Suy niệm hạnh thánh _ 22/12

Chân phước JACOPONE ở TODI
 (c. 1306)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Jacomo, hoặc James (Giacôbê), sinh trong một gia đình quyền quý thuộc dòng họ Benedetti ở thành phố Todi thuộc phía bắc nước Ý. Ông trở nên một luật sư thành công và kết hôn với một phụ nữ đạo đức, độ lượng tên là Vanna.
Cái chết của người vợ đã giúp ông thề thay đổi đời sống.
Vì ông luôn mặc áo nhặm để đền tội nên ông bị chế nhạo là điên khùng, và bị chúng bạn cũ gọi là Jacopone, hay tên "Giacôbê khùng". Cái tên ấy đã gắn liền với cuộc đời ông.
Sau 10 năm chịu nhục nhã, ông xin được trở thành một tu sĩ Dòng Phanxicô. Vì sự nổi tiếng của ông, nên lúc đầu ông bị từ chối. Ông đã sáng tác một bài thơ thật hay về sự phù hoa của thế gian, và hành động ấy đã giúp ông được nhận vào Dòng năm 1278.
Từ lúc từ trần cho đến nay, Thầy Jacopone vẫn được tôn kính như một vị thánh.
Suy niệm 1: Luật sư
Jacopone trở nên một luật sư thành công.
Ngài sinh ở Tadi trong một gia đình quý tộc Nenedetti. Ngài theo học trường Luật ở Bologna và là sinh viên xuất sắc của trường vào thời điểm đó. Tốt nghiệp xong và trở về nhà, ngài hành nghề luật sư với một tính xấu nổi bật là tham lam tiền bạc.
Luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý như: tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật, và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng. Điều kiện hành nghề luật sư: tiêu chuẩn tùy theo quốc gia mà có sự khác nhau nhưng nhìn chung thì phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư nhất định.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận thức hành nghề là để sống nhưng đừng đánh mất lương tâm chân chính.
Suy niệm 2: Phụ nữ đạo đức
Jacopone kết hôn với một phụ nữ đạo đức, độ lượng tên là Vanna.
Để biểu hiện phẩm chất hiền mẫu, người vợ trẻ của ông đã tự ý hy sinh hãm mình một cách kín đáo qua cái giây lưng đền tội mà bà đeo trong mình để đền bù cho những thói tục thế gian quá đáng của chồng. Ngoài ra bà cũng luôn tùng phục chồng trong các việc chính đáng, như có lần đã theo chồng đến tham dự một cuộc tranh giải thể thao, vốn gây tử thương cho bà. Cũng nhờ đó bà đã hoán cải được chồng.
Cũng thế, hiền mẫu Mônica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius, một người ngoọai giáo thuộc dòng dõi quý phái, nhưng tính tình ngang tàng, độc ác và phóng túng. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng, ngài đã đưa chồng trở về với đức tin Kitô Giáo với cái chết lành thánh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các hiền mẫu tâm niệm và sống sứ mạng thánh hóa chồng mình (1Cr 7,14).
Suy niệm 3: Thay đổi
Jacopone thề thay đổi đời sống.
Nhờ đâu mà ngài đã cải thiện đời sống? Một ngày kia, do sự nài nỉ của ông, bà Vanna đã theo chồng đến tham dự một cuộc tranh giải thể thao. Chẳng may phần khán đài chỗ bà ngồi cùng với các phụ nữ quý tộc khác bị sập, và bà bị tử thương. Đang rúng động trước cái chết thảm khốc của vợ, ông Jacomo lại còn bối rối hơn nữa khi biết cái giây lưng đền tội mà bà đeo trong mình là vì tội lỗi của ông. Ngay lập tức, ông thề thay đổi đời sống.
Ông khởi sự cuộc cải thiện bằng việc chia bớt tài sản cho người nghèo và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Đồng thời ông luôn mặc áo nhặm để đền tội trong suốt 10 năm, cũng như đón nhận mọi sự cười chê và sỉ nhục của giới bạn cũ. Nhất là sau đó ông xin được trở thành một tu sĩ Dòng Phanxicô. Tại đây ông tiếp tục một cuộc đời kham khổ, hy sinh đền tội của một thầy dòng và với lòng khiêm tốn ông từ chối không nhận chức linh mục.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ quyết tâm mà nhất là sống cụ thể mỗi ngày tinh thần cải thiện đời sống.
Suy niệm 4: "Giacôbê khùng"
Jacopone bị chúng bạn cũ gọi là Jacopone, hay tên "Giacôbê khùng".
