1. Người chủ mạnh nhất đang lãnh đạo nhân loại hiện nay là ai?
Theo tôi, đó là lòng ham muốn.
Có nhiều thứ ham muốn, nhưng ham muốn được coi là khá mạnh hiện
nay chính là ham muốn thỏa mãn những gì mình ưa thích, mà coi nhẹ hoặc loại trừ
những gì Chúa muốn.
Theo cách nói của Phúc Âm, thì những gì mà phần đông nhân loại
ham muốn như thế, chính là “cửa rộng và con đường thênh thang”
(Mt 7, 13).
Mặc dầu người ta biết ham muốn đó có thể là nguy hiểm cho phần rỗi,
nhưng người ta vẫn ham muốn của mình được thỏa mãn. Chúa Giêsu phán: “Hãy
qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà
nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống, nhưng
ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).
Chứng tỏ rằng có một thứ ham muốn rất mạnh. Nó muốn thỏa mãn những
gì mình tự nhiên ưa thích, bất chấp Chúa có ưa thích hay không. Nhiều khi những
ham muốn đó trở nên như cơn giông bão, tàn phá những vùng chúng tràn qua.
2. Ham muốn đó mạnh đến nỗi người ta thà chọn nó
hơn là chọn lời mời gọi của Chúa. Phúc âm thánh Luca kể lại chính lời Chúa
Giêsu nói ra điều thê thảm đó.
Chúa Giêsu ví Nước Thiên Chúa như một bữa tiệc lớn. Chúa mời nhiều
người đến dự tiệc đó. Nhưng “mọi người nhất loạt đều xin kiếu. Người thứ
nhất nói: Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm, cho tôi xin kiếu. Người
khác nói: Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây, cho tôi xin kiếu. Người khác
nói: Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14, 18-20).
Trên đây, dụ ngôn chỉ đưa ta ba ham muốn mà người ta cảm thấy cần
được thỏa mãn, bất chấp lời mời vào dự tiệc của Nước Thiên Chúa. Hiện nay những
ham muốn mà người ta bám vào để từ chối lời mời của Thiên Chúa là vô số kể, như
ham muốn mua sắm, ham muốn giải trí, ham muốn cạnh tranh, ham muốn yêu đương,
ham muốn gây uy tín, ham muốn sống tự do thoải mái.
3. Có những ham muốn tốt, nhưng lại đi sai.
Lịch sử tôn giáo cho thấy đã có những ham muốn mang áo đạo đức,
như ham muốn bênh đạo, ham muốn mở đạo. Để thỏa mãn những ham muốn đó, người ta
đã đem quân đi đánh phá những nơi bị coi là cản đạo. Người ta cũng đã lập ra những
tòa án tuyên phạt nặng nề những kẻ bị kết án là sai luật đạo. Án phạt nặng nề
nhất là thiêu sống. Bây giờ thì rõ những ham muốn như thế đã đi sai.
Chính Phúc Âm cho thấy, hồi đó các thượng tế và dân Israel, vì
ham muốn bênh đạo với các luật đạo họ đang giữ, nên đã âm mưu sát hại Chúa
Giêsu. Vì bênh đạo Chúa, nên đã giết Chúa.
Các vị thượng tế hồi đó không phải là những người không có đức
tin, càng không phải là những người thiếu lý trí. Nhưng khi nơi họ ham muốn bảo
vệ đạo trở thành sai trái quá mạnh, phải thực hiện bất cứ giá nào, thì lúc đó đức
tin và lý trí trở thành dụng cụ để ham muốn lợi dụng. Lúc đó đức tin và lý trí
thay vì cản ngăn ham muốn, thì lại tìm cách biện minh cho ham muốn.
4. Hiện nay, những ham muốn sai trái không kiềm chế nổi đang đẩy
thế giới tới một nguy cơ bùng nổ các thứ xung đột cực kỳ thê thảm.
Riêng trong Hội Thánh Công giáo Việt nam hôm nay, nhiều thứ ham
muốn cũng đang xuất hiện. Ham muốn trong lãnh vực đào tạo. Ham muốn trong lãnh vực
tổ chức. Ham muốn trong lãnh vực xây cất. Ham muốn trong lãnh vực làm chứng.
