Khi tin ‘giải phóng miền Nam’ lan đến một vùng quê
Hà Tĩnh, một cậu bé còn chơi với bạn ở ngoài ruộng và bọn trẻ đã
‘buông nhau ra thôi không đánh vật’ nữa, nhưng cuộc giằng co chọn lối
đúng và sai cho cả một dân tộc hóa ra mới chỉ bắt đầu và còn chưa
kết thúc.
Với cậu bé chăn trâu
ngày đó mà nay thành danh với cái tên blogger Osin, hành trình vào
đời và nghiệp làm báo cũng bắt đầu từ tháng 4/1975 khi sự ‘nhận
mặt nhau’ diễn ra có triệu người vui và triệu người buồn của hai
miền Nam Bắc Việt Nam sau cuộc nội chiến quốc tế hóa.
Khi được đọc bản
thảo ‘Bên Thắng Cuộc’ (cả hai tập), tôi băn khoăn không hiểu vì sao Huy
Đức không đặt tựa cho sách là ‘Bên Thắng Trận’ với cả sự oai hùng,
hào khí cách mạng như truyền thông chính thống vẫn nêu?
Có phải trận chiến
quân sự và ý thức hệ dù lớn lao đến đâu cũng chỉ là một cuộc cờ
và trận chiến vì tâm hồn và tương lai Việt Nam vẫn chưa dứt?
Những suy luận đến
từ cuốn sách chắc sẽ còn nhiều, vì chỉ trong vòng vài tuần qua, số
bài bình luận về cuốn ‘Bên Thắng Cuộc’ đã xuất hiện đông đảo với
đầy đủ những lời khen nhưng cũng có một số ý phê bình, đa số tôn
trọng và không gay gắt.
Vì thế nên ở đây,
tôi chỉ chia sẻ một số cảm quan riêng và tập trung vào những gì tôi
nghĩ rằng sách đã gợi mở ra và tạo đà cho những người viết trong
và ngoài nước đi tiếp.
Trước hết, cuốn
sách mổ xẻ khá rành mạch, chi tiết và làm mới lại nhiều giai đoạn
lịch sử, biến cố, sự kiện quan trọng trong một thời kỳ cầm quyền
của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1975 đến Đổi Mới.
Các đoạn có giá
trị nhất, nhiều tư liệu mới nhất và tổng hợp được cách nhìn của
các bên nhất phải kể đến giai đoạn lực lượng cộng sản Nam và Bắc
tiến vào Sài Gòn, và thời kỳ quân quản rồi thống nhất hai miền.
"Cuốn sách của tôi bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày
nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn
lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại
là miền Bắc" (Huy Đức)
Sau đó là các diễn
biến của thời kỳ đánh tư sản, tiêu diệt văn hóa, văn nghệ tự do, quy
kết loại trừ tư bản Hoa kiều, cưỡng bức kinh tế mới, cho tới cuộc
chiến với Khmer Đỏ cùng thời gian các nỗ lực duy chí ý nhằm áp đặt
mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa bao cấp trên cả nước, đưa đến các
thảm họa nhân đạo và sự suy sụp kinh tế.
Ở các chương này,
ngòi bút Huy Đức tỏa sáng trong giọng văn âm thầm, cố gắng giữ vẻ
bình thản nhưng bên trong sôi sục, thậm chí có chỗ nghẹn đi vì các
biến cố đau đớn cho hàng triệu người mà anh chứng kiện cận cảnh,
nhất là ở trong tâm thức một người đi bộ đội về và từ Bắc vào
sống trong Nam.
Qua các chương đó,
người đọc dù thuộc các thế hệ sau có thể hình dung ra được khá
rành mạch vì sao sự mê tín với một mô hình độc tôn đã khiến lãnh
đạo Đảng cầm quyền ở Việt Nam liên tiếp sai lầm mà các di chứng vẫn
còn đang là chính sách hiện hành dù đã được bớt liều nhờ tác động
khách quan và sự tự ý thức.
Dòng đời trong lịch sử
Cách viết ‘sử ký’
di chuyển từ bối cảnh lịch sử chung đến hoạt động của các nhân vật
chính đã dựng lại nhiều hình ảnh sống động nhờ số lượng phong phú
các tư liệu nguồn mà tác giả ghi lại hoặc phỏng vấn trực tiếp với
nhiều nhân chứng, người trong cuộc ở cả các cấp cao.
