TỪ KHỔ GIÁ ĐẾN ÁNH SÁNG VINH QUANG
Suy tôn Thánh Giá Chúa không phải là hành động
tôn vinh một xác chết rũ rượi, nhưng là tôn vinh chính thân xác bị treo tòng
teng ấy đã phục sinh và đang hiện diện trong nhịp thở của chúng ta. “Tôi cùng
chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi
mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19b-20a).
Cách đây bảy tháng, tôi nhận
được một cuộc điện thoại xin tôi hiến máu cho một em bé sắp mổ tim. Lưỡng lự vì
lúc ấy sắp đến Tết âm lịch, tôi sợ không đủ sức khỏe tận hưởng ngày nghỉ Tết.
Dường như có một sức mạnh vô hình đã giúp tôi sắp xếp một cuộc hẹn để hiến máu.
Tuy nhiên vì sức khỏe em bé không đủ tốt, nên các bác sĩ dời ngày mổ sau Tết. Nằm
trong phòng lấy máu gần hai tiếng đồng hồ, đây là lần đầu tiên trong đời tôi hiến
máu và cũng là lần đầu tiên tôi hiến tiểu cầu. Chính vì hiến tiểu cầu nên thiết
bị y khoa cần thời gian để lọc tiểu cầu khỏi máu và trả máu về cơ thể tôi. Tôi
ước mong tiểu cầu của mình sẽ giúp ích cho em bé. Ngày qua ngày, niềm hy vọng của
gia đình em bé ngày một lụi tàn vì trong khoảng bảy tháng vừa qua, em bé ba tuổi
phải mổ bốn lần. Em xanh xao, gầy guộc và hốc hác mỗi ngày một nhiều. Cuối
cùng, Chúa đã xướng danh em và em Sylvester đã đáp lời vào cuối tháng tám năm
2012. Hôm nay, tôi muốn cùng em Sylvester và quý độc giả tôn vinh Đức Kitô chịu
đóng đinh, và cùng Người, chúng ta chiêm ngắm dung nhan phục sinh vinh hiển.
Ấn tượng sâu sắc trong tôi
về em là tuổi em quá nhỏ để phải nhịn đói hơn mười bốn tiếng đồng hồ trước lúc
lên bàn mổ. Tôi xót xa. Em và gia đình hy vọng rằng chịu đựng cái đói, sự đau đớn
thể xác một khoảng thời gian vắn vỏi để được sức khỏe dài lâu. Rõ ràng, đứng
trước sự lựa chọn, ai trong chúng ta cũng lưỡng lự và suy nghĩ. Chọn cái này phải
chấp nhận hy sinh cái kia. Em Sylvester chọn sức khỏe cường tráng phải vật lộn
với ca mổ tim. Trong đời, hơn một lần, tôi và mọi người phải đưa ra một quyết định
dứt khoát, có thể khi chọn ngành nghề để học, lựa chọn công ăn việc làm, khi chọn
bạn đời trong hôn nhân hoặc quyết tâm chọn lựa lối sống triệt để ba lời khuyên
Phúc Âm… Khi đưa ra quyết định cuối cùng của sự chọn lựa, chúng ta mơ ước sự
bình an, hạnh phúc. Đôi khi phải chấp nhận đau khổ trong sự lựa chọn để mong mỏi
một tương lai an vui.
Ở đỉnh cao của nỗi khổ
đau, chúng ta mong muốn phép lạ xảy đến hầu xua tan bóng đêm đau khổ. Ở tận
cùng của hố thất vọng, mong đợi ngón tay Thiên Chúa búng một phát để chúng ta
bay vút lên thật cao. Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy: dường như Thiên Chúa lo lắng
nhiều chuyện quá, cho nên Người bỏ quên chúng ta trong hoàn cảnh đau thương.
Cũng chính kinh nghiệm cuộc đời dạy rằng: đau thương vẫn mang đến một giá trị tốt
để chúng ta nhìn ra giới hạn của kiếp người. Nhiều ý kiến cho rằng điều khôn
ngoan trong lúc đối chọi với căn bệnh tim là gia đình em Sylvester nên tìm kiếm
các lương y giỏi, giàu kinh nghiệm, không nên “mê tín” nơi kinh nguyện giáo đường.
Miệng đời được dịp gièm pha khi đứng trước sự ra đi của em về cõi vĩnh hằng.
Nhưng ở đây, tôi lại khám phá ra hình ảnh Đức Giêsu chịu đóng đinh trong biến cố
đau buồn của gia đình em Sylvester.
