Đức tin công giáo không
trái nghịch với lý trí. Trái lại nó kiếm tìm sự hiểu biết, nó được thao luyện với
lý trí, nó suy tư, mời gọi suy tư và nâng đỡ khoa học để mưu cầu thiện ích của
con người.
Đức Thánh Cha Biển Đức
XVI đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham
dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ tư 21-11-2012 trong đại thính đường
Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ Đức
Thánh Cha đã tiếp tục khai triển đề tài giáo lý về đức tin. Ngài hy vọng Năm Đức
Tin giúp mọi người tái khám phá ra niềm vui của lòng tin, và tìm lại sự hăng
say thông truyền các sự thật đức tin cho tất cả mọi người. Các sự thật ấy diễn
tả biến cố Thiên Chúa gặp gỡ con người, một cuộc gặp gỡ cứu độ và giải thoát thực
hiện các khát vọng hòa bình, tình huynh đệ và tình yêu thương sâu thẳm nhất của
con người.
Đức tin đưa con người tới
chỗ khám phá ra rằng cuộc gặp gỡ của con người với Thiên Chúa trao ban giá trị,
hoàn thiện và nâng cao những gì là chân thiện mỹ hiện hữu nơi con người. Trong
khi Thiên Chúa tự mạc khải và để cho mình được hiểu biết, con người biết Thiên
Chúa là ai, và khi hiểu biết Thiên Chúa con người khám phá ra chính mình, khám
phá ra cội nguồn, vận mệnh, sự cao cả và phẩm giá cuộc sống của mình. Đức Thánh
Cha giải thích thêm về đức tin như sau:
Đức Tin cho phép một sự
hiểu biết đích thật lôi cuốn toàn con người: đó là một sự hiểu biết trao ban
hương vị cho cuộc sống, một việc hưởng nếm mới mẻ sự hiện hữu, một kiểu sống
tươi vui trong thế giới. Đức tin được diễn tả ra qua việc trao ban chính mình
cho tha nhân, trong tình huynh đệ khiến cho con người liên đới với nhau, có khả
năng yêu thương, chiến thắng sự cô đơn làm cho con người buồn sầu. Nhưng sự hiểu
biết này về Thiên Chúa qua đức tin không phải chỉ là trí tuệ mà sống động. Đó
là sự hiểu biết Thiên Chúa Tình Yêu, nhờ chính tình yêu của Người. Thế rồi tình
yêu của Thiên Chúa mở mắt và cho phép hiểu biết tất cả thực tại, vượt qúa các
viễn tượng trang nghiêm nhất của chủ nghĩa cá nhân và khuynh hướng chủ quan
đánh lạc hướng các lương tâm. Vì thế sự hiểu biết Thiên Chúa là kinh nghiệm đức
tin và đồng thời bao gồm một lộ trình trí thức và luân lý: được đánh động trong
chiều sâu bởi sự hiện diện của Thần Khí Đức Giêsu nơi chúng ta, chúng ta thắng
vượt các chân trời của sự ích kỷ và rộng mở cho các giá trị đích thật của cuộc
sống.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức
Thánh Cha đã giải thích cái lý sự của niềm tin nơi Thiên Chúa. Ngay từ đầu truyền
thống công giáo đã khước từ khuynh hướng duy tín, là ý muốn tin chống lại lý
trí. ”Tôi tin vì nó vô lý” không phải công thức diễn tả đức tin công giáo. Thật
ra Thiên Chúa không vô lý, nếu có thì là mầu nhiệm. Và mầu nhiệm thì lại không
phải là vô lý, mà là sự qúa đầy tràn ý nghĩa và sự thật. Nếu khi nhìn mầu nhiệm,
lý trí thấy tối đen, thì không phải vì trong mầu nhiệm không có ánh sáng, mà bởi
vì nó có qúa nhiều ánh sáng. Cũng thế, khi mắt con người hướng thẳng vào mặt trời
để nhìn, thì chỉ thấy bóng tối; nhưng ai nói rằng mặt trời không sáng? Đức tin
cho phép nhìn ”mặt trời” của Thiên Chúa, bởi vì nó là sự tiếp nhận mạc khải của
Người trong lịch sử và nhận được tất cả ánh sáng mầu nhiệm của Thiên Chúa, bằng
cách nhìn nhận phép lạ vĩ đại: Thiên Chúa đã tới gần con người và tự hiến cho sự
hiểu biết của nó, bằng cách hạ mình xuống mức độ lý trí thụ tạo của nó (DV 13).
Đồng thời với ơn thánh
của Người Thiên Chúa soi sáng lý trí, mở nó ra cho các chân trời mới, không thể
đo lường được và vô tận. Vì thế đức tin là một kích thích luôn luôn tìm kiếm,
không bao giờ dừng lại và không bao giờ yên nghỉ trong sự khám phá không cạn kiệt
của sự thật và thực tại. Thật là sai lầm thành kiến của vài tư tưởng gia hiện đại
cho rằng các tín điều đức tin ngăn chặn lý trí con người. Nhưng sự thật lại
trái ngược, như các bậc thầy của truyền thống công giáo đã chứng minh. Thánh
Agostino trước khi hoán cải đã tìm kiếm chân lý với biết bao âu lo, qua mọi triết
lý có sẵn, nhưng thấy tất cả đều không thể thỏa mãn. Cuộc kiếm tìm vất vả của
lý trí là một sư phạm ý nghĩa đối với thánh nhân để gặp gỡ với Chân Lý của Chúa
Kitô. Khi người nói ”hiểu để tin, tin để hiểu” (Discorso 43,9; PL 38,258) là
như thể để kể lại kinh nghiệm cuộc sống của người. Trước Mặc khải của Thiên
Chúa, trí tuệ và đức tin không xa lạ với nhau hay chống lại nhau, nhưng cả hai
đều là các điều kiện giúp hiểu biết ý nghĩa và tiếp nhận sứ điệp đích thật của
nó và tiến đến ngưỡng cửa của mầu nhiệm.
Cùng với biết bao nhiêu
tác giả Kitô khác thánh Agostino là chứng nhân của một đức tin được tập tành với
lý trí, suy tư và mời gọi suy tư. Trong cùng chiều hướng ấy thánh Anselmo sẽ
nói rằng đức tin công giáo, đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, nơi trí tuệ là hành
động nội tại cho việc tin. Nhưng nhất là thánh Toma thành Aquino mới chính là
người đối chiếu với lý trí của các triết gia, bằng cách cho thấy từ việc tháp
nhập các nguyên lý và các sự thật đức tin kitô, phát sinh ra cho tư tưởng con
người biết bao nhiêu sức sinh động mới mẻ của lý trí.
Như vậy đức tin công
giáo có lý lẽ và dưỡng nuôi tin tưởng cả nơi lý trí của con người nữa. Trong Hiến
chế tín lý Dei Filius Công Đồng Chung Vaticăng I đã khẳng định rằng lý trí có
thể hiểu biết sự hiện hữu của Thiên Chúa một cách chắc chắn qua con đường của sự
sáng tạo, trong khi khả thể hiểu biết ”một cách dễ dàng với sự chắc chắn tuyệt
đối và không lầm lẫm” các sự thật liên quan tới Thiên Chúa, dưới ánh sáng của
ơn thánh, (DS 3005) chỉ tùy thuộc đức tin mà thôi. Ngoài ra, sự hiểu biết của đức
tin không chống lại lý trí. Trong Thông điệp ”Fides et Ratio” Đức Chân phước
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tổng hợp như sau: ”Lý trí của con người không biến
thành hư không cũng không bị mất gía trị, khi đồng ý chấp nhận các nội dung đức
tin; trong mọi trường hợp các nội dung đó được đạt đến với sự lựa chọn tự do và
có ý thức” (s. 43). Trong ước muốn chân lý không thể cưỡng lại được chỉ có một
tương quan hài hòa giữa đức tin và lý trí là con đường đúng đắn dẫn đưa tới
Thiên Chúa và sự thành toàn chính mình mà thôi.
Giáo thuyết này có thể
được nhận ra cách dễ dàng trong toàn Thánh Kinh Tân Ước. Khi viết thư cho tín hữu
giáo đoàn Côrintô thánh Phaolô nói rằng: ”Trong khi người Do thái đòi hỏi các dấu
lạ và người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi trái lại loan báo Chúa Kitô
bị đóng đanh là gương mù gương xấu đối với người Do thái, và sự điên dại đối với
dân ngoại” (1 Cr 1,22-23).
Thật thế, Thiên Chúa đã
không cứu rỗi thế giới bằng một hành động quyền năng, nhưng qua sự nhục nhã của
Con duy nhất Người: theo các thước đo của con người trần gian kiểu thực hiện bất
thường của Thiên Chúa trái nghịch với các đòi hỏi của sự khôn ngoan hy lạp.
Nhưng thập gía của Chúa Kitô có một lý do của nó, mà thánh Phaolô gọi là ”lời của
thập giá” (1 Cr 1,18). Ở đây từ logos vừa ám chỉ lời nói vừa ám chỉ lý do, và nếu
nó ám chỉ lời nói, thì bởi vì nó diễn tả bằng từ điều lý trí suy nghĩ. Như vậy,
thánh Phaolô không trông thấy nơi Thập Giá một biến cố vô lý, nhưng một hành động
cứu rỗi có lý lẽ riêng của nó, có thể nhận ra đưới ánh sáng đức tin. Đồng thời
người tin tưởng nơi lý trí con người tới độ kinh ngạc đối với sự kiện nhiều người,
cho dù trông thấy vẻ đẹp của các công trình do Thiên Chúa làm, mà vẫn cứng lòng
không tin nơi Chúa. Thánh Phaolô khuyên tín hữu Roma chiêm ngưỡng các công
trình tạo dựng để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa (Rm 1,20). Còn thánh Phêrô
khích lệ tín hữu thờ lậy ”Chúa Kitô trong trong tâm trí và luôn luôn sẵn sàng
trả lời cho những ai hỏi lý lẽ niềm hy vọng nơi họ” (1 Pr 3,15). Đức Thánh Cha
giải thích tương quan giữa khoa học và đức tin như sau:
Việc tìm tòi khoa học
đưa tới sự hiểu biết sự thật luôn luôn mới mẻ về con người và vũ trụ. Thiện ích
đích thật của nhân loại, có thể đạt tới trong đức tin mở rộng chân trời, trong
đó con đường khám phá của nó phải di chuyển. Do đó cần khuyến khích các nghiên
cứu nhằm phục vụ sự sống và tiêu diệt các bệnh tật. Các tìm tòi nhắm khám phá
ra các bí mật của hành tinh chúng ta và của vũ trụ cũng quan trọng, trong ý thức
rằng con người là tuyệt đỉnh của việc tạo dựng, không phải để khai thác thiên
nhiên một cách vô ý thức mà để canh giữ và khiến cho nó có thể ở được.
Như vậy đức tin không
xung khắc với khoa học, trái lại cộng tác với nó, bằng cách cống hiến các tiêu
chuẩn nền tảng giúp thăng tiến thiện ích của tất cả mọi người, và chỉ yêu cầu
khoa học khước từ các thử nghiệm trái nghịch với chương trình nguyên thủy của
Thiên Chúa và gây ra các hiệu qủa chống lại con người. Nếu khoa học là một đồng
minh qúy báu của đức tin giúp hiểu biết chương trình của Thiên Chúa trong vũ trụ,
thì đức tin cho phép tiến bộ khoa học luôn luôn hiện thực vì thiện ích và sự thật
về con người, bằng cách trung thành với chính dự án ấy. Đó là lý do định đoạt để
con người rộng mở cho đức tin, hiểu biết Thiên Chúa và chương trình cứu độ nơi
Đức Giêsu Kitô. Trong Tin Mừng khai mào một thuyết nhân bản mới, một ”văn phạm”
đích thật của nhân bản và sự thật.
Đức Thánh Cha đã chào
tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhân ngày 21 tháng 11, lễ Đức Mẹ dâng
mình vào Đền Thánh, là Ngày của các nữ tu dòng Kín, ngài đã bầy tỏ sự gần gũi với
các chị và kêu gọi mọi người hỗ trợ các chị trên bình diện vật chất cũng như
tinh thần.
Sau cùng Đức Thánh Cha
cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người
Linh Tiến Khải