Ham muốn trong lãnh vực tranh đấu.
Ham muốn thực sự xấu không xuất hiện một cách lộ liễu. Nhưng không phải tất cả mọi ham
muốn mang danh đạo đức đều thực sự đạo đức. Có những dòng sông
trên thì phẳng lặng, nhưng bên dưới lại có những con sóng ngầm nguy hại. Cũng vậy,
dòng sông ham muốn bên trên coi như êm đềm, nhưng vẫn lăn tăn những đợt sóng nhỏ
mang chất xấu, nhất là vẫn có những sóng ngầm tai hại.
5. Riêng tôi, ham muốn mà tôi xác tín là rất cần thiết cho tôi,
đó là ham muốn được tái sinh, trở nên con người mới.
Con người mới mà tôi ham muốn là con người có Đức Kitô, “Tôi
sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay, tôi sống
trong xác phàm, nhưng là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu
tôi và hiến mạng sống vì tôi” (Gl 2, 20). Ham muốn có Chúa Kitô trong
mình được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện và phấn đấu để luôn thuộc về Chúa.
Chúa đến với tôi, Chủa ở lại trong tôi. Chúa sống trong tôi. Chúa giải cứu tôi.
Tất cả đều lặng lẽ kín đáo.
6. Con người mới, mà tôi ham muốn là con người biết dùng các ơn Chúa ban
theo ý Chúa. Tôi sẽ như thánh Phaolô cố gắng: “Không làm cho ân huệ của Chúa ra
vô hiệu” (Gl 2,22). Chúa ban cho tôi rất nhiều ơn. Như sức khỏe, thời
giờ, trí thức, kinh nghiệm, địa vị, nhất là đức tin. Tôi không làm cho các ân
huệ đó ra vô hiệu, nghĩa là không những tôi không dùng những ơn đó vào những việc
xấu, cho những mục đích xấu, mà còn phải cố gắng dùng những ơn đó vào những việc
có lợi cho phần rỗi các linh hồn. Những việc như thế có thể là rất bé nhỏ,
nhưng luôn mang một tình yêu lớn.
7. Con người mới, mà tôi ham muốn là con người dựa vào sức mạnh của Thiên
Chúa, mà chịu đựng đau khổ, để rao giảng Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô (x. 2 Tm). Theo tôi
đau khổ lớn nhất chính là sự bất xứng nặng nề của bản thân mình.
8. Những suy nghĩ trên đây đưa tôi nhận xét sau đây :
Nền văn minh hiện nay khuyến khích hưởng thụ, cạnh tranh và sản
xuất đang tạo ra những ham muốn mới nơi mọi tầng lớp trong mọi dân tộc. Những
ham muốn mới càng ngày càng tăng thêm với những sắc mầu hấp dẫn.
Chúng rất độc lập, không nhằm phục vụ đạo đức, trái lại nhiều
khi còn phản lại đạo đức.
Mọi người đều bị những làn gió ham muốn mới hiện nay chi phối,
hoặc nhiều hoặc ít.
Chính những người rao giảng đạo đức cũng không tránh được những
phấn đấu cam go, ngay với chính bản thân mình.
Trong một thời đại, mà đại đa số đồng bào Việt Nam đang vật lộn
với đủ thứ ham muốn nội ngoại, thiết tưởng các môn đệ Chúa nên coi việc giúp đỡ
họ trong việc chọn lựa ham muốn là một ơn gọi khẩn thiết. Cách giúp họ tốt nhất là
gương sáng của chính các môn đệ Chúa, nhất là trong đời sống
tu thân.
Làm gương sáng về đời sống tu thân lúc này đòi rất nhiều can đảm,
và phải có ơn Chúa. Đôi khi đó là một cuộc bơi lội ngược dòng sông lớn.
Lạy Mẹ Maria, xin mẹ
thương ban cho con được ham muốn mến Chúa như Mẹ, và yêu thương mọi người như Mẹ,
mặc dù ham muốn đó đòi con phải đau khổ như Mẹ. Con xin phó thác con cho Mẹ.
Xin Mẹ luôn đỡ nâng con, bởi vì con yếu đuối và hèn mọn.
ĐGM.GB Bùi Tuần