MẸ THIÊN CHÚA, MẸ
CHÚNG TA
“Mẹ đứng trước thập giá…, không chỉ đón đợi
cái chết của người con, mà còn đón đợi ơn cứu độ cho thế giới.” (st. Ambrose)
Một người
chồng trang trí căn phòng mới của ông và quyết định biến nó thành một nơi trưng
bày các phần thưởng, những thành tích mà ông và hai người con trai chiếm được
trong các cuộc tranh tài thể thao.
Khi đã
trang trí đầy ắp hai bức tường trong phòng, ông hỏi bà vợ: “Bà không có gì để trưng bày sao?”
Ngày hôm
sau, người vợ sao lại giấy khai sinh của hai đứa con, cho đóng khung thật đẹp
và treo lên bức tường trang trí của người chồng.
Làm mẹ là ơn gọi và thiên chức đặc biệt Chúa ban cho Eva và mọi phụ nữ khi dựng
nên loài người. Nhờ đó, họ được cộng tác vào công trình sáng tạo qua việc cưu
mang và thông ban sự sống. Mỗi người con là một phúc lành của Thiên Chúa, niềm
tự hào và hạnh phúc của người mẹ.
Bởi
nguyên tội mà phúc lành ấy phải kèm theo nhiều đau đớn, cực nhọc: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều
khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con” (Stk 3,16); đặc biệt nơi
Đức Maria, người được Chúa chọn làm Eva mới, với ơn gọi và thiên chức đặc biệt
của Mẹ là cưu mang Đấng thông ban sự sống siêu nhiên: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt
trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai,
đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12,1-2).
Ngay từ
thuở ban đầu, cuộc cưu mang nhiệm lạ đó đã nằm trong lời hứa về Đấng Cứu Thế: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và
mi sẽ cắn vào gót nó” (Stk 3,15).
Ngoài
Chúa ra, ai là người có thể đánh được dập đầu con rắn? Nói cách khác, tình yêu
Chúa đã ngỏ ý về một cuộc kết hợp kỳ diệu sinh ơn cứu độ: Đấng Cứu Thế thuộc dòng giống nhân loại
nhưng cũng mang bản tính Thiên Chúa.
Ơn cứu độ
được bắt đầu bằng sự thụ thai của Đấng Cứu Thế: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh
làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề
Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5).
Làm Mẹ
Thiên Chúa là một ơn phúc được dành riêng cho Đức Maria, nhưng tự bản chất, ơn
phúc đó hướng đến ơn cứu độ của cả nhân loại: Khi sinh ra Đức Kitô, Đức Maria
cũng sinh ra một nhân loại mới sống trong ân sủng, được thông phần bản tính Thiên Chúa,
nên đồng hình đồng dạng với Người. Hai cuộc sinh ra đó đã nên một dưới chân
thánh giá, khi Đức Kitô trao sứ mệnh làm Mẹ nhân loại cho Đức Maria: “Thưa Bà, đây là con của Bà.’ Rồi Người nói
với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27).
Vì hướng
đến ơn cứu độ của cả nhân loại nên ơn làm Mẹ Thiên Chúa cũng đòi Mẹ phải chia
sẻ sứ mạng của Đức Kitô, như ông
Simêon đã tiên báo: “Thiên Chúa đã đặt
cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu
còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm
nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”
(Lc 2,34-35).
Vâng, trong
cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: “Khi các tông
đồ chạy trốn, Mẹ đứng trước thập giá, kính cẩn nhìn ngắm các vết thương của con
mình, không chỉ đón đợi cái chết của người con, mà còn đón đợi ơn cứu độ cho thế
giới.” (thánh Am-brô-xi-ô)
Lễ Mẹ Thiên
Chúa kết thúc tuần Bát nhật Giáng sinh làm toả sáng vẻ đẹp kỳ diệu của công
trình kỳ diệu giữa tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và lời thưa xin
vâng của Đức Mẹ, đại
diện cho nhân loại.
Lời thưa
xin vâng đó là tiếng nói của tình yêu Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Tình yêu đó làm
cho Mẹ trở nên Mẹ Ngôi Lời nhập thể, và khi liên kết Mẹ với hiến tế của Đức
Kitô, tình yêu đó cũng làm cho Mẹ trở nên Mẹ của nhân loại.
Sự sống mới
nơi nhân loại là hoa trái bởi tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và lời thưa xin
vâng của Đức Mẹ. Hạnh phúc vô cùng vô tận cho mọi người được sinh ra từ trái
tim bị đâm thâu của Đức Maria, như một người mẹ, một chữ “Mẹ” linh thiêng, và
vô cùng cao cả!
Karol
Wojtyla, 7 tuổi, đứng khóc nức nở bên giường mẹ đang hấp hối! Người mẹ nắm tay
con ôn tồn nói: “Con đừng khóc, mẹ chỉ là
vú nuôi con, khi Chúa rước vú này về với Chúa, thì người Mẹ thật của con là Đức
Maria xuất hiện, sẽ đích thân chăm sóc con.”
Cậu bé đó
chính là ĐTC Gioan Phaolô II, với khẩu hiệu giáo hoàng là “Tất
cả thuộc về Mẹ” và cùng với Người Mẹ của Đức Kitô và của mọi người, ngài đã canh tân
cả Hội Thánh.
Dưới chân
thập giá, Đức Mẹ đã trở nên “Mẹ” của tôi, và luôn kiên
trì đón đợi tôi như một người con. Tại sao tôi vẫn chưa chạy đến, trao cả cuộc
sống mình cho Đức Mẹ?