TIỀN CỦA – CHIA SẺ
Có một người giàu có kia thường đến xưng tội với thánh
Phi-líp-phê Nê-ri. Ông có nhiều tiển của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy
mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất
vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa. Thấy
ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi
trò chuyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá treo trên tường, ngài cân nhắc độ cao của
Thánh giá rồi đề nghị với người đàn ông giàu có: “Ông là người cao lớn, ông thử
với coi có tới Thánh giá không?”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng
không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ thánh Phi-lip-phê
dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng
lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ông làm theo ý thánh nhân và sờ
được Chúa Giêsu trên Thánh giá.
Sau đó ngài nói với ông: “Để có thể nắm lấy được
Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng
trên tiền bạc của cải”.
Câu truyện trên phần nào tương tự như câu truyện trong bài Tin Mừng.
Một thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu: làm sao vừa có được đời sống giàu
sang sung sướng lại vừa được sống đời đời? Chúa thông cảm, nhìn anh một cách
trìu mến, vì thấy anh là một thanh niên mà đã biết nghĩ đến đời sống trọn lành,
đã biết lo lắng cho cuộc đời mai sau.
Sở dĩ anh hỏi Chúa Giêsu như vậy là vì anh muốn làm môn đệ của
Chúa. Anh nghĩ anh đã giữ được sáu điều răn của Chúa rồi: không giết người, không
ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt ai, không bất
hiếu với cha mẹ. Vậy anh còn thiếu điều gì nữa? Chúa bảo anh hãy về bán hết của
cải, không phải để cất giấu dành dụm, nhưng là đem chia sẻ cho người nghèo. Đối
với Chúa, đó là điều kiện cho riêng anh để được trọn lành và làm môn đệ của
Ngài. Nhưng điều kiện này anh lại không chấp nhận được vì anh có nhiều của cải,
nên anh buồn bã rút lui. Đại bàng muốn cất cánh lên mây xanh, nhưng đã bị xiềng
xích. Của cải vật chất đã xiềng anh ta lại mất rồi. Rõ ràng giữa Chúa và của cải,
giữa đời sống trọn lành và tiền của, anh đã chọn của cải, chọn tiền của.
Qua trường hợp anh thanh niên này, Chúa Giêsu nghĩ tới tất cả những
người bị xiềng xích như anh, nên Chúa nói với các môn đệ: “Các con ơi, vào được
nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người
giàu vào Nước Thiên Chúa”. Chúa nói đến nỗi khó chung của mọi người để vào nước
Thiên Chúa rồi mới nói đến nỗi khó đặc biệt của người giàu. Đây chỉ là một kiểu
nói sánh ví thôi, để chỉ một việc rất khó thực hiện, như những câu nói của Việt
nam: “Lấy đá vá trời”, “Tát bể đông cũng cạn”. Đây là kiểu nói nhấn mạnh để in
sâu vào tâm trí người nghe và làm nổi bật nỗi khó của người giàu. Tại sao có
nhiều của cải, có nhiều tiền của lại khó vào nước trời?
Ai ai cũng công nhận rằng: của cải cần thiết cho đời sống con
người. Của cải sẽ đem lại cho con người nhiều hạnh phúc hơn. Cả tây phương lẫn
đông phương đều có chung quan niệm: bao tử đi trước, đầu óc theo sau; có thực mới
vực được đạo; hoặc cần phải ăn trước đã, kế đến mới suy tư, triết lý. Tiền của
cần thiết như thế nên Chúa Giêsu không bao giờ lên án tiền của hay người có tiền
của, tức là người giàu. Ngài biết con người cần phải có tiền của để sống xứng
đáng với cuộc sống của mình. Ngài biết “đồng liền liền khúc ruột”, cần có tiền
để sống, để giữ đạo nữa. Sự túng thiều, bần cùng là một sự dữ, loài người không
ai muốn, thì Chúa cũng không muốn con cái Ngài phải vướng mắc vào. Tuy nhiên,
tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi: được sử dụng như một phương tiện,
tiền của sẽ giúp cho chúng ta sống đúng với phẩm giá của mình hơn. Trái lại,
khi chúng ta chạy theo tiền của như cứu cánh cho cuộc đời mà quên đi những giá
trị khác trong cuộc sống, nhất là những giá trị thiêng liêng, tinh thần thì nó
sẽ làm cho chúng ta bị phá sản về vật chất cũng như tinh thần. Sự ham mê tiền của
dễ làm cho người ta ra đen bạc, khó vào nước trời.
Nói rõ hơn, tiền của tự nó tốt và giúp ích cho con người. Nó chỉ
xấu và có hại khi đem sử dụng vào những mục tiêu xấu. Đúng vậy, vì tiền của,
người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời. Vì tiền của, người ta có thể chà đạp
phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì tiền của, người ta có thể chối bỏ
niềm tin. Vì tiền của, người ta có thể phớt lờ luôn cả tiếng lương tâm. Vì tiền
của, người ta có thể làm những điều bất chính, tội lỗi…Đó là nguy cơ mà bất cứ
ai cũng có thể rơi vào. Và người nào ham mê tiền của đến quên cả Chúa và quên cả
anh em, thì đó chính là thứ lạc đà đứng trước lỗ kim, đó chính là người khó vào
nước trời.
Anh thanh niên giàu có đã từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu.
Anh không dám từ bỏ mọi sự để đi theo làm môn đệ Chúa. Tin Mừng lại cho biết:
các tông đồ chính là những người đã đáp lại lời mời gọi ấy. Ông Phêrô đã nói lên
điều đó như một niềm hãnh diện: “Còn chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Theo
bản văn Tin Mừng Mác-cô thì ông Phêrô chỉ nêu lên thực trạng đó thôi, ông không
đòi hỏi gì và cũng không xin xỏ gì. Nhưng trong Tin Mừng Mát-thêu thì lại cho
biết ý của ông Phêrô muốn hỏi: “Vậy chúng con sẽ được cái gì?”. Vì thế, nhân dịp
này Chúa đã giải đáp một thắc mắc ngấm ngầm trong lòng các môn đệ. Việc các ông
tranh giành ngôi thứ với nhau chứng tỏ các ông vẫn băn khoăn về chuyện các ông
sẽ được cái gì. Không riêng gì ông Phêrô hay các môn đệ mà người tín hữu nào
cũng có lúc thắc mắc như thế: chúng ta đi đạo, chúng ta tin Chúa, chúng ta sẽ
được cái gì?
Chúa Giêsu bảo chúng ta: hãy dùng tiền của và cư xử cách nào để
đem lại ích lợi cho cuộc sống hôm nay và đồng thời cũng đầu tư cho cuộc sống
vĩnh cữu mai sau nữa. Một phương thế Chúa dạy là: hãy chia sẻ. Chúa không đòi
chúng ta phải từ bỏ tất cả để theo Chúa, nhưng Chúa đòi chúng ta phải biết chia
sẻ: chúng ta chia sẻ cho người khác một, Chúa sẽ trả lại cho chúng ta gấp nhiều
lần hơn. Bởi vì một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa
chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Đôi
môi có hé mở mới thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm
hồn mới tràn ngập vui sướng. Về mặt thiêng liêng cũng thế, chúng ta cho đi
chúng ta sẽ được nhận lại. Chúng ta càng chia sẻ, chúng ta càng nhận lãnh trở lại
nhiều hơn, nhất là Chúa sẻ trả lại nhiều hơn cho chúng ta ở đời sau.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP