Vui
lên anh em
Gần đến lễ Giáng Sinh, người ta thấy hình ảnh ông già Noel
đủ cỡ xuất hiện khắp nơi. Các em thắc mắc không biết ông già Noel là ai? Và có
thật không?
Tháng 9 năm
1987, một bé gái tên là Virginia đã viết cho một tờ báo Công giáo Hoa Kỳ để hỏi
về ông già Noel. Câu hỏi của cô bé là: Ông già Noel có thật không?
Vài ngày
sau, trên mục quan điểm của tờ báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ
nhiệm kiêm chủ bút như sau: “Virginia yêu
dấu của bác. Điều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là
sai lầm khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu đã bị tiêm nhiễm bởi
trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt.
Họ nghĩ rằng không gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.
Virginia ạ! Ông già Noel có thực. Ông có thực
cũng như tình yêu và lòng quảng đại, nhờ đó cuộc sống của cháu sẽ trở thành vui
tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ
như thế nào?...”.
Được biết
ông già Noel là một nhân vật lịch sử có thật. Người Pháp gọi là Cha Noel (Le
père Noel). Người Anh gọi trực tiếp là Thánh Nicola (Santa Claus). Thánh Giám mục
Nicola nầy được mừng lễ ngày 6/12 mỗi năm, trước lễ Giáng Sinh gần 20 ngày. Người
Pháp thân mật gọi ngài là Cha Noel, vì ngài liên hệ nhiều với lễ Noel, nhất là
với trẻ em. Các em mộ mến ngài như một ông già Noel. Các em được kể rằng nếu
chúng ngoan, ông già Noel sẽ chui vào lò sưởi, vào phòng của chúng, bỏ bánh kẹo
vào những chiếc giày các em để ở bên lò sưởi hay bỏ vào những chiếc vớ các em
treo ở chân giường…
Ông già
Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc. Cũng vậy, lời
Chúa của Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta hãy vui lên. Không
phải vui vì có ông già Noel, vì quà tặng, vì những thiệp chúc mừng, vì đèn sao,
máng cỏ… Những niềm vui hời hợt bên ngoài ấy sẽ qua mau nhưng niềm vui đích thực
sẽ còn mãi, cả trong lúc lo âu, thất bại. Niềm vui đó bén rễ sâu trong lời cầu
nguyện và đó là dấu chỉ của người Kitô hữu.
“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa!”
Qua bài đọc
thứ nhất, Tiên tri Sôphônia cất lên những tiếng kêu đầy lạc quan: “Hỡi Israel, hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ
Giêrusalem, hãy nhảy mừng. Chúa đã rút lại lời kết án. Vua Israel là Chúa ở giữa
ngươi, ngươi sẽ không còn sợ tai hoạ nữa”.
Thưa anh chị
em,
Lời đó có
an ủi được chúng ta hay không, khi mỗi ngày tai chúng ta nghe sang sảng từ
trong đài phát thanh những tin tức bi đát của một thế giới đang còn nhiều điểm
nóng chiến tranh, còn những cuộc tranh chấp vì bất công, vì đói khổ; khi mắt
chúng ta còn thấy nhan nhản những chiếc khăn sô chít trên đầu, những đàn con mất
cha mất mẹ; còn chứng kiến biết bao bệnh nhân trong các bệnh viện rên la đau đớn…
Khi nghe,
khi nhìn các điều đó, có phải chúng ta là người ngoài cuộc không? Chúng ta thấy
hoà bình và hạnh phúc trộn lẫn những mối nguy đang đe doạ chúng ta. Trong thực
tế, chúng ta vẫn lo lắng và đau khổ, mà chính những cơn bão táp trong lòng, những
cái mâu thuẫn giữa con tim, giữa lý trí, làm chúng ta xao xuyến băn khoăn.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều đó trong bản thân và ngài đã thốt ra những lời
chân thành của một con người chân đạp đất: “Sự
lành tôi muốn thì tôi không làm; còn sự không muốn thì tôi lại làm”.
