Suy niệm hạnh thánh _ 03/12

Thánh PHANXICÔ XAVIÊ
 (1506-1552)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Đức Kitô hỏi: "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt 16,26a). Vào lúc đó, Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Balê. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt, Cha Ignatius ở Loyola, đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng đã chiếm được người thanh niên ấy cho Đức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatius, và năm 1534 ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatius (là Dòng Tên thời tiên khởi).
Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Độ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn.
Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo.
Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.
Năm 1622, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô X phong thánh và đặt làm quan thầy các công cuộc truyền giáo nước ngoài.
Suy niệm 1: Đức Kitô hỏi
 Đức Kitô hỏi: "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt 16,26a).
Thánh Phanxicô Xaviê sinh ngày 07.04.1506 tại lâu đài Xaviê trong Vương quốc Navarra ở phía bắc nước Tây Ban Nha. Cha thánh nhân là ông Jasso Xaviê, từng làm Bộ trưởng Tài chánh của vương quốc này năm 1472 và chủ tịch Hội đồng vương quốc năm 1485. Mặc dầu có rất nhiều tài sản và đất đai, ông Jasso Xaviê là một người rất đạo đức. Ông xây một nhà nguyện trong lâu đài vào thời gian Phanxicô chào đời. Ông cũng xây một nhà nguyện nhỏ gần lâu đài và có ba linh mục trông coi việc đạo. Phanxicô Xaviê được rửa tội trong nhà nguyện lâu đài và được giáo dục trong nhà từ thuở nhỏ cho đến khi trở thành thanh niên. Người ta nói rằng Phanxicô thường quì trong nhà nguyện dưới ánh đèn mờ nhạt và nói chuyện với Chúa Giêsu. Khi Ngài 5 tuổi, nước Tây ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình Ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi Ngài đến Paris học (1525-1536). Tám năm sau, Ngài tốt nghiệp văn chương và triết lý và trở thành giáo sư đại học tại đó. Ðược nổi tiếng nhờ trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng thế tục.
Thành công làm cho ngài thành con người tham vọng. Inhaxiô nói với Ngài về một hội dòng mà thánh nhân muốn thành lập. Nhưng Phanxicô mơ tới danh vọng, Ngài chế nhạo cũng như khinh bỉ nếu sống nghèo tự nguyện của bạn mình. Inhaxiô vui vẻ đón nhận những lời châm biếm, nhưng lặp lại rằng: "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì" Những tưởng vị giáo sư trẻ Phanxicô sẽ còn tiến xa hơn trên con đường công danh và sự nghiệp. Những lời của Chúa Giêsu đã đi sâu vào tâm hồn chàng trai Phanxicô Xavier, đã chinh phục và làm thay đổi hoàn toàn nơi vị giáo sư trẻ vốn thông minh và đầy tham vọng. Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim Thánh nhân, biến Ngài trở thành một khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo. Inhaxiô còn đưa ra những lời cao đẹp hơn: - "Một tâm hồn cao cả như anh, không hề chỉ gò bó với cái vinh dự thế trần được. Vinh quang trên trời mới đúng với cao vọng của anh. Thật vô lý, khi ưa chuộng một thứ mây khói chóng tàn hơn là những của cải tồn tại đời đời".
Phanxicô bắt đầu thấy được cái hư không của những sự cao trọng của thế nhân và hướng vọng tới của cải vĩnh cửu. Tất cả những kho tàng trên đời này có giá trị gì nếu như chúng ta đánh mất điều thiết yếu nhất? Thành công và tán dương, vinh thắng và phần thưởng có ích gì nếu như sau cùng chúng ta thấy mình không được Chúa Giêsu đón nhận vào Nước Trời? Cả cuộc đời chúng ta khi ấy sẽ trở nên một sự lãng phí, thời gian quí báu trở nên con số không, và tất cả nỗ lực của chúng ta chỉ đưa đến thất bại não nề. Thánh Phanxicô Xavier coi trọng giá trị linh hồn bất tử của ngài cũng như của tha nhân, kể từ ngày Chúa Kitô trở nên tâm điểm đích thực của cuộc đời ngài. Kể từ đó, ngài chống lại tính kiêu căng bằng mọi loại sám hối. Ngài quyết định theo sát Phúc âm, vâng theo cách cư xử của người bạn thánh thiện và xin được khiêm tốn hãm mình. Nhiệt tâm với các linh hồn đã trở nên một đam mê sôi sục nơi ngài. Tâm hồn thánh nhân cảm nghiệm một sự thao thức vì các linh hồn. Hơn nữa, ngài còn sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho Chúa Kitô để đem lại phần rỗi cho các linh hồn, nghĩa là ngài chỉ còn chú tâm cứu rỗi các linh hồn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con được cháy lên ngọn lửa nhiệt thành vì các linh hồn hơn là công danh sự nghiệp ở đời.
Suy niệm 2: Gia nhập
 Phanxicô Xaviê gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatius.
Tháng 9 năm 1525, Phanxicô đi học triết tại Ðại học Paris (Pháp). Chính nơi này, anh đã gặp và chịu ảnh hưởng của Thánh Inhaxiô Loyola. Ngày lễ Mông triệu năm 1533, trong một nhà nguuyện tại Monmartre, trên mộ bia thánh Dénis, Phanxicô, Inhaxiô và 5 bạn khác đã hiến mình cho Chúa. Họ khấn từ bỏ mọi của cải, hành hương thánh địa, làm việc để cải hóa lương dân và hoàn toàn đặt mình dưới sự điều động của Đức Thánh Cha để phục vụ Hội Thánh hầu làm cho danh Chúa được vinh quang hơn và mưu ích cho các linh hồn. Dòng Chúa Giêsu hay còn được gọi là Dòng Tên được ra đời từ đây mặc dầu chưa được giáo quyền chính thức nhìn nhận mãi cho đến ngày 27.09.1540. Phanxicô còn học thần học hai năm nữa, rồi cùng sáu bạn đi Italia. Đi đường, họ chỉ mang theo cuốn kinh thánh và sách nguyện trong bị, cổ đeo tràng hạt. Tuyết lạnh hay khắc khổ cũng không làm họ sợ hãi. Trái lại, Phanxicô lại còn cảm thấy quá êm ái nhẹ nhàng, nên một ngày kia đã cột giây thừng vào chân, khiến dây đó ăn vào thịt và ngay việc được khỏi bệnh đó cũng đã là một phép lạ. Ngày 24.06.1537, Phanxicô cùng với Inhaxiô và 4 anh em khác được Sứ thần Tòa Thánh phong chức linh mục tại Venetia (Ý). Phanxicô đã chuẩn bị thánh lễ mở tay bằng cuộc sám hối kéo dài 40 ngày trong một túp lều tranh bỏ hoang và sống bằng của ăn xin. Rồi do mối đe doạ chiến tranh lúc bấy giờ khiến những anh em đầu tiên của Dòng Tên không thể đi Giêrusalem, họ quyết định thực hiện lời khấn phục vụ Ðức Thánh Cha cùng thêm vào lời khấn vâng lời. Đức thánh cha đã chúc lành cho nhóm bạn cũng như dự định của họ. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.
Lòng nhiệt thành tông đồ cháy bừng trong tâm hồn thánh Phanxicô Xavier đã khiến ngài phải viết ra những lời sau đây trong thời gian truyền giáo tại Viễn Đông: … “Vì không có linh mục, những người bản xứ hầu như chẳng biết họ thuộc về Chúa Kitô. Không ai cử hành thánh lễ và chẳng ai dạy cho họ về kinh Tin Kính hoặc kinh Lạy Cha… Vì thế, từ khi đến đây, tôi không có một giây phút nghỉ ngơi. Tôi tranh thủ đi từ làng này qua làng nọ, rửa tội cho các trẻ em, vì chúng chưa được lãnh nhận bí tích này. Cho đến nay, tôi đã rửa tội được một số rất đông các trẻ em, như người ta nói, cả những trẻ chưa biết phân biệt tay phải tay trái. Những đứa trẻ này không cho tôi đọc kinh thần vụ cho đến khi nào tôi dạy xong chúng một lời kinh nào đó mới thôi”. Thánh Phanxicô Xavier suy nghĩ về hoàn cảnh của những người chưa bao giờ được nghe nói về Thiên Chúa. Những lời của Chúa Giêsu vẫn vang vọng: Mùa màng thì nhiều nhưng thợ gặt thì ít. Thánh Phanxicô Xavier đã xúc động vì lòng nhiệt thành với các linh hồn khi ngài viết: “Nhiều người quanh đây chưa trở thành tín hữu chỉ vì không có ai dạy cho họ sống đức tin. Tôi vẫn thường ước ao đi thăm các đại học ở Âu Châu, đặc biệt ở Paris, và la lớn như một người điên dại để đánh động những ai có nhiều kiến thức hơn là đức ái: có lẽ đã có nhiều linh hồn bị mất phúc thiên đàng chỉ vì sự hờ hững của các người! Nếu mọi người chúng ta, nam cũng như nữ, biết nỗ lực cứu các linh hồn bằng một nhiệt tâm như đã dành cho việc nghiên cứu học tập, thì khi ấy tất cả chúng ta mới có thể trả lẽ với Chúa về những nén bạc Người giao cho chúng ta”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin đốt lên trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa tình yêu Chúa nồng nàn đã làm cho thánh Phanxicô Xavier cháy lên lòng nhiệt thành vì phần rỗi của các linh hồn.
