Suy niệm hạnh thánh _ 20/11

Chân phước MARIA THỐNG KHỔ
 (1839-1904)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Phải qua nhiều năm thì Sơ Maria mới biết cách phục vụ Thiên Chúa tốt nhất.
Ngài tên thật là Helene de Chappotin de Neuville, xuất thân từ một gia đình quý tộc ở Nantes, nước Pháp.
Trong cuộc Nổi Dậy của các Võ Sĩ vào năm 1900, bảy thành viên của cộng đoàn của ngài được phúc tử đạo.
Tiến trình phong thánh cho ngài đang được xúc tiến ở Rôma.
Suy niệm 1: Nhiều năm-bản thân
Phải qua nhiều năm thì Sơ Maria mới biết cách phục vụ Thiên Chúa tốt nhất.
Năm 1860 ngài gia nhập dòng Thánh Clara Khó Nghèo, nhưng chỉ được một năm ngài phải từ giã nhà dòng vì lý do sức khoẻ. Khát khao tận hiến cho Thiên Chúa vẫn âm ỉ trong lòng, do đó vào năm 1864, ngài lại gia nhập dòng các Nữ Tu của Đức Maria Đền Bù Tội Lỗi và lấy tên là Sơ Maria của Sự Thống Khổ.
Từ 1865 đến 1876, ngài làm việc trong các trung tâm truyền giáo Madura ở Ấn Độ. Năm 1877 ngài thành lập Trung Tâm Truyền Giáo Đức Maria, mà sau này vào năm 1882, trung tâm ấy trở thành cộng đoàn Các Nhà Thừa Sai Phanxicô của Đức Maria khi ngài lấy quy luật Dòng Ba Phanxicô mà áp dụng cho cộng đoàn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tôn trọng quy luật của thời gian ở đời này về thể xác cũng như tinh thần.
Suy niệm 2: Nhiều năm-gương Chúa
Phải qua nhiều năm thì Sơ Maria mới biết cách phục vụ Thiên Chúa tốt nhất.
Thiên Chúa vốn vượt thời gian và làm chủ thời gian, nhưng Người vẫn tôn trọng quy luật Người đã đặt ra cho vũ trụ và muôn loài sống trong trần thế. Để thực hiện lời hứa cứu độ, Người phải dùng nhiều cách và nhiều thế kỷ để chuẩn bị cho ngày Con Một Chúa ra đời (Dt 1,1).
Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (Dt 5,8). Ngài không đốt giai đoạn, Ngài học vâng phục từ thơ ấu với 30 năm sống ẩn dật trong gia đình Thánh Gia (Lc 2,51), để đến lúc trưởng thành mới ra đi rao giảng công khai và nêu gương vâng phục Thiên Ý ở vườn Cây Dầu (Mt 26,42).
Thấu hiểu bài học thời gian (Dt 5,12), Thánh Phaolô cũng dùng sữa chứ không cho dùng thức ăn (1Cr 3,2) với các tín hữu có tầm mức hiểu biết còn non yếu của một trẻ con (Dt 5,13). Thánh Phêrô cũng đồng quan điểm để mời gọi mọi người hãy dùng sữa để nhờ đó mà lớn lên dần dần trong đức tin (1Pr 2,2).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết phương cách tiệm tiến chứ không đốt giai đoạn đặc biệt trong lãnh vự giáo dục.
Suy niệm 3: Nhiều năm-cầu nguyện
Phải qua nhiều năm thì Sơ Maria mới biết cách phục vụ Thiên Chúa tốt nhất.
Nhiệm vụ nào mà Thiên Chúa muốn Sơ Maria gánh vác? Có phải Ngài muốn sơ phải thi hành công việc giống như các nữ tu khác? Qua sự cầu nguyện, tâm hồn sơ ngày càng thanh khiết và càng sống sát với con đường của Thiên Chúa. Chắc chắn rằng sự cầu nguyện đã giúp sơ nhìn thấy phương cách phục vụ mà trước đây ngài không nhận ra.
Có lần Sơ Maria nói: "Ước chi tôi có hai đời sống: một đời sống để luôn luôn cầu nguyện, còn đời sống kia để thi hành mọi nhiệm vụ mà Thiên Chúa muốn tôi thi hành." Ước nguyện đã được hiện rõ nhờ việc cầu nguyện.
Thật vậy, nhờ cầu nguyện trong một dịp tĩnh tâm, vào tháng tư năm 1856, ngài cảm nghiệm được một tiếng Chúa mời gọi ngài tận hiến đời mình cho Chúa để từ đó ngài định hướng tu trì cho đời mình, để rồi vào năm 1860 xin gia nhập dòng Thánh Clara Khó Nghèo như một thỉnh sinh ở lứa tuổi 21 với sự chấp thuận của giám mục Nantes.
Vào ngày 23 tháng 1 năm 1861, đang còn là thỉnh sinh, ngài cầu nguyện và một lần nữa ngài cảm nghiệm được một tiếng Chúa mời gọi ngài hãy làm hiến tế cho Chúa và Giáo Hội. Chúa dùng một cơn bệnh khiến ngài phải rời dòng, để rồi sau khi hồi phục ngài được vị linh hướng mở đường cho ngài gia nhập dòng các Nữ Tu của Đức Maria Đền Bù Tội Lỗi và lấy tên là Sơ Maria của Sự Thống Khổ. Đời tận hiến của ngài đã được định hướng từ đây nhờ vào đời sống cầu nguyện liên lĩ của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết tìm lời giải đáp cho việc định hướng cuộc đời bằng lời cầu nguyện.
Suy niệm 4: Tên-thống khổ
Ngài tên thật là Helene de Chappotin de Neuville.
Mặc dầu tên thật của ngài chỉ được cải thêm tên dòng là Maria của Sự Thống Khổ vào sau này, khi ngài gia nhập dòng các Nữ Tu của Đức Maria Đền Bù Tội Lỗi, và được chính thức mặc áo dòng vào ngày 15 tháng 8 tại Toulouse,  nhưng tất cả để xác minh cho cuộc đời đầy thống khổ của ngài như trong Thiên Ý.
Thật thế ngài đã nếm mùi thống khổ ngay từ lúc 17 tuổi khi đáp lại tiếng Chúa mời gọi để sống đời tận hiện. Nhưng cái chết bất ngờ của thân mẫu đã cầm chân ngài lại, mãi cho đến năm 21 tuổi, ngài mới vào được dòng Thánh Clara Khó Nghèo. Thống khổ chồng chất thống khổ. Không bao lâu, ngài lại ngã bệnh vào đầu năm 22 tuổi, để rồi phải rời khỏi tu viện về nhà chữa bệnh, và sau khi bình phục lại chuyển vào dòng các Nữ Tu của Đức Maria Đền Bù Tội Lỗi vào năm 25 tuổi.
Là một tập sinh 26 tuổi, vào tháng 3 năm 1865, ngài được bài sai đến Madurai, Ấn Độ trong vùng truyền giáo của Dòng Tên, và được tuyên khấn lần đầu vào ngày 3 thánh 5 năm 1866, khởi đầu cho một chuỗi những thống khổ trong sứ mạng truyền giáo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tâm niệm và sống lời nguyện của Chúa: Không theo ý Con nhưng xin vâng theo Ý Cha mà thôi.
Suy niệm 5: Tên-truyền giáo
Ngài tên thật là Helene de Chappotin de Neuville.
Tên dòng “Maria của Sự Thống Khổ” đã hiện rõ trong sứ vụ truyền giáo đầy gian khổ làm nên vinh quang của ngài. Thật thế, nhờ công đức trổi vượt, vào tháng 7 năm 1867, ngài được chọn làm bề trên của ba tu viện dầu ở độ tuổi còn trẻ. Dưới sự hướng dẫn của ngài, công cuộc truyền giáo càng ngày càng phát triển, bao căng thẳng vốn tồn tại trong các hoạt động được giải quyết êm đẹp, lòng nhiệt thành và kỷ luật được vãn hồi trong các cộng đoàn. Vào năm 1874, với một nhóm chị em, một nhà mới được thiết lập ở Ootacamund thuộc Coimbatore, và được giao phó cho Hội Thừa Sai Ba Lê.
Dòng sông êm ả trôi chảy bỗng nỗi sóng gió. Một nỗi thống khổ lại ập đến trong đời ngài. Vào năm 1876, một số bất đồng xuất hiện trong nội bộ và một số chị em quy tụ lại thành một nhóm tự trị tại Ootacamund thuộc quyền giám mục Joseph Bardou MEP. Vào tháng 11 cùng năm, ngài phải đi Rô Ma tấu trình sự kiện này. Vào ngày 6 thang 1 năm 1877, Đức Piô IX cho phép ngài thành lập một cộng đoàn mới chuyên trách việc truyền giáo với danh xưng Các Nữ Tu Truyền Giáo của Đức Maria, mà sau này vào năm 1882, trở thành cộng đoàn Các Nhà Thừa Sai Phanxicô của Đức Maria khi ngài lấy quy luật Dòng Ba Phanxicô mà áp dụng cho cộng đoàn.
Ngoài việc chăm sóc các người bị bệnh cùi, cộng đoàn của ngài còn hoạt động trong các lãnh vực giáo dục, công ích xã hội và dạy giáo lý. Lòng nhiệt thành vô bờ bến dành cho người nghèo và bị bỏ rơi, cọng với bao thống khổ trong đời khiến ngài bị bệnh và mất tại San Remo (Ý) vào ngày 15 tháng 11 năm 1904, để lại 2069 nữ tu trong 86 cộng đoàn hiện diện trên 24 quốc gia.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín lời Chúa dạy: phải qua đau khổ mới vào vinh quang (Lc 24,26).
Suy niệm 6: Phong thánh
Tiến trình phong thánh cho ngài đang được xúc tiến ở Rôma.
Vào tháng 2 năm 1918, tại San Remo, tiến trình phong thánh cho ngài đã được khởi sự. Vào năm 1941, hồ sơ được phổ biến và được chuyển về Tòa Thánh từ nhiều nơi trên thế giới. Vào ngày 19 tháng 1 năm 1979 hồ sơ đã được Đức Gioan Phaolô II chấp thuận và được công bố là Đấng Đáng Kính vì các nhân đức anh hùng của ngài vào ngày 28 tháng 6 năm 1999.
Vào ngày 5 tháng 3 năm 2002, việc chữa lành một nữ tu nguy tử vì bệnh phổi và lao xương được công nhận như một phép lạ nhờ vào sực cầu bàu của Đấng Đáng Kính Maria Thống Khổ. Vào ngày 23 tháng 4 năm 2002, tiến trình phong Chân Phước được chấp thuận. Và Đấng Đáng Kính Maria Thống Khổ đã được Đức Gioan Phaolô II tấn phong Chân Phước vào ngày  20 tháng 10 năm 2002 tại Rô Ma.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết dùng đau khổ đời này để mua vinh quang đời sau (Rm 8,18).