Lời Chúa cnps 3c _ Chúa đó

CHÚA ĐÓ
Chính trong sự chết mà mọi người thấy được chiến thắng tuyệt đối của tình yêu Chúa.
Lm. HK
Khi cuộc chiến Waterloo giữa tướng nước Anh là Wellington chống lại vua Pháp Napoléon đang lúc cam go, dân nước Anh hết sức chăm chú để ý đến các tín hiệu semaphore về chiến cuộc được phát ra liên tục từ ngọn tháp cao của thánh đường Winchester.
Trời ngả về chiều, chợt các tín hiệu đánh lên mấy chữ làm mọi người rủn chí: “Wellington đánh bại” (Wellington defeated) Đúng lúc đó một đám mây sương mù nước Anh bốc lên che khuất mọi tín hiệu, dân chúng miền đó rơi vào một nỗi thất vọng thẳm sâu, tưởng là thua trận.
Rồi đám sương mù lại dâng cao và phần cuối của bản tin đã được đọc hết, là “Wellington đánh bại… quân thù.” (Wellington defeated… the enemy)
Trong thoáng chốc, nỗi buồn biến thành niềm vui, thất vọng bị nuốt chửng trong những nụ cười rạng rỡ.

Những gì con người theo đuổi thường chỉ có một giá trị tương đối.
Vâng, kinh nghiệm sống phơi bày ra cả mặt trái của những chiến thắng và niềm hy vọng ẩn chứa trong mọi thất bại. Điểm mốc tuyệt đối để cân đong cho mọi giá trị chính là cái chết, khi mà tất cả mọi thành đạt phải đối diện với cái được và cái mất vĩnh cửu.
Chính trong sự chết mà mọi người thấy được chiến thắng tuyệt đối của tình yêu Chúa: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”, nhờ đó “chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, sự chết và lề luật” (Rm 5,8.12)
Đó là sự tự do đích thực mà chiến thắng của Đức Kitô đã mang lại cho các tông đồ, khi đứng trước sự cấm cách và đòn vọt bởi vị thượng tế và các thủ lãnh Do thái. Sự tự do đó làm cho các ông “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”, và thấy “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.” (Cv 5,29.41).
Sự phục sinh của Đức Kitô là một nguồn cảm hứng dồi dào cho thánh Phaolô khi rao giảng về một đời sống mới không hề e sợ ngay cả sự chết: “khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15,54-55)
“Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.” (Kh 5,11)
Chiến thắng của Đức Kitô được tỏ ra cho các môn đệ khi các ông thấy sự bất lực của mình sau một đêm đánh cá mà không được gì cả. Quyền năng mạnh mẽ của Đấng chiến thắng được tỏ ra để củng cố niềm tin cho các ông. Khi bảo các ông thả lưới bên phải mạn thuyền, Chúa muốn cho các ông thấy rõ việc bởi quyền năng Chúa cần sự hợp tác của các ông. Khi thả lưới bên phải mạn thuyền đúng như Chúa dạy thì các ông “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” (Ga 21,6)
Phép lạ được thực hiện trước mắt mọi người, nhưng chỉ người môn đệ được Chúa yêu mới nhận ra sự hiện diện của Chúa: “Chúa đó!”
Chúa luôn hiện diện bên các tông đồ, và quyền năng của Ngài sẽ giúp họ thống lĩnh toàn thể thế giới. Họ bắt được 153 con cá, tổng số các loại cá theo các nhà sinh vật học Hy lạp thời đó. Chúa đó!
Một đứa trẻ mới mười tuổi đầu đã phải đi làm việc trong một nhà máy tại thành phố Naples, nước Ý. Mẹ cậu tin rằng cậu có một giọng ca thiên phú nên cho con đi làm trong nhà máy để có đủ tiền cho con mình trả học phí âm nhạc.
Ông thầy dạy nhạc đầu tiên xác quyết với đứa trẻ là nó không hề có giọng ca tốt, và khuyên nó đừng phí tiền để chạy theo ảo tưởng.
Nhưng bà mẹ của cậu, một nông dân nghèo nàn, không dễ dàng bỏ cuộc. Bà khuyến khích, và tỏ ra niềm tin vào tài năng của con. Bà sẵn lòng không đi giày dép, chịu đi chân không để tằn tiện đủ tiền cho con học nhạc. Công lao và niềm tin của bà mẹ đã sinh hoa kết trái.
Và Enrico Caruso, cậu con trai của bà, đã trở thành một trong những ca sĩ tenor vĩ đại nhất thế giới.

Đức Kitô đã phục sinh, đã chiến thắng, và sự hiện diện của Ngài là bảo chứng cho kết quả tốt đẹp sau cùng của mọi công việc tông đồ mà người ta thực hiện với khả năng hạn hẹp của mình: “Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.” (1Cr 15,58)
 Chúa đó! Đấng chiến thắng ở bên tôi. Tôi còn sợ chi?                
Lm. HK