Suy niệm 3: Ấn Độ
 Phanxicô Xaviê dong buồm đến Ấn Độ.
Năm 1539, Phanxicô hăng hái lãnh sứ mạng nơi Ðức Giáo Hoàng Phaolô III là đem ánh sáng Phúc Âm đến cho dân tộc Ấn Ðộ.
Chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị lên đường. Nhưng thế đã quá đủ để xếp đặt hành trang. Với vài bộ đồ cũ. Một thánh giá, một cuốn sách nguyện và một cuốn sách thiêng liêng. Ngài đáp tàu. Cuộc hành trình cực khổ vì say sóng. Đau bệnh, Ngài vẫn săn sóc các bệnh nhân. những thủy thủ hư hỏng dường như là đoàn chiên đầu tiên Ngài phải đưa về cho Chúa. Ngài rao giảng cho họ bằng chính việc chia sẻ cuộc sống với họ.
Sau một năm hành trình, Phanxicô cặp bến Goa, thủ đô miền Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 1542. Ngài phát khóc vì vui mừng. Nhưng việc cấp thiết, nhất là phải làm cho những người chinh phục Bồ Đào Nha giữ đạo đã. Những tật xấu và tính hung hăng của họ làm ô danh Kitô giáo. Còn dân Ấn thì thờ ngẫu tượng. Vị tông đồ làm thầy thuốc, thẩm phán, giáo viên. Ngài học tiếng một cách khó khăn, thời gian của Ngài dành cho các nhà thương, nhà tù, người nghèo và việc dạy giáo lý. Rảo qua đường phố, ngài rung chuông tập họp trẻ em và dân nô lệ lại, với sự nhẫn nại vô bờ, ngài ghi khắc tình yêu Chúa vào lòng họ. Các trẻ em tham dự lại trở thành các nhà truyền giáo cho cha mẹ và thày dạy của chúng. Chúng mang thánh giá của "ông cha" cho các bệnh nhân. Chúng trở nên hung hăng với các ngẫu tượng. Bây giờ, các cánh đồng lúa vang lên được bài thánh ca. Dần dần, đời sống Kitô giáo đã vững vàng trong lòng các gia đình. Ngài ngủ ít, đêm thức khuya để cầu nguyện. Sống khắc khổ để đền tội cho các tội nhân. Ngài chăm chú đào tạo các tâm hồn thanh thiếu niên địa phương để sai đi làm tông đồ truyền giáo cho các người đồng hương của họ.
 Các phép lạ củng cố lời giảng dạy của ngài, nhưng dân chúng bị đánh động nhiều hơn bởi đức tin và lòng can đảm của người ngoại quốc này đã từ xa đến để loan báo cho họ chân lý duy nhất. Ở tỉnh Travancore, trong vòng một tháng, thánh nhân đã rửa tội cho 10.000 người. Người Brames muốn hạ sát Ngài, nhưng ngài đã giữ được mạng sống một cách lạ lùng dưới cơn mưa tên. Ở vương quốc Travance, khi nhóm người man-di muốn tràn ngập, Phanxicô cầm thánh giá trong tay với một số ít tín hữu đã làm cho họ phải tháo lui. Ngài mang Tin Mừng tới Ceylanca, Malacca. Các đảo Molluques vang danh vì sự hung tợn của họ, nhất là đảo của dân More ở phía Bắc...
