Tốt
lành và nhân lành
Chàng thanh niên (Mt 19,20) hay một thủ lãnh (Lc 18,18) được
nói tới trong giai thoại này chắc hẳn là một người tốt và gương mẫu theo tiêu
chuẩn Do Thái, điển hình là từ thuở nhỏ anh đã giữ trọn mọi điều răn. Nếu thế,
anh tìm gì khi tới gặp đức Giê-su, điều mà anh gọi là ‘được sự sống đời đời làm
gia nghiệp”? Trong thâm tâm có lẽ anh đã ngờ ngợ: tốt thôi là chưa đủ? Anh là
người đầu tiên đã chủ động thưa với Đức Giê-su là ‘Thầy nhân lành’.
Theo dõi cuộc dối thoại giữa Đức Giê-su và người thanh niên,
Ki-tô hữu chúng ta phân biệt được một điều căn bản: tốt-lương thiện và nhân
lành là hai điều hoàn toàn khác nhau. ‘Tốt lành’ thuộc lãnh vực con người, lãnh
vực Cựu Ước nhờ nắm giữ trọn các điều răn, còn ‘nhân lành’ hoàn toàn thuộc lãnh
vực Thiên Chúa. “Không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”, Đức Giê-su khảng
định. Biện phân này giúp ta hiểu được cái mới mẻ, và rất mực độc đáo của Tin Mừng.
Tất cả tùy thuộc vào việc ta hiểu ‘được sự sống đời đời làm gia
nghiệp’ như thế nào: phải chăng là được lên thiên đàng, khỏi phải sa hỏa ngục?
‘Được sự sống đời đời làm
gia nghiệp’ = được lên Thiên Đàng. Phần nhất trong lời giải đáp của Đức Giê-su
có vẻ như tập trung vào quan niệm này. Thiên đàng, nếu được hiểu là phần thưởng
dành cho kẻ tốt-lương thiện, thì chỉ cần không phạm tội là đủ được vào. Kẻ xấu
sẽ không được vào thiên đàng, ta thường nghĩ thế. Tốt lành thuộc lãnh vực luân
lý. Xã hội nào thì cũng phân loại kẻ tốt người xấu, tùy vào tiêu chuẩn xã hội
đó đề ra. Trong xã hội Do Thái thời Cựu Ước, kẻ tốt rõ ràng là người tuân giữ
căn kẽ các giới răn và lề luật. Hiểu như thế thì vào thời buổi nào và ở nơi đâu
cũng có người có thể lên thiên đàng cả. Căn cứ tiên chuẩn này thì chàng thanh
niên trong cuộc chắc hẳn sẽ được lên thiên đàng thôi. Hệ luận của lối suy nghĩ
này sẽ là: Tin Mừng không nhất thiết là cần, và ơn cứu chuộc của Đức Ki-tô là
không thiếu yếu.
‘Được sự sống đời đời làm
gia nghiệp’ = vào Nước Thiên Chúa. Trong phần hai của câu giải đáp, hình như Đức
Giê-su muốn triển khai khái niệm này. Người khẳng định: chỉ một mình Thiên
Chúa, chứ không ai khác, là ‘nhân lành’. Điều đó có nghĩa là tự mình không một
ai, dầu tốt lành tới đâu, có thể vào được Nước ấy. Nhân lành không thuộc lãnh vực
tự nhiên, mà là thần linh. Thiên Chúa dĩ nhiên là vô cùng tốt lành; Ngài là
chân thiện mỹ. Điều này thì nhờ suy luận triết học con người cũng có thể biết
được: Deus bonum est… Đức Giê-su đến trần gian không để nói về sự tốt lành hay
thánh thiện của Thiên Chúa. Điều Người muốn mạc khải là Thiên Chúa nhân ái cứu
độ. Theo Người, Nước Thiên Chúa trước hết phải là vương quốc của nhân ái. Nói
cách khác, sự thánh thiện đạo đức của vương quốc đó chính nhân lành của từ ái
xót thương.
Người thanh niên tuy có tốt lành thánh thiện theo tiêu chuẩn Do
Thái, nhưng chưa có lòng nhân ái của Tin Mừng. “Hãy đi bán những gì anh có mà
cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”. Hai tiêu chuẩn của nhân lành là: chấp
nhận Tin Mừng Đức Ki-tô và sống chan hòa với tha nhân. Không đạt hai chuẩn này
nên ‘chàng buồn rầu bỏ đi’. Các môn đệ Đức Giê-su sẽ phải học biết nhân ái Tin
Mừng nhờ đi vào con đường thập giá theo Thầy và từ bỏ mọi sự . Như vậy ơn gọi
Ki-tô hữu của tôi, và của mọi tín hữu, hệ tại ở sống Tin Mừng bác ái theo Thầy
nhân ái, hơn là chỉ lo sống tốt-lương thiện qua việc giữ trọn các điều răn Chúa
và Giáo Hội.
Chính tôi sẽ sống, đồng thời dạy giáo dân sống thế nào, để chúng
tôi sẽ bảo đảm ‘được sự sống đời đời làm gia nghiệp’? Đó là một câu hỏi mục vụ
thật quan trọng!
Lạy Cha là chân thiện mỹ! Hôm này Cha dạy con biết nhân ái là điều
còn cao quí hơn chân thiện mỹ cả ngàn lần. Vì phải cần tới Lời - Con Một Cha mạc
khải, con mói biết được điều này. Xin cho con biết sống nhân ái như giá trị lớn
nhất làm cho con nên giống đức Ki-tô Con Cha, và sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh
để trở thành nhân ái như Cha trên trời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB