Suy niệm hạnh thánh _ 23/11

Thánh Giáo Hoàng CLEMENT I
 (c. 101)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Đức Clement của giáo phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm 101. Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được góp nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Đền Thánh Clement ở Rôma, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa là nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi. Đó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Đức Clement, gửi cho Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ.
Suy niệm 1: Cai quản
Đức Clement của giáo phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất.
Về vị trí của ngài trong danh sách các giáo hoàng không có sự đồng nhất. Theo thánh Irênê giám mục của Lyons (Adversus haereses III, 3,2-3) viết năm 180 thì Đức Clement được xếp vào hàng thứ ba trong danh sách các giám mục Rôma kế tiếp tông đồ Phêrô (Phêrô, Linô: 67-76; Clêtô hay Aniclêtô: 76-88; Clêmentê: 88-97). Ông Tertulianô (khoảng 199) cho biết thêm là Đức Clement được chính thánh Phêrô truyền chức giám mục (4, Praescriptiones, XXXII) Từ đó nảy ra lưu truyền là Đức Clement kế vị trực tiếp thánh Phêrô, theo thứ tự: Phêrô, Clement, Aniclêtô.
Theo Êusêbiô thành Cêsarê vào thế kỷ thứ IV thì Đức Clement cai trị trong khoảng thời gian từ năm 88 đến 97. Niên giám Tòa thánh năm 1861 thì ngài lên ngôi giáo hoàng năm 90 và cai trị 9 năm. Theo niên giám Tòa thánh 2003 thì ngài cai quản Giáo Hội trong khoảng thời gian từ năm 88 tới 97 của thế kỷ thứ nhất. Ngài được nhiều giáo hội tôn vinh là thánh. Giáo hội công giáo, Anh giáo và Tin lành Luther kính nhớ vào ngày 23 tháng 11. Trong khi các giáo hội đông phương kính nhớ vào ngày 24 hoặc 25 tháng 11.
Người ta ít biết về thời niên thiếu của ngài. Đức Clement I là người Rôma, sống vào cuối thế kỷ thứ nhất. Truyền thống cho rằng Clement là một nhà hùng biện, yêu mến Thánh Kinh và thấu suốt tư tưởng, giáo lý của Chúa Giêsu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân luôn yêu mến Thánh Kinh và thấu suốt tư tưởng, giáo lý của Chúa.
Suy niệm 2: Tử đạo
Lịch sử cho chúng ta biết Đức Clement tử đạo năm 101.
Các thánh tử đạo là những người đã can trường làm chứng cho Chúa. Giáo Hội vững mạnh là được xây dựng trên dòng máu các anh hùng tử đạo. Thánh Clement I, giáo hoàng là một nhân chứng của Chúa Giêsu Kitô vào cuối thế kỷ thứ nhất.
Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm 101 dưới thời Hoàng đế Marcus Ulpius Nerva Traianus (còn gọi là Trajan). Ngài đã bị bắt, bị hoàng đế kết án lưu đày sang Pontus (Chersonèse (Bắc Hải) (tài liệu khác nói rằng ngài bị kết án tử hình). Ngài bị cột neo quanh cổ và bị quăng xuống biển. Người ta đã vớt được xác ngài và đưa về La Mã, dưới triều Giáo hoàng Adrianô II.
Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của Ngài đều là truyền thuyết, được góp nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Một hoặc hai năm trước khi chết (869) thánh Cyril đã tới Rôma và mang theo những gì người ta tin rằng là hài cốt của Clement, xương cùng với cái mỏ neo mà ông tìm thấy ở Crimea. Nó đã được chôn cất tại thánh đường Basilica di San Clemente.
* Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con khâm phục Chúa đã làm cho các thánh nên can trường. Chúa đã giúp thánh Clement là tư tế và tử đạo của Ðức Kitô biết lấy máu đào mà minh chứng những mầu nhiệm thánh nhân cử hành, và biết nêu gương sáng để củng cố Tin Mừng người rao giảng. Hôm nay, chúng con mừng kính ngài, xin cho chúng con được tràn đầy niềm phấn khởi hân hoan.( Lời nguyện nhập lễ thánh Clement I, giáo hoàng, tử đạo).
Suy niệm 3: Đền Thánh Clement ở Rôma
Có lẽ Đền Thánh Clement ở Rôma, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này.
Theo lưu truyền thì đền Thánh Clement ở Rôma, nằm giữa thung lũng Esquilino và Celino, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa là nơi cư ngụ của Thánh Clement.
Nó được xây dựng lại trong những năm đầu của thế kỷ XII, dưới triều giáo hoàng Paschal II trên nền mòng của một nhà thờ cũ, được xây dựng vào thế kỷ thứ IV, dưới thời Constantinus I (337) hoặc ngay sau đó.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quý trọng đền thờ tâm hồn chúng con nhiều hơn các đền thờ bằng gạch đá dầu có thế giá và quý giá vô ngần.
Suy niệm 4: Thư-tác giả
Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi.
