Thánh Gioan Maria
Vianney,
mẫu gương của linh đạo linh mục giáo phận
a. Điển hình cho linh đạo linh mục giáo phận
Chúng ta đã chia sẻ với nhau về
một số khía cạnh nổi bật của linh đạo linh mục giáo phận. Có nhiều gương mặt
linh mục điển hình.[313]
Ở đây, xin giới thiệu thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars, một người thật
sự chiêm niệm trong hoạt động và hoạt động trong chiêm niệm, như là một mô hình
linh đạo linh mục giáo phận.[314]
Hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy mình nơi các nhân vật và hoàn cảnh trong đó, về
khía cạnh tích cực cũng như khía cạnh tiêu cực, để khẳng định con đường đi tới
của mình, không có gì là vô ích, không có gì mà không học được, học với người
tốt để làm theo cái tốt của họ, học với người xấu để không làm theo cái xấu của
họ, hầu điều chỉnh cuộc đời mình ngày càng được biến đổi tốt hơn: càng sống đời
linh mục giáo phận càng trở nên linh mục giáo phận đích thực hơn, theo như lòng
Chúa và Giáo Hội mong muốn.
Trong thư công bố Năm Linh Mục,
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói: “Vào ngày Lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa
Giêsu, ngày thánh hoá hàng giáo sĩ, tôi quyết định khai mạc một “năm dành cho
linh mục” nhân kỷ niệm 150 năm sinh nhật trên trời của Thánh Gioan Maria
Vianney, Bổn mạng của tất cả các cha sở, để thúc đẩy các linh mục dấn thân cho
việc CANH TÂN NỘI TÂM để làm chứng cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn cho Tin Mừng
trong thế giới hôm nay.”
b. Những ngày
thơ ấu
Gioan Maria Vianney sinh ngày
8/5/1786, là người thứ tư trong sáu người con của một gia đình nông dân nghèo
tại làng Dardilly, miền Đông Nam nước Pháp, vào thời Cách mạng Pháp bài tôn giáo
và chống giáo sĩ. Các linh mục phải trốn tránh, chỉ thỉnh thoảng cử hành Thánh
lễ trên những bàn thờ tạm bợ, bằng một cái bàn tầm thường hay một cái thùng úp
sấp, cách âm thầm vào ban đêm. Nhưng đức tin vẫn sống động nơi những bậc cha mẹ
sùng đạo như gia đình Vianney. Em Vianney được người mẹ đạo đức dạy dỗ cách đặc
biệt từ thuở nhỏ và em được rước lễ lần đầu cách bí mật khi được 13 tuổi.
Vianney nhờ các chị dạy cho mà biết đọc biết viết.
c. Thách đố
trên hành trình ơn gọi linh mục
Vì thiếu căn bản ở bậc tiểu học,
cậu Gioan Maria Vianney gặp nhiều khó khăn lớn trong việc học, và gần như không
thể học được tiếng Latinh, vốn cần thiết thời ấy để theo các môn triết học và
thần học. Nhiều lần cậu bị cám dỗ bỏ cuộc trở về làm ruộng với cha mẹ. Nhưng cha
sở thánh thiện Charles Balley nhận thấy cậu có đời sống cầu nguyện sâu xa nên
quyết tâm dạy dỗ và dẫn dắt cậu trên hành trình tiến tới chức linh mục, dù rất
cam go. Vào tháng 12 năm 1813, do điểm quá thấp, thầy Gioan Maria Vianney bị
buộc phải ngưng học làm linh mục và thầy ước ao làm trợ sĩ. Nhưng cha sở thuyết
phục thầy đừng bỏ cuộc, mặc dù có nhiều cản trở lớn. Nhờ lòng sùng kính Đức
Trinh Nữ Maria đã được người mẹ ghi khắc từ thuở nhỏ, sự khích lệ và linh hướng
của Cha Balley, thầy Vianney đã kiên trì trong ơn gọi. Nhưng rồi một lần nữa,
mặc dù tất cả sự huấn luyện và chỉ dạy tận tình của cha Balley, thầy Gioan Maria
Vianney lại bị trượt, vì không thể trả lời bằng tiếng Latinh trong cuộc thi.
