có đến hơn 100 ngàn vị tử đạo. Có những vị lừng
danh tên tuổi. Có những vị vô danh như hàng trăm vị bị thiêu trong nhà thờ Bà Rịa.
Hàng trăm người bị thiêu trong nhà thờ Tam Tòa. Bao nhiêu làng bị tàn sát. Thật
lạ lùng. Cả một đoàn người anh hùng. Tại làng Bút Đông, quan bắt mọi người có đạo
phải ra trình diện, mghĩ rằng họ sẽ sợ mà trốn hết. Không ngờ cả làng hơn 500
người ra tuyên xưng đức tin. Quả là những anh hùng vượt quá sức loài người. Quả
là ơn Chúa ban dư tràn cho dân Chúa.
Lớn lao vì Giáo hội Việt
nam được giống Giáo hội Mẹ. Khởi
thủy, Giáo hội sơ khai bị đế quốc Rôma đã cấm cách bắt bớ trong 300 năm. Năm 313
hoàng đế Trajano mới ký sắc chỉ tha đạo. Tại Việt nam khi đạo mới truyền vào,
các vua quan cũng đã bắt đạo suốt 3 thế kỷ 17, 18 và 19. Quả là một thời gian
dài ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nhờ đó ta được nên giống Giáo hội Mẹ. Thật
vinh dự cho Việt nam. Thật lớn lao ân huệ của Chúa.
Tiếp
đến tạ ơn vì các bậc tổ tiên khôn ngoan sáng suốt. Thời ấy các vị thừa sai chưa thông thạo tiếng Việt.
Sao cha ông ta đã hiểu đạo mà tin đạo và theo đạo. Đó là ơn Chúa Thánh Thần.
Như ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ nói tiếng Do thái, nhưng người các nước nghe
đều hiểu. Các ngài chỉ được học giáo lý rất sơ sài. Cha Đắc lộ đã soạn quyển
Phép giảng tám ngày. Sao chỉ học có 8 ngày mà các ngài có một đức tin vững mạnh
như thế. Chắc chắn đó là ơn Chúa. Đạo được rao giảng trong thời kỳ cấm cách.
Theo đạo đồng nghĩa với bị kết án tử hình. Thế mà sao các ngài vẫn hăng hái
theo đạo và tuyên xưng đạo? Chắc chắn đó là ơn Chúa. Đúng là thời lễ Ngũ Tuần.
Đúng là thời lễ Hiện Xuống. Đúng là ơn Chúa ban tràn lan đặc biệt cho dân tộc
Việt nam.
Sau
cùng tạ ơn vì hồng ân đức tin Chúa ban. Suy cho cùng ơn đức tin là ơn cao quí nhất. Ơn
làm cho ta nhận biết Chúa. Ơn làm cho ta sống đạo vững mạnh. Ơn làm cho Giáo hội
phát triển. Hãy nhìn lại lịch sử Giáo hội từ những ngày đầu. Thuở ban sơ ta không
có gì hết. Không có nhà thờ. Không có nhà xứ. Không có tòa giám mục. Không có
tài chính. Chỉ có sự ghen ghét của vua quan. Chỉ có sự bắt bớ. Chỉ có khổ hình.
Thế mà sao đạo vẫn phát triển. Thưa vì ta có đức tin. Có đức tin là có tất cả.
Ngày nay tại sao ta có đầy đủ phương tiện, con người, thời cơ thuận lợi, nhưng
việc truyền giáo xem ra khựng lại. Tại sao? Vì ta thiếu đức tin. Có thể nói tất
cả mọi khủng hoảng thời nay bắt nguồn từ khủng hoảng đức tin. Quả thật ơn đức
tin là ơn cao quí Chúa ban cho dân tộc Việt nam.
Ta
cùng tạ ơn Chúa vì trong ngày lễ Tuyên Thánh Tử Đạo Việt Nam, Giáo hội Việt nam
được sống lại đức tin, tiếp tục cuộc tử đạo của các thánh. Khi được tin Tòa
Thánh sẽ tuyên thánh Tử đạo Việt nam, cả một phong trào bắt bớ mới bùng lên
trong đất nước Việt nam. Nhà Nước vận dụng mọi phương tiện tuyên truyền chống đối.
