Ơn thiên triệu _ bài giảng lễ truyền dầu bà rịa 2013

Bài giảng Lễ Truyền Dầu 2013
Chúng ta không đòi được ca tụng, không muốn xuất hiện phô trương; tiêu chuẩn chủ yếu trong hành động của chúng ta không phải là những gì người ta sẽ nói về chúng ta, nhưng là Thiên Chúa nói gì. Đó mới thực là sự khiêm tốn.
ĐGM Tôma Nguyễn Văn Trâm, gp Bà Rịa
Bước vào hội đường Nagiarét, Chúa Giêsu nhận lấy Sách Isaia và như thể có bàn tay quan phòng mở sẳn, Người đọc ngay trích đoạn Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe công bố tại giảng đài: bài đọc Isaia (Is 61, 1-3a.6a.8b-9) và bài Tin Mừng Luca (Lc 4, 16-21)). Hai trích đoạn trên nói về việc xức dầu tấn phong một ngôn sứ thời Cựu Ước. Chúa Giêsu xác quyết Lời Kinh Thánh nầy nói về chính Người “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Chúa Giêsu mượn đoạn văn nầy để ngỏ lời với anh em mình tại hội đường Nagiarét về sứ mạng của mình. Chúa Giêsu nói đến Thánh Thần Người mới lãnh nhận ngày chịu phép Rửa ở sông Giorđan. Chính Thánh Thần là nguồn mạch phát sinh mọi hoạt động cứu độ của Người. Chúa Giêsu trình bày sự xuất hiện của Người như là sự khai mở thời hồng ân mà các ngôn sứ đã từng loan báo. Sứ vụ mà Isaia tiên báo là sứ vụ thực hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người nghèo khi Đấng Mêsia loan báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ cho người nghèo, khi xoa dịu những đau khổ bệnh tật, khi xóa bỏ kỳ thị hay áp bức đối với người nghèo bị bỏ rơi, khinh miệt hay bị loại trừ,  hay những bất công mà người bị giam cầm hay tù nhân phải gánh chịu. Công bố Năm Hồng ân có nghĩa là khai mở ơn cứu độ cho thời hôm nay, thời Tân Ước, thời của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đến là để trải rộng lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người không phân biệt ai, không loại trừ ai, vì tất cả mọi người đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Từ lúc thụ thai nơi thư phòng Đức Trinh nữ thành Nagiarét cho đến khi xuất hiện ở bờ sông Giorđan, suốt ba năm hành trình loan báo Tin Mừng ơn Cứu Độ khắp miền Palestina, từ nhà Tiệc ly đến vườn cây Dầu, từ dinh Philatô đến đồi núi Sọ, từ ngôi mộ trống cúa sáng Phục sinh đến điểm cao lên trời, Chúa Giêsu luôn được Chúa Thánh Thần đồng hành vì Chúa Thánh Thần đã xức dầu tấn phong Người làm Đấng Thiên sai như lời Isaia tiên báo. Trọn vẹn đời sống và sứ vụ mục tử của Chúa Giêsu như rao giảng Tin mừng, làm phép lạ chữa các bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi, bữa Tiệc ly, cuộc thương khó và cái chết bi thảm, sự phục sinh và lên trời vinh hiển, đều ghi đậm nét lòng thương xót của Thiên Chúa được thực hiện bởi chính Người.
Anh em linh mục rất thân mến,
Các linh mục được Chúa Thánh Thần và Hội Thánh tuyển chọn và xức dầu trong nghi thức bí tích Truyền Chức thánh là để tiếp nối sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu. Nhờ sự hiệp thông bí tích và trong tư cách Đức Kitô Linh mục thượng phẩm và Mục tử nhân lành, các linh mục được chọn gọi để thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em mình. Thế nào là thực thi lòng thương xót của Chúa? Đó là loan báo Tin Mừng cho người nghèo, thực thi bác ái đối với mọi người, nhất là những ai cần được thương xót hơn, bằng việc hòa giải, tha thứ và tôn trọng nhân phẩm đối với mọi người, không phân biệt hay loại trừ ai, và bằng sự nhiệt thành phục vụ mọi người theo lệnh truyền và gương mẫu phục vụ của Chúa Giêsu Kitô.
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bải giảng lễ CN thứ V mùa Chay vừa qua, đã dạy chúng ta về lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Một bên là những người đến nghe Chúa Giêsu giảng dạy, khao khát nghe Lời Chúa nói, mở lòng đón nhận Lời Chúa, và Chúa Giêsu đã ngồi giữa họ. “Tôi cũng không lên án chị. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Còn một bên, là những người điếc, chỉ muốn kết tội chết người phụ nữ này. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7). Họ lần lượt bỏ đi hết, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chúa Giêsu không đến vì những người công chính hay tự cho mình là công chính, mà vì những người tội lỗi. Sứ điệp của Chúa là sứ điệp về lòng thương xót. Sứ vụ của linh mục chúng ta là thực hiện lòng thương xót của Chúa.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi gặp gỡ các linh mục giáo phận Rôma ngày 10.3.2011, đã dạy chúng ta về mẫu gương của thánh Phaolô, người tông đồ suốt đời phục vụ với lòng tận tụy và hy sinh cho đoàn chiên. Thánh tông đồ đã nói: “Tôi đã phụng sự Chúa với tất cả lòng khiêm tốn”. ĐTC giải thích: thánh nhân là tôi tớ của Thiên Chúa. Cùng với các tông đồ, ngài tiếp tục là người tôi tớ, chứ không phải là chủ nhân của đức tin. Phục vụ không có nghĩa là làm điều mình đề ra, làm điều mà mình có thiện cảm. Phục vụ có nghĩa là để cho mình được chịu gánh nặng, chịu cái ách của Chúa. Phục vụ không có nghĩa là tiến hành theo những sở thích, ưu tiên của mình, nhưng hoàn toàn phục vụ tha nhân. Phụng sự Chúa với tất cả lòng khiêm tốn. Trong sự khiêm tốn ấy, chúng ta không đòi được ca tụng, không muốn xuất hiện phô trương; tiêu chuẩn chủ yếu trong hành động của chúng ta không phải là những gì người ta sẽ nói về chúng ta, nhưng là Thiên Chúa nói gì. Đó mới thực là sự khiêm tốn.
Anh em linh mục rất thân mến,
Trong thánh lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập bí tích Truyền Chức thánh và Chức Linh mục thừa tác, chúng ta sẽ cùng nhau lập lại lời tuyên hứa ngày thụ phong linh mục. Lập lại lời hứa nầy không phải chỉ là một nghi lễ, nhưng là một tự vấn lương tâm về cuộc hành trình đã qua và là một dấn thân đầy nhiệt huyết và đạo đức của tác vụ linh mục trong hành trình sắp tới. Xin Chúa Giêsu Linh mục thượng phẩm và Mục tử nhân lành phù trợ chúng ta. Amen