Nhà giảng thuyết đường phố
Bác sĩ Karl
Menninger, trưởng khoa tâm bệnh học của Mỹ đã làm nhiều người kinh ngạc với quyển
sách của ông mang tựa đề: “Whatever became of sin? (Điều gì đang xảy đến cho tội
lỗi?). Ông bắt đầu quyển sách bằng một câu chuyện trào lộng khiến chúng ta phải
suy nghĩ. Vào một ngày Chúa nhật tháng chín năm 1972, trên góc phố đông người
qua lại thuộc khu trung tâm Chicago, xuất hiện một nhà chuyên giảng thuyết ở đường
phố. Đang lúc các nhân viên văn phòng vội vã lo đi ăn trưa, nhà giảng thuyết
này thình lình giương cánh tay phải lên, dùng ngón tay xương xẩu chỉ vào một
nhân viên nào đó rồi la lên: “Anh là kẻ
có tội!”, đoạn ông đứng im, nghỉ vài giây rồi lại bắt đầu chỉ vào một nhân
viên khác và la lên: “Anh là kẻ có tội!”.
Bác sĩ
Menninger nói: “Tác động mà nhà giảng
thuyết gây ra nơi những người bộ hành đi ngang qua đó thật là kỳ lạ. Họ lấm lét
nhìn ông, rồi lại quay mặt đi chỗ khác, rồi lại lén nhìn nữa, và cuối cùng vội
vàng đi tiếp”.
Chắc chắn
Gioan Tẩy giả cũng gây được tác động tương tự trên đám dân khi ngài xuất hiện ở
bờ sông Giócđan. Hẳn nhiên trong đám dân, một số chế nhạo ngài, số khác tức giận
ngài, còn số khác nữa nhận biết từ thâm sâu cõi lòng mình sự sai quấy của mình.
Chẳng hạn chúng ta đọc thấy trong bài Phúc Âm hôm nay: Các người thu thuế nhận
ra mình đã có lỗi trong việc thu thuế quá mức, đám lính tráng nhận thấy mình
thường hay bắt nạt dân chúng, còn tất cả dân chúng đều nhận ra tội không biết
chia sẻ phần của cải dư thừa cho người túng thiếu. Trong quyển sách nói trên,
bác sĩ Menninger cho thấy rằng nhiều người thời nay cũng đã phạm những điều sai
quấy. Nhưng điều đó không làm cho bác sĩ Menninger phải ưu tư hay lưu tâm tới.
Điều khiến cho ông phải ưu tư hay lưu ý tới là có nhiều người thời nay không chịu
chấp nhận rằng mình đã làm những điều sai quấy. Chính vì thế mà nhà giảng thuyết
trên chỉ nói: “Anh (hay chị) là kẻ có tội”
đã tạo ra một tác động thật là kỳ lạ nơi những nhân viên làm việc ở Chicago.
Thánh Gioan
Tẩy giả cũng như nhà giảng thuyết nọ đã chạm vào nơi vùng thâm sâu dễ tổn
thương nhất của dân chúng. Ngài đòi buộc dân chúng xét lại tâm hồn mình và nhận
biết lỗi lầm của mình. Ngài còn đòi họ phải từ bỏ tội lỗi để quay về cùng Thiên
Chúa.
Trong cuốn
sách tựa đề ‘Something more’ (Một cái gì hơn thế nữa) của bà Catherine
Marshall, người ta tìm thấy một minh hoạ sống động về những khuyến dụ của Gioan
Tẩy giả. Một hôm, cô Linda, con gái bà chuẩn bị đi tắm. Ngay khi vừa đặt một
chân xuống bồn ngay dưới vòi tắm, còn chân kia vẫn còn trên chiếc thảm ngoài bồn
tắm, cô bỗng liên tưởng đến hình ảnh cuộc đời của mình. Cô thường muốn hiến
dâng đời mình cho Chúa, nhưng chẳng bao giờ hoàn tất được ước nguyện đó, vì cô
luôn sống trong tình trạng chân trong chân ngoài như thế này.
