Lời Chúa cnmv 4c _ nhà to lòng nhỏ - nhà nhỏ lòng to


NHÀ TO, lòng nhỏ
nhà nhỏ, LÒNG TO
Nhà to – lòng nhỏ
Cũng hơn chục năm rồi không gặp từ ngày Em lấy chồng và tôi đi tu. Bỗng dưng hôm nay Em lại phone thăm kẻ tu trì này! Biết “tại hạ” đang lo cho các em khuyết tật, Em cũng cố gắng kiếm chút chút nào đó lòng quảng đại của những người thân quen để sẻ chia “gánh nặng” nhưng hầu như chẳng được. Em ngậm ngùi bảo: “khó lắm cha ơi”!
Em sợ “tại hạ” nghĩ ngợi vì gia đình em thuộc dạng khá giả nên em mới bắt đầu phân trần. Gia đình Em may mắn hơn nhiều gia đình khác! Hiện nhà Em sở hữu “chỉ có” một dàn máy dệt cộng với hai căn nhà mặt tiền của con đường lớn trung tâm đô thị và dăm ba căn nhà trong hẻm nhỏ. Tưởng chừng với thu nhập của một dàn máy dệt cộng với nhập thu mỗi tháng dăm bảy chục triệu từ chuyện cho thuê nhà sẽ mang đến hạnh phúc cho gia đình Em như nhiều người mơ mước.
Mơ ước đâu làm thoả mãn được ước mơ! Tổng thu nhập hơn trăm triệu ấy vẫn chưa làm cho Ba của mấy đứa em của Em an phận. Ngày nào cũng như ngày nấy, trận to thì cá to, trận nhỏ thì cá nhỏ. Em kể rằng có tháng mẹ Em phải chi gần bạc tỷ cho dòng máu đỏ đen của cha.
Mới đây nhất, thằng em kế của Em cầm tạm chiếc xe SH mới cáu với giá 60.000.000 đ. Mẹ Em cũng phải nai lưng bỏ tiền chuộc xe về.
Thằng em út đi bộ đội có khá gì hơn đâu? Mỗi ngày chi cho nó 200.000đ tiêu vặt trong những ngày “nhập ngũ” nhưng dường như không đủ. Thứ Bảy vừa rồi nó về thăm nhà như thường lệ, biết đến ngày lấy tiền thuê nhà, nó đến gặp người thuê mướn “cầm tạm” 6 triệu bạc! Khi Em đến lấy thì dĩ nhiên người thuê mướn nhà của Em phải trừ đi khoản “cầm tạm” của đứa em tội nghiệp.
Qua điện thoại, giọng Em đượm buồn! Em bảo rằng bố Em chuyên gia cá độ thì làm sao bảo được các con!
Chi tiêu như nước như vậy cho chuyện cờ bạc, cá cược nhưng chẳng bao giờ người cha cũng như các em nhớ đến những phận người bất hạnh.
Không riêng gì nhà Em. Em cũng “chạy tới chạy lui” bà con họ hàng thân thích nhưng họ đều thoái thác với những lời than vãn dẫu rằng họ đều có của để của dư.
Em tiếc nuối vì những người thân ấy thừa khả năng chia sẻ nhưng họ lại chẳng sẻ chia.
Nhà nhỏ - lòng to
Cha già nọ ở Vũng Tàu nhờ làm “hướng dẫn viên” khám bệnh cho người nghèo xa xôi. Nghĩ ngay đến bà chị làm ở Ung Bướu và “hành” chị ngay. Chỉ qua điện thoại thôi nhưng mà chị lo lắng một cách hết sức sốt sắng.
Về Sài Thành có chút việc, chuẩn bị về lại vùng nghèo biển mặn bỗng dưng bà chị gọi: “Cha ráng chờ con chút nha, Cha đợi con ở 10 Phan Đăng Lưu nha!”.
Chỉ dăm phút sau chị có mặt tại nhà hưu Bác Ái Vinh Sơn. Không chỉ mình chị mà còn có cả hai chị em bệnh nhân nghèo. Chị thật lòng bảo: “Tối nay hai chị em này sẽ về ở nhà con”!
Lời của chị nói sao mà khó nghe quá! Nhờ lo trong bệnh viện là cũng phiền hà lắm rồi chứ còn dám nhờ chuyện gì khác. Ấy vậy mà chị nhanh nhảu cho người nghèo nương náu trong những ngày chữa trị.