Cha Balley thuyết phục được Cha
Chính Bochard cho thi lại tại nhà xứ, và Vianney đã trả lời các câu hỏi rất tốt
bằng tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ. Nhờ đó, con đường tiến tới chức linh mục lại
được mở ra. Cha Bochard hỏi cha Balley là chủng sinh này có lòng đạo đức không,
có sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt và có siêng năng lần chuỗi không? Không hề do
dự, cha Balley trả lời “Thưa có, thầy là mẫu gương về lòng đạo đức.” Do
đó, vào ngày 13/8/1815, tại nhà nguyện chủng viện Grenoble, thầy Gioan Maria
Vianney được truyền chức linh mục, lúc ấy 29 tuổi.
Ngay lập tức, cha Vianney đến thăm
cha Balley, vị thầy già và là người bảo lãnh cho mình để cám ơn và chúc lành đầu
tay cho ngài. Thật là một khoảnh khắc cảm động đối với cả hai vị linh mục. Do
Chúa Quan Phòng định liệu, cha Gioan Maria Vianney được về làm phụ tá cho cha
Balley. Sống với cha Balley, cha phó trẻ theo gương sáng của cha sở, ngày càng
tiến thêm trên đường tu đức. Cha Balley là người sống khổ hạnh, gần như không
bao giờ ăn thịt. Cha phó rất thích theo gương cha sở. Cha Vianney sống đơn sơ,
tử tế và hay mỉm cười với giáo dân, nhưng luôn giữ một sự dè dặt nào đó. Ngài
giảng không hay, nhưng có được một tài năng mà sách vở và trí thông minh không
thể mang lại, đó là đức bác ái, lòng mến siêu nhiên đối với Chúa và một sự khao
khát khôn nguôi muốn đưa các linh hồn về cho Chúa. Từ lâu trước, Vianney đã nói
với mẹ: “Nếu con được làm linh mục, con sẽ đưa thật nhiều linh hồn về cho
Chúa.” Chính lòng khao khát lớn lao đó đã thúc đẩy ngài trong suốt 41 năm
mục vụ sau này.
Cha Gioan Maria Vianney sau khi
chịu chức linh mục vẫn chưa được năng quyền giải tội trong nhiều tháng. Thật lạ
lùng vị linh mục thánh thiện sau này ngồi toà suốt từ 12 đến 16 tiếng mỗi ngày
lại không được cho là có khả năng thích hợp để giải tội! Ngay khi cha Vianney
vừa nhận năng quyền, chính cha Balley là người đầu tiên quỳ xuống xưng tội với
cha phó của mình, khiến một nhà viết sử đã chú thích “Một vị thánh dưới chân
một vị thánh.” Cha Balley tiếp tục dạy cho cha phó của mình mọi khía cạnh
trong thần học luân lý để trang bị cho ngài làm người hướng dẫn các linh hồn tại
toà giải tội.
d. Được bổ
nhiệm làm cha sở họ Ars
Gần 3 năm sau khi chịu chức, vào
đầu tháng 2/1818, cha Vianney được gọi lên văn phòng Cha Chính Courbou và được
cho hay: “Có một giáo xứ nhỏ khoảng 120 linh hồn đang cần linh mục. Chúng tôi
đã quyết định đưa cha tới đó để thay thế cho một cha trẻ 26 tuổi, vừa mới qua
đời vài ngày sau khi nhận bài sai. Cha hãy đến đó, đừng ngần ngại; ở đó có một
lâu đài thuộc quyền tuyên uý của Ars, bà chủ trang trại ấy rất đạo đức và bác
ái.” Cha Vianney mau mắn vâng lời nhận ngôi làng bị bỏ quên và chỉ có thể
đến đó bằng đường cho xe bò đi. Cha Chính nhìn vị linh mục khiêm tốn hoàn toàn
đồng ý với tinh thần đức tin trọn vẹn, không hề có một chút phản đối nào, bằng
lòng rời khỏi vùng ngoại ô nhộn nhịp và giàu có của Lyon để nhận ngôi làng Ars
nhỏ bé nghèo nàn, liền nói thêm: “Làng này không còn mến Chúa lắm. Chính cha
sẽ đổ đầy đức mến trong lòng họ.” Đó thật là lời tiên tri được linh hứng!
