Sống đức tin _ lời nguyện đầu xuân

LỜI NGUYỆN ĐẦU XUÂN
Khi có việc ra nước ngoài, lần nào chuyến bay dừng ở các phi trường quốc tế, trong khi chờ chuyến bay kế tiếp, tôi hay tìm một căn phòng trong phi trường dành riêng để cầu nguyện, hầu như phi trường quốc tế nào cũng có. Giữa những cửa hàng nhộn nhịp bày biện rất hấp dẫn, một góc nào đó yên tĩnh, không xa các phòng đợi, căn phòng được thiết kế nhẹ nhàng, ánh sáng chan hòa, mát mẻ, ấm cúng và thinh lặng, nội thất thích hợp hầu như cho mọi tôn giáo, dĩ nhiên không có ảnh tượng nào hết.
Vào phòng cầu nguyện, trong bầu khí thinh lặng chúng ta dễ dàng lắng mình trong những suy tư, những lời kinh và những nỗi niềm riêng, một cách nào đó chúng ta được đem ra khỏi thế giới ồn ào náo nhiệt, tách ra khỏi không gian có nhiều lôi cuốn, để mình được là mình, được đối diện với chính mình và cũng là được đối diện với Chúa, dễ giúp ta giãi bày những điều muốn ngỏ cùng Thiên Chúa của chúng ta.
Nhu cầu đến với Chúa là một nhu cầu có thật, mọi người đều có nhu cầu này, cho dù có mạnh miệng tuyên bố là vô thần đi nữa thì người ấy vẫn phải ngửa mặt lên trời mà khấn xin mỗi khi có nhu cầu cần thiết. Quả thật khi có những nhu cầu cần thiết hoặc khi có những bế tắc trong cuộc sống, những khi gặp khó khăn không tìm được dường gỡ hoặc vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời, có một sức mạnh tự nhiên nào đó đầy người ta đến với Đấng Cao Tôn và tha thiết muốn giải bày với Ngài về cuộc sống.
Cách đây một tháng, khi có dịp gặp một doanh nhân trong lãnh vực sản xuất và phân phối, qua câu chuyện thăm nhau, tôi có hỏi: “Lúc này kinh tế nhiều khó khăn, việc làm ăn của anh chị thế nào, có bị ảnh hưởng nhiều lắm không ?” Hai ông bà vui vẻ trả lời: “Cám ơn Cha, kinh tế khó khăn thật, nhiều người điêu đứng nhưng chúng con vẫn bình an, có khi còn tăng hơn nữa Cha ạ !” Tôi chợt nhớ ra ngành nghề của hai ông bà: ngành sản xuất và phân phối nhang đèn, đúng là khi gặp khó khăn người ta có nhu cầu tìm đến thần linh nhiều hơn nữa.
Trong những ngày hội thảo về mục vụ của nội bộ Tu Viện, khi xem xét việc tổ chức hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào các ngày thứ bảy, chúng tôi luôn bị “ám ảnh” bởi những thứ bảy của những năm 75 – 90. Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon phiên nào cũng chật cứng, người đi Đền đông đảo. Chắc chắn không phải những người đi Đền ngày ấy đều có chung ý nguyện, nhưng có lẽ ý nguyện xin cho được vượt biên an toàn chiếm đa số, cũng có rất nhiều lời khấn xin cho thân nhân đi học tập cải tạo, cho con cái đi bộ đội, ra mặt trận biên giới được bình an…
Những ngày đầu xuân là những thời khắc quan trọng của người Việt, tất cả các Nhà Thờ đều có dâng Lễ Giao Thừa và ba lễ vào ba ngày đầu năm mới, có nơi ngày Mồng Hai còn dâng lễ ngoài nghĩa trang của Giáo Xứ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, tuy nhiên nhu cầu của Giáo Dân không chỉ ở những sinh hoạt thờ phượng đó, hơn nữa những giờ rảnh rỗi của ba ngày cần phải tận dụng để chen chân với những sinh hoạt xấu làm băng hoại gia phong, mất nghĩa gia đình.
Trong văn hóa Việt, nhất là những sinh hoạt có tính cách gia đình làng xóm, người Việt muốn và rất sẵn sàng với những sinh hoạt mà đích thân họ tổ chức và tham gia thực hiện, thí dụ như những sinh hoạt của địa phương, chính các vị trưởng lão hoặc chính từng người thỉnh cáo với tổ tiên, thỉnh cáo với thần làng (Thành Hoàng), chính tay họ đốt nhang khấn vái, chính họ tham gia vào đoàn rước một cách tích cực, cứ nhìn các lễ hội của các làng xóm Việt Nam thì nhận ra ngay.
Phải chăng ngoài các Thánh Lễ do Hội Thánh qui định và tổ chức, người Linh Mục làm chủ tất cả mọi chuyện, chúng ta nên tổ chức các sinh hoạt thờ phượng khác ngoài giờ Thánh Lễ, đón nhận mọi người khắp nơi đến tham gia để giúp họ thỏa mãn nhu cầu khấn xin trong những ngày đầu năm mới, những sinh hoạt mà gia đình hay đích thân mỗi người được tự do tham gia theo ý họ ?
Chúng ta mở cửa Nhà Thờ cả ngày để mọi người có thể đến khấn nguyện. Bàn thờ Đức Mẹ có sẵn khay nến để cắm nến, có sẵn bó nhang và đỉnh đồng để đốt nhang, có sẵn lời Kinh Dâng Gia Đình đầu năm mới cho Đức Mẹ, có sẵn lộc Lời Chúa cho mọi người. Có nơi còn có Kinh Gia Đình cam kết sống theo luật Chúa, cả gia đình cùng đọc và cùng ký tên cam kết trước nhan Chúa, mang về để chỗ trang trọng của gia đình suốt cả năm.
Chúng ta tổ chức giờ hành hương kính Đức Mẹ đầu năm mới, trong giờ hành hương có kính Mai Khôi, có hát ca hoặc dâng hoa vinh danh Mẹ, có giờ khấn xin các ơn, có những lời nguyện của tín hữu, có rước cung nghinh Mẹ chung quanh Nhà Thờ, có nơi còn tổ chức rước Linh ảnh Mẹ về từng xóm, từng nhà trong ngày đầu năm mới…
Chúng ta mở cửa Phòng Hài Cốt Giáo Xứ liên tục để các gia đình đến thăm viếng. Tổ chức các giờ kinh viếng tổ tiên, các vị có công khai lập Giáo Xứ, khai lập cộng đoàn, tổ chức các giờ kinh viếng tưởng nhớ công lao của các vị …
Làm khơi dậy và đáp ứng các nhu cầu tâm linh là việc làm cần thiết hôm nay, xã hội sẽ được điều chỉnh bởi chính tinh thần của các tôn giáo, vai trò quan trọng này của tôn giáo không tổ chức nào có thể thay thế, chúng ta cần bắt tay ngay vào việc từ bây giờ chứ không thể chậm trễ nữa. Bắt tay ngay vì tình trạng xã hội của chúng ta rệu r4 nguy kịch lắm rồi !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 27.1.2013 (Ephata 545)