Lễ
Giáng Sinh của muôn dân
Henry van Dyke có thuật
lại câu chuyện nhan đề: “Còn một nhà đạo sĩ khác nữa” (The Other Wise Man), kể
về một nhà đạo sĩ thứ tư là người đáng lẽ đã cùng ba nhà đạo sĩ kia đi tìm vị
Vua vừa sinh ra ở Bêlem. Nhà đạo sĩ này tên là Artaban. Trong lúc chuẩn bị lên
đường, Artaban đã chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông để dâng tặng
Hài Nhi Giêsu.
Thế nhưng trên đường đến gặp ba nhà đạo sĩ kia
để cùng đi, gặp bất cứ ai xin, ông cũng đem ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông
đã gặp được là một bà cụ già rét run vì lạnh. Động lòng trắc ẩn, ông đã tặng
cho cụ già viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán
lính toan làm nhục cô gái. Ông đành đem viên ngọc thứ hai ra thương lượng với
chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một
người lình do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân
cận. Ông đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết
phục anh từ bỏ ý định gian ác.
Tìm được Hài Nhi Giêsu, nhà đạo sĩ thứ tư này
chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Ông bối rối và kể lại cuộc hành trình của mình.
Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra nhận quà của
ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng
những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những
người cần giúp đỡ. Chính nhờ những nghĩa cử này mà Thiên Chúa mới được tỏ mình
ra cho mọi người.
Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi
người. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng Dân của Ngài mà còn cho muôn
dân. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng
sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường
cho mọi người đến với Chúa. Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã mở
ra cả một viễn tuợng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu
trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi
phương hướng sẽ cùng quy về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa.
Nội dung của lòng tin tưởng này đã được Thánh
Matthêu diễn tả một cách sống động qua câu chuyện về Ba Vua, đúng hơn là ba nhà
đạo sĩ đi tìm gặp Chúa Giêsu mới sinh tại Bêlem. Xưa chúng ta quen gọi đây là
Ba Vua, do đó Lễ Hiển Linh này cũng gọi là lễ Ba Vua. Nhưng điều mà đoạn Tin Mừng
ở đây muốn nhấn mạnh đến là: các đạo sĩ, có thể là các nhà bác học hay thiên
văn học, đã từ Phương Đông mà tới (Phương Đông vẫn thường được coi là phương trời
của những dân ngoại), họ là những người ở ngoài Dân riêng của Chúa, không thuộc
dân Do Thái nhưng họ đã tìm đến và được lãnh nhận ơn cứu độ. Có thể nói, đoạn
Tin Mừng này đã diễn tả tất cả tấn bi kịch của công cuộc cứu chuộc đối với Dân
riêng của Chúa và đồng thời cũng nói lên tấm lòng đại độ của Thiên Chúa: Hêrôđê
tượng trưng cho quyền lực, một thứ quyền lực xảo quyệt chỉ biết khư khư giữ lấy
ngai vàng của mình như một lẽ sống. Còn dân thành Giêrusalem đáng lý ra phải
vui mừng khi hay tin “Vua người Do Thái mới sinh”, Đấng họ trông chờ như Vị Cứu
Tinh, thì trái lại, họ đã hoảng hốt cùng với Hêrôđê người cai trị trên họ. Dường
như họ ngại phải dấn mình vào một sự đổi thay, dù họ tin rằng sự đổi thay đó
đem lại sự giải thoát cho họ. Còn những Tư Tế và những nhà thông luật, biết rõ
nơi Vị Cứu Tinh ra đời, nhưng chẳng ai màng đến với Ngài. Để rồi cuối cùng, chỉ
có những người bị liệt vào hàng “dân ngoại” lại hăm hở đến với “Vua người Do
Thái”, cũng là Vị Cứu Tinh của nhân loại.
Thưa anh chị em,
Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra.
Chúng ta biết được qua bài Tin Mừng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân.
Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa nào có ai thấy Ngài bao giờ, và làm sao thấy Ngài
được? Nhưng người Con duy nhất của Ngài đã làm người, và cho ta thấy được Thiên
Chúa mang bản tính con người, làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta”. Từ
khi Ngôi Lời nhập thể, ai tin nhận Đức Kitô là tin nhận Thiên Chúa, ai từ khước
Đức Kitô là từ khước Thiên Chúa.
Vấn đề được nêu lên hôm nay, là ai làm cho người
ta biết Đức Kitô, nếu không phải là mỗi người chúng ta? Tuy nhiên, hãy tự vấn rằng
bản thân chúng ta đã biết Đức Kitô đến mức độ nào? Nhất định chúng ta chỉ biết
Ngài với một mức độ thật giới hạn. Xét về việc giảng giải bằng lời nói, chúng
ta có thể bập bẹ đưa ra một số chi tiết về con người của Đức Kitô, về giáo thuyết,
về thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô; những điều mà người thiện chí không thể
không nhìn thấy. Còn nếu chứng minh bằng chính đời sống, để nói được với bất cứ
ai, như Thánh Phaolô đã nói: “Xin ông bà, anh chị, hãy bắt chước tôi, như tôi
đã sống noi gương Đức Kitô”, thì lắm kẻ không dám nói, và không được phép nói.
Bởi vì cuộc sống hiện tại của họ, mọi người đều biết nó như thế nào rồi! Nói
cách khác, bản thân tôi chưa gặp được Thiên Chúa, mặc dù miệng tôi luôn nói:
Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Thiên Chúa ở trong tôi, Thiên Chúa ở trong mọi người.