Cuộc đời riêng, hoạt
động và suy nghĩ, tính toán cá nhân và chính trị của các ông Lê
Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức
Thọ...được tái hiện rõ rệt.
Chuyện tình yêu, hôn
nhân, gia đình vợ con họ được kể lại, ghi lại vừa đủ để phụ thêm cho
các hiểu tính cách, các bước ngoặt trong đời những nhân vật này
trong bối cảnh xã hội, lịch sử mà không sa đà vào chuyện riêng tư.
Chẳng hạn cuộc tình
và cuộc đời làm vợ thứ nhì của ông Lê Duẩn mà bà Nguyễn Thụy Nga
phải gánh chịu cho thấy một giai đoạn mà văn hóa chính trị cộng sản
rất hà khắc, thậm chí tàn khốc với việc riêng của tất cả mọi
người, kể cả những nhân vật cao cấp, ngược hẳn với thời kỳ tung hê,
thả cửa của quan chức hiện nay.
Một cách nhìn khác
xuyên qua những tư liệu quý mà Huy Đức thu lượm và tìm cách kiến
giải là dòng ‘sinh hoạt quân sự’.
Ông Võ Văn Kiệt đến hội nghị sơ kết
Thanh niên Xung phong năm 1981 ở Đắc Nông
Thanh niên Xung phong năm 1981 ở Đắc Nông
Lồng vào các chiến
dịch tiến vào Sài Gòn năm 1975, chiến tranh biên giới Tây Nam, xung đột
Trung – Việt, hay đi ngược về thời kỳ kháng Pháp, chiến tranh Mỹ –
Việt là các chân dung sỹ quan, tướng lĩnh, nhân chứng của nhiều phía.
Các trận đánh, các
cuộc ra quân, những vụ thảm sát, tàn phá của quân Pol Pot, quân Trung
Quốc được mô tả bằng ngòi bút của người làm báo, viết phóng sự nên
sống động hơn nhiều so với các cuốn tiếng Việt từ trước tới nay về
cùng chủ đề mà tôi được đọc.
Các vụ ‘thâm cung bí
sử’ trong chính trường Việt Nam, nhất là giới tướng lĩnh như cái
chết của các tướng Nguyễn Chí Thanh thời chiến tranh, rồi những
chuyện đột tử của các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức
Thiện sau này cùng một âm mưu bao vây, hạ thấp tướng Võ Nguyên Giáp
được mô tả thật sinh động.
Cuộc đời và các suy
tư của ông Võ Văn Kiệt mà tác giả có thời gian gặp gỡ nhiều cũng
được trình bày lại khá đầy đủ, cho người đọc cơ hội thấy được chân
dung một nhân vật cộng sản miền Nam luôn trăn trở để càng về cuối đời
lại càng về gần với tinh thần dân tộc.
Nhân chứng và tư liệu
Đã có người khác
đã bình luận về phương pháp viết của Huy Đức, gồm cả phần được và
phần thiếu sót nên ở đây, tôi chỉ muốn chú ý đến cách sử dụng tư liệu
của tác giả để tạo dựng bối cảnh quốc tế hoặc khu vực cho phần
nội dung Việt Nam của anh.
Giai đoạn viết về
cuộc cách mạng dân chủ Đông Âu và Liên Xô sụp đổ không phải là phần
mạnh nhất của tác giả.
Nhà báo Huy Đức và TBT Lê Khả Phiêu:
bản thân tác giả là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử
bản thân tác giả là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử
Huy Đức chủ yếu sử
dụng lời kể của tiến sỹ Lê Đăng Doanh về chuyến đi của Tổng bí thư
Nguyễn Văn Linh sang Đông Đức, cuộc gặp Erich Honecker, Mikhail Gorbachev
và Nicolai Ceaucescu và tư liệu của Bùi Tín đã xuất bản khá lâu để
dựng lại ‘cú sốc thể chế’ mà perestroika và glasnost gây ra cho ban
lãnh đạo Hà Nội.
Sang để 'chấn chỉnh'
lãnh tụ phe cộng sản quốc tế Gorbachev về đường lối xét lại, ông
Linh đã cảm lạnh, sốt và ốm (theo cả nghĩa đen và bóng?) khi gặp sự
hắt hủi, coi thường của 'đồng chí đàn anh' - dấu hiệu Hà Nội bị
Đông Âu bỏ rơi nên dần tìm sang ngả Trung Quốc.
