Sức khỏe _ chân không chịu nghỉ


CHÂN KHÔNG CHỊU NGHỈ
Có những buổi chiều, sau một ngày làm việc, về nhà ngồi nghỉ thì nhiều người thấy có một cảm giác khó chịu khác thường ở bắp chuối nó thôi thúc họ phải cử động để hết khó chịu đó.  Hoặc ban đêm khi nằm ngủ thì luôn luôn phải để bắp chân ở ngoài chăn chứ nếu không thì chân cứ bứt rứt làm sao ấy. Họ ở trong một hoàn cảnh gọi là Hội chứng Chân Không Chịu Nghỉ, mà tiếng Anh gọi là Restless Leg Syndrome.
Tóm lược
Gọi là hội chứng vì rối loạn gồm có một số dấu hiệu triệu chứng tìm ra do quan sát lâm sàng  chứ không phải là một diễn tiến có căn bản bệnh học.
Hội chứng được giáo sư người Thụy Điển KarlAxel Ekbom diễn tả vào năm 1945 như là một bệnh trong đó bệnh nhân thấy như có kiến bò châm chích ở bắp chuối. Tuy nhiên, cho tới nay hội chứng vẫn chưa hoàn toàn được giải thích tường tận.
Hội chứng xẩy ra ở cả nam lẫn nữ nhưng nữ gấp đôi nam. Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng nhiều hơn là từ tuổi trung niên tới trưởng thành.
Theo  National Institute of  Neurological Disorders and Stroke- National Institutes of Health, 2/3 người trưởng thành tại Hoa Kỳ có thể bị rối loạn này trong đó có khoảng 5 triệu trong tình trạng trầm trọng. Trẻ em ở tuổi đi học cũng có khoảng 1 triệu em bị bệnh. Bệnh nhân nhiều khi không tìm điều trị vì cho là không quan trọng hoặc do stress, mất ngủ, đau  xương khớp hoặc vì tuổi già.
Trên 80% người bị RLS cũng bị chứng dựt chân trong khi ngủ, tiếng Anh gọi là periodic limb movement of sleep (PLMS): cơ dựt từ 5-10 giây, lập đi lập lại suốt đêm khiến cho họ mất ngủ.
Dấu hiệu
Đa số bệnh nhân diễn tả dấu hiệu của bệnh như sau:
-     Mỗi lần ngồi bất động một thời gian lâu như là trên máy bay, trong xe hơi, coi hát bóng là tôi có cảm giác như có cái gì nó bò trong chân, hơi  buồn buồn, giựt giựt, đau đau, ngứa ngứa rất là khó chịu.
-     Điều lạ là khi tôi hơi cử động nhúc nhích chân một chút như là duỗi chân, đứng dậy đi lại thì cảm giác này biến mất.
-     Cảm giác khó chịu này hầu như không có hoặc rất ít vào ban ngày nhưng cứ tới ban đêm là tái xuất hiện gây ra phiền phức nhiều hơn.
-     Cảm giác thường thấy nằm sâu ở bắp chuối, giữa đầu gối và cổ chân, đôi khi ở đùi, bàn chân hoặc cánh tay. Có thể ở một hoặc hai chân.
-     Mỗi khi bực tức, căng thẳng thì triệu chứng bệnh rõ ràng hơn.
-     Cơn khó chịu kéo dài cả giờ đôi khi lâu hơn.
-     Khi nằm ngủ ban đêm là tôi phải để chân ở ngoài chăn, vì nếu chân nóng là khó chịu lại xuất hiện. Có khi đang ngủ tôi bị rối loạn đánh thức dậy và phải tung chăn ra ngoài.
-     Không bao giờ tôi gặp hoàn cảnh như vậy khi tôi đứng lâu hoặc bận rộn làm việc.
Các nhà chuyên môn phân tích các cảm giác bất thường hoặc vừa bất thường vừa khó chịu như là các creeping, crawling, tingling, pulling, twitching, tearing, aching, throbbing, prickling, or grabbing. Vì cảm giác này cho nên nhiều người không đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ ngon giấc được.
Nguyên nhân gây bệnh
Trong đa số các trường hợp, nguyên nhân gây ra RLS chưa được xác định rõ ràng. Sau đây là một số nguyên nhân được nêu ra:
-     Nhiều nghiên cứu cho hay RLS có tính cách thừa kế gia đình: nếu cha mẹ bị bệnh thì con cái có tới 50% nguy cơ cũng bị bệnh đặc biệt là khi bệnh xuất hiện ở tuổi thiếu thời.
-     Có nghiên cứu cho hay RLS gây ra do sự rối loạn của chất dẫn truyền thần kinh dopamine, đưa tới những cử động không tự chủ của cơ bắp, tương tự như trong trường hợp bệnh liệt rung Parkinson.
-     Bệnh nhân tiểu đường, suy thận, rối loạn dây thần kinh ngoại vi cũng hay bị RLS.
-     Một số dược phẩm có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn, như là thuốc trị bệnh rối loạn tâm trí haldol, trầm cảm, thuốc chống dị ứng…
-     Phụ nữ có thai ở giai đoạn cuối, nhưng sau khi sanh thì rối loạn không còn nữa.
-     Uống nhiều rượu hoặc thiếu ngủ cũng khiến cho RLS trở nên khó chịu hơn.