Thế là sau Thánh lễ ngày 9/2/1818,
cha sở mới của Ars lên đường, ngài đi bộ kéo theo một xe kéo đựng quần áo và
sách vỡ. Không có ai đón tiếp, ngay cả bà chủ trang trại đạo đức mà Cha Chính đã
nói tới cũng chẳng thấy đâu, ngoài một chú chăn cừu chỉ đường và cha Vianney đã
nói với chú: “Con đã chỉ cho cha đường vào xứ Ars, cho sẽ chỉ cho con đường
lên thiên đàng.” Ngay khi nhận ra là mình đã vào trong vùng đất xứ Ars, cha
Vianney quỳ xuống và thành khẩn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con hoán cải
giáo xứ của con; con sẵn lòng chịu mọi khổ cực Chúa muốn trong suốt đời con.”
Nơi đầu tiên mà cha Vianney đến là
nhà thờ. Nhà thờ hoang tàn, nhưng điều làm cho tâm hồn cha cảm thấy đau buồn hơn
là đèn chầu thì tắt, và Nhà Tạm thì trống không. Nhà xứ cũng không tốt hơn.
Nhưng cha không quan tâm chuyện đó. Từ nay trở đi Nhà Chúa sẽ được rộng mở và
cha Gioan Maria Vianney trở thành người khách thường xuyên. Cha nghĩ mình phải
nêu gương trước, bởi vì linh mục chỉ có thể làm mục vụ tốt hơn nếu dành thời
giờ cầu nguyện. Những người hàng xóm thường thấy cha từ rất sớm cầm đèn đi
từ nhà xứ băng qua đất thánh vào nhà thờ. Một ông sống gần đó rình xem Cha
Vianney làm gì trong nhà thờ từ sớm như vậy. Ông thấy cha luôn quỳ gối cầu
nguyện liền nói với mọi người: “Ngài không như chúng ta.”
Cha Vianney dành nhiều giờ cầu
nguyện, nhưng cha cũng kết hợp cầu nguyện với hoạt động. Bổn đạo của cha đa số
là nông dân, nên cha lựa giờ họ ăn mà thăm viếng. Giờ đó dễ cho cha gặp được họ.
Vì xuất thân từ nông dân, nên cha dễ dàng bắt chuyện với họ. Cha không bao giờ
tỏ ra nóng nảy khi không được tiếp đón tử tế. Cha không bao giờ rời khỏi nhà đó
mà không nói với họ về Chúa và năn nỉ họ đưa con cái đi học giáo lý. Dần dà bổn
đạo bắt đầu thích cha và ít khi ngày Chúa nhật nào mà người ta không thấy một
gương mặt mới xuất hiện trong nhà thờ.
Cha Gioan Maria Vianney dạy dỗ bổn
đạo bằng chính đời sống của ngài. Nhờ gương của ngài, họ biết cầu nguyện, thường
xuyên viếng Thánh Thể. Cha nói với họ: “Chúng ta biết Chúa Giêsu ngự trong
Nhà Tạm. Hãy mở rộng tâm hồn cho Ngài, hãy cảm nếm sự hiện diện thánh thiêng của
Ngài”. Và ngài thúc giục họ: “Anh chị em hãy lên rước lễ, hãy đến với
Chúa Giêsu… Dĩ nhiên, anh chị em không xứng đáng với Ngài, nhưng anh chị em cần
Ngài.” Cách giáo dục tín hữu đến với Bí tích Thánh Thể và rước lễ có hiệu
quả nhất khi họ thấy cha Vianney cử hành Thánh lễ: ngài nhìn Mình Thánh Chúa với
lòng trìu mến biết bao! Ngài thường nói: “Tất cả công việc chúng ta làm không
ngang bằng với Hy tế Thánh Thể, bởi vì chúng chỉ là việc làm của phàm nhân,
trong khi Thánh lễ là công trình của Thiên Chúa.” Cha Vianney xác tín rằng
lòng nhiệt thành của đời linh mục tùy thuộc hoàn toàn vào Thánh lễ. Ngài nói: “Lý
do khiến đời linh mục lỏng lẻo là vì không chú tâm đến Thánh lễ!” Cuộc sống
của ngài thật sự tập trung nơi Thánh Thể. Ngài sống nhiều giờ trước Nhà Tạm.
Ngài làm cho tín hữu nhiệt thành bắt chước ngài đến viếng Chúa, biết rằng cha sở
của mình đang ở đó, sẳn sàng lắng nghe và ban lời tha tội cho mình. Ngài nối kết
đời sống cầu nguyện sâu xa với sám hối và khổ chế. Lời cầu nguyện gắn liền với
sám hối và hành xác luôn được kèm theo câu: “Lạy Chúa, xin giúp con hoán cải
giáo xứ con.”
Nhà xứ là một ngôi nhà nông dân
xây bằng đất bùn, mùa đông thì lạnh giá, mùa hè thì nóng ẩm. Ngài ngủ trên ván
cứng, với một khúc gỗ làm gối kê đầu. Cha bắt mình chịu kiêng khem nghiêm khắc,
ăn rất ít. Ngài áp dụng kỷ luật đánh tội vào mỗi đêm, có khi đến chảy máu, kiệt
sức, mới nằm xuống ngủ. Về sau, khi nhắc lại những hình thức sám hối kinh khủng
ấy, ngài gọi đó là những “ngu dại của tuổi trẻ.” Nhưng ngài tin rằng giáo
xứ được biến đổi là nhờ những đau khổ đó. Một linh mục đến than thở với ngài về
thất bại trong công việc mục vụ truyền giáo, ngài nói: “Cha nói là đã làm hết
mọi điều cha có thể nghĩ tới để hoán cải giáo xứ của cha, nhưng cha có ăn chay,
có chịu khổ chế và có thử ngủ trên sàn chưa?”
Thật sự lúc ban đầu cha Vianney
mới đến, ở Ars người ta không mến Chúa lắm. Giáo dân rất nguội lạnh. Trong năm
mục vụ đầu tiên ở Ars, chỉ có 6 người được rửa tội, hai đám cưới và 3 đám tang.
Rất ít người dự lễ Chúa nhật. Ngài phải chiến đấu với sự thờ ơ, thói ham giải
trí phù phiếm và thiếu nhiệt tình của giáo dân. Cùng với việc cầu nguyện sâu xa,
đền tội và thăm viếng mục vụ, Cha bắt đầu tân trang lại ngôi nhà thờ xứ Ars nhỏ
bé và đổ nát. Nhưng một sự phong phú có tính quyết định hơn đang diễn ra trong
tâm hồn người dân Ars. Cha bắt đầu Hội lần chuỗi Mân Côi với vài cô gái, và làm
sống lại Hội chầu Thánh Thể cho đàn ông và thanh niên. Cha tận dụng các buổi họp
để xây dựng đời sống đạo và khả năng lãnh đạo cho các thành viên.
e. Thành công
và thử thách của Vianney
Dần dà đức tin của bổn đạo lớn
mạnh lên nhờ gương cầu nguyện của cha Vianney. Bà Catherine Lassagne nói về hình
ảnh tuyệt vời của vùng truyền giáo này vào khoảng năm 1827, gần 10 năm sau khi
cha Vianney đến: “Không thể tưởng tượng các ơn hoán cải mà cha sở đã xin được
nhờ cầu nguyện, và trên hết nhờ cử hành Hy tế Thánh lễ. Một cuộc cách mạng thật
sự đã diễn ra trong tâm hồn tín hữu. Sức mạnh của ơn sủng đang tuôn tràn. Có thể
nói “Ars không còn là Ars nữa.” Quả thật, vùng truyền giáo hẻo lánh bé nhỏ
đã đổi thay ngoài sức tưởng tượng. Sự thánh thiện và đời sống chiêm niệm trong
hoạt động của cha sở là nguyên nhân làm nên biến đổi này.
Tuy nhiên, công việc không dễ dàng
đâu. Ngài gặp phải một vài giáo dân chống đối quyết liệt. Họ gọi ngài là kẻ giả
hình và lừa bịp. Họ ném đồ bẩn vào nhà xứ. Thư từ nặc danh gởi lên các cấp thẩm
quyền của Giáo Hội vu khống ngài những thói tật xấu xa nhất. Đức Cha phải gởi
một linh mục thân tín đi điều tra. Cha sở Ars phải uống chén đắng đến cặn. Ngài
còn phải chịu đựng một nỗi thống khổ quá sức ở bên trong, bởi nỗi sợ mình không
đủ khả năng chu toàn bổn phận, sợ mình đang làm sai kế hoạch của Chúa, và sau
cùng là sợ mình sẽ bị luận phạt. Ngài tiếp tục cầu nguyện lâu giờ và hết sức
khẩn thiết.
Vianney còn bị anh em linh mục
nghi ngờ ghen ghét: Khi thấy đông người tuôn đến nghe cha Vianney dạy giáo lý,
một số linh mục (có lẽ vì ý tốt) lo sợ sự dốt nát của ngài có thể làm cho
người ta lạc đạo, nên cùng ký đơn tìm cách vận động Bề trên đổi ngài đi khỏi
Ars. Có người đem lá đơn cho cha Vianney. Sau khi xem, ngài từ tốn lấy bút viết
“Anh em không thấy hết các điểm yếu của con,” rồi ký tên hẳn hoi. Nhóm
anh em nghĩ rằng lần này sẽ chiến thắng, ai ngờ sau khi đọc lá đơn với ghi chú
và chữ ký của Vianney, Đức Giám Mục nói “Anh em về đi và cố gắng làm việc cho
tốt, Vianney là người đạo đức khiêm tốn, tôi giữ lại, nghĩ là ngài sẽ làm ích
nhiều cho các linh hồn.”
Tuy vậy, họ đâu dễ dàng buông tha,
nhiều lúc nghĩ không thể vượt qua nổi, Vianney bị cám dỗ bỏ trốn. Ngài muốn rời
khỏi Ars, nhốt mình trong một tu viện Xitô nào đó. Nhưng Chúa không muốn và ngài
vẫn phải trụ lại. Số là một hôm cực lòng, ngài buột miệng nói với bà bõ “Đêm
nay cha sẽ trốn đi, nhưng con phải giữ kín không được nói với ai.” Bà bõ
không thể giữ bí mật được liền đi nói với cha phó, rồi cha phó lại đi nói với
thầy già. Thầy già nghĩ ra một kế, liền kéo nhau đến gõ cửa phòng cha Vianney
trong sự hết sức ngạc nhiên của cha. Thầy thưa: “Chúng con rất hiểu và thương
cha, chúng con không dám cản cha, nhưng xin cha cho chúng con được tiễn cha một
đỗi đường.” Cha bằng lòng và thầy già cầm đèn dẫn đầu. Cha con đi hết đường
này đến đường khác, tưởng chừng đã bỏ xa Ars lắm rồi. Bỗng nghe tiếng ồn ào mỗi
lúc một rõ hơn, rồi chuông truyền tin vang lên... hóa ra thầy già dẫn đoàn người
đi trốn quay trở lại nhà thờ giáo xứ (Đúng là ‘lão già đa mưu’!). Cha
Vianney đành vào nhà thờ cùng bổn đạo chuẩn bị dâng thánh lễ sáng. Ngài được đức
tin nâng đỡ. Ngài suy niệm cuộc thương khó của Chúa và nâng lòng trí lên Đấng
chịu đóng đinh, và cuối cùng ngài lại được bình an.
