Ơn thiên triệu _ các khủng hoảng trong đời tu


 CÁC KHỦNG HOẢNG CÓ THỂ XẢY RA
TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ
LINH MỤC GIÁO PHẬN  
CHƯƠNG HAI
ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC
C. CÁC KHỦNG HOẢNG CÓ THỂ XẢY RA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC GIÁO PHẬN (tiếp theo)
Tình Bằng Hữu chân thật, hoàn hảo và vĩnh viễn
(trích khảo luận của chân phước Enrêđi)
Trong các thanh niên, Gionathan trổi vượt hơn cả. Chàng không ham vương tước, cũng chẳng mong quyền bính, nhưng đã kết ước cùng Đavít, và vì tình bạn đã coi bề tôi ngang hàng với chủ. Một kẻ bề tôi đang phải trốn tránh vua cha, đang ẩn náu trong hoang địa, một kẻ đã bị án tử chỉ còn chờ chết, mà chàng lại quí hơn mình. Chàng hạ mình xuống, nâng bạn mình lên, khi chàng nói: chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh. 
Ôi tấm gương sáng ngời về tình bằng hữu chân thật! Chuyện lạ biết bao: Vua cha thì nổi cơn thịnh nộ với một kẻ bề tôi, khích động cả nước chống lại hắn như chống lại kẻ muốn tranh ngai vàng; rồi ông buộc cho các tư tế tội phản loạn và tàn sát họ chỉ vì một mối nghi ngờ (do tên Doerg mách lẻo); ông lục soát rừng rậm, tảo thanh thung lũng, đem quân vây hãm núi đồi; người người quyết chí trả thù cho vua được hả giận. Chỉ có Gionathan, người có lý duy nhất đển ghen thì lại nghĩ là mình phải làm ngược ý vua cha, tìm cách giúp bạn trốn đi, góp ý kiến với bạn trong hoàn cảnh éo le như thế. Coi tình bằng hữu trọng hơn cả ngai vàng khi chàng nói “chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh.” Hãy để ý xem vua cha khích cho chàng thanh niên ghen ghét bạn mình làm sao: ông nguyền rủa, nạt nộ, dọa tước quyền nối ngôi, nhắc cho biết là sẽ mất hết danh dự. 
Nhưng dầu vua cha đã tuyên án tử cho Đavít, Gioanathan vẫn không bỏ bạn. Chàng nói: Tại sao Đavít lại phải chết? Anh ấy có tội tình chi? Anh ấy đã làm gì? Chính anh ấy đã liều mạng đánh bọn Philitinh và phụ vương đã mừng rỡ. Vậy thì tại sao Đavít lại phải chết? Nghe Gionathan nói thế, vua giận điên lên, lấy sức phóng lao định ghim cho Gioanathan dính vào tường, rồi nguyền rủa dọa nạt thêm: Thằng con của người đàn bà hư thân mất nết kia, tao biết là mày thương nó để mày mang nhục và người đàn bà nhơ nhuốc đẻ ra mày cũng phải mang nhục. Và những lời độc địa nhất có thể trút lên người thanh niên, ông mửa ra hết. Ông còn thêm những lời kích thích tham vọng, khơi dậy lòng ghen ghét, thổi bừng lửa ghen tương và gia tăng nỗi cay đắng: Bao lâu thằng con trai lão Giessê còn sống thì vương quyền của mày sẽ không vững đâu! Nghe những lời trên, ai lại không động lòng, ai chẳng phát ghen lên? Tình nghĩa nào, tình bạn nào lại không tàn phai, không tan vỡ? Thế mà chàng thanh niên dạt dào tình thương mến kia vẫn giữ trọn lời thề kết nghĩa, vẫn mạnh mẽ trước những tiếng dọa nạt, vẫn nhẫn nhục trước những lời nguyền rủa. Vì tình bằng hữu, chàng coi rẻ ngai vàng, chỉ nhớ đến tình thân mà không màng danh lợi.