Giờ đây có lẽ đã
đến lúc cô phải quyết định dứt khoát hoặc theo Chúa hoặc không theo Ngài. Cô
nghĩ đến cái giá phải trả khi chọn con đường theo Chúa. Giá ấy chẳng phải rẻ,
nhưng cô đã quá mệt mỏi vì tình trạng lập lờ hai phía, để rồi chả phía nào đem
lại cho cô bình an thoải mái. Thế rồi, cô đứng im suy nghĩ một hồi lâu, đoạn
hít một hơi sâu vào lồng ngực, và nói to lên: “Lạy Chúa, con xin chọn Ngài”. Nói xong, cô bước hẳn hai chân vào bồn
tắm. Hành vi này đối với cô giống như một phép rửa đích thực. Đây chính là sự
biến đổi tâm hồn mà Gioan Tẩy giả đề nghị dân Do Thái thực hiện.
Vậy làm thế
nào áp dụng thực tế những điều trên đây vào cuộc sống chúng ta? Muốn trả lời
câu hỏi quan trọng này, chúng ta hãy trở lại câu chuyện của bác sĩ Menninger về
nhà giảng thuyết trên đường phố nọ. Tất cả chúng ta đều đã từng làm điều sai quấy.
Nếu còn chút nghi ngờ gì về điều này chúng ta chỉ cần đọc lại lá thư thứ nhất của
thánh Gioan Tông đồ, trong đó ngài dùng những câu nói hết sức thẳng thừng: “Nếu chúng ta nói rằng: chúng ta không có tội
là chúng ta tự lừa dối mình… Nếu chúng ta cho rằng mình không hề phạm tội tức
chúng ta xem Thiên Chúa là kẻ nói dối và không có lời Ngài trong bản thân chúng
ta” (1Ga 1, 8.10).
Chúng ta rất
vui mừng khi nghe thánh Gioan công bố ra tội lỗi của chúng ta một cách thẳng thừng
như thế, vì điều đó giúp chúng ta dễ dàng đồng ý với bác sĩ Menninger hơn, khi
ông cho rằng việc nhìn nhận tội lỗi đem lại cho chúng ta sức khoẻ tâm lý lẫn
tinh thần. Quả thế, chúng ta phải nhìn nhận mình là kẻ có tội. Nói rõ hơn là
chúng ta rất xinh, rất đẹp, nhưng đồng thời cũng rất yếu hèn. Có nhiều khía cạnh
trong cuộc sống chúng ta cần được Chúa tha thứ và chữa lành nhờ bí tích Giải tội.
Vì thế, mùa
vọng chính là thời gian giúp chúng ta nhìn nhận mình là kẻ có tội để rồi chúng
ta ăn năn thống hối xưng tội ra ngõ hầu mở rộng tâm hồn trước Chúa Giêsu, Đấng
cứu độ chúng ta. Đây là thời gian để chúng ta làm điều Linda Marshall đã làm,
nghĩa là không thể kéo dài tình trạng sống hai mặt mà chả cái nào ra hồn cả.
Đây là thời gian để chúng ta hít sâu hơi thở vào lồng ngực rồi thốt lên với
Chúa: “Lạy Chúa, con xin chọn Ngài”.
Để kết
thúc, chúng ta hãy lập lại lời cầu nguyện được một Kitô hữu tên là Origen viết
ra: “Lạy Chúa Giêsu, đôi chân con dơ bẩn…
xin hãy đổ nước vào thau và rửa cho con. Con biết rằng con quá bạo gan khi cầu
xin Chúa điều này, nhưng vì con sợ bị Chúa quở trách: Nếu Ta không rửa chân con
thì con chẳng phải là bằng hữu của Ta. Vậy xin Chúa hãy rửa chân con vì con ao
ước được làm bằng hữu của Ngài”.