Mất vài phút qua vài con hẻm thì đến nhà chị. Dù còn nhiều việc nhưng chị ráng mời cha vào nhà cho bằng được để cha tận mắt nhìn căn nhà nhỏ. Gọi là nhà cho oai chứ bề ngang vỏn vẹn có hai mét rưỡi và bề dài chưa đầy sáu mét. Tận dụng không gian nhỏ hẹp, chị làm cái gác gỗ để có thêm chỗ dung thân. Nghe chị nói mà tóc tai cứ muốn dựng lên được: “Cha biết không! Con xin Chúa lâu rồi, Chúa mới cho con đó. Chúa thương con lắm! Con ước nguyện có căn nhà nhỏ này để phục vụ cho bệnh nhân nghèo không có chỗ ở khi lên đây chữa bệnh. Bất cứ khi nào Cha có bệnh nhân mà không có chỗ ở thì Cha cứ nói cho con nhé!”.
Vừa nói chị vừa hướng dẫn những gì cần thiết cho hai con người quê mùa xốc xếch đêm nay tá túc nhà chị. Với căn bệnh ung thư, chắc có lẽ không phải đêm nay mà còn nhiều đêm khác nữa.
Tưởng chừng sau khi hướng dẫn cho hai người nghèo này được an cư thì chị lại vội vã ra đi. Chị giải thích cho cử chỉ vội vã ấy: “Cha ơi! Cha thông cảm nhá, con phải vội đi lắm! Giờ con phải chạy qua bên mái ấm của con để con lo cho các em nữa!”. Vừa nói chị vừa quay xe đi một mạch cho kịp giờ.
Chị đã khuất bóng khỏi con hẻm nhưng hình ảnh của chị sao cứ còn mãi! Không thể nào tưởng được những gì vừa xảy ra trước mắt mình. Hình như là ngoài sức mong đợi của mình thì phải.
Sau ngày gặp chị vài hôm, gọi điện cảm ơn cũng như thăm hỏi công việc thì chị nói chị đang cưu mang gần hai chục con người bị bỏ rơi ở căn nhà nhỏ trong cư xá Đô Thành sau bệnh viện Bình Dân. Cũng muốn chung chia với chị chút chút từ những tấm lòng thơm thảo là trái bí, trái bầu nhưng chị xin nhường lại cho người khác vì giờ đây chị đã tạm ổn. Chị nói: “Giá mà cha cho con cách đây chừng 5 năm thì con mừng lắm! Giờ thì con ổn rồi!”.
Tiếng người nói bên kia điện thoại đã chấm dứt nhưng sao vẫn còn văng vẳng bên tai tấm lòng nhân hậu của một con người đơn sơ nhỏ bé.
Chút suy tư nho nhỏ
Câu chuyện căn nhà to và tấm lòng nhỏ của cô bạn ngày xưa làm cho mình cảm thấy chạnh lòng. Chưa kịp nghĩ đến chuyện họ chia sẻ cho những người nghèo bất hạnh là những người luôn cần sự trợ giúp của những người may mắn, chỉ nghĩ đến chuyện là bố con gia đình ấy đừng chạy theo những canh bạc đỏ đen để gia đình được bình an và xã hội đừng xuống cấp là được rồi. Dĩ nhiên là tiền họ làm ra họ có quyền sử dụng trên nó nhưng một cách nào đó họ đã góp phần làm cho xã hội băng hoại vì những đồng tiền bất chính từ những trận cá cược đã làm cho bao gia đình tan vỡ.
Hình ảnh người phụ nữ nghèo trong căn nhà nhỏ với tấm lòng hết sức quảng đại là nhân chứng sống động của tình Chúa – tình người. Căn nhà với diện tích chưa đầy mười lăm mét vuông ấy nhưng tấm lòng quá lớn.
Giá như mà những căn nhà to thật là to cho thuê để lấy tiền nướng vào các canh bạc được làm chỗ tá túc cho những người nghèo cô thế cô thân thì hay biết mấy! Những người nghèo họ chẳng mơ ước gì cao sang, chỉ cần một góc nho nhỏ để vùi cho cơn ngủ được ngon hơn khi cuộc sống lam lũ đêm ngày lại gặp trọng bệnh.
Vẫn còn đó những căn nhà nhỏ - tấm lòng to để bù lại cho những căn nhà to - tấm lòng nhỏ. Vẫn còn đó một chút lòng nhân, một chút tình người le lói giữa cuộc đời mà người ta rủ nhau đi vun vén, rủ nhau đi hơn thua.
Lm. Anmai, CSsR