Nhưng cũng vì dựa
trên các trích dẫn đó là chính, nhiều lý giải về Đông Âu trong sách
không theo kịp các tác phẩm xuất bản tại khu vực này hoặc sách của
các tác giả Phương Tây trong 10 năm qua.
Về sự dính líu và
cuộc tháo chạy của người Mỹ khỏi Đông Dương, quan hệ Mỹ – Trung về
Campuchia cuốn sách cũng dùng quá nhiều luận điểm của nhân vật nổi
tiếng thiên kiến và thiên hữu, ông Henry Kissinger trong cuốn ‘Ending the
Vietnam War’ (2003), thiếu hẳn các cuốn mới hơn về Trung Quốc như
‘Inside Ten Episodes of China’s Diplomacy’ (2006) của Tiền Kỳ Tham.
Các đoạn về quan hệ
Trung Xô hoặc Trung Mỹ hay vai trò chỉ đạo của Moscow với Hà Nội trong
nhiều thập niên cũng thiếu nhiều phần đối chiếu từ các sách mới mà
giới nghiên cứu Âu Mỹ liên tiếp đưa gia thời gian qua như cuốn
‘Revolution 1989: The Fall of the Soviet Empire’ của Victor Sebestyen (2009)
hay ‘Russian’s Cold War’ của Jonathan Haslam (2012).
Nói như thế không
phải là để phê phán cuốn sách đầy đủ nhất từ trước tới nay về
chính trị Việt Nam mà để bạn đọc Việt Nam tin tưởng rằng chủ đề
‘hệ thống cộng sản’ vẫn được giới khoa bảng quốc tế theo đuổi, cập
nhật, và trong dòng sách này Bên Thắng Cuộc chắc chắn là một hồ sơ
quan trọng nếu được dịch ra ngoại ngữ.
Phần trong nước, tác
giả cũng sử dụng khá nhiều các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam
để ghi nhận các bước tiến và lùi trong chính sách.
Nhưng vì ở Việt Nam
luôn có khoảng cách khá lớn giữa ngôn từ văn bản với chính sách áp
dụng thực và kết quả cuối cùng nên cách làm này dù cần thiết cho
giới cần tra cứu, lại dễ khiến bạn đọc bình thường có cảm giác bội
thực của một thời phải ăn độn bo bo.
Trái lại, khi đi xa
văn kiện, ngòi bút báo chí tinh tế đã giúp tác giả giải mã được
chiến lược ‘pháo đài huyện’ mà các con đẻ của nó vẫn đang lãnh đạo
đất nước ngày hôm nay.
Xé rào: ông Trường Chinh thăm
nhà máy bột giặt Viso năm 1983
nhà máy bột giặt Viso năm 1983
Nào ai nghĩ chính
phong trào ông Lê Duẩn tung ra nhằm gây dựng cán bộ trẻ từ huyện để
đẩy thẳng lên trung ương hồi đó, theo Huy Đức, đã tạo đà cho ông
Nguyễn Tấn Dũng từ huyện Cà Mau, tỉnh Minh Hải hay bà Trương Mỹ Hoa
từ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang và một số nhân vật khác lên cao.
Chính cách để các
nhân vật thật tái hiện trong ánh sáng mới của lịch sử và tư liệu
khiến 'Bên Thắng Cuộc' không nằm vào dạng tác phẩm nghiên cứu academic
mà giống ký sự hay non-fiction biographic history tựa như của Simon Sebag
Montefiore trong ‘Stalin: The Court of the Red Tsa’ hay ‘Jerusalem: The
Biography’.
‘Bên Thắng Cuộc’ còn nhiều phần phát
hiện thú vị khác về ‘người trong cuộc’ mà tôi tin là bạn đọc sẽ
đánh giá cao, và nếu những gì tác giả viết ra có gây dư luận khen
chê hay tạo ra tranh luận thì cũng là điều tốt vì đã lâu người đọc
tiếng Việt chưa có trong tay một bộ sách đầy đủ, chân thực và nhiều
tính gợi mở như thế về đất nước họ.
Và nếu vì đọc ‘Bên
Thắng Cuộc’ mà có các tác giả khác nung nấu muốn viết thêm, viết
lại, viết tiếp về chủ đề Việt Nam thì hẳn cũng là một thành công
‘ý tại ngôn ngoại’ cho tác giả.
Nguyễn Giang (bbcvietnamese.com)