Thực ra điều chắc chắn là ngài là tác giả của một bức thư là tư liệu đầu tiên để xét đến ưu thế của Giám mục Rôma. Vì ngài phải can thiệp để giải hòa cho Giáo hội Côrintô đang bị giày vò bởi những rối loạn nội bộ nghiêm trọng giữa các phe phái đối thủ tìm hỏi hoặc là đòi hỏi Gioan, vị Tông đồ cuối cùng còn sống, hoặc là Clement. Ngài đã viết một bức thư, bằng tiếng Hy lạp, là một bài thuyết trình thực sự về đức tin như nó đã được viết ra vào cuối thể kỷ thứ nhất đó là vào năm 95. Nó được giữ gìn cẩn thận và được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement, gửi cho Giáo Hội ở Corintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ. Ðức Clement phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội Corintô, và ngài khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy là vì "đố kỵ và ghen ghét." Ngài đã khéo léo pha trộn một lòng nhân ái phụ mẫu với một sự kiên quyết và một cảm thức bẩm sinh về quyền uy. Ngài áp đặt sự tái lập vào chức năng của họ những linh mục đã bị cách chức và loại ra khỏi Giáo hội những kẻ xúi dục làm loạn.
Tác phẩm bắt đầu bằng những lời như sau: "Hội thánh của Thiên Chúa đang lữ hành tại Rôma gửi Hội thánh của Thiên Chúa đang lữ hành tại Côrintô". Truyền thống cho rằng tác giả là Đức Clement, giám mục Rôma, gửi cho các kỳ mục của giáo đoàn Côrintô. Bức thư được viết vào khoảng giữa năm 94-97 (cuối triều hoàng đế Ðômitianus hay đầu triều hoàng đế Nerva). Tác phẩm này đã được giáo đoàn Ai cập và Syria nhận vào hạng danh sách quy thư Tân ước. Bức thư kết thúc bằng một "lời nguyện chung" cầu cho các Kitô hữu và hết mọi người: “Lạy Chúa, xin ban sự hòa thuận và bình an cho chúng con và mọi dân cư trên trái đất, như Chúa đã ban cho cha ông chúng con khi cha ông chúng con cầu khẩn Danh Chúa trong đức tin và chân lý. Vì thế, xin Ngài hãy làm cho chúng con biết phục tùng Danh toàn năng và chí thánh Ngài, cũng như với các vị đang lãnh đạo và hướng dẫn chúng con dưới thế này. Lạy Chúa, chính Ngài đã ban cho họ quyền năng do uy lực lớn lao và khôn tả của Ngài, để khi đã hiểu rằng chính do ngài, họ nhận được vinh quang và vinh dự, chúng con sẽ tùng phục họ và sẽ không làm gì trái ý Chúa. Xin Chúa ban cho họ sức khỏe, bình an, hòa thuận, ỗn định, để họ thực thi quyền hành Chúa ban cách tốt đẹp.”(Clément de Roma, Thư gửi tín hữu Corintô, 60-61 trích trong "Les Ecrits des Pères apostoliques" trang 108).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng tùng phục Đấng Bản Quyền và sẽ không làm gì trái ý Chúa.
Suy niệm 5: Thư-giá trị
Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi.
Bức thư cho thấy Giám mục Lamã có quyền bính và được nhìn nhận. Và chính ngài là người dàn xếp cuộc nổi loạn của cộng đoàn tín hữu Corintô. Ðọc bức thư gửi, mọi người nhận ra ngài là vị mục tử hiền từ, bác ái, khiêm nhượng và yêu mến kinh thánh. Ngài là người đã sống họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu nhân từ, hiền hậu. Khi biết tin giáo đoàn Côrintô bị xáo trộn chia rẽ do việc truất chức vài kỳ mục (chương 44,3; 47,6), vị lãnh đạo giáo đoàn Rôma đã viết bức thư để kêu gọi tái lập sự đoàn kết, bằng những lời khuyên lơn răn dạy về các nhân đức khiêm nhường, hòa hợp, bác ái, chống lại sự đố kỵ ghen tương. Truyền thống cho rằng ngài là người đã truyền cử hành bí tích Thêm sức theo lễ nghi của Thánh Phêrô. Tiếng “Amen” trong các nghi thức tôn giáo được cho là phát xuất từ triều đại ông.
Đây được coi là văn bản thần học xưa nhất của Kitô giáo nếu không kể các bản văn tin mừng. Nó đã bị bỏ quyên vào thế kỷ IV, và được tìm thấy vào thế kỷ XVII trong Codex Alexandrinus (Bản Alexanđê). Năm 1894, một tu sĩ Bênêđictô người Bỉ đã tìm được ở Namur một thủ bản của thế kỷ IX có chứa bản dịch bằng tiếng Latinh bình dân bức thư của Clement, bản dịch từ thế kỷ II hoặc III, tức gần như đồng thời với kiểu chữ viết của nó.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân sống họa lại hình ảnh của Chúa nhân từ, hiền hậu.
Suy niệm 6: Chia rẽ
Đó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Đức Clement, gửi cho Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ.
Đức Clement đã chủ trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì "nếu không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa." Sau Công Đồng Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể hiện lời Thánh Phaolô: "Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện" (Cl 3,14).
"Đức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa. Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là ngạo mạn. Đức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự. Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo" (Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Đoàn Corinto).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể hiện lời Thánh Phaolô: "Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện" (Cl 3,14).