Có rất nhiều cách để
nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi
người. Có người nên thánh ngay trong bậc sống của mình giữa trần gian. Có người
chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.
Người ta kể lại rằng thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người
thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày này có một đời sống đạo đức lạ thường.
Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người thợ giày đáp gọn: "Tôi chỉ biết
đóng giày".
Ngạc nhiên vô cùng, thánh Antôn hỏi vặn lại: "Nếu chỉ có thế
thì làm sao mà gọi là thánh thiện được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng
phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa không?". Người thợ giày giải thích:
"Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ".
Thánh Antôn vẫn chưa cho đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết,
ngài cầu nguyện từng phút giây. "Vậy ông sống đức khó nghèo như thế
nào?". Người thợ giày bảo: "Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của
tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho
tôi". Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính
ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo hội và người nghèo...
Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí
quyết của ông như sau: "Mặc dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của
tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh
nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa
ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ này phải triền miên trong cảnh
nghèo đói...".
Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ ra về. Ngài chợt hiểu rằng ngài
chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người
nghèo.
Có rất nhiều cách để nên thánh, nhưng dường như không có một mẫu
mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có người nên thánh ngay trong bậc sống
của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo. Có người sống trong bậc tu trì.
Mỗi một vị thánh là một cách sống.
Tuy nhiên giữa khung khác biệt đó vẫn có một mẫu số chung cho tất
cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái
đã nói: "Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được
phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm được không biết bao nhiêu công
trình... nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi chỉ là một thứ thùng rỗng...".
Không có đức bác ái, không có tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức
của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với
chúng ta: "Các con hãy nên trọn hảo như Cha các con trên trời". Thiên
Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Và
cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã hóa thân làm người như chúng
ta... Ðó là tận cùng của Tình Yêu!
Người thợ giày trong câu chuyện của thánh Antôn không những dành
của cải của mình cho người nghèo, ông còn tưởng nghĩ đễn người nghèo như chính
lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã nhận ra đó là bí quyết cao cả nhất để nên
thánh. Bố thí tất cả của cải của mình, xa lánh tất cả các thú vui của cuộc sống,
đêm ngày ăn chay cầu nguyện là điều tốt. Nhưng nếu sống như thế chỉ để tìm cho
mình sự thanh thản trong tâm hồn mà phải sợ người khác quấy rầy, thì một cuộc sống
như thế chưa phải là lý tưởng nhất.
"Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời". Ðó phải
là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Cha trên trời yêu thương tất cả mọi người.
Cha trên trời đã yêu thương con người đến nỗi đã phó ban chính Con Một của
Ngài. Thiên Chúa chỉ được gọi là Cha bởi vì Ngài sống cho con cái của mình... Sự
sống Ngài ban cho chúng ta chỉ có thể triển nở và có ý nghĩa nếu nó cũng được sống
cho tha nhân.
Trích sách Lẽ Sống