LÒNG TRẮC ẨN
Ngài luôn chạnh lòng thương người
khác, dù họ chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt .
Người đời nói: “Đời là bể khổ”. Chúa Giêsu nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34). Quả thật, cuộc đời có
quá nhiều nỗi đau khổ, thế nên rất cần tình yêu thương.
Mặc dù không là Kitô hữu, nhưng cố NS
Trịnh Công Sơn đã có thể nhạy bén cảm nhận: “Sống
trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…!
Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn, không nói năng, để
buốt trái tim…!” (Để Gió Cuốn Đi). Nghe chừng chua chát, nhưng cuộc đời là
thế đó!
Bất kỳ ai cũng rất cần biết động lòng
trắc ẩn, như Chúa Giêsu đã luôn chạnh lòng thương những người khốn khổ (Mt
9:36; Mt 14:14; Mt 15:32; Mt 18:27; Mt 20:34; Mc 1:41; Mc 6:34; Mc 8:2; Lc
7:13), thế nên Ngài muốn người ta cũng phải biết chạnh lòng mà sẵn sàng và
thành tâm thương xót nhau, như người Samari, chứ đừng như thầy tư tế và thầy
Lêvi (Lc 10:30-37), có chức quyền và có “tiếng” mà không hề có “miếng”. Vậy là
vô ích vì chỉ lẻo mép!
TỬ NHI PHỤC SINH
Vì thiên tai, bà góa ở Xa-rép-ta, thuộc
Xi-đôn, chỉ còn ít bột làm bánh để ăn rồi chờ chết, thế nhưng bà vẫn không ngần
ngại chia sẻ phần bánh với ngôn sứ Êlia, và rồi bà được Chúa làm phép lạ cho
“hũ bột không vơi, vò dầu chẳng cạn” (1 V 17:14). Nhưng sau đó, đứa con trai của
bà ngã bệnh trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. Bà trách với ông Êlia: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà
ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?” (1 V
17:18). Bà biết ông Êlia là “người của Chúa” nhưng bà vẫn trách ông, vì bà chạnh
lòng do tội mình và bà rất thương con mình.
Thấy chạnh lòng thương, ông Êlia nói: “Bà đưa cháu cho tôi”. Ông bồng lấy đứa
trẻ bà đang ẵm trong tay, đem lên phòng trên chỗ ông ở, và đặt nó nằm lên giường.
Rồi ông kêu cầu Chúa: “Lạy Đức Chúa,
Thiên Chúa của con! Chúa nỡ hại cả bà goá đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy
phải chết sao?” (1 V 17:20). Ông có “cách lạ” là ông nằm lên trên đứa trẻ
ba lần, đồng thời kêu cầu Chúa: “Lạy Đức
Chúa, Thiên Chúa của con, xin cho hồn vía đứa trẻ này lại trở về với nó!”
(1 V 17:21). Và rồi Chúa đã nghe tiếng ông kêu cầu, cho hồn vía trở về với đứa
trẻ, và nó sống.
Ông Êlia liền bồng đứa trẻ từ phòng
trên xuống nhà dưới, trao cho mẹ nó và nói: “Bà
xem, con bà đang sống đây!” (1 V 17:23). Bà không ngạc nhiên khi thấy con
mình chết rồi mà được sống lại vì bà có đức tin mạnh mẽ. Bà nói với ông Êlia: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của
Thiên Chúa, và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng” (1 V 17:24). Mẹ
góa, con côi, Thiên Chúa đã chạnh lòng thương mà làm cho họ hai phép lạ, nhưng
nguyên nhân chính là bà biết tín thác vào Thiên Chúa.
Tv 65:12 nói: “Bốn mùa Chúa đổ Hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi”. Vâng,
“tất cả là Hồng ân” (Rm 4:16). Vì thế,
chúng ta phải biết tạ ơn Chúa. Chúng ta càng phải tạ ơn Chúa khi được cứu thoát
khỏi cảnh khổ: “Lạy Chúa, con xin tán
dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con. Lạy
Chúa là Thiên Chúa con thờ, con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống”
(Tv 30:2-4).
Với kinh nghiệm bản thân, tác giả
Thánh Vịnh mời gọi: “Hỡi những kẻ tín
trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. Người nổi giận, giận
trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm
buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:5-6). Người Việt
chúng ta cũng cảm nhận và nói: “Thương
con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Xem chừng yêu thương cũng
chẳng dễ, vì phải biết cách yêu cho phù hợp.
Khi cầu xin: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng
đỡ” (Tv 30:11), Thiên Chúa liền cứu giúp, vì “khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho lễ phục huy
hoàng” (Tv 30:12). Chúa dễ thương quá chừng, Chúa đáng yêu biết bao! Do đó,
hãy thân thưa với Ngài: “Tâm hồn con ca
ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài
mãi mãi ngàn thu” (Tv 30:13).
Thánh Phaolô xác nhận: “Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết:
Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài
người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô
đã mặc khải” (Gl 1:11-12). Rồi thánh nhân giải thích: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo
Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và chỉ muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên
Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với
tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông”
(Gl 1:13-14). Thánh Phaolô đã sáng “con mắt đức tin”, nhận ra sai lầm nghiêm trọng
của mình sau khi bị ngã ngựa, bị mù và được sáng mắt lại.
Không chỉ vậy, Thánh Phaolô còn nhận
thức sâu xa hơn và giải thích thêm: “Thiên
Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân
sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi
loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo
các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước
tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi
mới lên Giêrusalem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày. Tôi đã
không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa” (Gl
1:15-19).
Tất cả không ngoài Thánh Ý Quan Phòng
và Tiền Định của Chúa, đó chính là cách chạnh lòng thương của Ngài, là Tình Yêu
vĩnh hằng, là Lòng Thương Xót đời đời của Ngài.
THANH NIÊN SỐNG LẠI
Có nhiều kiểu chạnh lòng, nhưng chạnh
lòng thương mới là điều quan trọng. Vì không chạnh lòng nên ngày nay người ta
hóa vô cảm. Vô cảm là chứng “ung thư” của thời đại vì “tế bào” chạnh-lòng-thương
đã bị miễn nhiễm, như người ta thường nói: “Sống
chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Lối sống “ung dung tự tại” như vậy là
trái ngược với Luật Chúa: Yêu thương – nghĩa là cơ bản nhất phải biết “chạnh
lòng thương”. Quả thật, chính Ngài luôn chạnh lòng thương người khác (Mt 9:36;
Mt 14:14; Mt 15:32; Mt 20:34; Mc 1:41; Mc 9:22), dù họ chỉ là những kẻ vô danh
tiểu tốt, Ngài còn chạnh lòng thương đến bật khóc trước cái chết của Ladarô (Ga
11:32-35).
Và Ngài chạnh lòng thương với cả con
trai của một bà góa nọ. Điều này cũng chứng tỏ sự sống vô cùng quan trọng, vì
thế mà mọi người đều phải bảo vệ sự sống, dù chỉ là một sinh linh bé nhỏ, một
thai nhi. Hôm đó, khi Đức Giêsu đến gần cửa thành Nain (thuộc Galilê, cách
Nadarét khoảng 6 dặm về phía Nam),
người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá. Mẹ mất con
thì đau lòng mẹ lắm. Tình mẫu tử vô cùng kỳ diệu. Chắc hẳn trông người mẹ này rất
thảm não. Thế nên vừa trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7:13). Mẹ mất
con mà sao Ngài lại bảo “đừng khóc” ư? Ngược đời chăng? Không. Bởi vì Ngài biết
mình sắp làm gì: Tỏ lòng thương xót cho mẹ góa con côi này.
Rồi Ngài lại gần, sờ vào quan tài. Đức
Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo
anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7:14). Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.
Chuyện xảy ra nhãn tiền trước mặt cả đám đông mà y như trong phim. Thật kỳ diệu!
Chắc chắn không ai có thể vui sướng hơn bà góa vào lúc này.
Quả là một sự kiện lạ lùng vô tiền
khoáng hậu! Thế nên khi thấy vậy, mọi người không chỉ ngạc nhiên mà còn kinh sợ,
phải công nhận và lên tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng
thăm dân Người” (Lc 7:16).
Thánh Luca cho biết rạch ròi: “Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp
cả miền Giuđê và vùng lân cận” (Lc 7:17). Không loan truyền sao được khi
nghe nói về sự lạ, mà đây lại chính họ tận mắt tỏ tường.
Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, mục
đích không phải để được nổi tiếng lẫy lừng mà là xác nhận cho mọi người biết rằng
Ngài đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, đến thế gian để trao ban
Lòng Chúa Thương Xót cho những người thành tín. Ngài đã chứng tỏ quyền năng
trên mọi loài, trên bệnh thể lý và tinh thần, kể cả cái chết, và ngay cả Satan
cũng phải chịu “bó tay” khi đối đầu với Ngài.
Cái chết là thất bại lớn nhất của nhân
loại. Người ta tìm mọi cách để chữa bệnh hoặc kéo dài sự sống, nhưng cũng chỉ
trong giới hạn nào đó, dù có thể cải lão hoàn đồng, nhưng không thể trường sinh
bất tử. Sự chết không là hình phạt của tội lỗi mà là hậu quả của tội lỗi (x. St
3:17-19). Điều đó xác quyết rằng “ai cũng
phải chết một lần” (x. Dt 9:27). Sự chết là chấm dứt sự sống, nhưng không
là hủy diệt. Chết là trả lại hơi thở cho Thiên Chúa (x. Gv 12:7). Con người gồm
hai phần: Xác và hồn. Xác không hơi thở thì chỉ là tử thi (x. Gc 2:26).
Tại sao chúng ta chết về thể lý? Thánh
Phaolô nói: “Anh em đã chết vì những sa
ngã và tội lỗi của anh em” (Ep 2:1). Còn cái chết tâm linh? Cũng như cái chết
thể lý, đó là linh hồn xa cách Thiên Chúa: “Không
phải Đức Chúa ngắn tay không thể cứu, cũng chẳng phải Người nặng tai không nghe
được, mà chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các ngươi với Thiên Chúa các
ngươi; chính tội lỗi các ngươi đã khiến Người ẩn mặt để khỏi nhìn, khỏi nghe
các ngươi” (Is 59:1-2). Đó là vấn đề mà ai cũng phải đối mặt: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh
quang Thiên Chúa” (Rm 3:23). Nhưng có cái chết thứ hai còn nguy hiểm hơn: “Những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm,
sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần
dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai”
(Kh 21:8). Cái chết thể lý chấm dứt cuộc sống đời này, nhưng cái chết tâm linh
mới là hậu quả vĩnh viễn!
Cái chết bị coi là kẻ thù (1 Cr 15:25-26).
Nhưng Chúa Giêsu lại dùng cái chết để giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và hệ
lụy của Tử thần (Dt 2:14-15), như người ta thường nói: “Dĩ độc trị độc”.
Đối với các Kitô hữu, chết không là chấm
hết, mà là hy vọng: “Thưa anh em, về những
ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu
anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.
Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng
tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng
Đức Giêsu” (1 Tx 4:13-14). Chết là một mối lợi (Pl 1:21), và là niềm hạnh
phúc: “Phúc thay những người đã chết, mà
được chết trong Chúa! Họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì
các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14:13). Đối với các Kitô hữu, cái chết
không là mối sợ hãi, mà là sự giải thoát. Họ có niềm hy vọng khác thường, nhưng
chắc chắn chứ không mơ hồ hoặc hão huyền, vì chết là biến đổi, là trường sinh
bên Thiên Chúa vĩnh hằng. Người không là Kitô hữu không thể nào hiểu được điều
này, và rất có thể họ coi các Kitô hữu là những kẻ điên rồ! Phải chăng vì vậy
mà người ta luôn tìm cách bách hại các Kitô hữu cho “biết tay”, và thách thức
xem chúng ta phản ứng thế nào chăng? Có thể lắm!
Lạy Thiên Chúa, xin chạnh lòng thương
xót kiếp phàm nhân yếu đuối của chúng con mà lau sạch nước mắt chúng con. Xin
giúp chúng con biết chạnh lòng thương tha nhân, nhất là những người bất hạnh,
như Đức Kitô đã làm, để cho chúng con xứng đáng làm hậu duệ của Ngài và có thể
xứng đáng được đồng hưởng vĩnh phúc Thiên quốc muôn đời. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.