Trên núi Sọ, một vì Thiên
Chúa làm người chịu đau khổ treo trên Thánh giá. Nhiều người, có lẽ cả Giuđa
Iscariot, nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ biến hóa huy hoàng để bứt Mình khỏi thập tự.
Cuối cùng, vị Thiên Chúa làm người chịu chết đau thương. Phải chăng chính Đức
Giêsu cũng cảm nghiệm Thiên Chúa đang bỏ rơi mình (x.Mc 15,34)? Lẽ nào chúng ta
đặt dấu chấm hết ở thập giá Đức Giêsu? Điều này chẳng khác nào như lời của
Thánh Phaolô “nếu Đức Kitô không trỗi dậy
thì lòng tin của anh em là hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của
anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu
chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những
kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19). Chẳng lẽ, các chứng nhân
Kitô giáo chịu bỏ mạng chứ không bỏ đạo trở thành những người đần độn à? Tôi mời
quí vị độc giả đọc lại vài dữ kiện Kinh Thánh để tiếp tục suy tư.
Trước hết, các vị Tông Đồ
vốn là những người nhát đảm trốn kín trong nhà tiệc ly sau biến cố thập giá của
Đức Giêsu (x.Ga 20,19.26), vì lý do gì lại trở nên mạnh mẽ làm chứng cho Chúa
Kitô trước mặt toàn dân (x.Cv 2,5-36…) và vua chúa quan quyền (x.Cv 4,1-22…)?
Các ông đã từng sợ bị liên lụy vì nghĩa thiết với Đức Giêsu nên chạy trốn quân
lính trong vườn Cây Dầu (x.Mc 14,50) và đứng phía xa xa trong lúc xét xử (x.Lc
22,54. 23,49). Các ông đã từng sợ các luật sĩ, biệt phái mở rộng vụ án của Đức
Giêsu nên khóa chặt cửa và chỉ dám rón rén lưới cá đêm hôm (x.Ga 21,2-14). Quả
thực, Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu treo trên thập giá, đã trỗi dậy từ cõi chết và
hiện ra với các Tông Đồ, chính Đấng ấy ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần (x.Ga
16,5-15;20,22; Cv 2,1-4) nên các chứng nhân Kitô hữu trở nên mạnh mẽ bảo vệ
chân lý mà họ được mặc khải. Chính nhờ đau khổ thập giá, Đức Kitô đã chết nay
trỗi dậy, hứa hẹn sự phục sinh của người Kitô trong ngày Quang Lâm.
Kiếp người rất ngắn ngủi
còn ý định của Thiên Chúa lại trải rất dài. Do đó nhiều khi tưởng chừng Thiên
Chúa bận rộn nên bỏ rơi chúng ta, hóa ra Thiên Chúa đang giúp chúng ta lột xác
để đẹp hơn. Hạt giống phải chết đi, mới trổ sinh bông hạt (x.Ga 12,24). Đến
đây, tôi mới thấm thía xác tín của Thánh Phaolô: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ còn người Hy
Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng
đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho
là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay
Hy Lạp, Đấng ấy là Đức Kitô, là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì
cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối
của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25).
Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu
treo trên thập giá, chúng ta nhìn thấy hình ảnh đau thương của Chúa Cứu Thế.
Người chọn lựa đường cứu độ theo cách của Người. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn
mang ít nhiều tâm tình thương cảm Đức Giêsu bị đau khổ, nhục nhã, đáng thương…
Tình cảm này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì chúng ta quên rằng Thiên Chúa không dừng
lại ở thị giác và cảm giác này. Người dùng hình ảnh thập giá để làm chìa khóa mở
ra cánh cửa phục sinh.
Suy tôn Thánh Giá Chúa không phải là hành động tôn vinh
một xác chết rũ rượi, nhưng là tôn vinh chính thân xác bị treo tòng teng ấy đã
phục sinh và đang hiện diện trong nhịp thở của chúng ta. “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng
không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19b-20a).
Ướm mọi
biến cố vui, buồn, sướng, khổ của chúng ta sát với cuộc sống của Chúa là chìa
khóa giúp ta mở ra cánh cửa hạnh phúc, bình an. Ước gì, cùng với lời tuyên xưng
của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galat, tôi cũng như mọi người thở cùng
một nhịp với nhịp thở của Đức Kitô là đầu và Giáo Hội là thân mình. Khi ấy, hơi
thở của chúng ta trong môi trường sống sẽ làm cho những người xung quanh nhận
ra chính chúng ta “được hưởng niềm vui của
Chúa” (Ga 15,11).
Lg.hungson@gmail.com