Chầu Thánh Thể cntn 03c


CHẦU THÁNH THỂ

Mùa Thường Niên _ Chúa Nhật 3C  
Đặt Mình Thánh (mời quì)
(Hát một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời dẫn:
“Đời là biển khổ!” Câu giáo lý của Đức Phật đây cũng là câu nói cửa miệng của nhiều người. Mặc cho khoa học kỹ thuật phát triển, mặc cho bao nhiêu nghiên cứu nâng cao mức sống nhân loại, cái chữ “khổ” oan nghiệt cứ gắn liền với kiếp người. Đâu phải chỉ người nghèo mới khóc mà cả “Người Giàu Cũng Khóc”.
Đoạn Thánh Kinh Chúa Giêsu đọc tại hội đường Nadaret thuật lại lời hứa về ơn cứu độ trong sách tiên tri Isaia. Ơn cứu độ ở đây được trình bày rất cụ thể, cho người nghèo, cho kẻ bị giam cầm, cho người mù… Chi tiết nổi bật nhất trong đoạn Phúc Âm trên là sau khi đọc xong lời hứa về ơn cứu độ, Chúa nói: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca,
Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."
Sau bao nhiêu năm mong mỏi chờ đợi ngày lời hứa cứu độ được thực hiện, lời công bố của Đức Giêsu trong hội đường gợi lên trong lòng người một niềm vui hết sức lớn lao!
Đây không phải và không thể là một câu nói cho vui lòng vì tầm mức hết sức quan trọng của vấn đề: Dân Do Thái khi đó đang bị đế quốc La Mã thống trị, đang phải chịu khốn khổ. Họ muốn nói lắm về ơn cứu độ, về sự giải thoát và hai chữ “tự do” nhưng không dám nói. Nay thấy Chúa đọc đoạn Thánh Kinh về ơn giải thoát và trang trọng công bố: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."
Còn gì vui mừng hơn!
Thế nhưng Chúa không đến để mang lại sự tự do trần thế cho Dân Chúa, như chính Chúa đã nói rõ với Philatô: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." (Ga 18,36)
Dù vậy, chính trong cảnh chịu áp bức của Dân Do Thái mà sự khốn cùng của nhân loại khi phải chịu ách nô lệ cho tội lỗi đã trở nên rõ ràng hơn, và lời hứa về ơn cứu độ, về cuộc giải thoát bội phần cao quý Chúa sẽ thực hiện cho mọi người càng đáng vui mừng hơn, cuộc giải thoát mang lại sự tự do cho tâm hồn, một sự tự do trọn vẹn và tuyệt đối bởi sự thật và tình yêu.
Trong thế giới tục hóa hôm nay, người ta thích nói về sự tự do bởi quyền hành, bởi tiền bạc: “Có tiền mua tiên cũng được.” Nhiều người lo liệu tích trữ cho mình nhiều của cải, củng cố uy thế cho mình. Thế nhưng những giá trị thế tục đó không phải là chỗ dựa vững chắc chút nào, và niềm vui chiếm hữu luôn đi liền với nỗi lo đánh mất chúng:
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49,11-13)
Không chỉ đi liền với nỗi lo đánh mất, niềm vui đến bởi sự chiếm hữu thế tục cho dù có lớn mạnh và vững vàng đến đâu cũng đang làm cho người ta đánh mất phẩm giá của mình. Tại sao con người lại tự đánh giá và tự hào về tài sản và uy thế trần tục của mình? Kẻ làm thế “thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.”
Năm đức tin là cơ hội để mỗi người nhìn lại cuộc đời mình đang sống, con đường mình đang đi, để ngay cả trong những hoàn cảnh khốn cực nhất vẫn có thể tự hào về chính mình, về những giá trị trường tồn, mang lại sự bình an mà mình đang theo đuổi, những sự thiện chẳng bao giờ lay chuyển đến từ niềm tin vào Thiên Chúa: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23,4)
Cầu nguyện: (mời quì)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Ai cũng muốn được hạnh phúc, nhưng ở đời chẳng có gì là bền vững. Thế nên loài người chúng con phải chấp nhận cái hữu hạn và khiếm khuyết trong mọi sự, niềm vui cũng như nỗi buồn: Được cái này thì mất cái kia, hưởng sự này thì phải nhịn sự khác. “Thế gian biến cải vũng nên đồi; Mặn, nhạt, chua cay, lẫn ngọt bùi.”
Thế mà lạy Chúa, hôm nay Lời Chúa đã nói với chúng con về cuộc giải thoát mang lại cho chúng con hạnh phúc hoàn hảo và trọn vẹn, sự tự do đến từ sự thật và tình yêu, và cho chúng con một chỗ dựa vững vàng là chính Chúa: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.” (Tv 23,6)
Đó là sự giải thoát đến từ niềm tin. Niềm tin mở mắt chúng con để thấy được và tìm kiếm những gì không bao giờ bị coi thường, để tôn quí và tìm kiếm chính Chúa, Đấng là Sự Thật và Tình Yêu.
Vâng, dù có sống trong nhung lụa, chúng con vẫn có thể bị hành hạ và giam cầm trong nhà tù của sự ghen ghét, so bì, tức giận người khác để rồi ngày mất ăn, đêm mất ngủ.
Dù có được đưa lên đến trời xanh, sự chết vẫn còn đó để nhắc chúng con nhớ về sự mong manh và chóng qua của mọi giá trị phàm tục, và giục chúng con tìm kiếm một cuộc sống cao vượt hơn những gì chóng qua chóng hết này, khích lệ chúng con thu lượm cho mình những điều đáng quí cho tâm hồn, những tâm tình muôn đời vẫn được tôn quí.
Chính Chúa đã trao cho chúng con chìa khóa để bước vào đời sống hạnh phúc, bước vào sự tự do hoàn hảo mang lại bình an mà sách tiên tri Isaia đã trình bày. Chìa khóa đó là tình yêu đến quên mình, coi hạnh phúc của người khác là niềm vui của chính mình. Sau khi rửa chân cho các môn đệ trong bữa ăn sau hết, Chúa đã dạy chúng con về tình yêu tuyệt hảo này: “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
Lạy Chúa, tình yêu quên mình và âm thầm phục vụ chính là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc Nước Trời cho chúng con. Đó cũng chính là dấu hiệu hữu hình cho niềm tin của chúng con, và là tiên báo về đời sống mới mà Chúa muốn bắt đầu trên thế gian này, nơi những ai tin vào Chúa: “Người ta cứu dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.”
Lạy Chúa, ngay lúc này đây, sự hiện diện của Chúa trong phép Thánh Thể thật là một bài học tuyệt hảo cho chúng con về hai chữ yêu thương. Dù là Thiên Chúa, giờ đây Chúa vẫn đang ở đây với chúng con một cách hết sức khiêm hạ và âm thầm. Đâu là điều cao quí mà Chúa muốn tìm kiếm khi hạ mình như thế? Đâu là động lực thúc đẩy Chúa làm như thế nếu không phải là từ một tình yêu tinh tuyền và hoàn hảo, chỉ mong những điều tốt nhất cho chúng con?
Chúng con chỉ là những thụ tạo thấp hèn. Thế mà tình yêu đã làm nên việc thật diệu kỳ là làm cho niềm vui và hạnh phúc của chúng con trở nên điều cao quí mà chính Chúa lại muốn tìm kiếm!
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Sự hiện diện âm thầm âm thầm của Chúa ở đây thật sự là một kiểu mẫu và là động lực tuyệt vời cho chúng con trên đường bước theo Chúa, trong hành trình đức tin, mà đích nhắm là một thế giới mới trong đó mọi người là anh em với nhau, như các chi thể trong một thân thể có Chúa là đầu.
Lạy Chúa, xin đổ tràn Thần Khí của tình yêu Chúa trong tâm hồn mỗi người chúng con, đễ mỗi người chúng con, bằng đời sống âm thầm sống phục vụ trong khiêm hạ mà tìm được hạnh phúc thật nơi chính mình, trong sự toàn hảo của những chi thể hữu hạn sống liên kết nên một với nhau và bổ túc cho nhau.
“Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1Cr 12,12-13)
Hát: “Lạy Cha xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một…”