Tuy nhiên
chúng ta vẫn có thể mỉm cười trong đau khổ và vui tươi trong thử thách, khi
chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đau khổ của chúng ta. Niềm
xác tín này làm nảy sinh và gia tăng niềm hy vọng hân hoan. Nhưng làm sao để nhận
thấy “Đấng đang đến” gần kề? Làm thế
nào để nhận ra “Đấng đang ở giữa ngươi?”
Gioan Tẩy
Giả đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho những người hỏi ông: “Chúng ta phải làm gì?”
– “Ai có hai áo thì hãy
chia cho người không có. Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy”
– “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”
– “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống
tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”.
Nói chung,
Gioan đưa ra những hướng đi cụ thể: bác ái, chia sẻ, chấp nhận thực tại, sống
hiền hoà, công bình, chính trực trong các mối tương quan xã hội. Sống như vậy
là chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế, là đặt mình vào trong hàng ngũ những kẻ bé mọn
của Thiên Chúa. Chính những người bé mọn này mới cảm thấy vui mừng và hy vọng,
vì nhận ra Chúa sắp đến, đang đến… Ngài sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn thế giới
và xã hội.
Chính vì thế
mà trong Mùa Vọng, Chúa Nhật III bao giờ cũng nổi bật nét hân hoan: “Anh em hãy vui lên!”. Hãy hoan hỉ vui mừng
vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc
đổi mới toàn diện, đang quy tụ muôn nước thành một dân một nước: Dân Chúa, Nước
Trời. Không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi
những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, bất chính; bằng cách sống liên đới
yêu thương, chia cơm sẻ áo; bằng cách sống công bình, chính trực và chan hoà với
mọi người.
Anh chị em
thân mến,
Có phải là
điều viễn vông không, khi chúng ta nhắc lại lời mời gọi của Phụng vụ: “Anh em hãy vui lên!”. Vui làm sao được
khi đông đảo dân chúng đang nghèo đói, đau khổ? Phải chăng là để nhạo cười những
người này mà Giáo Hội cứ lập lại những lời cũ rích, không gắn liền với cuộc sống
thực tế lúc này? Bởi vì, hơn bao giờ hết, vấn đề cơm áo, phát triển, quyền con
người đang là những vấn đề nóng bỏng trên hành tinh này cũng như trong xã hội
hiện tại của chúng ta.
Lời Chúa
trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước đều cho chúng ta thấy rõ đâu là niềm hy vọng
của những kẻ tin, đâu là lý do hân hoan của những người bé nhỏ của Thiên Chúa:
Thiên Chúa Cứu Độ, đó là tất cả động lực của cuộc sống và cuộc chiến đầu của
người tin theo Chúa Kitô. Thiên Chúa nhập thể và cứu độ là căn bản để giải quyết
mọi vấn đề: Thiên Chúa nhập thể để chúng ta được sống như con cái, nghĩa là,
như những con người tự do và trách nhiệm, những con người tự nguyện cống hiến
cho anh em, cho xã hội. Vì vậy, trong bất cứ một hoàn cảnh bế tắc khó khăn nào,
người có lòng tin rằng mọi phấn đấu của mình và của loài người đều mang một ý
nghĩa cứu độ: ý nghĩa dọn đường cho Nước Trời, cho Đức Giêsu của Thiên Chúa ngự
đến.
Muốn hoà
mình vào niềm vui của Phụng vụ, người Kitô hữu và Giáo Hội không thể không liên
đới với những người đang khao khát đổi mới, đang khát vọng phẩm giá con người.
Hơn thế nữa, Giáo Hội Chúa Kitô không thể đứng ngoài những cuộc đấu tranh cho
hoà bình, bình đẳng, tôn trọng con người, phát triển xã hội mà loài người đang
theo đuổi.
Sống Mùa Vọng
là sống liên đới với người nghèo, là sống công bình với tha nhân, là sống hoà
giải với hết mọi người, là sống yêu thương, an bình trong mọi hoàn cảnh, là đấu
tranh cho tình huynh đệ và khơi lên niềm vui cho những ai đang chán nản, thất vọng
chán chường vì không có niềm tin, vì đã mất niềm tin nơi con người, nơi xã hội
và cả nơi Thiên Chúa nữa.
Vui lên anh
em! Hãy vui lên trong niềm vui của Chúa!