Nhưng thực sự, tôi không thấy Thiên Chúa nơi ai cả, ít là trong những cử chỉ
tôi đối với những người chung quanh đã nói lên rõ rệt như vậy. Và cũng thế,
chưa ai thấy Thiên Chúa ở nơi tôi cả vì chình cuộc sống của tôi đã nói lên rõ
ràng như vậy.
Thật vậy, còn có biết bao người đang sống
trong tăm tối thiêng liêng; họ đang lầm lũi bước đi trong lầm lạc; họ đang khao
khát chân lý; họ không ngớt đặt vấn nạn với chúng ta: “Đức Vua Dân Do Thái sinh
ra ở đâu?” hoặc: “Đức Giêsu là ai vậy?. Vậy thì, hỡi các Kitô hữu, hãy trả lời
cho họ đi: “Đức Kitô là ai?”. Nhưng xin đừng mở cuốn Kinh Thánh ra nói như một
nhà thông thái. Chắc chắn họ không xin chúng ta một Đức Kitô đóng khung trong
sách vở, nhưng là một Đức Kitô sống động qua con người của chúng ta. Không có
con đường nào khác đưa người ta trở về hoặc khám phá ra Chúa Kitô ngoài con đường
Tin Mừng đã vạch, đó là con đường yêu thương. Thật vậy, chính tình yêu là sức mạnh
khiêm tốn nhất nhưng lại mãnh liệt nhất để đưa con người đến với nguồn chân lý.
Khi người Kitô hữu chỉ đóng khung đời sống đạo
của mình trong nhà thờ, giữa những nghi lễ, mà không nhận ra những nhu cầu, những
đòi hỏi của xã hội chung quanh; khi một cộng đoàn Kitô hữu quá bám víu vào những
thứ gọi là quyền lợi tôn giáo của mình mà làm ngơ trước những đau khổ, bất hạnh
của kẻ khác thì chính họ đang làm dập tắt những ánh sáng dẫn đường tới Chúa
Kitô.
May mắn là vào thời đại chúng ta, có Mẹ Têrêsa
Calcutta. Qua
chính cuộc sống đầy hy sinh vì mọi người, Mẹ Têrêsa đã làm cho mọi người thấy
Thiên Chúa. Thật kỳ diệu: ngay Cuba rồi Liên Xô cũng mời Mẹ Têrêsa đến thăm và
cho phép lập Dòng các chị em Thừa Sai Bác Ái với quyền thu nhận tập sinh, đang
khi các Dòng khác đã có mặt từ lâu, vẫn chưa được phép này. Tại sao? Cuộc đời
hy sinh của Mẹ Têrêsa, từ khi là nữ tu trẻ, từ năm 1918, đã dám mạo hiểm, mạo
hiểm trong khiêm tốn nhưng lòng đầy tình yêu Thiên Chúa và con người. Sống
trong tập thể tu viện với đầy đủ tiện nghi của một Dòng chuyên dạy con gái nhà
giàu, được bảo đảm hơn là cô đơn giữa xóm ổ chuột. Thế mà, trong thời gian dài,
nữ tu Têrêsa là con người lang thang trên các nẻo đường ở Calcutta, vì Têrêsa
thấy rõ Chúa Giêsu đang sống trong những người nghèo bên các vỉa hè của những
người dư giả, giả vờ quên rằng có Lazarô đang nằm chết đói ngoài cửa nhà mình,
đang chờ một phần ăn rất nhỏ, vất đi từ một bàn tiệc linh đình sang trọng. Tình
yêu, yêu Thiên Chúa, yêu Chúa trong mọi người, đã biến đổi sự yếu hèn của nữ tu
Têrêsa nên sức mạnh vô địch. Không bao lâu, căn nhà nhỏ của Mẹ Têrêsa phải nới
rộng, nới rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới, cả đến nước Liên Xô. Đoàn Thừa
Sai Bác Ái chưa đầy 40 năm đã chóng lớn như phép lạ, và Mẹ Têrêsa được trao tặng
cả vinh dự lớn nhất của người đời: “giải thưởng Nobel Hoà Bình”. Mẹ Têrêsa đã
làm cho mọi người thấy thế nào là Thiên Chúa.
Thiên Chúa của những năm cuối thế kỷ 20 là như
thế đó. Thiên Chúa trong viễn tưởng năm 2000 phải như thế đó. Thiên Chúa của những
cá nhân ích kỷ, của những tập thể ích kỷ, Thiên Chúa của người “tôi” ích kỷ đã
chết, và phải chết đi với cái người “tôi” ích kỷ. Như thế sẽ chiếu tỏ một Thiên
Chúa, thực sự là Thiên Chúa tình thương, hy sinh Con Một cho nhân loại phản bội.
Thiên Chúa là Đức Kitô dám chết cho kẻ mình yêu tuy chúng ta không đáng yêu.
May mắn là trong xã hội chúng ta, ngay giữa
chúng ta, trong những giờ này, có những mẫu người hy sinh, quên mình, lo cho
người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, trong các bệnh viện, đặc biệt ở những trại
cùi. Những con người Kitô hữu đó được công khai bầu lên là người mẫu của tình
yêu vị tha, những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô.
Có những người, giờ này, đang âm thầm vào các
bệnh viện, tìm thăm những bệnh nhân bại liệt tại giường, không gia đình thăm viếng,
chăm sóc; anh chị em đó đã đến, hỏi thăm sức khoẻ, chạy dùm một số việc, giặt
giũ, vệ sinh cá nhân… Xin Chúa ban cho có nhiều tông đồ, nhân chứng của tình
yêu Chúa với những việc làm cụ thể như thế để tạo được sự Hiển Linh, làm cho đồng
bào được thấy Thiên Chúa, và ước gì những chứng nhân ấy lại là chính chúng ta.
Ước gì được như vậy!