Nào là hạch sách, o ép. Nào là kể tội, kể xấu các thánh. Nào là đe dọa sẽ có một
cuộc trả thù, trừng trị đích đáng. Nhưng đức tin Giáo hội vẫn vững vàng dù phải
chịu đau khổ.
Xin kể
hai trường hợp tiêu biểu.
Trường
hợp thứ nhất là Đức Cha Đaminh Nguyễn văn Lãng, Giám mục Xuân lộc. Khi thấy người
ta nói những lời sai trái về các thánh tử đạo, về Giáo hội, Ngài không chịu được.
Ngài bất ngờ qua đời đêm 22-02-1988. trong tay còn mở tờ báo Công giáo Dân tộc
với bài viết chống việc phong thánh. Rõ ràng bài báo đọc đêm trước khiến ngài bức
xúc, đau khổ rất nhiều trước khi chết.
Trường
hợp thứ hai là Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn. Một lần, ông Mai chí Thọ,
đứng đầu ngành công an triệu tập Hội đồng Giám mục để lên án việc phong thánh tử
đạo. Ông nói nhiều lời xúc phạm đến các thánh. Từ hàng ghế đầu, Đức Hồng Y Căn
đột ngột đứng dậy ra quì giữa hội trường và khóc lớn tiếng nói rằng: Các ông có
thể nhục mạ chúng tôi, nhưng không được phép nhục mạ cha ông tổ tiên chúng tôi.
Cả hội trường xôn xao. Rồi hội nghị bẽ bàng kết thúc không kèn không trống.
Các
ngài đã minh chứng một đức tin lớn lao. Đức tin đó khiến các ngài đồng cảm với
Giáo hội. Đức tin đó khiến các ngài hiệp thông với khổ hình của các Thánh Tử Đạo,
đến nỗi chịu nhục nhã vì các ngài. Và đau khổ đến chết vì các ngài. Chính nhờ
thế việc Tuyên Thánh vẫn tiến hành. Chính nhờ thế Giáo hội Việt nam vẫn vững
vàng phát triển qua những khó khăn thử thách.
Mừng
25 năm Tuyên Thánh Tử Đạo Việt Nam đúng vào năm Đức Tin, phải chăng Chúa muốn
nhắc nhở ta biết ơn cao trọng nhất là ơn đức tin. Và điều quan trong nhất trong
đời là thực hành đức tin. Và trong thời kỳ Tân Phúc âm hóa, ta càng phải sống đức
tin. Tertuliano nói: Máu tử đạo là hạt giống sinh người tín hữu. Tôi xin nói
cách khác. Đức tin chính là hạt giống sinh đức tin. Các thánh tử đạo là hạt giống
đức tin gieo xuống, chịu mục nát đi, đã sinh hoa kết quả ban cho Giáo hội Việt
nam mùa gặt đức tin dồi dào phong phú.
Trong
tâm tình tạ ơn long trọng, ta hãy cùng vua Salômôn nài xin Thiên Chúa tiếp tục ở
với chúng ta như đã ở với cha ông chúng ta. Ta hãy cùng thánh Phaolô tạ ơn vì
Chúa không để ta thiếu một ân huệ nào. Và để đáp lại, ta hãy nghe lời Chúa dạy:
“Hãy kể lại cho mọi người biết việc Chúa đã làm” cho dân tộc Việt Nam. Ta hãy
loan truyền ơn lành của Chúa bằng chính đời sống đức tin trong thời đại mới. Đức tin bằng việc làm thật sự. Đức tin
trong những hi sinh từ bỏ đau đớn vì không chiều theo những áp lực, dù ngọt
ngào của thời đại hôm nay. Đức tin sẵn
sàng chịu đau khổ, chịu thiệt thòi vì Chúa.
Lạy
Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa muôn đời. Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xin cầu
cho chúng con. Amen.
Bài
giảng của Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt - Châu Sơn, 19-06-2013