LỄ CHÚA KITÔ VUA
“Chúng ta sẽ bị xét
xử về việc chúng ta đã phục vụ Chúa Kitô như thế nào nơi kẻ bé mọn nhất hiện
đang sống giữa chúng ta.”
Trong cuốn sách
của mình nhan đề: The Christian Vision (Thị kiến của người Kitô hữu) John
Powell có kể lại một truyền thuyết xưa kia của Ái Nhĩ Lan. Truyền thuyết này
nói về thời còn các vị vua đang cai trị Ái Nhĩ Lan.
Ngày xưa, có một
vị vua đương cai trị không có con nối dõi ngai báu. Vì thế, ngài truyền sứ giả
ghi lên các tấm biển nơi mỗi thành phố và làng mạc trong vương quốc, để mời gọi
những người đàn ông ưu tú đến cho Ðức vua phỏng vấn.
Ðức vua làm thế
với hy vọng có thể chọn được một người kế vị trước khi Ngài chết. Hai đặc tính
tiêu chuẩn đặc biệt được ngài nhấn mạnh là kẻ ấy phải có lòng mến
Chúa yêu người sâu sắc. Anh thanh niên là vai chính trong câu chuyện truyền thuyết này nhận thấy
mình có một trong các điều kiện đòi hỏi, vì thực sự anh ta rất mến Chúa yêu người.
Anh ta cảm thấy từ thâm sâu nội tâm có tiếng thúc giục anh đi dự cuộc phỏng vấn.
Nhưng anh lại quá nghèo đến mức chẳng có quần áo tươm tất để mặc đi dự phỏng vấn
và cũng chẳng có tìên mua thực phẩm cho cuộc hành trình xa xôi đến cung điện đức
vua. Vì thế anh thanh niên này đã cầu nguyện xin ơn soi sáng cho vấn đề. Cuối
cùng anh quyết định đi ăn xin quần áo và lương thực cần thiết. Khi mọi sự đã sẵn
sàng anh bắt đầu lên đường.
Sau một tháng
du hành, ngày nọ anh thanh niên này đã nhìn thấy cung điện đức vua. Anh ta ngồi
xuống trên ngọn đồi phía xa. Ngay lúc đó anh trông thấy một ông lão ăn mày
nghèo khổ ngồi bên vệ đường. Ông cụ chìa tay ra xin anh giúp đỡ. Giọng nói ông
ta thật yếu ớt:
-
Tôi đói và lạnh quá, cậu có thể cho tôi cái
gì mặc cho đỡ lạnh và ăn cho đỡ đói không?
Anh thanh niên
nhìn ông già lòng tràn đầy xúc động. Và liền cởi bộ đồ ấm áp mặc ngoài của mình
đổi lấy tấm áo cũ tơi tả của ông già ăn xin, đồng thời cũng cho lão ta phần lớn
lương thực dự trữ mang theo trong túi xách dành cho chuyến trở lại về nhà. Thế
rồi, lòng hơi ngài ngại anh thanh niên bước tới cung điện trong bộ đồ rách nát
và lương thực mang theo không đủ cho chuyến trở về. Khi anh ta đến lâu đài, đám
lính gác chận anh ta lại tại cổng và dẫn anh đến khu vực dành cho du khách. Sau
một thời gian chờ đợi lâu, anh ta được dẫn tới diện kiến đức vua.
Ðến trước bệ rồng
anh thanh niên liền gập sâu người xuống cúi chào. Khi ngước thẳng lên nhìn anh
ta không thể nào tin nổi mắt mình và thốt lên:
-
Té ra ngài chính là ông lão ăn xin bên vệ
đường!
Ðức vua đáp:
-
Ðúng thế.
Anh thanh niên
liền hỏi:
-
Tại sao ngài lại làm điều ấy đối với kẻ tiện
dân này?
Ðức vua trả lời:
-
Bởi vì Trẫm muốn thử xem ngươi có thật lòng
mến Chúa yêu người không?
Dù đây là một
câu chuyện giả tưởng, nhưng chủ điểm của nó rất là vững chắc. Đây cũng chính là
chủ điểm mà các bài đọc hôm nay, đặc biệt là bài Phúc âm nêu ra. Chủ điểm ấy
là:
Vào ngày cuối đời,
tất cả chúng ta sẽ bị xét xử về việc chúng ta
đã phục vụ Chúa Kitô Vua như thế nào nơi kẻ hèn mọn nhất trong anh chị em chúng ta. Hãy nhớ lại những
lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc âm: "Ðoạn
đức vua sẽ nói “Xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống,
Ta là khách lạ các ngươi đã đón tiếp Ta vào nhà, Ta đau ốm bệnh hoạn các ngươi
đã chăm sóc Ta.” Bây giờ đám người công chính sẽ thưa với Ngài: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con thấy
Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống đâu? Ðức vua sẽ đáp lại: "Ta nói cho
các ngươi hay, bất cứ khi nào các ngươi làm điều này cho một trong những anh em
bé mọn nhất trong các ngươi tức là các ngươi đã làm cho chính Ta đó.”
Ðể cụ thể hơn
chủ điểm trong các lời Chúa Giêsu nói đó, một giáo sư ở Chicago đã hỏi các sinh
viên của mình: "Lần mới đây nhất mà
các bạn giúp đỡ kẻ túng thiếu là lúc nào?” Sau đây là các câu trả lời của
ba sinh viên:
-
Vào bữa thứ sáu tôi đang ở trên chiếc xe buýt đường Roosevelt thì có một
ngươiì đàn ông mang lên xe một vài chiếc hộp cồng kềnh. Tôi liền nhường cho ông
ta chỗ ngồi. Ông ta từ chối nhưng lại yêu cầu tôi giữ giùm ông ta vài chiếc hộp.
Tôi đồng ý và ông tỏ ra rất biết ơn.
-
Hai tuần trước đây, tôi đang ngồi trên một chiếc xe buýt cạnh một bà dở
hơi. Bà ta muốn kiếm người nói chuyện vì thế tôi đã cư xử tử tế với bà và lắng
nghe bà nói.
-
Tôi chẳng thể nào nhớ được tôi đã có giúp đỡ ai đó vào một lúc nào không.
Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ về điều này, hẳn là đã lâu quá rồi nên tôi không thể
nhớ được, có lẽ có một điều gì trục trặc nơi con người tôi, có lẽ tôi đã làm
ngơ nhắm mắt trước những kẻ thiếu thốn.
Chúng ta có thể
tự vấn mình về chính câu hỏi vị giáo sư đặt ra cho các sinh viên: "Lần mới đây nhất mà chúng ta giúp kẻ
khốn khó là vào lúc nào?" Chúng ta sẽ trả lời ra sao? Liệu chúng ta có
sẽ trả lời giống hai sinh viên trên hay là giống anh sinh viên thứ ba là kẻ
không thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ kẻ khốn khó cách đây bao lâu? Chẳng hạn vấn đề
giúp đỡ những kẻ khác trong gia đình chúng ta. Lần mới đây nhất mà chúng ta tự
nguyện giúp đỡ họ một điều gì đó, vào lúc nào? Rồi đến láng giềng, và dân chúng
trong giáo xứ này, lần mới đây nhất mà chúng ta bước tới gíup đỡ cho họ khi họ
cần, là vào lúc nào? Tại sao chúng ta không mở rộng lòng mình hơn cho những kẻ
đau khổ, cô đơn, túng thiếu, bất chấp họ là ai và sống ở đâu? Kể từ hôm nay,
chúng ta nên làm điều gì để thay đổi ngay lập tức sự thiếu sót ấy.
Các bài đọc hôm
nay nhằm kết thúc năm phụng vụ của Giáo Hội. Trong số tất cả bài đọc của năm phụng
vụ này ít bài nào chứa đựng một sứ điệp quan trọng hơn sứ điệp hôm nay. Sứ điệp
này sở dĩ quan trọng đến thế là vì nó liên quan đến những gì chúng ta sẽ bị xét
xử vào lúc cuối cuộc đời của chúng ta.
Chúng ta sẽ bị
xét xử về cách thức chúng ta đã phục vụ Ðức Kitô nơi kẻ hèn mọn trong chúng ta
như thế nào. Tôi xin kết thúc bằng vài hàng trích dẫn từ bài thơ của Brewer
Matlocks như sau:
Có cha xứ một dòng khổ tu nọ
thường leo cao trên nóc giáo đường
hầu gần Chúa hơn để mang lời Chúa
xuống
đám dân trong xứ của ngài.
Ngày nọ bỗng ngài được nghe tiếng
Chúa
khi ngài kêu từ nóc giáo đường:
Chúa
ở đâu Chúa hỡi, Chúa ở đâu?
Và Chúa đã đáp lời:
Xuống đi, Ta ở giữa đám dân Ta đó
Nhân
danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Lm. Mark Link,
SJ