HY SINH MẠNG SỐNG MÌNH
1. Trong đời tôi, chưa bao giờ, tại Việt Nam, số linh mục được
tăng thêm nhiều như hiện nay. Cũng chưa bao giờ, tại Việt Nam, vấn đề đào tạo
linh mục được bàn tới nhiều như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ, tại Việt
Nam, hình ảnh người linh mục lại bị tục hoá nhiều như hiện nay.
Khi tình hình Đất Nước đang bị khủng hoảng về đạo đức, thế mà
hình ảnh linh mục lại bị tục hoá, thì đó là vấn đề rất đáng lo ngại, gây xót xa
và bức xúc cho những ai yêu thương Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam.
2. Với tất cả tinh thần trách nhiệm trước mặt Chúa, tôi nghĩ về
ơn Chúa gọi tôi và sai tôi đi. Tôi xin được chia sẻ chân thành.
Thường ngày, Chúa Giêsu gọi tôi qua lời Người trối lại trong bữa
Tiệc ly: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau,
như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).
Tôi coi đó là một lời Chúa gọi chính tôi. Thêm vào lời gọi thường
ngày đó, Chúa lại gọi tôi một cách khẩn thiết hơn, bằng một lời vắn gọn trong
nhiều hoàn cảnh khác thường. Lời vắn gọn khẩn thiết đó được Chúa gởi tới tôi từ
thánh giá trong lúc Người sắp tắt thở. Đó là lời: “Ta khát” (Ga 19,28). Tôi
hiểu là Chúa Giêsu khát khao được chia sẻ tình yêu của Người cho tôi. Người
khao khát tôi yêu mến Người. Người khao khát tôi đón nhận tình yêu của Người.
3. Điều mà tôi dần dần hiểu rõ, là yêu thương như Chúa Giêsu yêu
thương ở đỉnh cao nhất chính là hy sinh mạng sống, như Người thực hiện trên
thánh giá.
Chúa Giêsu nói với ai
về việc hy sinh mạng sống mình? Thưa Chúa Giêsu nói với các tông đồ là những
người đã được Chúa ban chức thánh để chăm sóc đoàn chiên Chúa.
Chúa Giêsu nói về sự hy sinh mạng sống mình trong trường hợp nào? Thưa Chúa nói trong trường hợp Người nói về mục tử nhân lành. Trong bài nói
đó, Chúa nhấn mạnh đến bốn lần việc người mục tử hy sinh mạng sống vì đoàn
chiên.
-
“Mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
-
Khi nói về những chủ chiên bỏ chiên mà chạy trốn, lúc chiên gặp
khó, Chúa nói về chính mình: “Tôi hy sinh mạng sống cho đoàn chiên”
(Ga 10,16).
-
Khi nói về lý do tại sao Chúa Cha yêu mến Người, Chúa Giêsu nói:
“Sở
dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống tôi cho đoàn chiên”
(Ga 10,17).
-
Khi nói về tính cách tự nguyện hy sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên, Chúa Giêsu nói: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được.
Nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18).
4. Như vậy đã rõ Chúa Giêsu kêu gọi các mục tử hãy biết hy sinh
mạng sống mình cho đoàn chiên, không phải chỉ những lúc cần bảo vệ chiên khi có
sói tấn công chiên, mà còn cả những lúc
tự nguyện, khi sự hy sinh mạng sống của mình có lợi cho chiên, để họ được cứu
độ.
Đã hẳn, bổn phận của người mục tử là biết chăn nuôi, biết bênh vực,
biết dẫn dắt, biết quy tụ. Nhưng không phải chỉ có thế. Chúa Giêsu còn nhấn mạnh
đến việc hy sinh mạng sống. Như thế, việc hy sinh mạng sống là đức tính cao quý
nhất của người mục tử theo mẫu gương Chúa Giêsu. Hy sinh mạng sống mình, đó là dấu chỉ chắc chắn nhất, để nhận ra ai là
mục tử đích thực, mà Chúa Giêsu mong muốn.
5. Càng đi sâu vào cuộc đời mục tử, tôi càng khám phá ra sự hy
sinh mạng sống mình nơi người chủ chiên là một đòi hỏi suốt cả đời mình, dù ở
tuổi nào, dù ở nơi nào, dù còn tại chức hay đã về hưu.