Định bệnh
Cho tới nay, chưa có xét nghiệm nào để xác định bệnh. Chẩn đoán bệnh căn cứ vào diễn tả của bệnh nhân về các dấu hiệu, thời gian dấu hiệu xuất hiện và bệnh nhân làm gì để giải tỏa nỗi khó chịu. Có 4 tiêu chuẩn để kết luận:
-     Rối loạn trầm trọng vào ban đêm trong khi đó ban ngày thì bình yên vô sự;
-     Bệnh nhân thấy có một thôi thúc cần phải nhúc nhích chân đó để bớt khó chịu;
-     Động lực tạo ra rối loạn là sự nghỉ ngơi, thư giãn hoặc giấc ngủ
-     Dấu hiệu biến mất khi nhúc nhích cử động chân.
Điều trị
Chưa có điều trị dứt bệnh mà chỉ tìm phương thức giảm bỏ những cảm giác khó chịu của người bệnh chẳng hạn như
-     cử động chân mỗi khi dấu hiệu xuất hiện;
-     thay đổi nếp sống như giảm tiêu thụ rượu, cà phê, thuốc lá;
-     nếu xét nghiệm máu thấy thiếu sắt, magnesium, folic acid thì dùng thêm;
-     tìm ra những rủi ro có thể gây bệnh thì chữa như suy thận, viêm dây thần kinh ngoại vi;
-     vận động cơ thể, massage chân bị bệnh.
Bác sĩ có thề dùng một số dược phẩm để trị bệnh, như là thuốc thuộc nhóm dopamine trị bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm, chống kinh phong, thuốc thư giãn giúp ngủ ngon .
Tiên lượng
Bệnh sẽ kéo dài có khi suốt đời và hầu như không chữa dứt. Tuy nhiên bệnh không gây ra nguy hiểm tới tính mệnh. Có chăng chỉ là những đêm mất ngủ khiến cho sinh hoạt ban ngày chịu ảnh hưởng đôi khi đưa tới giảm hiệu năng làm việc.
Thay đổi nếp sống
Với một nỗi khó chịu dai dẳng làm khó cho mình, đôi khi bệnh nhân cần áp dụng một nếp sống thích nghi hòa hợp với bệnh đồng thời giảm khó chịu do bệnh gây ra.
Bệnh nhân có thể:
-     Dùng thuốc để giảm cơn đau khó chịu như ibuprofen, Tylenol…;
-     Tắm và msassage cơ bắp xương cốt để tránh cơ căng co dựt;
-     Thực hành thư giãn tâm thân với thiền, yoga;
-     Sắp đặt để có giấc ngủ bình an, tránh mệt mỏi ban ngày.
-     Tùy nghi chườm nóng hoặc lạnh nếu thấy giúp giảm đau, khó chịu.
-     Vận động cơ thể để cơ thư giản, khớp trơn tru
-     Cắt giảm rượu, cà phê, thuốc lá hoặc các chất kìch thích thần kinh.
Làm sao để biết tôi bị RLS
Vì hội chứng khá mơ mồ phức tạp, cho nên nhiều người cứ thắc mắc là như vậy làm sao tôi biết có bị chứng Chân Không Chịu Nghì này. Thì các nhà chuyên môn đề nghị quý vị trả lời các câu hỏi sau:
-     Khi ta ngồi hoặc nằm, ta có một thôi thúc phải cử động chân không?
-     Thôi thúc đó có rất khó  mà cưỡng lại không?
-     Thôi thúc đó có thường xuất hiện trong khi nghỉ hoặc ngồi im?
-     Cử động chân có làm giảm khó chiụ đó không?
-     Rối loạn đó có thường xảy ra vào ban đêm không?
-     Ta có làm bạn đồng sàng thức giấc vì các cử động chân của mình?
-     Có bao giờ ta có những cử động ở chân không chủ động khi ta thức?
-     Ta có mỏi mệt hoặc không tập trung trong công việc vào ban ngày?
-     Trong gia đình có ai bị rối loạn này không?
-     Có phải sau khi bác sĩ khám bệnh, bác sĩ không tìm thấy một nguyên nhân thể chất nào phải không?
Nếu đa số câu trả lời là CÓ thì bạn có thể bị hội chứng Chân Không Kiên nhẫn.
Kết luận
Các nhà chuyên môn y học đều có chung ý kiến rằng Hội chứng Chân Không Chịu Nghỉ là một hoàn cảnh có thể kéo dài suốt cuộc đời người bệnh. Tuy nó không đưa tới nguy hiểm tới tính mạng nhưng cũng gây ra khó chịu cho đời sống: giấc ngủ không êm đềm lại quá ngắn, ban ngày mỏi mệt, kém sinh lực, lúc nào cũng có thôi thúc cất bước cử động chân cẳng, rồi buồn bực trầm cảm gắt gỏng mất vui.
Vì vậy Restless Leg Foundation đã đưa ra hướng dẫn như sau để bệnh nhân tùy nghi áp dụng, gọi là làm sao chung sống với bắp chân thường xuyên muốn lao động của mình:
-     Chia sẻ khó khăn của mình cho bạn bè thân nhân để họ thông cảm hỗ trợ khi mình phải thường xuyên đi qua đi lại, khi không ngọ nguậy đôi chân;
-     Khi thấy cần cử động thì cứ cử động, đừng cưỡng lại: cử động để bớt khó chịu thì mình cứ làm. Hoặc đang đêm thức giấc khó chịu muốn bước vài bước thì  cứ đứng dậy mà đi hoặc làm một công việc nào đó. Hết khó chịu là lại vào giường, ngủ khò.
-     Có khi phải nâng cao bàn làm việc để có thể đứng khi đọc hoặc đánh máy;
-     Bắt đầu buổi sáng với sthreching và massage nhẹ nhàng cơ thể giúp thư giãn, giảm co căng cơ khớp;
-     Tìm kiếm hỗ trợ từ bạn bè, nhóm đồng bệnh tương lân và nhân viên y tế.
Xin hãy áp dụng lời khuyên này, có khi lại có kết quả tốt.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