1. Thời gian tới sẽ có
nhiều khó khăn. Ai cũng nói vậy. Chắc là đúng như thế. Bên cạnh những khó khăn
bình thường, sẽ có những khó khăn khác thường. Bên cạnh những khó khăn ngờ được,
sẽ có những khó khăn bất ngờ. Bên cạnh những khó khăn dễ vượt qua, sẽ có những
khó khăn khó vượt qua. Có thể nói thêm, tình hình không những khó khăn mà còn
nguy hiểm.
Cảnh trước mắt đó khiến
tôi nhớ lại cảnh đã lùi về phía sau. Trong quá khứ dài, tôi cũng đã từng sống
những quãng thời gian đầy khó khăn và nguy hiểm. Bây giờ nhớ lại, tôi rất tạ ơn
Chúa đã xót thương cứu độ tôi, tôi cũng rất biết ơn những tấm lòng đã cảm
thương giải thoát tôi.
2. Trong tâm tình như
trên, tôi cầu xin Chúa thương soi sáng cho tôi được biết tôi sẽ phải sống đức
tin thế nào với thời gian đầy khó khăn và nguy hiểm đang tới.
Chúa trả lời tôi bằng
cách đưa lòng tôi nhớ về “dụ ngôn người Samari tốt lành”, mà Chúa Giêsu đã nói
với người thông luật xưa:
“Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc
đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để
mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cùng đi xuống trên con
đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một
thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người
Samari kia đi đường, tới ngay chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.
Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ trên vết thương cho người ấy và băng bó lại,
rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau,
ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán mà nói: Nhờ bác săn sóc cho người
này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi
trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.
Vậy, theo ông nghĩ,
trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào kẻ cướp?
Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người
ấy’. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’” (Lc
10,30-37).
3. Nghe Chúa dạy, tôi
hiểu. Tôi hứa với Chúa là sẽ làm như người ngoại đạo Samari đó. Thực sự tôi cũng
đã làm như vậy. Nhưng càng muốn bắt chước người Samari đó, tôi càng thấy khó.
Cái khó thứ nhất là loại
“người bị thương nằm bên lề đường” hiện nay là rất đa dạng.
Bị thương do kẻ cướp,
do nội bộ gia đình, nội bộ cơ quan, nội bộ tôn giáo.
Bị thương do cá nhân xấu,
do cơ chế xấu, do dư luận xấu.
Bị thương do chính những
nết xấu và chọn lựa xấu của chính mình.
Bị thương nào cũng đau,
cũng khổ. Họ kêu than, họ xin được cứu, họ đợi chờ được cứu. Cảnh khổ đó là một
thách đố đối với người theo đạo Chúa là đạo bác ái. Đáp ứng thách đố ấy thế nào
đây, thực không dễ trả lời.
Cái khó thứ hai là loại
người khi nhìn thấy cảnh khổ của con người thì “tránh sang bên kia mà đi” hiện
nay cũng rất đông. Lý do họ đưa ra, để biện minh cho việc họ tránh sang bên kia
mà đi, cũng có vẻ hợp lý theo đạo đức và theo sự khôn ngoan. Họ có chức có quyền
có thế, như thầy tư tế và thầy Lêvi. Dám không làm theo họ là cả một thách đố lớn.
Thực không dễ chút nào.
Tôi khiêm tốn trình bày
với Chúa những khó khăn đó. Chúa trả lời tôi một cách đơn giản đại khái thế
này:
Trong mọi khó khăn, hãy
tin vào Lời Chúa. Chúa dạy “Hãy thực thi lòng thương xót như người Samari”, thì
hãy cứ vâng, rồi Chúa sẽ giúp. Bởi vì thực thi lòng thương xót đối với bất cứ kẻ
khổ đau nào, luôn được coi là việc đạo đức, nói lên ân sủng và sự cứu độ của
Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.
5. Chúa dần dần cắt
nghĩa cho tôi hiểu như sau:
Chúa ban ân sủng và sự
cứu độ cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10,21). Người ngoại đạo Samari nói trong dụ
ngôn là kẻ bé mọn. Người bé mọn ấy đã chạnh lòng thương đối với kẻ bị thương nằm
bên lề đường. Việc chạnh lòng thương của kẻ bé mọn ấy là do ân sủng và sự cứu độ
Chúa ban cho họ. Kẻ bé mọn Samari đã biết đón nhận vào mình tình yêu xót thương
của Chúa, để rồi chính mình lại trao tặng tình yêu xót thương ấy cho kẻ khác.
Tình yêu xót thương trong họ là động cơ làm nên một chuỗi những việc chăm sóc cụ
thể kéo dài.
Nhận thức trên đây đưa
tôi đến kết luận này: Việc chạnh lòng xót thương đối với bất cứ ai khổ đau đều
là việc đạo đức mang dấu ấn của Chúa, có sức làm chứng cho Chúa.
Chắc chắn là như vậy. Nếu
thế thì tôi không được phép trốn tránh những việc chạnh lòng thương. Không phải
hễ có chạnh lòng thương, là sẽ phải có những việc cụ thể bác ái lớn lao theo
sau. Thực tế cho thấy những việc cụ thể bác ái rất đa dạng. Có những việc bác
ái nhỏ và âm thầm nhưng vẫn sinh được kết quả lớn. Đang khi nhiều việc gọi là
bác ái lớn và rầm rộ lại chỉ sinh được kết quả yếu ớt, hoặc chẳng may lại phản
chứng.