Theo gương Chúa Giêsu bị các kẻ
thù hành hạ và xỉ nhục, cha Vianney luôn thinh lặng. Ngài cảm thấy thanh thản
khi phơi bày những vết thương hoằn sâu trong trái tim cho một mình Chúa, diện
đối diện vào những giờ canh thức trước Nhà Tạm. Tuy vậy, điều tệ hại nhất vẫn
xảy đến. Mọi sự không kết thúc bằng sự chống đối của con người. Thần dữ bắt đầu
tấn công. Khi ma quỷ tấn công các tâm hồn như tâm hồn Cha sở Ars, nó biết trước
nó sẽ bị đánh bại và vì vậy nó giận dữ điên cuồng. Trong hơn 30 năm, ma quỷ trút
những cơn giận dữ lên Vianney: nó đánh đập ngài, xô đẩy ngài va vào tường rướm
máu, đốt cháy cả giường ngài nằm... Cha Vianney không nao núng bởi những tấn
công của ma quỷ, ngài đã chiến đấu chống lại nó kịch liệt, không để nó thống
trị. Ma quỷ đã thách thức ngài: “Nếu chúng tao tìm được ba thằng như mày thì
chúng tao mới chịu thua.” Tiếc là mới chỉ có một Vianney, nên chúng ta còn
phải chịu ma quỷ tấn công nhiều lắm.
Dần dà tiếng đồn về sự thánh thiện
của ngài lan xa khỏi làng Ars và vùng lân cận. Khách thăm viếng bắt đầu tuôn đến
từ những nơi gần lẫn chốn xa. Họ đi hành hương, hy vọng gặp một vị thánh tại toà
giải tội. Đã có những phép lạ về ơn hoán cải. Những người dân ở Ars là bằng
chứng sống động về điều đó. Có thể họ nghĩ ngài là một người hay làm phép lạ,
nhưng trên hết họ thấy ngài là cha giải tội, người hướng dẫn lương tâm, vị linh
hướng và người an ủi.
Từ năm 1829 trở đi, Cha Vianney
chỉ có thể rời tòa giải tội vài giờ trong một ngày. Nơi ấy đã trở thành ơn gọi
của ngài trong phần đời còn lại: nhốt mình trong một hộp gỗ chật hẹp, cứ ngồi
giờ này qua giờ khác trên chiếc ghế gỗ xù xì để lắng nghe, lắng nghe và lắng
nghe những lời xưng thú mọi tội lỗi, tìm kiếm ơn thứ tha và hoà giải. Khách hành
hương ngày một nhiều, từ con số khoảng 400 người lên dần đến 130.000 người mỗi
năm chỉ để quỳ dưới chân một cha sở khiêm tốn nơi giáo xứ vùng quê hẻo lánh.
f. Những ngày
cuối đời và phần thưởng
Gánh nặng công việc, sự chú tâm
đến các linh hồn, trải qua hàng giờ tại toà giải tội, canh thức và ăn chay gây
nhiều đau đớn cho Cha sở họ Ars khiêm nhường và thánh thiện. Vào cuối đời năm
1858, Cha Toccanier, cha sở giáo xứ gần đó, hỏi cha Vianney: “Thưa Cha Gioan
Maria Vianney, nếu Chúa cho cha chọn về Thiên Đàng ngay bây giờ hay ở lại tiếp
tục làm việc hoán cải các linh hồn, cha chọn cái nào?” Câu trả lời là “Thưa
cha, con muốn ở lại.” - “Tại sao vậy? Chẳng phải ở trên trời các thánh
rất hạnh phúc, không còn khó khăn, không còn cám dỗ hay sao?” Cha Vianney
đáp: “Đúng vậy, các thánh đủ hạnh phúc, nhưng không thể đưa các linh hồn về
cho Chúa bằng lao công và đau khổ như chúng ta nữa.” Cha Toccanier gặn hỏi
tiếp: “Nếu Chúa để cha ở lại dưới này cho đến ngày tận thế, cha sẽ có đủ thời
giờ cha cần. Vậy cha còn dậy sớm nữa không?” Cha Vianney trả lời trong nước
mắt: “Thưa cha, có chứ. Con sẽ luôn thức dậy lúc nữa đêm. Mệt một chút con
không sợ. Con sẽ là linh mục hạnh phúc nhất vì nghĩ rằng con sẽ ra trước toà
phán xét của Chúa với tư cách mục tử các linh hồn.”