Hy sinh mạng sống mình nơi người mục tử thường là những hy sinh không đổ máu. Không đổ máu,
nhưng vẫn là hy sinh. Nghĩa là có đau đớn, vì cuộc sống mình như bị chết đi một
cách nào đó. Nhưng tự nguyện chấp nhận vì yêu thương.
Tôi nghĩ tới nhiều thứ xảy đến cho tôi như những cái chết. Chết
nhiều, chết ít, tất cả mọi cái chết đều đến một cách nghiêm khắc, không chút
khoan dung. Điều quan trọng là tôi biết chấp nhận với tình yêu thương. Về điều
này, xin chớ bao giờ đưa lý thuyết ra mà nói là sẽ dễ dàng. Bởi vì thực tế cho
thấy: Chịu đau khổ mà vẫn biết yêu thương như Chúa Giêsu, quả là không dễ chút
nào.
6. Có thể gọi được là dễ về phương diện đức tin mà thôi. Diễn tiến
sẽ thế này:
Tôi tin: Tình yêu Chúa Giêsu là mục đích đời tôi. Đón nhận tình
yêu Chúa Giêsu, sống trọn vẹn cho tình yêu ấy, đó là căn bản ơn gọi của tôi.
Tôi tin: Khi phải hy sinh mạng sống mình, mà vẫn yêu thương được
như Chúa muốn, là điều rất khó. Nhưng tôi sẽ thực hiện được, nếu tôi có chính
Chúa Giêsu trong tôi. Chúa phán: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì
không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Tôi tin: Hoa trái của sự hy sinh mạng sống mình vì tình yêu theo
gương Chúa Giêsu sẽ là hoa trái của một của lễ. Của lễ của tôi sẽ kết hợp với của
lễ của Chúa Giêsu, để cứu độ nhân loại: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho
chúng ta. Không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, mà còn vì tội lỗi cả thế
gian nữa” (1 Ga 2,2). Như vậy, những cái chết, và những khổ đau vẫn có
thể dùng để phục vụ cho tình yêu. Chính
nhờ đó, mà hy sinh mạng sống mình, theo gương Chúa Giêsu, sẽ làm vinh danh Chúa Cha và có sức cứu các
linh hồn.
Hành trình đức tin như thế đòi tôi phải chiến đấu với chính mình
rất nhiều.
7. Đến đây, tôi thấy thái độ mục tử của tôi đối với đoàn chiên cần
phải xem xét lại. Hiện nay, lối sống thực dụng, lối sống thoải mái, lối sống hưởng
thụ, đang làm cho một số không ít các mục tử xa dần lời kêu gọi của Chúa Giêsu.
Nếu làm mục tử, chỉ được để dâng lễ trên bàn thờ, với những bổng
lộc, chức tước và hình ảnh cao trọng của người cai trị, thì chắc chắn tôi không
đáng gọi là mục tử của Chúa.
Nếu làm mục tử, để có danh dự gọi là tu thân theo Chúa, nhưng lại
có lối sống tự do thoải mái sung sướng hơn đoàn chiên, thì chắc chắn tôi càng
không đáng gọi là mục tử của Chúa.
Nếu làm mục tử, để nhắm vào những thành công về tổ chức, về xây
cất, về các hoạt động bề ngoài, về tiền bạc, về sức khoẻ, tự coi đó như những dấu
chỉ của người môn đệ Chúa, sinh được kết quả làm rạng danh Chúa và cứu các linh
hồn, thì chắc chắn tôi cũng không là mục tử, mà Chúa muốn.
Chúa khát các linh hồn. Chúa khát tình yêu của Người được đón nhận
và được chia sẻ. Một tình yêu luôn tự
nguyện hy sinh mạng sống mình dưới mọi hình thức, để làm vinh danh Chúa Cha và
để cứu các linh hồn. Hãy nhìn Chúa Giêsu trên thánh giá!
Lạy Chúa Giêsu, xin
thương giúp con biết đón nhận và cộng tác vào sự thanh luyện, mà Chúa đang muốn
thực hiện nơi các mục tử của Chúa tại Việt Nam hôm nay.
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN