Chầu Thánh Thể Lễ Hiện Xuống _ bình an cho anh em

BÌNH AN CHO ANH EM
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
Có nhiều định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, nhưng định nghĩa nào cũng hàm chứa sự bình an. Người ta chúc nhau đủ ăn đủ mặc, có sức khỏe, có tiền bạc… vì đó là những thứ hễ thiếu là có ngay sự bất an, là phải lo lắng.
Thế nhưng ngay cả những người dư ăn, dư mặc, tiền bạc đầy két, sức khỏe như vâm… vẫn không dễ mà có được hai chữ bình an. Vì thế mà lời chúc của Chúa vượt qua mọi lời chúc, và đó thực sự là động lực hết sức lớn, một phần thưởng vô cùng cao quí cho ai tin theo Chúa: "Bình an cho anh em!" 
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Ga 20,19-23)
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Thoạt tiên người ta đến với Chúa để được ăn no, để được chữa lành... rồi để tìm hai chữ bình an, người ta đã tôn Chúa làm vua để có được người bảo đảm an toàn cho mọi nhu cầu trần tục.
Nhưng Chúa không muốn làm một ông vua như thế: con người có gì hơn con vật nếu chỉ lo tìm kiếm những điều đó?
“Lúc sinh thời, nó tự hào tự đắc: ‘Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình!’ Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp, chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương! Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49,19-21)
Một câu hỏi thường được đặt ra trong sách học làm người: ‘người ta sống để ăn hay ăn để sống?’ Ai cũng nhất trí trả lời là người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn, vì mục đích của cuộc sống, sự bình an của con người nằm ở một điều gì đó lớn hơn việc thỏa mãn các nhu cầu thế tục, những đòi hỏi thể xác của mình.
Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phê phán những suy nghĩ vị kỷ, không có tình yêu, chỉ nhằm thỏa mãn các nhu cầu thế tục trong cách cư xử của người thế, làm cho người ta thành bạc ác, không sống được với nhau, và mất bình an:  
“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử;
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.”
Sự bất an của thế giới, và của tâm hồn con người, không đến từ bên ngoài mà từ bên trong, từ tâm hồn. Petrarch, một học giả và thi sĩ người Ý vào thế kỷ 14, một trong những nhà nhân văn đầu tiên trên thế giới, đã nói: “Năm kẻ thù lớn nhất đối với sự bình an, là hám lợi, tham vọng, ghen tương, giận dữ và kiêu căng.”
Năm 1992, Severn Suzuki, một em gái Canada 12 tuổi, thay mặt cho tổ chức trẻ em vì môi trường (ECO), đọc một bài diễn văn tố giác nguyên nhân gây bất an cho nhân loại trong cách sống thiếu tình yêu. Bài diễn văn của em đã làm cho hội nghị về môi trường ở Brazil phải thinh lặng đến sáu phút: “Ở nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác, chúng tôi mua rồi lại vứt đi, vậy mà các nước phương Bắc vẫn không chia sẻ với người nghèo. Kể cả khi đã thừa thãi, chúng ta vẫn sợ phải chia sẻ, sợ phải cho đi một chút của cải.”
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Sợ phải chia sẻ, sợ phải cho đi làm cho lòng chúng con vẫn bất an dù đang có thừa nhiều thứ. Thế giới hôm nay phát triển về mọi mặt. Những tưởng là đời sống con người phải được nâng cao, nhà nhà cơm no áo ấm… nhưng vẫn còn đó nhiều nhà không cơm ăn, nhiều bệnh nhân không thuốc uống, nhiều trẻ em không được đi học… chỉ vì trong lòng chúng con, tính ích kỷ cũng lớn lên và còn lớn mau hơn sự phát triển kinh tế.
Chúa được gọi là Vua Bình An, vì ở nơi Chúa mà chúng con tìm gặp được sự bình an: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11,28-30)
Nếu những kẻ thù của bình an đều phát xuất từ bên trong, thì sự bình an chân thực cũng chỉ đến từ tâm hồn. Một thế giới bình an được xây dựng không phải bởi nhiều phát minh vĩ đại, vì một điều ai cũng thấy rõ ràng là các tiện nghi được phát triển đồng thời với nhiều vũ khi đời mới có sức tàn phá khôn lường.
Trong bài diễn văn, em Suzuki đã nói: “Ở Canada, chúng tôi sống trong quyền thế, với rất nhiều lương thực, nước uống và nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính và tivi. Nhưng hai ngày trước ở đây, ở ngay Brazil, chúng tôi đã rất kinh ngạc khi sống cùng với những đứa trẻ trên đường phố. Một đứa bé đã nói với tôi như thế này “Ước gì tớ thật giàu có. Nếu như vậy, tớ sẽ cho bọn trẻ trên đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở và cả tình thương và sự cảm thông nữa”. Một đứa trẻ trên phố không có gì mà còn sẵn sàng chia sẻ, thì tại sao những người đầy đủ như chúng ta lại tham lam như thế này?”
Vâng, lạy Chúa, thế giới chúng con, gia đình chúng con, tâm hồn chúng con chỉ có thể được đổi mới, tìm gặp được bình an khi biết sống cho nhau, khi chúng con sẵn lòng chia sẻ những gì mình có.
Chính Chúa đang hiện diện nơi đây cũng chỉ vì muốn trao cho chúng con hết những gì là của Chúa. Đời sống mới trong tình yêu là bài học, là mệnh lệnh Chúa trao cho chúng con: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)
Mệnh lệnh đó rất đơn giản nhưng lại có thể dựng nên thiên đàng ngay ở trần gian này. Một xã hội trong đó mọi người yêu nhau đến quên mình sẽ được gọi ngay là thiên đàng tại thế! Thế nhưng tình yêu đó vẫn còn xa lạ lắm với chúng con… và chúng con thấy rất khó mà sống yêu thương!
Chúng con thấy khó vì chúng con chưa nhìn bằng đôi mắt của Chúa, chưa nghe bằng lỗ tai của Chúa, chưa hiểu bằng trí hiểu của Chúa. Điều đó không chỉ khó cho chúng con mà còn khó ngay cả cho các môn đệ của Chúa. Vì thế mà Chúa đã ban Thánh Thần cho các ông để các ông bước ra ngoài con người vị kỷ mà sống cho đẹp hai chữ yêu thương.
Ngay câu đầu tiên của Hiến Chế Mục vụ, Công đồng Vatican 2, còn được gọi là một lễ Hiện Xuống mới, đã trao cho chúng con kiểu mẫu sống của người môn đệ Chúa: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.”
Lạy Chúa, khi đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể, chúng con thấy mình được yên ủi thật nhiều, vì chúng con như nghe được tâm tình yêu thương của Chúa dành cho chúng con, “không có gì thực sự là của con mà lại không gieo âm hưởng trong lòng Chúa.”  
Xin Chúa đổ tràn Thánh Thần tình yêu của Chúa trong lòng chúng con, để khi ra về chúng con cũng lặp lại tâm tình yêu thương của Chúa cho mọi người chúng con gặp trong đời, và trước khi niềm vui và ánh sáng hy vọng được gieo trong lòng người khác thì chính chúng con sẽ nhận được lời chúc bình an của Chúa, bình an hôm nay và hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Hát: “Thắp sáng lên trong trái tim con, tình yêu như tia nắng...”