Thế mới là tình bằng hữu chân thật, hoàn hảo, vững bền và vĩnh viễn: ghen tương không thể hủy hoại, nghi ngờ không làm suy giảm, tham vọng không hề phá tan. Bị thử thách đến vậy mà vẫn không nao núng, bị xô đẩy đến thế mà vẫn không ngã quỵ, bị nguyền rủa thế nào cũng không lay, bị lăng mạ ra sao cũng không chuyển. Vậy bạn hãy đi và cũng làm như vậy. [368]
            Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
            Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Trong cơn khủng hoảng của tình huynh đệ, điều ước mong lớn hơn là mối tương quan thân tình giữa linh mục với Giám mục của mình. “Một cách bí tích, linh mục đi vào hiệp thông với Giám mục và các linh mục khác để phục vụ Dân Chúa.” [369] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khuyên các Giám Mục Việt Nam hãy luôn gần gũi hơn với các linh mục, quan tâm tới đời sống hàng ngày của họ để nâng đỡ họ và đồng hành cùng họ, nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho họ một sự đào tạo thiêng liêng thích nghi với những thách đố trong việc truyền giáo mà họ phải đối diện. [370] Chương trình đào tạo linh mục của Philippines năm 1972 đưa ra đề nghị rằng các Giám mục nên đi bước trước trong cuộc đối thoại thân hữu và thường xuyên với các linh mục trẻ, để họ có thể cởi mở và chân thành bàn cải cách riêng tư, với sự hướng dẫn từ phụ của Giám Mục, về công việc, thành công và thất bại, kế hoạch và vấn đề, cũng như về đời sống thiêng liêng của họ nữa. [371]
Với sự hiểu biết đầy yêu thương và sự trợ giúp từ phụ của Giám mục, linh mục sẽ đứng vững trong mọi hoàn cảnh, bởi vì mọi cuộc khủng hoảng đều đến từ cuộc khủng hoảng quyền bính. Thái độ của các linh mục đối với Giám Mục phải là hợp tác, vâng lời, tình bạn, và nhìn thấy nơi ngài một người cha thực sự và vâng phục ngài với tất cả kính trọng. Sự vâng lời càng đến từ con tim (không phải bởi quyền lực hay lý lẽ), thì mối tương quan giữa Giám mục và linh mục càng trở nên gần gũi và rồi mọi sự đều tốt đẹp. [372]
Một điều tôi rất ấn tượng khi còn là tiểu chủng sinh phục vụ các cha tĩnh tâm năm là việc Giám mục Bản quyền tuần tự gặp riêng từng linh mục thuộc quyền. Không biết nội dung cuộc gặp gỡ là gì, nhưng thấy thái độ và nét mặt của các cha trước và sau khi gặp Đức Cha, nhất là đời sống, công việc và các mối tương quan của các cha có cái gì thay đổi khác trước kia, và thường sau những cuộc gặp gỡ kỳ tĩnh tâm năm như thế lại có một số cha chuyển xứ, thậm chí có cha còn được đi nghỉ một thời gian ở một Dòng chiêm niệm và khi trở về được đi coi sóc một giáo xứ mới, thì tôi nghĩ là có cái gì nghiêm trọng và ích lợi, không chỉ cho đời sống và sứ vụ linh mục của các cha, mà còn cho giáo xứ, giáo phận và Giáo Hội.
Tôi áp dụng sự gặp gỡ cá nhân đó khi được mời giảng tĩnh tâm. Ban đầu. tôi chỉ được gặp riêng những ai muốn gặp. Tôi và những người đến gặp đều cảm thấy rất ích lợi, sốt sắng, tâm hồn bình an và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên có một số người muốn gặp nhưng ngại người khác, nên những đợt tĩnh tâm sau, tôi yêu cầu có chương trình và thời giờ gặp riêng từng tham dự viên, để có thể đi vào và đụng chạm những vấn đề riêng tư của mỗi người mới hy vọng giúp được cái gì, chứ không chỉ bằng lòng nói chung chung.
Được sống gần gũi và tham dự nhiều lần cuộc tĩnh tâm năm linh mục ở nhiều nơi, tôi thấy thường chỉ có những cuộc huấn đức chung hoặc họp chung bàn bạc một số công việc, chứ không thấy các Đức Cha gặp riêng các cha trong bối cảnh hồi tâm thuận lợi như thế, để các cha phúc trình về giáo xứ, tình hình giáo xứ và giáo dân, về đời sống riêng tư của cha (thiêng liêng, tình cảm...), kể cả Đức Cha có thể chất vấn và đòi cha giải thích, điều chỉnh một số vấn đề trăn trở mà giáo dân đang xì xèo bán tán hoặc công khai kiện cáo. Thiếu sự gặp gỡ riêng tư thân tình, thành thật và tín nhiệm, kể cả đụng chạm chất vấn, định bệnh và chữa bệnh ấy thì mọi sự đâu vẫn đấy, chẳng có gì thay đổi, tiến triển. Dĩ nhiên cũng có một số ít cha gặp riêng Đức Cha, nhưng cũng chỉ vì công việc và vỏn vẹn trong vài ba phút ngắn ngủi (mời ban phép Thêm sức, khánh thành, xin chuẩn Hôn phối khác đạo, xin đi phép, v.v.). Tôi ước mong truyền thống tốt đẹp trên lại được tiếp tục, hoặc các Đức Cha hoặc các cha chủ động đi bước trước.
C. 2. Các dấu hiệu khủng hoảng trong đời sống và sứ vụ của linh mục giáo phận
-     Trốn chạy trong rượu, những hoạt động gây ấn tượng và cảm giác mạnh, thích “xuất hiện” và khẳng định mình…
-     Chuyện phiếm, tán gẫu không dứt, tâm sự, bàn tán phê bình đủ thứ chuyện về Giám Mục mà không dám nói trực tiếp…
-     Thiếu khả năng sống trầm tĩnh, cô tịch, thinh lặng.
-     Ham mê giải trí thái quá: suốt ngày lướt mạng xem phim, chơi games… hay đầu tư quá nhiều thời giờ và tiền bạc vào chim, cá, kiểng…
-     Ham hoạt động quá (quá lao lực sẽ kiệt lực)
-     Nhu cầu khẳng định mình thái quá (phá bỏ công trình của người trước, nhằm xây dựng những ‘công trình thế kỷ’ để đời mang dấu ấn của mình…)
-     Nhìn đời và nhìn người cách tiêu cực, yếm thế, hay chỉ trích phê bình…
-     Khó ngủ (nhất dạ sinh bá kế, gửi và nhận tin nhắn liên hệ đến tình cảm…)
-     Thiếu tự chủ và làm chủ bản thân, có những bất bình thường về giới tính…
-     Khả năng hoạt động bị tê liệt (ở nhưng là cội rễ mọi sự dữ)
-     Chỉ thường xuyên liên hệ với một số người nào đó thôi…
C. 3. Phản ứng cần thiết để vượt lên cơn khủng hoảng
-     Cần có thời gian cầu nguyện hằng ngày để chia sẻ bản thân với Chúa, hầu sống căn tính linh mục thực sự của mình.
-     Tìm một đối tác biện phân, như vị linh hướng, có thể là một người bạn thân lâu dài, dẫn tới một căn tính trưởng thành. Các cân nhắc tâm lý về cá tính cũng rất hữu ích.
-     Sự sống mật thiết với Chúa Giêsu là phương dược chữa lành vạn năng, vì việc không ngừng tìm kiếm kết hợp với Chúa Giêsu khiến linh mục tìm được sự thống nhất đời sống của mình. [373] 
-     Quả thế, trong đời sống độc thân của mình, linh mục cảm nhận sự cô đơn và lắm khi cô đơn thực sự, và đôi khi sự “cô đơn giữa đông người” đè nặng trên con người của ngài.
-     Sự nghi ngờ, đố kỵ, ghen ghét hay thiếu thông cảm từ phía anh em linh mục đồng nghiệp của ngài (kể cả từ Giám Mục) có thể làm gia trọng nỗi thất vọng và cô đơn. [374] 
-     Chúng ta phải nhìn nhận dữ kiện tâm lý thực tế là sự thiện cảm hay ác cảm tự nhiên. Nhưng là người trưởng thành, và là linh mục, chúng ta phải nỗ lực vượt lên thực tế đó để xây dựng một tình huynh đệ đích thực.
-     Nhưng cô đơn của linh mục không phải là sự trống rỗng và ngài cũng không thực sự cô độc vì Đấng Cứu Thế luôn ở với ngài.  Chúa Giêsu cũng vậy, trong những giờ phút bi thảm nhất của cuộc thương khó, Ngài đã cảm nhận cô đơn và bị bỏ rơi, vì Ngài vừa liên đới với thân phận tội nhân phản nghịch, lại vừa luôn sống hiệp thông mật thiết với Chúa Cha và luôn tìm theo ý Chúa Cha.
-     Liên kết với Chúa, chúng ta tìm được sức mạnh để vượt quá những giằng co đó.
Nơi nào có oán ghét hận thù
Xin giúp con xây dựng tình thương.
Nơi nào có khinh khi nhục mạ,
Xin giúp con mang lại thứ tha.
Nới nào có mâu thuẫn bất đồng,
Xin giúp con nên người hòa giải.
Nơi nào có giả dối sai lầm,
Xin giúp con rao truyền chân lý.
Nơi nào có hoài nghi ngờ vực,
Xin giúp con củng cố đức tin.
Nơi nào có nản chí sờn lòng,
Xin giúp con gieo niềm hy vọng.
Nơi nào có bóng tối mây mù,
Xin giúp con khai nguồn ánh sáng.
Nơi nào có u sầu buồn bã,
Xin giúp con đem lại an vui.
            Lời cầu Kinh Sáng thứ bảy Tuần II.
__________
Chú thich
[368] Bài đọc 2 Kinh Sách thứ Tư tuần XII TN.
[369] John Paul II, Pastores Dabo Vobis …, ibid., no. 12
[370] Vatican, January 22, 2002, “The Church is waiting for the Total Respect of its Autonomy”
[371] CBCP, The Philippine Program of Priestly Formation 1972 … ibid, p.99
[372] Synod of Bishops 1971, The Ministerial Priesthood, part two, II: Priests in the communion of the Church: 1. Relations between priests and bishop.
[373] Sắc lệnh chức vụ và đời sống linh mục số 14,5.
[374] x. Paul VI, Sacerdotalis Caelibatus số 59.