Cha sở thánh thiện của họ Ars lãnh
phần thưởng đời đời ngày 4/8/1859. Với vô số phép lạ trước và sau khi ngài chết,
Án phong thánh cho cha Gioan Maria Vianney được tiến hành và Đức Giáo hoàng Piô
X đã phong ngài lên bậc chân phước năm 1925, và cũng chính Ngài tuyên bố cha
Vianney làm bổn mạng các linh mục nước Pháp. Đức Piô XII phong ngài lên hàng
hiển thánh và đặt ngài làm Bổn mạng các cha sở, “để thăng tiến ơn ích thiêng
liêng cho các cha sở trên khắp thế giới.”
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói
trong Tông thư công bố Năm Linh mục: “Anh em linh mục thân mến, chúng ta hãy
cầu xin Chúa Giêsu cho chính chúng ta học biết một phần chương trình mục vụ của
Thánh Gioan Maria Vianney. Điều đầu tiên chúng ta cần học là triệt để đồng hóa
con người với tác vụ. Nơi Chúa Giêsu, con người và sứ vụ là một: Tất cả hoạt
động cứu độ của Chúa Giêsu là cách diễn tả “ý thức làm con” của Ngài, từ đời đời
luôn ở trước Chúa Cha với thái độ vâng phục, mến yêu đối với Thánh ý Chúa Cha.
Với lòng khiêm nhượng, nhưng quả quyết, mỗi linh mục phải nhắm làm cho mình có
được sự đồng hoá như vậy.”
Mô hình linh đạo linh mục mà cha
Gioan Maria Vianney đã sống đối với chúng ta quả thật là gay go. Chúng ta có thể
nói thời đại ngài đã qua rồi. Nhưng một cách nào đó thời đại của chúng ta vẫn
không khác mấy so với thời biến loạn của thời đại ngài. Phong trào tục hoá,
thuyết tương đối, chủ nghĩa tiêu thụ không kiểm soát, chủ nghĩa hưởng thụ khoái
lạc là những yếu tố gây thiệt hại nặng nề cho con người thời nay. Sự thánh thiện
của linh mục ăn rễ sâu trong Chúa Kitô luôn hiện diện trong Lời Chúa và các Bí
tích, hoàn toàn đồng hoá với Người trong cầu nguyện và hãm mình là những phương
tiện hữu hiệu giúp cho giáo dân hoán cải và biến đổi. Thánh Gioan Maria Vianney,
với rất ít khả năng tri thức hay hùng biện, đã có thể đạt được những gì ngài đã
làm, đơn thuần là nhờ quyền năng của ơn thánh Chúa trong đời sống của ngài. Còn
anh em linh mục chúng ta hôm nay thì sao?
________
Chú thích
[313]
Bộ Giáo Sĩ, Linh mục thừa tác viên
của Lòng Chúa Thương Xót (2011), số 14: ĐGH Gioan-Phaolô II kể đến thánh
Gioan Népomucène, thánh Gioan Maria Vianney, thánh Giuse Cafasso, thánh
Léopold de Castelnuovo, và ĐGH Biển Đức XVI thêm thánh Pio de
Pietrelcina.
[314]
Viết theo bài thuyết trình của Giám mục Vianney Fernando tại Hội nghị
Đào tạo thiêng liêng cho linh mục tại Thái Lan 14-19/11/2010.