Cuộc đổi đời từ xấu nên tốt, đặc biệt qua việc mặc áo nhặm để đền tội đã đánh mất tính cao ngạo của một luật sư hàng đầu, khiến các bạn cũ chế giễu, và ngay cả đám trẻ trên đường phố cũng nhạo cười ngài. Họ đặt cho ngài một biệt danh là "Giacôbê khùng", vì xem ngài có lối sống như một người khùng khi so sánh quảng đời trước và hiện giờ.
Một dịp khác, ngài xuất hiện trong một hôn lễ của một người anh em, với trang phục nghèo hèn từ đầu đến chân. Một người nhờ ngài mang giúp một cặp gà trống thiến về nhà, ngài mang đến nghĩa trang của gia đình và bảo đây mới là ngôi nhà đích thực. Tuy nhiên sự điên dại của ngài chính là sự điên dại của Thập Giá, như ngài bày tỏ: Một người khôn ngoan và biết điều phải biết chọn trở nên điên dại vì lợi ích của Thiên Chúa dấu ái.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trở nên những người con điên dại của Chúa và vì Chúa.
Suy niệm 5: Tu sĩ
Jacopone xin được trở thành một tu sĩ Dòng Phanxicô.
Vì sự nổi tiếng của ông, nên lúc đầu ông bị từ chối. Ông đã sáng tác một bài thơ thật hay về sự phù hoa của thế gian, và hành động ấy đã giúp ông được nhận vào Dòng năm 1278. Ông tiếp tục một cuộc đời kham khổ, hy sinh đền tội của một thầy dòng và từ chối không nhận chức linh mục. Trong khi đó ông vẫn tiếp tục sáng tác nhiều bài thánh ca bằng tiếng bản xứ.
Thầy Jacopone bỗng dưng trở nên nhà lãnh đạo của phong trào linh đạo đang gây nhiều xáo trộn trong dòng Phanxicô. Phong trào này được gọi là "Linh Đạo", muốn trở về lối sống nghèo hèn đích thực của Thánh Phanxicô. Họ được sự hậu thuẫn của hai đức hồng y và Đức Giáo Hoàng Celestine V. Tuy nhiên, hai vị hồng y lại chống đối đấng kế vị Đức Celestine, là Đức Giáo Hoàng Boniface VIII. Vào lúc 68 tuổi, Thầy Jacopone bị phạt vạ tuyệt thông và bị cầm tù. Mặc dù thầy nhìn nhận lỗi lầm, nhưng không được tha mãi cho đến năm năm sau, khi Đức Benedict XI lên ngôi giáo hoàng. Thầy Jacopone chấp nhận thời gian tù đầy như để đền tội. Thầy sống ba năm còn lại một cách thánh thiện, than khóc về lỗi lầm của mình. Trong thời gian này, thầy đã sáng tác bài thánh ca nổi tiếng bằng tiếng Latinh, bài Stabat Mater.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi người dù là giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ đều luôn cải thiện đời sống và sám hối lầm lỗi của mình.
Suy niệm 6: Bài thơ
Jacopone đã sáng tác một bài thơ thật hay về sự phù hoa của thế gian.
Là một luật sư, tu sĩ, ngài cũng có sở đắc về thi ca. Nhờ một bài thơ, ngài được nhận vào Dòng. Bằng con đường thi ca, ngài tiếp cận với Chúa cũng như bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ để vượt qua những nghịch cảnh gặp phải trong đời sống tu trì, trong đó có một tác phẩm lừng danh và bất hủ mang tựa đề Stabat Mater, để rồi bài ca "Chị Tử Thần" cũng giúp ngài dọn mình về Nhà Chúa như được kể:
Vào Đêm Giáng Sinh 1306, Thầy Jacopone cảm thấy đã đến lúc từ giã cõi đời. Lúc ấy thầy ở trong tu viện của Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn với một người bạn, sau này là Chân Phước Gioan ở xứ La Verna. Noi gương Thánh Phanxicô, Thầy Jacopone đã chào đón "Chị Tử Thần" với một bài ca nổi tiếng của thầy. Người ta kể rằng khi thầy chấm dứt bài hát và trút hơi thở cuối cùng thì ở nhà thờ, vị linh mục cũng vừa cất bài Vinh Danh trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh.
Thi hài ngài được mang đi chôn cất trong nhà thờ Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn Montecristo ở Tadi. Vào năm 1433, một cuộc di hài được tiến hành vào nhà thờ Phanxicô bên trong thành phố, tại đây vào năm 1596 ngôi mộ ngài được Giám Mục Cesi sửa sang lại với dòng chữ trên bia: Nơi đây an nghỉ Chân Phước Jacopone thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn, vốn đã ra đi như một người điên dại vì tình yêu Chúa Kitô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống và chết điên dại vì Chúa.