6. Chúa đang cho tôi thấy:
Tình hình hiện nay đang báo hiệu một thời gian có nhiều khó khăn và sẽ có nhiều
người phải khổ. Nhưng trong cảnh khổ mênh mông ấy đang xuất hiện nhiều con người
chạnh lòng thương xót. Họ thuộc mọi thành phần trong Công giáo và ngoài Công
giáo. Tất cả đều được ân sủng và sự cứu độ của Chúa, với những mức độ và hình
thức khác nhau. Tôi nên trân trọng họ. Nhất là chính tôi cần là người biết chạnh
lòng thương xót như Chúa muốn.
7. Để thêm xác tín, tôi
xin được phép kể lại một sự kiện đã xảy ra cho tôi, có liên quan đến vấn đề
chia sẻ hôm nay.
Một đêm sau ngày 30
tháng 5 năm 1975, không xa ngày tôi thụ phong Giám mục, tôi trải qua một chiêm
bao lạ. Tôi đang đi trên một con đường lớn, hai bên là những cánh đồng ruộng
bao la. Đột nhiên tôi thấy một người từ phía xa bước trên một bờ ruộng tiến về
con đường lớn tôi đang đi. Tôi vừa tới chỗ đó, thì người ấy cũng vừa tới chỗ
đó. Hai người gặp nhau. Tôi nhận ra ngay người lạ ấy chính là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu yêu thương cầm
lấy tay tôi. Người dẫn tôi tới một thành phố nhộn nhịp, đi thẳng vào một bệnh
viện rộng lớn. Người thong thả đưa tôi qua các phòng bệnh nhân. Thỉnh thoảng
Người dừng lại trước những giường bệnh, để tôi nhìn thấy rõ những nỗi đau của bệnh
nhân. Có một lúc, tôi cảm thấy lòng mình quá xúc động, đau đớn dạt dào tình cảm
xót thương. Tôi bừng tỉnh.
8. Tôi hiểu: Qua chiêm
bao vừa xảy ra, Chúa muốn dạy tôi về hướng mục vụ, mà Chúa trao cho tôi trong một
thời điểm rất khó khăn. Hướng đó là hãy xót thương người đau khổ. Xót thương
người đau khổ phải được coi là món quà quý và liều thuốc tốt, mà người đau khổ
cần trong lúc khó khăn.
Thực vậy, một tấm lòng
xót thương chân thành, dù không làm được nhiều, vẫn tạo nên được một bầu khí
thiêng liêng mang sự sống có ân sủng và sự cứu độ, để người đau khổ thở lúc ngặt
nghèo. Thở được thứ không khí tình thương đó, người ta sẽ thấy nhẹ đi bao nỗi
đau, họ cũng cảm thấy nhiều vết thương tâm hồn được chữa lành. Tôi thấy Chúa
đang khơi dậy tại Quê Hương Việt Nam của tôi một mùa Xuân những tấm
lòng xót thương chân thành.
Thực vậy, chính trong
thời điểm khó khăn này, càng ngày càng thêm nhiều lề luật, thì khuynh hướng nhấn
mạnh và đề cao việc đào tạo cái tâm đang xuất hiện khắp nơi trong Công giáo và
ngoài Công giáo. Cái tâm biết xót thương cứu khổ mới là yếu tố quan trọng để giải
quyết những khủng hoảng hiện nay và sẽ tới trên Đất Nước này.
Thực vậy, chính trong
thời điểm khó khăn này, càng ngày càng thêm
nhiều phong trào đạo đức, thì phong trào “lòng thương xót Chúa” đang dần
dần thu hút được nhiều tâm hồn. Họ xin lòng thương xót Chúa cứu họ, và giúp họ
cứu những người khác, theo gương Chúa giàu lòng thương xót. Phong trào không loại
trừ ai, nhưng đang lan rộng vào mọi người, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng.
Thực vậy, chính trong
thời điểm khó khăn này, càng ngày càng thêm nhiều loại thước đo để định giá một
người, thì “biết xót thương người đau khổ”
đang trở thành thước đo được phần đông chấp nhận. Do vậy mà nhiều người như người
ngoại Samari lại được tôn vinh.
Thực vậy, ngay trong thời
điểm khó khăn này, không thiếu người đang âm thầm sống ơn gọi “hạt lúa gieo vào
lòng đất, chịu thối đi” (x. Ga 12,24), để đền tội thay cho biết bao người. Đúng
là họ đang quảng đại theo gương Chúa Giêsu hy sinh trên thánh giá, vì xót
thương nhân loại.
9. Nhìn những sự kiện
trên đây, tôi thấy trong thời điểm khó khăn, Chúa vẫn làm những sự lạ lùng,
giúp chúng ta sống cảnh khó khăn, mà vẫn hy vọng, vẫn sinh ích cho đời.
Rất mong mỗi người
chúng ta hãy nhờ Chúa, mà biết xót thương, để trao tặng cho đồng bào yêu quý của
Quê Hương Việt Nam yêu dấu những hy vọng bình an từ Thiên Chúa giàu lòng xót
thương.
Tôi tin lời Chúa hứa:
“Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
Long Xuyên, bên thềm
Quý Tỵ
+ Gm. Gioan B Bùi
Tuần