Mười một năm trường nhiệt thành với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, đời sống Thánh nhân là một cuộc hành trình không ngừng. Ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Bước chân ngài len lỏi qua khắp các thành thị cũng như thôn quê để rao giảng Phúc Âm Chúa Giêsu. Tiếng Ngài vang vọng từ Ấn Ðộ, Tích Lan, Indonésia, Malacca, đảo Moluques đến Nhật Bản.... Riêng tại Ấn Ðộ, Ngài đã đem về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn và rửa tội cho nhiều vị Quân vương cũng như gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi.. Dù vậy, ngài luôn ấp ủ một tâm hồn khiêm nhường hiếm có. Ngài thường quì gối để viết thư cho Thánh Ignatiô là bề trên của mình. Chúa đã hổ trợ lòng nhiệt thành của Thánh nhân bằng nhiều phép lạ phi thường. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh.
Chuyện kể lại rằng, một đêm kia, trong lúc ngủ, thánh Phanxicô đã kêu lên: “mas, mas, mas”. Và sau này, chính ngài giải thích: “Tôi thấy công việc truyền giáo quá mênh mông, nhiều mệt nhọc và nhiều ưu phiền gây nên bởi đói khát, giá lạnh, các chuyến ra đi, những vụ đắm tàu, những cuộc bách hại, những phản bội và nhiều hiểm nguy khác… được gửi đến cho tôi; vì lòng yêu mến mà chính Chúa ban cho tôi và với ơn trợ giúp của Người, tôi chịu đựng được. Vì thấy chưa đủ, tôi xin Người ban thêm và luôn luôn thêm mãi; nên tôi đã thốt lên những lời ‘mas, mas, mas’, có nghĩa là: ‘nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa’”. Những lời “nhiều hơn nữa” của Thánh Phanxicô dường như là những thúc đẩy thần bí làm cho thánh nhân hoàn toàn tận hiến cho Chúa Kitô để ơn cứu độ của Người đến được với các linh hồn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy mạnh dạn nói về Chúa cho những người xung quanh nghe; và hãy nói về những người xung quanh cho Chúa nghe.
Suy niệm 4: Người nghèo
 Bất cứ chỗ nào ngài đến, Phanxicô Xaviê đều sống với người nghèo.
Trong khi chờ đợi bắt đầu thực hiện công việc vĩ đại của mình, ngài rao giảng và săn sóc cho người nghèo trong các nhà thương. Ngài còn phải chiến thắng chính mình nữa, chẳng hạn khi băng bó các vết thương lở loét. Ngài luôn đi ăn xin thực phẩm.
Sau bảy tháng hành trình, người ta dừng lại bến Mozambique. Khí trời ngột ngạt. Một cơn bệnh dịch đang hoành hành nơi đây. Phanxicô lại săn sóc các bệnh nhân và muốn sống đời cực khổ nhất. Ngài lặp lại: "Tôi khấn sống nghèo khó, tôi muốn sống và chết giữa người nghèo". Ngài chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng, qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn tràn ngập niềm vui.
Như thế Thánh Phanxicô Xaviê là vị tông đồ truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hòa nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.
Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để "ra đi và rao giảng cho muôn dân" (x. Mt 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống tinh thần truyền giáo bằng việc biết quên mình mà giúp đỡ tha nhân, đặc biệt người nghèo khổ.
Suy niệm 5: Nhật Bản
 Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản.
Ngày 15.08.1999 đánh dấu kỷ niệm 450 năm ngày Thánh Phanxicô Xaviê đặt chân đến Nhật rao truyền Tin Mừng Ðức Kitô.
Khi vua Bồ Ðào Nha xin Ðức Thánh Cha gửi các thừa sai qua qua miền đông Ấn Ðộ, Cha Inhaxiô đã cử Cha Phanxicô Xaviê. Ngày 07.04.1541, Cha Phanxicô đáp thuyền rời Lisboa, thủ đô Bồ Ðào Nha, đi truyền giáo tại Á Châu. Hôm đó là ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 35 củûa ngài. Từ năm 1541 đến 1549, ngài đi rao giảng tại Ấn Ðộ, Tích Lan (Sri Lanka), Moluccas và Malacca (Mã Lai).Tại Goa (Ấn Ðộ), Cha Phanxicô gặp gỡ một người Nhật tên là Yajiro (Anjiro),
Trên đường về Nhật, vì gặp bão lớn, anh phải quay trở lại Malacca. Thế là vào trung tuần tháng 12, 1547, anh đã gặp Cha Phanxicô tại Nhà thờ Santa Maria trên một ngọn đồi nhìn xuống thị trấn Malacca. Từ cuộc gặp gỡ này, cuộc đời anh Yajiro thay đổi qua những lời giáo huấn của Cha Phanxicô về Chúa Giêsu. Ðồng thời, Cha Phanxicô cũng tỏ ra quan tâm đến việc truyền giáo một nước Nhật nào đó mà Cha chỉ biết qua lời kể của anh Yajiro. Rồi Yajiro theo học tại Trường Thánh Phaolô ở Goa (Ấn Ðộ). Ngày 20.05.1548, Yajiro được rửa tội và là người Kitô hữu đầu tiên của Nhật. Tên thánh của Yajiro là Phaolô.
Ngày 15.08.1549, Cha Phanxicô và Yajiro đặt chân đến Kagoshima, quê nhà của Yajiro. Sau một cuộc hội kiến với Lãnh chúa Takahisa Shimazu, Cha Phanxicô được phép thực hiện sứ vụ thừa sai. Trong những ngày làm việc tại Kagoshima, ngài đã rửa tội hơn 100 người, trong đó có Bênađô vốn là một tay hiệp sĩ đạo. Không biết tên Nhật chính thức của Bênađô là gì, nhưng sau khi đượïc rửa tội, Bênađô đã giúp việc cho Cha Phanxicô trong khi ngài ở Nhật.
Ðược giấy phép của Lãnh chúa Kagoshima, Cha còn đi giảng ở Hirado, Yamaguchi và Sakai. Tháng 1, 1551, cùng với Bênađô, Cha Phanxicô đi Kinh đô Kyoto để hội kiến với Hoàng đế Nhật. Tuy nhiên, lúc đó Kyoto đang tan hoang vì đang xảy ra cuộc nội chiến, Cha Phanxicô không thể gặp Hoàng đế hay giấy phép đi giảng khắp nước Nhật. Thế là hai người đành phải trở lại Kyushu. Tháng 4, 1551, Cha Phanxicô hội kiến với Lãnh chúa Yoshikata Ouchi ở Yamaguchi, được tiếp đón niềm nở. Tại Yamaguchi, Cha đã rửa tội cho hơn 500 người. Tháng 9, 1551, theo lời mời của Lãnh chúa Yoshishige Otomo ở Oita, ngài đến đó giảng đạo.
Ngày 15 tháng 11, 1551, ngài rời Nhật, kết thúc công việc thừa sai tại đây sau 2 năm và 3 tháng. Cùng đi với ngài có Bênađô, người đã tận tụy giúp ngài thi hành sứ vụ thừa sai tại Nhật. Trung tuần tháng 2, 1552, họ đến Goa (Ấn Ðộ). Sau đó, Bênađô được gửi đi học tại Lisboa (Bồ Ðào Nha) và trở thành tu sĩ Dòng Tên. Tháng 12, 1555, Bênađô được yết kiến Ðức Thánh Cha Phaolô IV, và là người Nhật đầu tiên được gặp một Ðức Giáo Hoàng. Bênađô từ trần vào cuối tháng 12, 1557 khi đang học thần học ở Ðại học Combra, Bồ Ðào Nha.
Nhưng sau đó, cuộc bắt đạo xảy ra một cách tàn khốc, như cuộc bắt đạo năm 1597 và thời kỳ từ 1614 đến 1651. Các nhà thừa sai bị cấm đến Nhật trong hai thế kỷ và chỉ có thể trở lại vào giữa thế kỷ 19. Dẫu vậy, đạo Công Giáo vẫn tiếp tục phát triển qua những cuộc bắt bớ. Tự do tôn giáo tại Nhật được bảo đảm tại Nhật kể từ năm 1889 và hàng giáo phẩm Nhật được thiết lập năm 1891. Hiện Giáo hội Công Giáo Nhật có 3 Tổng Giáo phận, 13 Giáo phận, 1 Hồng y, 4 Tổng Giám mục, 25 Giám mục, 1792 linh mục triều và dòng, 6 phó tế vĩnh viễn, 225 chủng sinh, 273 tu huynh, 6.649 nữ tu và gồm tất cả độ 500.000 người Công Giáo (0.35%) trong tổng số dân là 126.000.000 người.
Trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản ; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có được những ước muốn lành thánh cho Chúa và Giáo Hội.
Suy niệm 6: Từ trần
 Cha Phanxicô đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.
Khi đang trên đường đến gần Trung Hoa thì Ngài ngã bệnh và từ trần ngày 02 tháng 12 năm 1552 tại đảo Tân Châu (Sancian) ngoài khơi Hongkong bây giờ, mình nằm dựa vào một thân cây, mắt nhìn về nước Trung Hoa vĩ đại, bên cạnh một người bạn duy nhất, không được chịu các phép cuối cùng. Giữa cơn đau, Ngài đã lập lại: “Lạy Chúa Giêsu, con vua David, xin thương xót con, xin thương đến các tội con”. Ngài dứt tiếng và không nhận ra được các bạn hữu nữa. Khi hồi tỉnh, ngài lại kêu cầu Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu và nài xin Đức Mẹ: "Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, xin hãy nhớ đến con". Sau đó, ngài chết một cách lặng lẽ. Lúc đó, Cha Phanxicô được 46 tuổi và sau 12 năm rao giảng tại Châu Á.
Một người Trung Hoa thấy Ngài hấp hối thì đặt vào tay ngài một cây nến. Phanxicô qua đời ngày 03 tháng 12 năm 1552. Thi thể ngài được chôn tạm thời trên một sườn đồi ở Ðảo Tân Châu. Ba tháng sau, thi thể ngài được bốc lên và đưa về Malacca trên chiếc thuyền Santa Cruz, chiếc thuyền đã đưa ngài đi Châu Á truyền giáo cách 12 năm trước đó. Ðược biết, khi thủy thủ trên thuyền mở nắp quan tài, thân xác ngài trông như còn sống. Về đến Malacca, quan tài ngài được đưa vào Nhà thờ Santa Maria và sau đó lại được đưa về Goa (Ấn Ðộ) chôn cất trọng thể. Tại đây, khi người ta mở quan tài của ngài ra lần nữa, tức là 1 năm và 3 tháng sau khi Cha Phanxicô chết, họ thấy xác Thánh của Ngài được Chúa gìn giữ nguyên vẹn và tốt đẹp, mắt bên phải mở ra và linh động như còn sống, da còn tốt nguyên. Năm 1614, theo lệnh của Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên là Claudio Aquaviva, cánh tay phải của ngài được lấy ra khỏi thánh thể, đưa về nhà dòng Mẹ tại Rome, đặt trong Nhà thờ Giêsu của Trung ương Dòng tại Roma, đặt bên cạnh di tích của Thánh Ignatiô, vị sáng lập Dòng. Năm 1949, nhân kỷ niệm 400 năm Thánh Phanxicô đặt chân đến Nhật, cánh tay phải của ngài được đưa từ Roma về Kagoshima và sau đó đem đi khắp nước Nhật. Tháng 10 năm 1999, cánh tay của thánh nhân đã được đưa trở lại Kagoshima lần thứ hai.
Xác Ngài được lưu giữ và tôn kính tại Vương cung Thánh đường Chúa Giêsu Thành Goa bên Ấn Ðộ. Từ tháng 1/1974 đến 1/1975, xác Thánh được trưng bày và tôn kính trong những cuộc lễ long trọng, 500 ngàn người đã dự cuộc kiệu ngày bế mạc. Báo Newsweek số ra ngày 30-4-1974 có viết về sự kiện: "Xác Thánh được gìn giữ thật nguyên vẹn một thật cách lạ lùng, như người nằm ngủ."
 Năm 1619, Đức Thánh Cha Phaolô V đã suy tôn chân phước cho Ngài cùng với thánh Ignatiô. Và ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhiệt thành sống cho Chúa suốt đời để được chết trong Chúa và được hưởng phúc vinh quang.